Trong lời mô tả cách chế tác công cụ đá Hòa Bình dưới đây, không thấy Hà Văn Tấn dùng chữ mài. Nhưng vì ở nơi khác ông xác nhận văn hóa Hòa Bình là văn hóa đá mới, ta hiểu rằng cái lưỡi của những công cụ đá đó là do mài mà có. (Ghè đẽo cũng nên lưỡi, nhưng lưỡi ghè đẽo không sắc bằng lưỡi mài.) (Thu Tứ)



Hà Văn Tấn, “Ðồ đá Hòa Bình”




Công cụ bằng đá (...) đều làm bằng đá cuội (...) ghè đẽo rộng lên cả mặt viên cuội (...) công cụ ghè đẽo một mặt, một mặt giữ nguyên vỏ cuội là đặc trưng của văn hóa Hòa Bình. Một loại công cụ khá phổ biến, điển hình cho văn hóa này là những hòn cuội ghè một mặt hình đĩa, hình bầu dục hay hình hạnh nhân, thường được các nhà khảo cổ học gọi là công cụ kiểu Xu-ma-tơ-ra (...) lấy tên từ hòn đảo nơi tìm thấy kiểu công cụ này đầu tiên. Cũng có những công cụ được ghè đẽo trên cả hai mặt. Tất cả những công cụ đó đều có lưỡi ở chung quanh theo rìa viên cuội, có thể dùng để cắt, chặt hay nạo. Cũng đã xuất hiện những chiếc rìu bằng đá cuội có lưỡi ở một đầu. Ðặc biệt là có loại rìu có bề ngang lớn hơn bề dọc, gọi là rìu ngắn (...)

Phần lớn công cụ đá văn hóa Hòa Bình dùng cho việc chế tác công cụ tre gỗ. Những công cụ đó nay không tìm thấy nữa vì đã mục nát. Công cụ tre gỗ thường xuyên đóng một vai trò quan trọng trong đời sống cư dân nguyên thủy ở Việt Nam và Ðông Nam Á. Chính những công cụ tre gỗ này mới đóng vai trò trực tiếp trong hoạt động săn bắt của họ.


(
Lịch sử Việt Nam, tập I, nxb. Ðại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1983)