“HN60NĐ - Chiến lũy Ô Cầu Dền”




Theo chỉ đạo của Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội, quân dân ở Liên khu II đã tập trung xây dựng chiến lũy Ô Cầu Dền nhằm không cho địch phát triển ra các vùng lân cận.

Tại đây, ta đã xây một ụ chướng ngại vật ban đầu có chiều dài chừng 16m, rộng 8m, cao khoảng 3m. Sau đó ụ chướng ngại vật cứ cao dần theo yêu cầu chiến đấu, cuối cùng cao tới hơn 4,5m. Thân ụ được chôn ba hàng cọc đứng, mỗi hàng 10 cây gỗ có đường kính từ 35 đến 40cm. Sau đêm 19-12, ta bóc ray và tà-vẹt đường tàu điện ken đều trên cả bốn mặt. Lòng ụ được lèn đất đá, kết hợp tre, gỗ rải ngang từng lớp. Để ngăn chặn quân địch có hiệu quả, ta không chỉ đắp ụ mà còn tổ chức các tổ chiến đấu trên ụ và ven đê sông Tô Lịch. Ngay tại chân ụ phía nam, ta khoét sâu thành nơi cất giấu vũ khí, đạn dược, chỗ cho bộ đội nghỉ ngơi giữa các trận chiến đấu và nơi sơ cứu thương binh.

Chiến lũy Ô Cầu Dền đứng sừng sững, chắn kín mặt đường phố (kể cả vỉa hè), cơ giới của địch không thể vượt qua. Từ ngày 25 đến ngày 28-12-1946, địch liên tiếp mở nhiều đợt tiến công vào chiến lũy Ô Cầu Dền. Chúng cho máy bay, đại bác bắn phá, rồi cho xe tăng, xe bọc thép dẫn bộ binh xông lên, nhưng đều bị thất bại.

Đặc biệt, chiều 28-12, Bộ chỉ huy mặt trận tăng cường cho Ô Cầu Dền một khẩu ba-zô-ka. Đây là khẩu ba-zô-ka duy nhất của mặt trận Hà Nội. Chỉ riêng điều này cũng cho thấy tính chất quan trọng và mức độ ác liệt của các trận chiến đấu diễn ra ở Ô Cầu Dền. Nhưng không có cán bộ, chiến sĩ nào biết sử dụng loại súng này! Rất may, lúc ấy có một chiến sĩ người Nhật tên là A-ka-su-da (tên Việt Nam là Tâm) biết cách bắn ba-zô-ka. Sau khi A-ka-su-da chiếm được vị trí thuận lợi trên ụ, ngay phát đầu tiên, anh đã tiêu diệt gọn một xe tăng địch. Tiếp đó, anh hạ thêm một chiếc xe bọc thép. Các chiến sĩ của ta thừa thắng xông lên phản kích làm quân địch khiếp sợ, rút lui. Những ngày tiếp theo, địch liên tiếp tổ chức các đợt tiến công đánh phá ụ Ô Cầu Dền, nhưng vẫn thất bại. Ban ngày lực lượng của ta cầm cự, ban đêm tiến vào tập kích các chốt của địch trong nội thành.

Tại chiến lũy Ô Cầu Dền, có không ít cụ già, em nhỏ, nhà sư, trí thức tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Bằng sự đồng lòng, trí thông minh, lòng gan dạ, quân dân ở đây đã góp phần quan trọng thực hiện thành công quyết tâm đập tan ý đồ “Đánh nhanh, thắng nhanh” của giặc Pháp mà Ban chỉ huy mặt trận Hà Nội đã đề ra.


(Nguyễn Hiền (trung đội trưởng trung đội 1, đại đội 16, tiểu đoàn 212, Liên khu II) kể, Long Khánh ghi, trang
quansuvn.net)