“HN60NĐ - Một gương chiến đấu dũng cảm”




Nhà anh Thìn ở số 68 phố Hàng Nâu. Anh đi làm tại bến xe ô-tô Bến Nứa.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, bến xe tổ chức đội tự vệ công nhân, anh là đội viên sao vuông “áo xanh” được anh em mến phục.

*

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ.

Hai giờ sáng 22/12/1946, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến khu Đồng Xuân Đỗ Tần điều trung đội tự vệ bến xe về giữ chợ Đồng Xuân, giao nhiệm vụ: “… Chợ Đồng Xuân là điểm quan trọng, các đồng chí sống chết giữ cho bằng được. Phải tổ chức thành một trận địa vững chắc…”.

Chiến đấu trong phố, mỗi nhà sẵn là một ụ chiến đấu vững chắc. Còn ở chợ Đồng Xuân, các anh em tự vệ phải đào hố cá nhân dưới gầm các phản thịt, biến phản thịt thành “nhà”. Chợ có năm gian to, năm dãy phản thịt, mặt và chân xây bằng đá và xi-măng, lát gạch men trắng. Mỗi dãy dài 30m, rộng 1m, cao 1m, cứ cách 1m50 lại xây một chân, chia thành từng bàn.

Đào hào trong chợ phải phá nền xi-măng, tay ai cũng phồng rộp. Đào tại gầm phản thịt phải chịu đựng thêm nước cống hôi thối đọng lại. Hai chị Nga, Chúc đã bị ngất, do khí độc xông lên. Chợ Đồng Xuân luôn được Chủ tịch Đỗ Tần cử các chị em xuống động viên, cùng đào. Đã đào hố giỏi lại kể chuyện rất vui, pha trò dí dỏm, “thi sĩ cù” Đỗ Văn Thìn nổi tiếng “cháu ba đời bà Hồ Xuân Hương”. Anh bảo: “Chúng minh đang đào hố cá nhân để thực hiện Bốn tại chỗ: ăn tại chỗ, ngủ tại chỗ, đánh nhau tại chỗ, và chết chôn tại chỗ. Vì thế tôi mới có bài tứ tuyệt tả hố cá nhân đặt tên là… là… là… Vịnh Cái Lỗ”. Mọi người cười phá lên, quên cả mệt nhọc.

Đến đầu tháng 1/1947 các chiến sĩ vẫn giữ vững khu Đồng Xuân.

*

Đêm đốc gác 6/1/1947, tiểu đội trưởng Thành Trường bàn với tiểu đội phó:

- Anh Vinh Đốp ạ! Chào mừng ngày thành lập Trung đoàn Thủ đô, tôi định tổ chức tập kích nhà Lục lộ để cho chúng biết tay. Anh xin ý kiến lãnh đạo nhé!

- Đúng, nó là cái gai nhức nhối luôn “nhòm ngó” vào chợ của ta. Kế hoạch anh thế nào?

- Ta phân công bốn người. Đỗ Văn Thìn trèo cột đèn trước cổng ném lựu đạn, bắn tiểu liên vào. Tôi, Khang, Thọ bắn yểm trợ và bắn tỉa khi chúng nhô ra.

Kế hoạch thực hiện. Thìn trèo lên cột đèn ròn rã “tiến công” nhà Lục lộ, nhưng được một lúc anh bị địch bắn rơi xuống đất, thêm lựu đạn địch quăng ra nổ gần người, anh ngất đi, người đầy máu. Các đồng chí đưa anh về quân y cấp cứu. Khi xem vết thương, chị Lan y tá băn khoăn nói với bác sĩ Thuận: thuốc gây mê chúng ta vừa hết mà anh Thìn bị nhiều mảnh lựu đạn găm vào người, mổ sẽ rất đau đớn.

Vừa lúc đó Thìn chợt tỉnh nghe thấy nói ngay:

- Không thuốc mê tôi vẫn chịu đựng được, xin bác sĩ cứ làm.

Chị Lan kể: Trên người anh Thìn găm hơn chục mảnh lựu đạn, lúc bác sĩ Thuận trưởng ban quân y mổ, nói rạch thịt ra mới đúng, anh nghiến răng, bàn tay run bần bật, tôi thương anh quá, nước mắt chảy đẫm cả khăn bịt miệng. Khi lấy hết các mảnh lựu đạn, anh Thìn ngất tiếp...

Thế mà ít hôm sau, Thìn đã về giữ chợ Đồng Xuân!

*

Sau ngày 15/1/1947, trung đội giữ chợ chọn 13 chiến sĩ quyết tử để lại.

Tờ mờ sáng 14/2/1947, địch dùng lực lượng rất hùng hậu tấn công toàn khu Đồng Xuân.

Đỗ Văn Thìn được phân công giữ ụ súng số 2 ngăn địch từ chùa Huyền Thiên đánh sang. Thìn đã cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững trận địa. Tám giờ sáng kết thúc đợt 1, địch chưa lọt được vào chợ.

Đợt 2, địch tập trung nhiều quân, dùng xe tăng húc đổ cổng sắt phụ phía Hàng Khoai. Các chiến sĩ thuộc như lòng bàn tay mọi ngóc ngách, hào, ụ, nên vừa đánh vừa nhử địch vào sâu bên trong để “chơi ú tim” và “tiếp đón tận tình”. Bị thương vong nhiều, chúng la thét kêu khóc vang cả chợ. Khi địch mò đến “tiểu đội bộ”, Thìn chợt thấy tiểu đội trưởng Thành Trường đang nằm ở tư thế bất lợi quần nhau với một tên lính mũ đỏ trên phản thịt. Tuy lúc ấy đã bị thương, Thìn vẫn bò tới dùng báng súng đánh vào đầu gối tên địch khiến nó khuỵu xuống, bị anh cùng Thành Trường đâm chết. Do đứng lên, bị lộ, tên địch phía sau lưng quạt vào anh một băng tiểu liên, Thìn ngã gục. Thành Trường bắn hạ tên địch rồi hô: “Toàn tiểu đội xung phong!”… Địch phải lùi dần, rút khỏi chợ kết thúc đợt 2.

Anh em khiêng xác Thìn về đặt dưới hào nơi gian buồng bán vé bên trái cổng chợ. Bốn mươi ba năm sau, Thành Trường vẫn nhớ chỗ Thìn nằm. Khi đào tìm, chỉ nửa tiếng đã trông thấy hài cốt của anh.

Sáng 16/1/1990, đồng đội, gia đình và cán bộ ngành Lao động Thương binh Xã hội đưa hài cốt anh về nghĩa trang liệt sĩ.

Để ghi nhớ công ơn các liệt sĩ tử thủ chợ Đồng Xuân, Thành ủy và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã cho dựng tại chỗ một phù điêu bằng đồng.

UBND phường Đồng Xuân đã làm nhà bia liệt sĩ tại chùa Huyền Thiên. Tên Đỗ Văn Thìn cùng các đồng đội được khắc trên bia đá.

Hy sinh khi mới 19 tuổi, anh đã chết vinh quang trong tinh thần “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh”.


(Vũ Tâm (nguyên tự vệ thành khu Đồng Xuân, Liên khu I), trang
quansuvn.net)