Nguyễn Huy Tưởng, “Nín thở đợi nghe Voi”




Mắt Loan lóa lên. Một cái đầu xe điện và hai cái toa đỗ giữa đường không biết từ bao giờ, chắn ngang cái ngõ thông vào phố Gia Ngư. Chân anh như bị chôn xuống vỉa hè không rút lên được. Không có một tiếng động. Tiếng đục tường đã ngừng lại. Chiều buốt tê. Mắt anh dán vào mấy hình thù sừng sững trước mặt như đang cao lên, dài ra, và bị thui đen đi dần.

Anh giật mình. Một đám người ẵm con dắt trẻ hấp tấp qua đường, lấm lét nhìn cái xe điện, ngó trước ngó sau, rồi đi như chạy...

Một anh tự vệ đeo súng lục, giục mọi người đi nhanh bằng cái giọng ôn tồn mà trong những giờ phút nghiêm trọng con người ta thường nói với nhau. Một tiếng gọi xe đứt hơi không có tiếng xe đáp lại. Bốn bề lại im lặng, chỉ nghe thấy tiếng gió thổi làm động những cánh cửa, tiếng dây thép vo vo như khi nó kêu độc tôn trên đường sắt giữa cánh đồng.

Dưới ánh sáng điện vừa bật, những khẩu hiệu “Thanh niên sống chết với thủ đô” chữ đỏ nền trắng dán la liệt khắp nơi bỗng bừng lên như chớp lòe trong một buổi hoàng hôn nắng quái trước cơn giông. Đầu phố, một đôi trai gái, những người tình nhân lạc điệu, khoác tay nhau trở về hối hả như chạy mưa. Tiếng người con gái khóc. Họ ôm nhau hôn vội vã, rời nhau, người thanh niên biến vào cái ngõ tối mà toa xe điện đã chắn ngang.

Trên những gác cao, anh em tự vệ ra đứng mỗi lúc một nhiều. Loan ngửa mặt nhìn trời. Trong đám mây trôi, bập bềnh vài ngôi sao...

*

Quốc Vinh cúi xuống bàn làm việc, chỉ lên cái bản đồ thành phố, báo cáo với đồng chí phái viên của Khu ủy khu XI. Anh nói thì thầm, tiếng phào đi như hơi thở:

- Chúng tôi đã tổ chức hướng dẫn dân chúng tản cư như sau: Khi nổi hiệu kháng chiến, những khu phía bắc và tây hồ Gươm, từ Cửa Nam đến hồ thì rút về phía đông bắc, tức phía bờ sông Hồng để ngược mãi lên bãi Phúc Xá hạ, Chèm, Vẽ. Những khu phía đông thì rút xuống bãi Phúc Tân để theo dọc bờ sông tiến về phía Cơ Xá, Thanh Trì. Những khu phía nam thì rút về Bạch Mai và Quỳnh Lôi. Trường hợp không chạy được thì ở trong nhà, rồi bố trí cho ra sau.

- Dân chúng còn lại là bao nhiêu?

- Khoảng bốn nghìn. Phần thì tiếc của, phần thì tình cảm lưu luyến thủ đô, phần thì chủ quan, cho là Hồ Chủ tịch sẽ lại dàn xếp được như hồi mồng sáu tháng ba. Từ sáng ngày, lại vận động riết. Cái khổ là không nói thật được vì nguyên tắc bí mật.

- Vấn đề tản cư hẵng tạm như thế. Đồng chí Bí thư đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Còn tác chiến?

Quốc Vinh lại chỉ lên bản đồ:

- Nhà máy điện, máy nước Yên Phụ, đã bố trí một đội đặc vụ phối hợp với anh em công nhân để phá hủy ngay khi có pháo lệnh. Cầu Long Biên, một đội quyết tử gồm bộ đội và tự vệ chiến đấu đã có kế hoạch phá nhịp giữa. Két nước ở vườn hoa Hàng Đậu, nhà máy đèn Bờ Hồ cũng đã bố trí xong. Vườn hoa Cửa Nam thì đồng chí Vi Dân trực tiếp đặt bom để phá đoàn xe của nó tiến vào đường Tràng Thi. Trong thành, xưởng sửa chữa vũ khí của nó, đã có kế hoạch phá hủy từ mấy hôm trước. Anh em công nhân rất quyết tâm, rất hăng…

Anh nhoẻn miệng cười:

- Chúng tôi đã hạ quyết tâm thực hiện bằng được. Thành thì đỡ đổ máu nhiều lắm. Trường bay Gia Lâm bên ấy mà cũng giải quyết gọn, cái khoản máy bay của nó mà bị tiêu nữa thì...

Mọi người cười:

- Nhất cái khoản máy bay đấy.

Nhưng tiếng cười tan ngay, mặt mọi người trở lại trầm ngâm. Đồng chí phái viên ngừng tay ghi, nói rất khẽ:

- Bên ấy các đồng chí chúng ta và đại biểu nhân dân tám xã cũng đã thề sẽ phá tan trường bay.

Đồng chí nhìn đồng hồ:

- Hơn sáu giờ rồi. Chết chửa. Sao chóng thế này. Mình phải về báo cáo. Nếu có gì khác thì trên sẽ thông tin bằng vô tuyến điện. Bằng không cứ như thế này tiến hành.

Họ đứng cả dậy. Đồng chí phái viên hỏi thêm:

- Tinh thần cán bộ, bộ đội, tự vệ thế nào?

- Nói chung tốt. Nhưng cũng có một số các cô, các cậu bỏ đi, trong đó có cả vài người tôi đã tưởng rất chắc chắn.

- ... Thôi mình đi nhé. Thắng lợi nhé.

Quốc Vinh tiễn họ ra cửa. Bên ngoài chỉ có tiếng gió và ánh đèn đường. Phố thăm thẳm như chực nuốt lấy người. Quốc Vinh chỉ lên trời:

- Chốc nữa nhé. Tôi gửi lời hỏi thăm sức khoẻ tất cả các đồng chí và nhân dân ở ngoài.

Họ đạp xe phóng đi. Anh trở vào. Gian phòng lạnh và trống hoác. Đèn ống sáng dịu lạnh tanh. Gió ở lỗ tường đục bên phải thổi như đưa từ hang sâu lên.

Quốc Vinh đã quen họp hành, giải quyết công việc. Nhưng chưa bao giờ anh phải đối phó với nhiều việc cùng đến một lúc như trong ngày hôm nay. Người anh lại yếu, hậu quả của những trận tra điện lộn mề gà mà anh đã phải chịu hồi bị mật thám bắt năm bốn mươi hai. Thầy thuốc khuyên không nên thức quá chín giờ, nhưng anh làm sao thực hiện được lời khuyên ấy. Mấy đêm liền không ngủ, người bã ra. Anh lo không biết có thể đảm đương công việc không?...

Đồng chí thư kí ở nhà bên chui qua lỗ tường sang, đưa anh một tờ giấy để kí tên đóng dấu. Anh lấy trong túi ra con dấu mới tinh của Ủy ban kháng chiến Liên khu I. Đây là cái lệnh số một, trưng dụng xẻng cuốc nhà Quảng Xương Long. Anh cho con dấu vào túi, quay lại, cười với đồng chí thư kí:

- Thế là kháng chiến thôi. Vui chứ đồng chí?

- Thưa anh vui lắm. Mong mãi.

- Cố lên. Chốc nữa chúng nó chết. Bây giờ mới được trưng dụng đây. Làm cách mạng khổ thật, nắm chính quyền mà có nhiều lúc không được sử dụng quyền. Nhớ nổ súng rồi mới đưa lệnh này ra nhé. Đưa trước lộ. Xẻng cuốc về phân phát ngay cho tự vệ.

Đồng chí thư kí nói:

- Thưa anh còn mấy việc.

- Đồng chí nói.

Đồng chí thư kí đọc từng việc ghi trong sổ:

- Xin anh cho một cái máy chữ. Cái máy chữ của ta xấu lắm. Đánh là băng nó rối tung.

- Những cái này phải lo từ trước chứ. Bây giờ lấy đâu? Tạm vậy. Kháng chiến thế nào xong thôi cũng được.

- Tuyên truyền đang bí bài hát. Đề nghị giải quyết.

- Có Diệt Phát-xít, Chiến Sĩ Việt Nam, Đoàn Vệ Quốc Quân, Xuất Quân, còn gì nữa!

- Không đủ ạ.

- Thì có cậu gì mới đến đấy, bảo làm thơ thêm vào.

- Các chị đề nghị hát Suối Mơ, Đàn Chim Việt...

- Đánh nhau mà lại Suối Mơ! Còn Đàn Chim Việt thì cái tên được đấy. Nói với đồng chí trưởng ban là cứ liệu mà giải quyết. Cứ bài nào động viên được tinh thần chiến đấu thì chọn. Bảo anh ấy chuẩn bị máy in, có tài liệu phải cấp tốc in ngay đêm nay. Hỏi cái hiệu triệu của Ủy ban đã xong chưa? Nổ súng một cái là tung ngay cái hiệu triệu của Hồ Chủ tịch và của Ủy ban.

- Vâng. Tôi đã hỏi rồi. Việc thứ ba, anh em tự vệ hỏi khi đánh nhau thì vấn đề chó thế nào, để hay giết?

- Giết.

- Việc thứ tư. Đồng chí Sĩ đề nghị trưng dụng mấy nhà bào chế.

- Được, làm như đối với Quảng Xương Long.

- Đồng chí Sĩ hỏi ý kiến: cả bác sĩ Quán, bác sĩ Pha đều không nhận làm trưởng ban quân y, và đề nghị đồng chí Sĩ làm, hai ông ấy bảo không quen tổ chức. Đồng chí Sĩ không muốn nhận, nói đây là một vấn đề chính trị.

- Đúng. Nhưng về tổ chức phải giúp các ông ấy. Phải động viên lòng yêu nước của bác sĩ Quán, nghe nói khiếp sợ địch lắm. Đối với bác sĩ Pha phải rất trọng. Người ta mới ở Pháp về, lại là một đại trí thức. Phải theo dõi, nhưng cũng phải hết sức bảo vệ.

- Đồng chí Sĩ lại xin phép đưa vợ con tản cư rồi về ngay.

- Bảo về ngay không không kịp. Sáu rưỡi rồi đây này. Bảo làm thêm cáng đã làm chưa?

- Chưa được báo cáo.

- Thôi chứ?

- Thưa anh, còn một vấn đề nữa. Cụ Chủ tịch hành chính và cụ Chủ tịch Liên Việt báo cáo là số dân chúng còn ở lại không phải là bốn nghìn…

- Bao nhiêu? Năm nghìn...

- Không ạ. Thưa anh đến hơn hai vạn.

- Hai vạn?

Quốc Vinh đang ngồi đứng phắt dậy, đầu choáng như bị ai bổ mạnh. Anh thừ ra một lúc, lầm bẩm: “Đồng chí bí thư đã dặn. Phen này thì mất đầu!”. Anh cố giữ bình tĩnh:

- Hết chứ? Việc này là lớn nhất, đáng lẽ đồng chí phải báo cáo từ đầu. Thôi được.

*

Quốc Vinh khẽ đặt cái ống nghe xuống bàn, nhìn Oanh và hai đồng chí nữa ngồi trước mặt. Họ đã hẹn sẽ gặp nhau trước giờ nổ súng. Anh nói rất gọn và nhỏ:

- Pháo đài Láng chuẩn bị pháo lệnh kháng chiến.

Lời nói âm vang trong lòng mọi người. Không ai nói gì. Mắt họ sáng lên, tiếp tục dán vào cái đồng hồ đeo tay của mình. Bốn bề lặng lẽ.

Quốc Vinh như trông thấy các chiến sĩ đang tiến sát tới cầu Long Biên, Cửa Đông, Cửa Bắc (Cửa Nam đã đặt bom), những ống hơi của Sinh sắp nổ trong lò than của quân xưởng Pháp trong thành, bộ đội ở Bắc Bộ phủ đang chong súng, lực lượng ở các ô Cầu Rền, ô Chợ Dừa, ô Cầu Giấy đang triển khai đội hình vít quân giặc lại, trường bay Gia Lâm sắp bốc cháy...

Chuông đồng hồ Nhà thờ Lớn, ở đây nghe chỉ văng vẳng, thong thả điểm tám tiếng. Im lặng lại trả về im lặng. Kim phút nhích rất chậm. Thì giờ đi, nặng như kéo theo sau một quả núi.

Họ lắng nghe, gần như nín thở. Trong cái tĩnh mạc của thành phố bỗng có tiếng sành sạch, sành sạch, tiếp theo một tiếng nổ ùng oàng vang trời.

Oanh nẩy người, níu người đồng chí ngồi bên, kêu:

- Có lẽ rồi...

Quốc Vinh đứng dậy hét to như để bù những ngày giữ gìn:

- Tiêu diệt thực dân Pháp!

Tiếng anh chìm trong nhiều tiếng nổ lớn. Đèn nê-ông vụt tắt. Họ ôm choàng lấy nhau trong bóng tối. Họ chuyền cho nhau sổ tay để kí dưới ánh sáng lay động của nến. Oanh quay mặt để giấu những giọt nước mắt chảy trên gò má.

Ngoài đường vang những tiếng reo, tiếng chân chạy, và tiếng chó sủa vang. Ai đó đang chạy, nói lớn, như với chính mình:

- Kháng chiến rồi!