Voi Láng vốn là những khẩu cao xạ. Trong đêm khai mạc, ta bắt voi làm pháo mặt đất cho tướng tá Tây nếm mùi pháo kích. Thứ hiệu lệnh kháng chiến tuyệt vời! Chỉ hai hôm sau, trong vai ban đầu, voi cũng hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. “Gậy ông đập lưng ông”, sướng thật. (Thu Tứ)



“Voi Láng gầm lên”

Quang Dũng







Người ta bây giờ không chỉ biết Láng về cây húng và chùa mà còn hay nhắc đến pháo đài Láng, nơi có cỗ đại bác đã nã phát súng đầu tiên khởi lệnh trường kỳ kháng chiến chống Pháp (...)

Phát súng bắn vào tổng hành dinh quân Pháp đóng trong thành Hà Nội là phát súng mở màn cuộc chiến đấu của quân và dân ta để chấm dứt thời kỳ nô lệ kéo dài hàng trăm năm. Ông voi Láng được vinh dự gầm lên phát súng lệnh ấy (quân ta thời kháng chiến chống Pháp thường gọi những khẩu đại bác là voi) (...)

Ở nhà ông chủ nhiệm cũ của hợp tác xã Láng (...) tôi được xem tấm ảnh chụp khẩu pháo (...) Bức ảnh này đã có ở bảo tàng và có in lên một trang báo để kỷ niệm ngày Toàn quốc Kháng chiến. Ông chủ nhiệm ngày ấy là một chiến sĩ đứng bên các cán bộ quân sự đang nghiên cứu bản đồ chọn những vị trí trong thành ta sẽ giọt pháo vào. Ông Bản vuốt đầu cười nói: “Ấy, những đồng chí đứng quanh khẩu pháo khi chụp bức ảnh này đều đã tóc bạc cả rồi. Người trẻ nhất nay cũng gần 60 tuổi rồi. Lúc ấy tôi ở địa phương, nên có tham gia vào việc bảo vệ pháo đài.”

Chúng tôi xoay quanh chuyện ông voi Láng đã vào lịch sử này (...)

Năm 1940, cuối thu, Pháp về cánh đồng Láng đặt bốn khẩu pháo 75 ly, sau khi bên chính quốc đã đầu hàng Đức phát-xít. Mục đích của bọn Tây là sẽ chống nhau với Nhật đến cùng để giữ lấy độc quyền của chúng ở cái thuộc địa béo bở này. Nhưng rồi Nhật đảo chính Pháp. Quân Nhật kéo về đầy đường Láng chiếm pháo đài của quân Pháp. Tổ Việt Minh ở Yên Lãng lúc đó đã thấy những khẩu pháo ấy sẽ là của cách mạng (...) Anh em bố trí luôn luôn theo dõi tình hình và vị trí nơi để pháo. Pháo đài ở sát những thửa ruộng, nên các đồng chí mình cứ vờ làm việc nông dân mà dò xét tỉ mỉ. Có lần anh em tát cá ở gần đó, vờ lấy lòng bọn quân Nhật, đem cá to biếu pháo đài. Bọn Nhật a-ri-ga-tô, a-ri-ga-tô luôn miệng, cho anh em mang cá vào tận sân để đưa cho bọn lính nấu bếp. Dịp ấy, tiểu tổ Việt Minh Yên Lãng được thấy tận mắt chỗ đặt súng, chỗ cất đạn. Nhưng chỉ ít lâu sau, Nhật đã phải bàn giao những khẩu pháo cho quân Tưởng (...) Bọn lính Tàu Tưởng đến chỉ vài hôm là đã thấy bọn gian thương ở Ngũ Xã kéo đến thậm thụt mua vỏ đạn. Tên Hoa, người Yên Lãng, đã nhanh chóng trở thành kẻ làm môi giới cho bọn lính Tưởng và bọn chuyên môn đi mua nguyên liệu về bán cho những nhà đúc đồ đồng Ngũ Xã. Bọn Tàu tháo những viên đạn pháo, lấy các-tút bán cân, để khuân đi cũng đã khá nhiều. Tổ Việt Minh ở Yên Lãng lặng lẽ bố trí phục kích các ngả đường để chộp bọn gian thương. Tối ngày 25 tháng 11 năm 1945 hai trung đội tự vệ xã bắt gọn một xe tải chở đầy vỏ đạn đồng bọn chúng mới hì hụi tháo lúc ban ngày. Nếu không kịp thời tịch thu thì chỉ vài ngày sau số vỏ đạn ấy sẽ biến thành những nồi ba mươi và giá nến và hươu đồng và cả những ông Tam đa Phúc Lộc Thọ, mặt hàng đang thịnh... Bị bắt bất ngờ, bọn này vội cho phi báo với bọn chỉ huy Tàu Tưởng ở pháo đài. Hai mươi lính Tàu súng ống đầy đủ xông ra can thiệp. Chúng nổ súng uy hiếp bên ta khiến chiến sĩ tự vệ Ngô Văn Quỳ hy sinh, cán bộ Nguyễn Văn Thái bị trọng thương. Ta bình tĩnh (cho biết sẽ kiên quyết ngăn chặn việc mua bán này). Tên liên trưởng rút cuộc phải đấu dịu và nhận lời, hứa không tháo đạn bán nữa. Chúng biết đang bị Việt Minh ở địa phương bí mật theo dõi rất chặt chẽ (...) Ta lại càng tăng cường bao vây giám sát, sau khi dò biết đích xác có một kho đạn bí mật mà bọn Nhật khi bàn giao pháo đài không cho bọn Tưởng biết. Tháng 5 năm 1946, bọn Tàu Tưởng bỏ Láng, lục tục rút quân về nước. Quân ta ập vào làm chủ pháo đài Láng. Súng còn nguyên vẹn, số đạn trong hầm kín được đưa lên (...)

Ngày 19 tháng 12 năm 1946 lịch sử, đồng bào ta ở những làng quê quanh Hà Nội, khi nghe thấy tiếng uỳnh uỳnh rung chuyển phía thủ đô, nhìn lên trời đêm thấy những phát đạn đỏ lừ bay theo hướng vào trong thành nơi giặc Pháp chiếm làm tổng hành dinh, thì đó chính là những phát súng khởi lệnh Kháng chiến Toàn quốc do Voi Láng được vinh dự gầm lên.

Ngày 21 tháng 12 năm 1946, pháo đài Láng bắn rơi chiếc máy bay giặc đầu tiên làm bọn Pháp điên cuồng kéo đến dội bom, định san phẳng trận địa. Nhưng quân ta đã làm một pháo đài giả để lừa giặc. Chúng bị mắc mưu, đến ném ba bốn trận bom một ngày. Có những quả bom không nổ, ta kéo về cho công binh tha hồ tháo lấy thuốc.

Ngày nay bên những ruộng rau vun luống gọn đẹp, đủ các loại hành, tỏi, thìa là, rau dền, rau muống của đất Láng có truyền thống làm rau ấy, ông voi tổ của binh chủng pháo binh Việt Nam được đặt nằm ở vị trí cũ của pháo đài Láng. Trên lá chắn của ông voi này có đóng một cái biển viết vuông vắn mấy hàng chữ:

“Di chỉ pháo đài Láng: 20 giờ ngày 19 tháng 12 năm 1946, tại đây đã bắn phát đại bác đầu tiên vào tổng hành dinh quân viễn chinh Pháp đóng trong thành Hà Nội, chính thức báo lệnh Toàn quốc Kháng chiến”.


(Quang Dũng,
Nhà đồi, nxb. Văn Học, 1983)