“HN60NĐ - Trận Hàng Bông Thợ Nhuộm”




Cuối năm 1946, Đội Tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu đổi tên là “Đội đặc vụ Vệ quốc đoàn”, gồm 5 trung đội.

Là liên lạc viên của Đội, ban ngày tôi làm việc tại nhà Đấu Xảo (nay là Cung văn hóa hữu nghị) nơi đặt Sở chỉ huy của Đội. Ban đêm tôi thường về ở với tổ chiến đấu ở số nhà 4 và số nhà 6 phố Hàng Bông Thợ Nhuộm. Nơi đây là nhà riêng và cũng là bệnh viện tư của gia đình bác sĩ Trần Duy Hưng – Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội.

Tổ gồm 6 người do anh Bạch Ngọc Liễn chỉ huy (anh Liễn sau là Thiếu tướng). Tổ được giao nhiệm vụ: khi bọn Pháp đưa hai tiểu đội Âu Phi đến đóng ở nhà tên Lơ-mét, sĩ quan pháo binh Pháp, ngay cạnh nhà anh Trần Duy Hưng, thì bảo vệ đồng chí Chủ tịch và gia đình. Ngoài ra, còn có nhiệm vụ phối hợp cùng các đơn vị tự vệ quanh khu vực bí mật đào một đường hầm từ bên trong nhà 71 Tràng Thi ra tới tim đường để chôn một quả bom 50 kg chuẩn bị đánh cơ giới địch.

Sáng ngày 19/12, tôi qua tòa soạn báo Cứu quốc ở phố Hàng Trống để nhận báo cho đơn vị. Khi trở về Đấu Xảo, tôi được anh Vũ Yên trong Ban chỉ huy Đội (anh Vũ Yên sau cũng là Thiếu tướng, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan lục quân). Anh gọi tôi vào phòng làm việc, không giao cho tôi những công văn, giấy triệu tập như mọi ngày, mà bảo đi truyền đạt lệnh bằng lời, dặn cấm ghi chép. Nội dung lệnh: Đúng 8 giờ tối nay, khi thành phố mất điện - đó là hiệu lệnh nổ súng - các đơn vị phải nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ đã được phân công.

Tối 19/12 khi trở về phố Hàng Bông Thợ Nhuộm như thường lệ, tôi thấy mọi người đã tập trung đông đủ, nai nịt vũ khí. Ngoài các anh quen biết trong tổ: Liễn, Tuyển, Tân, Cần, Định, Châu, còn có các anh Dũng, Vượng, Nhượng. Anh Nguyễn Anh Dũng vừa đi dự một lớp tập huấn quân sự ở Sơn Tây về, là cán bộ chỉ huy chung của các tổ ở khu vực ngã tư Cửa Nam. Hai anh Trần Duy Vượng, Trần Duy Nhượng là em anh Trần Duy Hưng và là hai thầy thuốc chính của bệnh viện gia đình, hàng ngày ngoài giờ khám chữa bệnh cho bệnh nhân, các anh lại tranh thủ học sử dụng các loại súng, tham gia đào đường hầm đặt bom cùng anh em trong tổ. Đêm 19/12 gia đình đã rời khỏi thành phố, nhưng các anh ở lại để được cùng anh em chiến đấu bảo vệ Hà Nội. Tổ còn được bổ sung Đội Tự vệ bến xe Cửa Nam của anh Nguyễn Đình Nghi.

Hai anh Vượng, Nhượng được tổ giao giữ khẩu trung liên Bờ-ren-nô đầu bạc. Anh Nguyễn Quang Châu xin nhận nhiệm vụ điểm hỏa quả bom 50 kg đánh xe địch trên đường Tràng Thi. Anh Dũng, anh Liễn kiểm tra và nhắc nhở anh em nhiệm vụ lần cuối rồi ôm hôn từng người. Anh Thừa Tuyển, người vui tính nhất của tổ, cho tôi quả lựu đạn Nhật mà anh rất thích.

Tôi theo anh Dũng và tổ trung liên sang dãy nhà số lẻ phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, vào cửa hàng bánh ngọt đối diện với nhà Lơ-mét. Chủ đã tản cư khỏi thành phố, giao nhà cho anh Sinh, người phụ việc làm bánh, trông nom. Theo yêu cầu của anh Dũng, anh Sinh vui vẻ mở cửa dẫn chúng tôi lên sân thượng để tìm vị trí đặt khẩu trung liên hướng sang nhà Lơ-mét. Trên cao gió mùa đông bắc cùng sự hồi hộp làm tôi rét run người.

Mấy anh em ngồi sát vào nhau cho đỡ lạnh để chờ hiệu lệnh. Giờ này, bên nhà Lơ-mét bọn lính Âu Phi đang ăn tối. Chúng cười nói, gọi nhau ầm ĩ, chắc không nghĩ giờ đền tội sắp tới.

Đã quá giờ quy định, nhưng Hà Nội vẫn sáng đèn. Mọi người nóng lòng. Bỗng ánh điện vụt tắt, tiếp liền là những tiếng nổ lớn. Tiếng anh Dũng: “Anh em về vị trí, bắt đầu rồi!”. Sau khẩu lệnh: “Mục tiêu nhà Lơ-mét, bắn!”, khẩu trung liên khai hỏa, liên tục nhả đạn yểm trợ cho các tổ vượt tường sang nhà Lơ-mét phá cửa lao vào đánh chiếm tầng dưới, diệt những tên địch đang ngoan cố chống cự.

Tiếng nổ lớn của quả bom trên đường Tràng Thi làm rung chuyển nhà cửa. Đất đá bay rào rào, cửa kính của nhà trong khu vực vỡ loảng xoảng. Mắt hoa, tai ù, ngực đau tức, tôi có cảm giác như chính ngôi nhà mình đang đứng sắp sập.

Cùng lúc đó, từ phía ngã tư Quán Sứ xuất hiện một đoàn xe địch hướng về nhà Đấu Xảo. Bỗng một chiếc xe bọc thép tách khỏi đoàn hướng về phía chúng tôi. Khẩu đại liên trên xe nhả đạn dọc con đường Hàng Bông Thợ Nhuộm. Địch tới cứu nguy cho đồng bọn ở nhà Lơ-mét. Anh Dũng nhắc anh em chuẩn bị đánh xe địch. Tôi nắm chặt trong tay quả lựu đạn Nhật mà anh Tuyển cho, rút sẵn chốt an toàn, chờ cho xe địch đến gần, khi khẩu trung liên chuyển làn đón xe địch, tôi ném xuống. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được ném lựu đạn. Do ném vội nên không trúng xe địch, quả lựu đạn nổ trên vỉa hè. Xe địch chạy thoát nhưng hoảng sợ trước hỏa lực của quân ta trong khu vực, chúng không dám quay lại để cứu đồng bọn ở nhà Lơ-mét.

Bên nhà Lơ-mét cuộc chiến đấu đang tiếp diễn, những tên địch sống sót rút chạy thẳng lên tầng trên liều chết chống cự. Khẩu trung liên của anh Vượng, Nhượng đang bắn bỗng dở chứng kẹt đạn. Không còn bị hỏa lực kiềm chế, từ cửa sổ tầng trên nhà Lơ-mét bọn địch thả lựu đạn, bắn tiểu liên xuống khu vực quanh sân. Tổ anh Nghi báo cáo đã có thương vong, hai anh Vượng, Nhượng vẫn loay hoay với khẩu súng bị kẹt đạn. Anh Dũng lệnh phải sang tổ anh Liễn, Tuyển lấy thông nòng. Biết nhiệm vụ của mình, tôi bật dậy chạy xuống cầu thang lao nhanh qua đường sang nhà số 4, nhưng cổng ngoài cửa đã khóa, muốn vào bên trong chỉ còn cách trèo qua cổng. Bọn địch từ cửa sổ tầng hai nhà Lơ-mét liên tiếp ném lựu đạn, bắn tiểu liên sang nhà số 4. Trèo qua cổng lúc này không an toàn, nhưng nghĩ tới khẩu trung liên bị kẹt đạn đang cần thông nòng, quân ta đang cần hỏa lực yểm trợ để tiếp tục cuộc chiến đấu, tôi vùng dậy, hai tay bám vào cổng sắt leo nhanh. Khi vừa đưa được một chân qua cổng, còn đang lúng túng, bỗng một bàn tay nắm chặt cổ chân tôi kéo mạnh. Tôi ngã đè lên một người. Đúng lúc đó từ cửa sổ tầng hai nhà Lơ-mét lửa chớp, một băng tiểu liên nổ, đạn găm tới tấp vào bức tường ngay chỗ chúng tôi nằm. Có tiếng quát nhẹ bên tai: “Sao liều thế!”. Tôi vui sướng nhận ra anh Thừa Tuyển. Biết tôi sang lấy thông nòng, anh tháo chiếc thông nòng ở khẩu súng trường của mình đưa cho tôi và dặn: “Đừng trèo qua cổng nguy hiểm lắm, anh có chìa khóa”, rồi anh dướn cao người mở khóa. Khi cánh cổng sắt vừa hé mở, tôi lách người vọt chạy sang đường. Có tiếng súng địch bắn đuổi nhưng tôi đã ở trong nhà, và lao nhanh lên chỗ khẩu trung liên trước sự vui mừng của mọi người. Chiếc vỏ đạn kẹt nhanh chóng được lấy ra. Khẩu trung liên lại tiếp tục nhả đạn diệt hỏa điểm của địch ở cửa sổ tầng 2 nhà Lơ-mét, yểm trợ cho tổ anh Liễn, Tuyển, Nghi tấn công diệt thêm một số tên địch ở tầng 1.

Trời đã gần sáng. Theo lệnh anh Dũng, anh em khuân những chiếc đệm bông của bệnh viện chất quanh chân cầu thang, tưới xăng phóng hỏa đốt nhà Lơ-mét. Ngọn lửa bùng cháy trong tiếng la thét của giặc.

Cả đơn vị rút sang dãy nhà số lẻ phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, kiểm điểm quân số, thấy thiếu vắng một số người. Ba anh trong tổ tự vệ của Bến xe Cửa Nam đã hy sinh. Các anh đều còn rất trẻ. Chúng tôi mới chỉ gặp được nhau vài giờ trước lúc nổ súng, chưa kịp biết tên nhau. Ngoài các anh đã hy sinh, anh Nguyễn Quang Châu khi cho nổ quả bom đánh xe địch trên đường Tràng Thi, bị bụi vữa, đất cát văng vào mắt, không nhìn được, anh em dùng nước sạch rửa mắt cho anh.

Trên vỉa hè đường Tràng Thi, sát tường nhà số 71-73, xác chiếc xe tăng địch bị sức nổ của quả bom 50 kg hất lên cháy đen thui còn đang nằm chềnh ềnh ra đó!


(Nguyễn Hoán (năm ấy 13 tuổi, vệ út, liên lạc viên trung đội 3, tiểu đoàn 102 khu Đông Thành, Liên khu I) kể, Đặng Tích ghi, trang
quansuvn.net. Chỗ in đỏ là do người trích.)