Nguyễn Huy Tưởng, “Quỷ đội lốt người”




Đầu ngõ (...)

Lính mũ đỏ rầm rập tiến vào (...)

Một căn nhà nhỏ (...) Cánh cửa mở ra, giữa tiếng kêu hãi hùng của một người đàn bà và hai đứa con (...)

Người mẹ quỳ xuống chắp tay vái lia lịa, miệng van: “Quan lớn làm phúc, tha cho mẹ con chúng tôi”. Tên lính nắm lấy tóc, gật gật đầu cười. Người mẹ tưởng nó tha mình, ú ớ: “Trăm lạy quan lớn”. Nhưng nó cười gằn, lật mặt người đàn bà ngửa ra đằng sau. Cái cổ tròn căng thẳng thoi thóp, gợn mấy đường gân xanh. Một bàn tay chới với nắm lấy bàn tay của đứa con trai chừng năm tuổi. Đứa con gái mới hai tuổi hờn, giẫy đành đạch, hai tay bíu vào gấu quần mẹ: “Mợ ẵm con. Mợ ẵm con”. Tên lính thản nhiên tháo đôi hoa tai của người mẹ, đút vào túi. Mặt người đàn bà trắng như một tờ giấy, thân oãi cong lên. Môi tên lính rung rung. Nó tuốt lưỡi lê đâm gọn vào cái cổ, tay nắm tóc buông ra. Đầu người mẹ gieo mạnh xuống sàn gạch. Không một tiếng kêu. Lưỡi lê lại vung lên, đứa con lớn đứng bên xác mẹ vừa khóc vừa đưa hai bàn tay nhỏ bé lên đỡ. Một ánh chớp loáng. Hai bàn tay vụng dại nắm chầm lấy cái lưỡi lê đâm mạnh xuống, thọc sâu vào ngực nó (...)

(Sống mãi với Thủ đô, tập I, 1958).






Cụ Nguyễn Đức Thái, 91 tuổi, nhà số 31, phố Yên Ninh - một trong những người tận mắt chứng kiến vụ thảm sát - đến nay vẫn chưa hết bàng hoàng. Cụ kể: “Nghe tiếng súng bắn dữ dội và tiếng giày đinh nện rầm rập, tôi vội chạy lên gác hai trông xuống thì thấy lính Tây đầy đường. Hễ nhìn thấy bóng người là chúng xả súng. Có em bé 3 tuổi bị chúng xọc lưỡi lê xuyên qua bụng, có cụ già bị chúng bắn vỡ đầu chết gục ngay giữa cửa...” (“Để tổ quốc quyết sinh: Yên Ninh, Hàng Bún, sục sôi chí căm thù”, báo
Quân Đội Nhân Dân, 3/12/2006).