Giết đàn bà, trẻ con, người già. Giết cách dã man. Hiếp phụ nữ tại chỗ hoặc đem về hiếp. Hiếp xong có khi giết luôn. Chuyện xảy ra ở phố Hàng Bún và ngõ Yên Ninh chính thức khai mạc một “đại hội giết hiếp” rất tưng bừng mà quân đội Pháp mở trên đất nước ta. (Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Giờ G sắp điểm…”




Từ trung tuần tháng Chạp (12-1946), sự khiêu khích của quân Pháp ở Hà Nội chuyển sang một bước mới.

Ngày 15 tháng Chạp, quân Pháp nổ súng ở nhiều nơi trong thành phố (...)

Sang ngày 17, máy bay thám thính của Pháp lượn suốt buổi trên bầu trời Hà Nội.

Mười giờ sáng, lần đầu, quân đội Pháp cho xe bọc thép tới phá những công sự của ta tại phố Lò Đúc (...)

Cùng thời gian đó, tại đầu phố Hàng Bún, một chiếc xe nhà binh thả xuống một toán lính lê-dương. Bọn này nhảy lên ụ đất, xả súng bắn vào đồng bào. Tự vệ của ta đánh trả. Lính Pháp kéo tới đông thêm, ùa vào những nhà dân, tàn sát đàn bà trẻ em. Hàng chục người chết và bị thương. Có người bị lính Pháp dùng dao găm cứa cổ rồi để nằm thoi thóp trên vũng máu. Chúng bắt một số đàn bà đưa đi. Lát sau, những toán lê-dương lại kéo tới phố Yên Ninh ở gần đó. Chúng lùng sục các nhà dân, bắn chết và làm bị thương thêm nhiều đồng bào.

Buổi trưa, Pháp dàn quân từ cổng thành đến cầu Long Biên (...) cho quân bao vây đồn công an quận Hai.

Tại nhà máy điện Yên Phụ, nơi một tổ canh gác hỗn hợp vừa được tổ chức cách đây vài ngày, một lính Pháp bất thần quay súng bắn chết người bộ đội ta cùng đứng làm nhiệm vụ (...)

Buổi chiều, quân Pháp bắn nhiều phát súng cối vào phố Hàng Bún. Bọn lính lê-dương kéo đi từng toán trên đường phố, đập phá cửa kính nhiều ngôi nhà.

Bộ đội và các chiến sĩ tự vệ nghiêm chỉnh chấp hành lệnh chưa nổ súng. Anh em tiếp tục đắp thêm những vị trí phòng thủ, bình tĩnh theo dõi mọi hoạt động của địch (...)

Sang ngày 18. Cả buổi sáng, thành phố có vẻ yên tĩnh (...)

Giữa trưa, một số ô-tô chở lính Pháp có nhiều xe tăng và xe bọc thép đi kèm, kéo ra nhiều phố gần khu thành. Chúng bao vây khu Hồng Hà, Cửa Đông và phố Hàng Chiếu, dùng xe bọc thép phá chiến lũy và những hầm hố của ta ở phố Hàng Bút (...)

*

Vào những ngày đó, trong lúc máy bay trinh sát địch bắt đầu bay lượn trên bầu trời Hà Nội, tại một làng nằm bên một con sông nhỏ thuộc tỉnh Hà Đông, Trung ương Đảng ta đã có một cuộc hội nghị quan trọng để đánh giá tình hình và đề ra chủ trương mới.

(...) Bác hỏi chúng tôi:

- Tình hình mùa màng năm nay ra sao? Dân có đói không?

Các anh đáp:

- Năm nay mưa nắng thuận, nhiều nơi được mùa lớn. Dân no hơn năm ngoái.

Người có vẻ vui, hỏi tiếp:

- Nếu chiến tranh nổ ra, các chiến sĩ có đủ gạo ăn không?

- Các huyện quanh Hà Nội và ở các tỉnh đều đã lập kho lương thực để cung cấp cho bộ đội. Các làng đều có ủy ban tiếp tế.

- Công tác phá hoại giao thông đã làm đến đâu?

- Các đường lớn quanh Hà Nội đều được phá hoại, cơ giới của địch không thể đi được. Riêng những đường đê ta không phá mà chỉ đắp ụ nên phải có thêm thời gian.

Sau khi phân tích tình hình mọi mặt, Người nhận định:

- Âm mưu của Pháp mở rộng chiến tranh nay đã chuyển sang một bước mới. Thời kỳ hòa hoãn đã qua. Chúng ta đã nhân nhượng nhưng càng nhân nhượng thì kẻ địch càng lấn tới. Nhân dân ta không thể trở lại cuộc đời nô lệ một lần nữa. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta sẽ trường kỳ và gian khổ song nhất định sẽ thắng lợi...

*

Sáng sớm ngày 19, chúng ta nhận được một tối hậu thư nữa của bộ chỉ huy quân đội Pháp, bức tối hậu thư thứ ba trong vòng hai ngày. Những yêu cầu chúng đặt ra cho ta là: - Phải tước vũ khí của tự vệ tại Hà Nội - Phải đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị kháng chiến - Phải trao cho quân đội Pháp việc duy trì an ninh trong thành phố.

So với những điều mà chúng đã nêu chiều hôm trước, quân Pháp đã tiến thêm một bước: đòi tước vũ khí lực lượng tự vệ của ta.

Những gì đã xảy ra ở Hải Phòng hồi hạ tuần tháng Mười Một đang diễn lại ở đây. Tại Hải Phòng, Đép-bờ cũng nêu ra cho ta một số điều kiện mà chúng biết là ta không thể nào chấp nhận được, trước khi chúng mở cuộc tiến công chiếm đoạt thành phố (...)

Moóc-li-e tuyên bố quân đội Pháp sẽ “hành động” ngày hôm sau – 20 tháng Chạp – nếu ta chưa trao quyền trị an cho chúng (...)

Từ nửa tháng nay, toàn thể binh lính Pháp, trừ những tên được tung ra các phố để phá phách, khiêu khích, đều được lệnh cấm trại. Thời gian đang trôi đi rất nhanh. Chúng sẽ bắt đầu vào lúc nào? Ngày mai – hay sớm hơn nữa?

*

Chiều ngày 19, tôi cùng anh Trần Quốc Hoàn và anh Vương Thừa Vũ đi thăm bộ đội và nhân dân đang chuẩn bị chiến đấu.

Dọc phố Ô Chợ Dừa, nhiều nhà cửa đóng kín. Tàu điện vẫn chạy. Những toa tàu từ phía Hà Đông chạy về, khách vắng tanh. Một số cụ già và em nhỏ tiếp tục rời Hà Nội bằng xe tay, trên xe những gói quần áo, chăn màn chất đống (...) Mấy anh tự vệ, người đeo trên vai một khẩu súng bắn chim, người giắt ở thắt lưng một trái lựu đạn lọ mực, đang đi kiểm tra lại những lỗ đặt mìn đục ở các thân cây.

Đến đầu Ô, chúng tôi phải trèo qua một ụ đất khá cao để vào trong phố Khâm Thiên. Khác với phố Ô Chợ Dừa vắng vẻ, đường phố Khâm Thiên hiện ra đông vui, tấp nập. Những nhóm tự vệ có xen một, hai đồng chí Vệ quốc quân, mũ ca-lô gắn sao vàng, vừa đi vừa trao đổi. Từ trong ngõ, những chiếc xe bò chở đất đang tiếp tục được đẩy ra. Thanh niên trai, gái vừa đun xe vừa vui vẻ la hét mọi người tránh đường. Một số ngôi nhà ăn, giải khát vẫn còn mở cửa.

Chiến lũy ở đầu phố Khâm Thiên, phía nhà ga, rất nhộn nhịp. Thành đất đắp cao. Những thanh đường sắt đâm tua tủa về phía trước. Hai anh tự vệ cầm súng đứng gác trong công sự. Nhà dầu Sen ở trước mặt họ mấy chục mét, có quân Pháp đóng. Không xa đó là nhà ga, cũng có bọn Pháp. Các chiến sĩ tự vệ đóng những cọc gỗ và tiếp tục đắp đất vào chiến lũy. Những chị phụ nữ gánh đất và khuân thêm những phiến tà-vẹt đến. Một tổ úy lạo đang hát để động viên họ. Từ phía nhà ga, thỉnh thoảng lại vọng đến tiếng rú của xe bọc thép.

Chúng tôi đến xem những vị trí bắn, rồi hỏi chuyện các đồng chí tự vệ. Anh em vui vẻ kể lại trưa nay, một chiếc háp-tơ-rắc của Pháp đến đây. Khi tên lái xe nhìn thấy những chiếc nồi đất úp trước chiến lũy của ta, nó đã phải cho xe lùi lại.

Lớp người trẻ tuổi này đang khẩn trương chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu quyết liệt với kẻ thù, còn rất xa lạ với chiến tranh. Nhưng qua câu chuyện với anh em, tôi đã thấy mọi người đang đón nó với niềm lạc quan, tin tưởng. Họ chưa biết những gì sẽ đến với họ ngày mai. Nhưng nhìn vẻ mặt của họ, ta biết rồi đây họ sẽ vượt qua mọi thử thách.

Hoàng hôn xuống nhanh. Các đường phố im ắng lạ thường. Trời rét khô. Những ngôi nhà như thu mình lại đứng sưởi ấm dưới ánh điện màu vàng nhạt.

Bề ngoài, thành phố như có vẻ ngại tiết trời giá lạnh, đi ngủ sớm. Nhưng bên trong, đang dấy lên những đợt sóng ngầm. Các chiến sĩ đều có mặt tại chiến lũy. Những xe bọc thép của địch đã tiến ra đứng chặn ở một số ngả đường...


(Trong hồi ký
Những năm tháng không thể nào quên, bắt đầu viết từ mùa xuân năm 1970, viết xong vào mùa xuân 1972, in lần đầu năm 1974, in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006)