Nguyễn Huy Tưởng, “Hà Nội dưới mắt người về”




Loan bước chậm trên phố Hàng Buồm, mà cái vẻ an nhàn vô sự làm cho anh khó chịu. Cái phố của Việt Nam, mà anh có cảm tưởng như lạc vào đất Tàu, với những hình bát quái, những gương con treo trước nhà, những bàn thờ nhỏ sơ sài ngoài cửa, những bó hương ở mọi xó, những hiệu Sinh, hiệu Đường, những biển sặc sỡ dài như lá phướn...

Nhiều nhà đã đóng cửa kín, những cánh cửa có những chấn song nhỏ bằng chiếc đũa, trông thâm nghiêm như những khám thờ. Cũng không thiếu nhà còn mở. Ngồi trên những ghế đẩu sát vào tường của một hiệu ăn, lơ thơ vài người khách, mấy chú hầu sáng khoanh tay lại nhìn ra ngoài một cách ngây thộn. Vài hiệu khác, người ta đang tính sổ trên bàn tính, mấy thím khách già ngồi tựa vào tường, hai tay chắp vào nhau, mắt lim dim, lặng đi như từ thuở nào và như thế không biết đến bao giờ. Tất cả các nhà đều dán đỏ chói những tờ giấy có hình cờ thanh thiên bạch nhật, với những hàng chữ yêu cầu “Pháp Việt song phương thuận tôn trọng Hoa thương địa vị”.

- Kìa, anh Loan!

(Quyên trông thấy Loan, kêu lên. Hai người bạn học trò chuyện. Loan nói một câu mà Quyên nghe như thơ, chị kêu lên: “Còn làm thơ à? Thôi đi nhé”. Đúng lúc ấy, bác sĩ Pha - một trí thức mới ở Pháp về mà Oanh đã giao cho Quyên đi kèm để vừa hướng dẫn vừa theo dõi – tình cờ vừa bước tới chỗ họ đang đứng, nghe được lời trao đổi, bèn nói:)

- Nếu làm được thơ thì cứ làm chứ.

- Thưa bác sĩ, tôi nghĩ làm thơ bây giờ là một cái tội. Nó làm mất nhuệ khí đi.

Bác sĩ Pha nhún vai:

- Plutôt le contraire, mademoiselle.(1) Tôi đã sống những ngày kháng chiến Pháp ở Paris. Không có những việc đục tường, đào hào như ở Hà Nội. Thanh niên Pháp không có những lời thề đanh thép: “Sống chết với thủ đô” như thanh niên ta. Làm gì họ có những người mẹ sắm súng cho con ở lại, chồng cho vợ về quê để vào tự vệ, em bé nằn nì xin vào bộ đội (ông ta chưa nghe chuyện cảm tử quân ôm bom ba càng đánh xe tăng!)... Cả một dân tộc đứng lên, quây chung quanh một chính phủ, thà hi sinh tất cả chứ không chịu trở về đời nô lệ, c”est inoui, c”est magnifique.(2) Các thuộc địa đã có đâu được như mình. Phải làm thơ chứ. Kháng chiến Pháp buồn lắm. Paris vẫn yên như không, chẳng có gì là kháng chiến cả. Thế mà những nhà thơ của nó làm như đẹp lắm, to lắm. Tôi rất vui được sống ở Hà Nội những ngày tuyệt đẹp như thế này, được gặp những con người rất sympathiques, tout pour une noble cause (3), như cô chẳng hạn, gentille mademoiselle... C”est de quoi nous enorgueillir.(4) Phải bỏ thì giờ đi xem phố mới được. Đi để chứng kiến những cảnh rất vĩ đại này...

Quyên nhìn Loan như để bảo bạn không nên tin cái ông bác sĩ. Xui người ta làm thơ là để quên việc chuẩn bị đánh nhau. Đi lang thang ngoài phố là để nghe ngóng tình hình. Ca ngợi người mình là để không ai nghi ngờ nữa. Nhưng giấu thế nào được Quyên. Sắp đánh nhau rồi còn đi mua táo, kháng chiến gì những người ấy. Hay nói tiếng Pháp, chỉ riêng việc này cũng đủ chứng tỏ nặng cảm tình với địch. Lại mới ở Pháp về, yêu nước làm sao được. Quyên sung sướng như giải được một cái bài tính khó, nháy mắt với Loan, chỉ chực nói.

Loan im lặng, theo đuổi những ý nghĩ riêng. Quyên giục:

- Thôi, anh công tác ở đâu thì về đi. Mau lên. Anh chưa biết gì à?

Chị quay lại nói với bác sĩ Pha: “Xin mời bác sĩ về ạ”.

Như ái ngại cho Loan có vẻ lơ mơ như người rừng, Quyên rỉ tai:

- Tối nay nó đánh mình đấy, biết chưa? Này, bí mật đấy nhé.

Loan vẫn không nói. Phố xá vắng tanh. Tiếng đục tường trước mặt, tiếng đục tường sau lưng, tiếng đục tường ở gần, tiếng đục tường ở xa, tiếng đục tường ở dưới nhà, tiếng đục tường ở trên gác.

Họ sắp sửa chia tay nhau thì Oanh đạp xe từ Hàng Bồ đi tới. Trông thấy họ, Oanh nói như gắt với Quyên:

- Chết chửa. Về đi Quyên. Sao còn đứng ở đây? Xin mời bác sĩ về.

Oanh vừa quay về phía Hàng Ngang, bỗng kêu to lên mấy tiếng: Cậu! Cậu!

Trong phố, một người phóng xe đạp ra. Đấy là y tá Sĩ, dáng bơ phờ, một mắt kính cận thị vỡ như mạng nhện. Trông thấy Oanh, Sĩ hãm xe lại, giọng khản đặc:

- Thuốc thì quyên được khá, nhưng toàn thuốc thường, cảm sốt lăng nhăng. Thuốc tê ít quá. Một mình tôi chạy suốt từ sáng đến giờ, tụi bào chế nó giữ như mả tổ. May mà gặp chị. Chị có chị nào cho đi thêm với tôi. Khổ quá đi mất. Nhà tôi nó lại đem cả mấy đứa con ra, vừa mới ban trưa, có giết tôi không. Bây giờ làm thế nào? Chị cho tôi mấy chị.

- Nhưng bây giờ làm sao huy động được.

- Thế thì bác sĩ đi với tôi vậy. Bác sĩ thương tôi với. Khổ quá, trước thì không ra cho, bây giờ mới ra. Người ta thì đang tản cư không xong. Mời bác sĩ, mau lên.

Anh nắm mạnh cánh tay bác sĩ Pha làm vài quả táo rơi xuống hè. Bác sĩ Pha nói:

- Tôi đi cũng được, nhưng tôi có quen ai đâu. Sao họ lại thế được. Mais c”est de la trahison, mon Dieu!(5)

- Thế thì mời bác sĩ về để sắp xếp các tổ cứu thương giúp tôi vậy.

- Vâng. Nhưng phải có ông ở nhà nữa mới được. Tôi có biết tổ chức là thế nào đâu. Khổ quá.

Nói với mọi người:

- Ông Sĩ, tôi mến lắm. C”est le meilleur des hommes.(6)

Sĩ tức bực:

- Sao bây giờ mà vẫn còn chưa có lệnh trưng dụng, để cứ phải đi vận động thuyết phục bọn chủ các hiệu bào chế?

*

Ở phố Hàng Ngang, người ta đang chuẩn bị những việc cuối cùng.

Một tốp tự vệ, lưng giắt lựu đạn, đấm thình thình vào cái cửa gỗ của một hiệu đồng hồ, một người thét: “Còn ai trong nhà không? Đàn bà trẻ con cho đi ngay nhé”. Hiệu tạp hóa bên cạnh, một thanh niên đứng dán cái giấy “Bảo vệ tài sản đồng bào tản cư”.

Trên một gác cao đầu phố Hàng Bồ, hai bóng nam nữ nhô người ra khỏi bao lơn, chĩa súng lục xuống đường, dứ dứ như bắn, rồi lại chạy vào.

Hai cô học sinh đi xe đạp kèm một cái xe tay từ Đồng Xuân xuống, trên xe chất những thúng, những rổ gạo nếp, đỗ xanh, đỗ đen, những bó đũa con, những hộp bánh, những cái lọc cà-phê, và cả một bó hoa lay-ơn hồng.

Rồi cảnh phố lại vắng tanh. Từ căn gác ở đầu phố khói hương bay nghi ngút như chiều ba mươi.






















_________
(1) Ngược lại thì đúng hơn, thưa cô.
(2) Thật là phi thường, trác tuyệt.
(3) Đáng yêu, tất cả vì một lí tưởng cao quý.
(4) Cô gái đáng yêu... Chúng ta kiêu hãnh vì những cái đó.
(5) Nhưng thế là sự phản bội, trời ơi!
(6) Đó là một người tốt nhất.