Nguyễn Huy Tưởng, “Nhờ ông biên cho lá thư”




Trung đội của Trần Văn họp ngay ở phòng ăn của cái nhà buôn tơ lụa lớn này. Trên bàn để một đống chai không, những miếng cờ-rếp, những quả lựu đạn của xưởng Phan Đình Phùng.

Một Vệ quốc quân từ cái lỗ tường đục dưới cầu thang chui ra, tay xách một thùng ét-xăng. Anh đội mũ sắt Nhật, trang bị gọn ghẽ, như súng đã nổ. Anh không nói, bước tới bàn ăn, đặt cái thùng bên chân bàn. Trần Văn thét:

- Không ai hút thuốc lá nữa!

Mấy anh sinh viên dập vội điếu thuốc đang hút. Trần Văn nhìn trung đội của anh, gồm học sinh, sinh viên, Tu anh phu khuân vác, Sờn anh thợ xẻ, Mộng Xuân anh kép cải lương, ông hàng phở, anh phu xe... Cái vẻ ngơ ngác của họ làm anh cảm động. Vai đeo khẩu súng duy nhất của trung đội, anh nói:

- Bắt đầu từ lúc này, chúng ta ở trong tình trạng chiến tranh. Chúng ta phải sống tập trung không được về nhà nữa. Đồng chí bộ đội đây sẽ đi với chúng ta, cùng với chúng ta chung một nhiệm vụ là hi sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ thủ đô. Chúng ta là người Hà Nội, chúng ta phải làm gương cho toàn quốc. Hà Nội là đất chiến thắng, Hà Nội có Đống Đa. Hà Nội là đất nghĩa khí, Hà Nội có cụ Hoàng Diệu. Hà Nội là đất cách mạng, Hà Nội có vườn hoa Ba Đình...

Trần Văn không biết nói gì thêm. Mọi người đứng dậy chờ đợi. Hồi lâu, anh tiếp:

- Nên nhớ từ giờ phút này, hễ sai một tí là chúng ta có thể mất mạng. Bây giờ chúng ta chia những quả lựu đạn mới được phát thêm và những cái chai này.

Căn phòng trở nên tấp nập. Chung quanh bàn, mấy người chọn lựu đạn như đi chợ chọn hàng. Góc này, hai anh học sinh chia nhau mấy viên đạn súng lục. Chỗ kia, một anh giở súng lục ra lau. Người xem lại con dao găm, người tuốt kiếm. Những người phụ trách phá hoại thì kiểm điểm dao, cuốc, dây thừng để kéo đổ cột đèn. Mấy anh trong tổ cứu thương phân công người khiêng cáng. Không khí náo nhiệt, vô tư nhiều hơn là lo sợ. Một học sinh nói:

- Ở đâu được đánh Tây cũng sướng. Nhưng không đâu có được cái vinh dự như chúng mình, chống giữ thủ đô.

Sờn ngắm nghĩa một quả lựu đạn:

- Toàn lựu đạn ta làm...

Trần Văn đứng nhìn anh em, ngẫm nghĩ. Anh vừa nói như bắt đầu giảng một bài sử, chỉ khác là trước đây trong lớp học trò nghe như câu chuyện xa xôi, mà lúc này thì anh và họ đang sắp làm cái việc mà ông cha ngày trước đã làm...

Anh đang ngồi bên bàn lau khẩu súng, thì Tu đến bên mời anh ra môt chỗ. Cái lưng gù gù của bác phu khuân vác đứng tuổi như càng gù thêm. Tu đã tình nguyện vào đội cảm tử đánh xe tăng và sắp về Hàng Bạc, theo sự bố trí của Văn Việt. Tu nói:

- Cháu không được ở với ông nữa. Cháu muốn nhờ ông một việc. Nhờ ông biên cho một lá thư về quê cho mẹ các cháu, dặn dò nuôi lấy ba đứa con, cứ nhớ lấy ngày hôm nay mà làm giỗ cháu.

Trần Văn dựa khẩu súng vào bàn, đứng dậy nhìn Tu. Tay đặt lên cái vai rộng của người phu khuân vác, lòng anh se lại. Lúc nãy khi anh nói, Tu hình như chẳng hiểu gì cả. (Một hôm, thấy anh em nói về Hoàng Diệu, Tu thủ thỉ hỏi anh ông ấy là ai.) Ngày thường chẳng ai bảo họ là người Hà Nội, và họ cũng gần như chẳng biết Hà Nội là gì. Cái gì đã làm cho họ ở lại với thủ đô? Nghĩ đến vợ con Tu, anh thấy lòng bất nhẫn. Anh nói:

- Vâng, tôi sẽ viết. Nhưng sao lại dặn thế?

Tu cười lặng lẽ, hơi cúi đầu làm nhô cái lưng gù mang nặng cả một cuộc đời vất vả:

- Dạ. Ông cứ viết cho như thế ạ. Cháu cũng được yên trí mà mẹ con nó cũng được yên trí.

- Nhưng nhỡ mình sống thì thế nào?

- Thế thì còn gì bằng nữa ạ.

Chú Lai ở ngoài cửa chạy vào. Lai đã được trung đội nhận làm liên lạc. Nó hí hửng như được quà. Nó vẫn đen đủi, tóc rối bù, nhưng đã sạch sẽ hơn hôm mới đến. Lai kêu:

- Ông Văn ơi! Ông có được ra Thị chính tuyên thệ không?

- Tuyên thệ?

Trần Văn nhìn Tu. Người phu cười với chú Lai và kéo nó đến bên mình. Anh nói:

- Em ở đây với ông Văn nhé. (Quay nói với Trần Văn) Có chú Lai cũng vui thêm. Cháu lớn của tôi cũng bằng tầm này.

Bên ngoài, tiếng một đứa bán báo rao: “Tin cuối cùng ơ! Người Việt Nam không thể không đề phòng ơ!” Tiếng ai hát bài Suối Mơ như trong một buổi sáng yên vui.

Trần Văn rút bút máy. Tu nhắc lại như thể nhờ người ta viết đơn:

- Ông cứ bảo mẹ con nó nhớ ngày hôm nay cho cháu.

Mọi người đã quây lấy Tu sắp sửa từ biệt anh em. Chợt tiếng guốc vang lên.

Một tốp anh chị em chợ Đồng Xuân tiến vào. Đi trước là Nhân. Khăn nhung đen, quần lĩnh, áo vải đồng lầm, khuôn mặt bầu bầu và nước da mịn, cô con gái Ngọc Hà như đem vào trong cái phòng đang rối rít cả một sức trẻ đang lên và cả cái rộng thoáng của những vườn rau, vườn hoa ngoại thành. Mọi người reo to hoan nghênh các đại biểu chợ Đồng Xuân, những người đã từng vào tận trong thành đấu tranh với Pháp. Nhân nói:

- Chúng em đem gạo ủng hộ các anh.

Trần Văn quay ra làm cho Nhân cúi xuống, thẹn thò. Anh muốn mọi người không ai hiểu lầm quan hệ giữa Nhân và anh. Rất đứng đắn, anh nói:

- Các chị thật là sốt sắng.

- Có gì đâu anh. Đây là trích tiền lãi nửa tháng của chúng em.

- Cảm ơn các chị, cảm ơn cô. Tôi tiếc rằng hôm qua không tới mừng cô được. Cụ vẫn khoẻ chứ, cô Nhân? Tôi gửi lời thăm hỏi cụ nhé.

- Vâng, cảm ơn anh. Đẻ em vẫn khoẻ. Tết này không biết đã yên chưa, anh nhỉ? Bao giờ anh lại lên chơi Ngọc Hà?

Tu cuối xuống, bốc một dúm gạo và để cho những hạt trắng tinh từ từ trôi trên lòng bàn tay:

- Ở nhà tôi chả bao giờ có những thứ này.

Nhân nói:

- Ủng hộ các anh phải ủng hộ cái tốt chứ ạ.

Trần Văn đã đến bàn, bắt đầu viết thư. Trí anh đi từ các anh hùng lịch sử mà anh ngưỡng phục đến không biết bao nhiêu những người đã ngã xuống và sẽ còn ngã nhiều, những người bình thường, tối tăm, như Tu, như Lai, nối tiếp nhau hết đời này sang đời khác, chịu đựng biết bao nhiêu cảnh sinh li tử biệt trong cuộc tranh đấu không ngừng để sinh tồn của dân tộc...

- Em đi, anh nhé. Anh có cần gì thì báo, em sẽ đem vào. Dù có đánh nhau, chúng em vẫn vào tiếp tế cho các anh.

Trần Văn không nghe thấy tiếng Nhân nói với anh. Anh nhìn Tu, và lại cúi xuống tờ giấy, phân vân không biết nên viết đúng lời dặn ghê gớm của Tu, hay viết một lá thư thăm hỏi bình thường.