Nguyễn Huy Tưởng, “Buổi sáng trước bão”




Đường đầy lá sấu rụng. Một trận gió lạnh thổi, lá bay xoay tít trên mặt đất, cuốn đi trong đám bụi mù của con đường không quét.

Đứng trên thềm trụ sở tự vệ chiến đấu, rét so ro, hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập, Quốc Vinh nhìn mấy đồng chí đang khiêng cái máy vô tuyến điện phủ kín vải lên chiếc ô-tô đậu sát hè. Cái ý nghĩ từ nay chỉ còn nói chuyện với bên ngoài bằng cái máy ấy càng xoáy vào đầu óc anh.

Quốc Vinh đang có những cảm giác mâu thuẫn. Cái phút chờ đợi từ bao nhiêu lâu đã tới. Nỗi uất ức vẫn đè nặng lên người đã được gỡ ra. “Tám giờ tối. Dứt khoát như thế, mình dễ làm. Chỉ còn có việc đánh chết thôi”. Anh thấy như được trở lại cái thời kì hoạt động bí mật đầy nguy hiểm nhưng không phải mệt vì những công việc chính quyền. Nhưng cùng lúc, anh lại hơi bàng hoàng, lưu luyến cuộc sống công khai ngắn ngủi, thoắt hiện thoắt biến đi như một giấc mộng, trong ấy nổi lên hình ảnh của Phượng và những cuộc gặp gỡ ngập ngừng chưa nói hết. Anh vừa mong cho giờ nổ súng chóng tới lại vừa mong cho thời khắc kéo dài.

Đồng chí Bí thư thấy anh tần ngần, đến sát bên anh, nói vẫn cái giọng trẻ trẻ, thân mật:

- Độ này sao ho nhiều thế?

Quốc Vinh đáp, không thật:

- Tôi đã đỡ.

Trong những ngày khủng bố 41-42, những ngày đen tối nhất của phong trào, cơ sở Đảng gần như tan rã hết, Quốc Vinh đã cùng hoạt động bí mật ở Hà Nội với đồng chí Bí thư. Anh vẫn nhớ cái buổi chiều chia tay với đồng chí ở Mọc mà chỉ mười lăm phút sau thì đồng chí bị bắt.

- Trong Liên khu, đàn bà, trẻ con, ông già, bà lão đã tản cư hết chưa?

- Cũng còn một số.

- Vận động tản cư nốt đi. Nếu không thì ảnh hưởng đến tác chiến.

- Vâng. Thôi tôi đi. Tôi xin gửi lời chào quyết chiến quyết thắng lên Trung ương, lên Hồ Chủ tịch.

Đồng chí Bí thư nắm tay anh, hỏi:

- Rét thế này, sao để hở cổ thế kia?

Nói xong đồng chí cởi cái phu-la của mình quàng vào cổ Quốc Vinh. Thấy Quốc Vinh từ chối, anh nói:

- Các đồng chí ở trong này sẽ gian khổ hơn chúng tôi ở ngoài. Tôi biếu cậu đấy.

Quốc Vinh bước lên ô-tô, mới lần thứ hai trong đời.

*

Xe đỗ trước dinh Bắc Bộ Phủ. Hồng Lưu mở cửa, nhảy xuống hè một cách rất nhẹ nhàng, rồi quay lại, cúi xuống bắt tay Oanh. Anh lùi mấy bước, giơ tay lên bên cái mũ ca-lô có đính ngôi sao vàng thêu kim tuyến, vành tròn ngoài cũng thêu kim tuyến, lóng lánh trên nền dạ đỏ thắm, chào người phụ nữ lần cuối, miệng tươi cười:

- Thắng lợi!

Rồi anh quay đi, liếc nhìn mấy cây sấu trước hàng rào, giày đinh rít trên cái hè rộng lát gạch nhỏ có những lằn chìm như khía. Nguyễn Gia Định đi sau anh. Họ bước qua cái cổng sắt bên trái. Người Vệ quốc quân đứng gác bồng súng chào. Trong sân, anh em bộ đội đang tấp nập.

Đối diện với dinh, vườn hoa con cóc vẫn phun nước một cách thanh bình. Nhưng trước cửa khách sạn Mê-tờ-rô-pôn, xe nhà binh Pháp, tua tủa súng ống và những cần vô tuyến điện, đỗ một hàng dài đến tận phố Tràng Tiền. Nhiều xe khác chạy tới, tiếng động cơ rú, tiếng phanh rít. Cái cửa tròn vào khách sạn xoay tít như cò quay.

Một chiếc cam-nhông chở đầy lính Pháp và phu phen từ vườn hoa Chí Linh rầm rầm phóng lại, sạt vào cái thành xe của Oanh đang chuyển bánh, như định ẩy ngã. Mặt Oanh hơi tái đi.

*

Quốc Vinh về đến gần nhà, bỗng cảm thấy có cái gì rợn rợn. Anh mở to đôi mắt lồ lộ, kêu khẽ: “Quái, các cậu nhà mình?”.

Trên bãi rộng trước bến tàu điện, mấy người đi qua cũng đứng lại, ngẩn ra xem.

Đầu phố Hàng Đào, phía Cầu Gỗ, sừng sững, đỏ tươi, hai chữ CẢM TỬ kẻ từ bao giờ, chiếm gần trọn bề ngang bức tường vôi của một dãy quán bán sách đã dọn đi. Hai chữ thật to như đôi mắt rỏ máu lừ lừ. Bên dưới, kẻ màu đen: “Chúng tôi, những thanh niên Hà Nội, nguyện hi sinh đến giọt máu cuối cùng. Thề sống chết với thủ đô!”

Đầu phố Hàng Gai. Một biểu ngữ kẻ bằng chữ đỏ: “Mỗi phố là một mặt trận, mỗi nhà là một pháo đài!”.

Các phố phía trước như sát lại, những phố đằng sau như bôn tới, âm ỉ, quyết liệt, sẵn sàng. Mấy dòng chữ trừng trừng nhìn ra Hồ Gươm, vừa là kêu gọi và cũng vừa là trả lời.


Buổi sáng có chút ánh nắng gợi khẽ những ngày yên ấm. Cố gắng yếu ớt của cuộc sống bình thường, tuyệt vọng như cái hôn vớt vát trên đôi môi nhợt nhạt.

Quốc Vinh thấy gáy lạnh buốt, da sởn lên, gây gây như khi ta trông thấy máu. Anh lo lắng: “Chẳng nhẽ có người biết cái hội nghị của ta?” Nhưng anh tự hào với cái khu phố đã tự đứng lên như một bức thành.

Xe tiếp tục chạy vào phố trong thứ im lặng nặng trĩu trước bão.

*

Trần Văn vừa cùng với Loan và mấy học sinh viết xong mấy cái khẩu hiệu ở ngoài đầu phố Hàng Đào. Làm xong công việc ấy anh thấy dễ chịu, nhưng bây giờ chân tay anh buồn bã. Anh không chịu được thức khuya, thế mà đã nhận gác thay cho một sinh viên kêu đau bụng xin về nhà. Anh đứng gác, ngáp luôn miệng, đầu gối mỏi, chân cứ phải co lên, duỗi xuống luôn cho đỡ chồn. Khẩu mút, khẩu súng trường duy nhất của trung đội, tì cái báng ướt đẫm sương của nó lên vai anh lạnh cóng. Bao nhiêu rét như dồn hết cả vào cái ụ. Mũi như tê dại, người như không còn sức nóng, anh vẫn đưa mắt nhìn ra các ngả đường để quan sát. Hồ Gươm trước mặt, những hàng liễu mơ hồ rủ xuống bờ nước. Mấy ngọn đèn trên cổng vào cầu Thê Húc sáng le lói. Gió từ ngã tư chợt thốc vào, lạnh rợn như một trận lạc mạo phong, bốc tung bụi đường và những đám cát vung vãi. Trần Văn nhắm nghiền mắt lại. Sương đọng trên mũ sắt rơi xuống bàn tay buốt cứng. Mi mắt anh cũng ướt sương, chớp chớp theo dòng cảm xúc. Dân tộc anh vừa mới được thấy lóe cái ánh sáng của tương lai, thì giặc lại đến để tiếp tục dập vùi!...

Phố Hàng Đào quang dần.

Trời sáng. Trần Văn vui sướng đã làm xong nhiệm vụ, xem đồng hồ, thở phào một tiếng. Anh định đi tìm các bạn thì thấy một chiếc ô-tô từ phía hồ chạy lên. Quốc Vinh ngồi trong xe, đăm đăm nhìn cái khẩu hiệu do bọn anh vừa kẻ. Sao Quốc Vinh lại đi ô-tô? Sáng sớm ở đâu về? Chắc chắn là ở một cuộc họp bất thường và đi xe là để về gấp lo chuẩn bị.

Anh vác súng ra khỏi ụ. Thấy Quốc Vinh cười hồn nhiên, anh đỡ lo. Xe dừng lại, Quốc Vinh nhảy xuống, hỏi:

- Anh gác đấy à? Anh em khoẻ cả chứ? Đâu cả rồi?

Trần Văn lúng túng. Sau cái lệnh tập trung, anh em tự vệ hăng hái đến trụ sở, nhưng chỉ hôm sau nhiều người lại trở về nhà. Hiện giờ trên gác chỉ còn mấy học sinh và Tu. Quốc Vinh như đoán được cái lúng túng của Trần Văn:

- Phải cương quyết anh ạ.

Quốc Vinh xoay lưng Trần Văn lại cho thuận chiều gió, ho vài tiếng, nhỏ giọng:

- Anh triệu tập ngay anh em lại. Vũ khí sẵn sàng. Không một phút rời trụ sở. Tối nay có thể quyết liệt đấy.

Xe của Quốc Vinh chạy rồi, Trần Văn còn đứng ngẩn người ra giữa đường. Chuyến xe điện tới gần mà anh không biết. Giữa bụi vẫn bay mù mịt, hai người trong Ban trật tự giải ngót gần chục tên lưu manh lôi thôi lốc thốc đi qua, có Nhật Tân đi đoạn hậu. Một thằng lải nhải:

- Các anh tha cho. Lần này là lần đầu. Chúng em biết tội rồi. Chúng em cũng biết nghĩ.

Một anh trật tự nói:

- Anh biết nghĩ nên mới vào nhà đồng bào lục lọi. Lệnh của Chính phủ đã nghiêm cấm, không biết à?

- Nếu em biết thì em đã không làm.

Nhật Tân thét:

- Không biết xấu. Đi! Phải xử tử chúng mày, quân khốn nạn!

- Anh tha cho em. Em xin liều với thằng Tây. Em cũng thề sống chết với thủ đô.

Nhật Tân bợp tai nó và rút khẩu súng lục giơ lên cao, đe dọa:

- Im, không tao bắn chết bây giờ.

Trần Văn định bước vào trong nhà thì ông già Tư đã mở cửa, đứng chào anh một cách trịnh trọng và giả dối. Đấy là một ông già râu bạc gần hết, tóc hất ngược, mình bận một cái áo ba-đờ-xuy nâu sẫm, có cái vẻ sạch sẽ, cẩn thận của những người nhà được tín nhiệm trong các gia đình giàu có. Ông ta nói:

- Xin ngài cho tôi được trình. Các ngài cũng vì việc công việc nước nên mới đến đây. Tôi đã để cho các ngài đóng trên gác hai. Nhưng các ngài dỡ tung cả đồ thờ ra, làm thế thì tôi khó xử quá.

Trần Văn cười trong bụng. Tổ tác chiến của anh đóng ở trên gác hai là một gian nhà thờ nhỏ, lủng củng những ngai, những bài vị, những kiếm, những cờ. Ông già Tư giao hẹn không được động đến các đồ thờ, sợ uế tạp. Nhưng không có chỗ ngủ, anh chờ khuya đến, ông ta không lên rình mò nữa, mới dọn các đồ thờ đi cho xuống gầm, và nằm ngủ trên giường thờ, sáng ra lại bày như cũ. Đêm đầu không xảy ra chuyện gì. Sáng nay, chắc là ông ta bắt được. Anh nói:

- Tình hình này cụ cũng lượng cho.

- Không ạ, bẩm nhà chúng tôi sạch ạ, ngăn nắp ạ, đến cái sân cũng phải sạch, đồ nào thức ấy không bao giờ suy suyển. Bây giờ các ngài làm thế thì chúng tôi thực là không dám ạ. Bẩm các ngài thì đi, chứ chúng tôi thì cứ phải ở đây. Các cụ chúng tôi ra thì kì kèo, là kì kèo chúng tôi. Xin trình với ngài chúng tôi ngại nhất là để các cụ tôi phải kì kèo.

- Sắp đánh nhau rồi đấy cụ ạ.

- Thưa ngài, đánh nhau thì lại khác ạ. Nhưng còn thời bình thì các ngài giữ gìn cho.

- Cụ ơi, không phải nhà của cụ mà sao cụ giữ ghê thế?

- Thưa ngài của các cụ tôi cũng như của tôi đấy ạ. Các ngài làm thế thì tôi không biết nói thế nào. Xin các ngài…

Trần Văn định đi bừa vào trong nhà, mặc kệ ông ta. Một tiếng gọi, anh quay ra thấy Văn Việt trên xe đạp, miệng phì phèo điếu thuốc lá thơm, râu quai nón cạo nhẵn. Vẫn cái bờ-lu-dông tím, vẫn cái bao súng lục bóng đeo bên hông, vẫn đôi giày da đen có ghệt nhỏ túm lấy cái quần dạ màu nâu sẫm, vẫn cái vẻ hiên ngang nho nhã. Trần Văn chạy lại, hỏi thì thầm:

- Có thể tối nay nó đánh mình phải không anh?

Ghếch xe đạp bên hè, một chân đá cái pê-đan quay tít, điếu thuốc lá cặp giữa hai ngón tay một cách lơ lửng, Văn Việt cười:

- Ai bảo anh thế?

- Tôi vừa gặp anh Quốc Vinh, mới đi họp về thì phải.

Văn Việt bắt tay Trần Văn, rỉ tai:

- Tôi có dự họp đâu mà biết. Nhưng tôi đoán nếu nó đánh mình, thì nó phải đánh vào sáng sớm, để có cả một ngày tha hồ phát huy ưu thế cơ giới. Nếu xẩy ra đánh tối thì không phải là nó đâu.

Văn Việt cười khanh khách, nắm chặt tay Trần Văn:

- Chuẩn bị gấp lên. Giờ H sắp đến rồi!

Người ủy viên quân sự lên xe, đạp nhanh về phía Hàng Bạc.

Trần Văn phớt ông già Tư, vào nhà xách xe đi tìm anh em. Ngày thường đi xe rất cẩn thận, nhưng lúc này anh phóng như bay, mắt hầu như không thấy gì cả. Anh nghe có tiếng nói trong lòng: “Đẻ ơi! Có lẽ đẻ sẽ không bao giờ gặp con nữa!”.