Nguyễn Huy Tưởng, “Cuộc họp cuối cùng” (2)




Gần sáng, cuộc thảo luận sắp kết thúc. Hồng Lưu vẫn trở lại những ý kiến của anh:

- Tôi và đồng chí Nguyễn Gia Định đây phụ trách bảo vệ Bắc Bộ phủ. Chúng tôi sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Về phần bộ đội, về bản thân mỗi đồng chí chúng ta, tinh thần có thể tin được, hoàn toàn tin được. Nhưng tinh thần không, không đủ.

Quân số ta ít, vũ khí càng ít. Như đồng chí Khu phó báo cáo, nhiệm vụ của chúng ta là kéo dài cuộc chiến đấu ở thủ đô càng lâu càng tốt, để hậu phương đủ thì giờ chuẩn bị cho cuộc trường kỳ kháng chiến. Nhưng như thế sao lại chỉ bố trí ngần này lực lượng? Tôi rất tán thành cái chủ trương hư trương thanh thế, chiều cho bộ đội vào, sáng lại cho bí mật rút đi, cái đó có tác dụng làm cho giặc không mò được lực lượng của ta, không đoán được kế hoạch của ta, chưa nói nó gây thêm tin tưởng cho nhân dân. Nhưng sao chỉ hư mà không thực? Sao không cho thêm quân vào đây? Sao có những liên thanh tốt lại để ở ngoài, mà không để ở trong này?

Đồng chí Quốc Vinh bảo có thể giữ được một tuần lễ, và còn có thể kéo dài hơn nữa, căn cứ vào đâu mà đồng chí nói như vậy? Vào bộ đội chăng? Thì như trên tôi đã trình bày.

Vào dân chăng? Thì Hà Nội là đất của tiểu tư sản, bấp bênh và quay quắt, cách mạng lên thì nó ào ào theo, cách mạng xuống nó sẽ quay lưng lại, Pháp cũng theo, Nhật cũng theo, Tàu trắng cũng theo, và nếu Mỹ vào thì cũng đi với Mỹ nốt... Đồng chí Quốc Vinh định dựa vào họ ư? Không chắc đâu.

- Có người Hà Nội và người Hà Nội chứ!

Oanh đứng lên, không nhìn hai bên mà nhìn thẳng về phía đồng chí Bí thư, hậm hực:

- Tôi là người Hà Nội, tôi cũng bấp bênh ư?

- Nhưng được mấy người như chị. Phụ nữ Hà Nội...

- Thì sao?

Chị quay lại nhìn Hồng Lưu, cái khăn vuông quặt sau gáy chìa ra hai múi nhọn khiêu khích, vểnh như hai cái tai đen.

Đồng chí Khu phó đứng lên, nói:

- Về vấn đề lực lượng đã bố trí để bảo vệ thủ đô, tôi xin nói ngay đó là cái mức tối đa có thể trong tình hình hiện giờ. Chính phủ ta làm cách mạng bắt đầu từ tay trắng, chưa nhận được giúp đỡ từ bất cứ đâu, hơn một năm nay bao nhiêu khó khăn to lớn dồn dập, làm gì đã có điều kiện để xây dựng quân đội đông đảo với nhiều vũ khí hiện đại. Trên không thể bố trí thêm. Câu hỏi là với chừng ấy người, chừng ấy vũ khí, ta có thể giữ được bao lâu?

Tôi thấy cũng cần làm rõ điều này. Là ta nhằm kéo dài cuộc chiến đấu ở thủ đô nói chung, chứ không nhằm giữ tất cả mọi cứ điểm cho đến cùng. Nghĩa là, một mặt, các đồng chí phải tử thủ các vị trí mình có nhiệm vụ bảo vệ. Không có lệnh, không được rút. Mặt khác, nếu có lệnh rút khỏi cứ điểm, để bảo vệ thủ đô tốt hơn, thì các đồng chí lại có nhiệm vụ bảo toàn lực lượng, người cũng như vũ khí, chuyển về vị trí mới để tiếp tục tác chiến. Cụ thể, khi ban chỉ huy thấy không nên tiếp tục tử thủ Bắc Bộ phủ nữa thì sẽ có lệnh cho Vệ quốc quân trong ấy rút ra, tập kết về một địa điểm mới trong Liên khu I.

Đồng chí Bí thư cũng đứng dậy, đôi kính trắng loang loáng nhìn mọi người:

- Đồng chí Quốc Vinh khẳng định cầm cự được một tuần, có thể kéo dài hơn nữa. Đề nghị đồng chí phát biểu đầy đủ cho hội nghị được rõ.

Quốc Vinh đứng lên, nói giọng đều đều, nhỏ nhỏ, như không phải trong một cuộc thảo luận:

- Tôi xin nhắc qua cái thành tích đấu tranh và biểu lộ tinh thần yêu nước của người Hà Nội suốt từ ngày Pháp nó cướp nước ta đến giờ. Nào Đông Kinh Nghĩa Thục, nào phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu, nào đám tang Phan Thanh, nào những cuộc bãi khóa của học sinh trường Bưởi, cuộc bãi công của anh em thợ hãng Aviat, những cuộc biểu tình có hàng vạn nhân dân lao động tham dự ngày Quốc tế Lao động mồng một tháng năm 1939... Hàng chục vạn người Hà Nội đã đứng lên cướp chính quyền trước mũi súng của phát-xít Nhật, hàng chục vạn người đã kéo đi phản đối phái bộ Anh dung túng cho quân Pháp trở về Nam bộ, hàng triệu người hoan hô Tuyên ngôn Độc lập ở vườn hoa Ba Đình năm ngoái...

Tôi đồng ý với đồng chí Hồng Lưu và nhiều đồng chí khác là người dân ở đây phức tạp. Có những người bấp bênh, có những người không ủng hộ ta, ví dụ như tụi Quảng Xương Long, ví dụ như nhiều nhà bào chế không chịu quyên thuốc quyên men, hơn nữa có cả những kẻ phản động chỉ lăm le đánh ta sau lưng. Nhưng đại đa số nhân dân Hà Nội, tôi khẳng định là tốt. Ngay cả tư sản cũng có một số người hăng hái tham gia, đặc biệt là con cái họ thì rất nhiều người có lòng yêu nước, ví dụ như con trai Cự Lâm.

Quốc Vinh ngừng lại để ho rồi lại nói:

- Căm thù quân giặc, chị em chợ Đồng Xuân và tất cả các chợ Hà Nội đã nhất tề bãi thị, thề không bán lương thực cho Pháp. Nhiều chị em đã tự động quyên tiền, quyên gạo giúp đỡ bộ đội. Rất đông nam nữ học sinh không chịu tản cư với gia đình, hăng hái xung vào các tổ tự vệ. Nhân dân các khu phố góp tiền mua súng, mua đạn. Chúng ta đang đứng trước một phong trào nhân dân tự võ trang sôi nổi chưa từng có. Nhân dân đào hào, đắp ụ, dựng chướng ngại vật, đục các lỗ giao thông xuyên nhà nọ sang nhà kia...

Tôi nói với số lương thực hiện có ở Liên khu I, ta có thể cầm cự được hàng tháng. Nước lấy ở đâu? Ở trong các vại, các chum, các bể, trong hàng trăm hàng ngàn cái giếng.

Nói tóm lại, căn cứ vào các điều kiện tinh thần, vật chất, địa hình địa vật, tôi thấy ta có đủ điều kiện để kéo dài cuộc chiến đấu ở thủ đô.

Bàn tay Quốc Vinh như chém vào không khí. Mắt lồ lộ của anh sáng lên. Anh nói:

- Không phải chỉ một tuần lễ mà thôi đâu, tôi nói có thể một tháng.

Dân vỗ khe khẽ vào cái hông gầy của Quốc Vinh:

- Một tháng là ít.

Nhiều đại biểu rào rào:

- Được rồi.

Quốc Vinh ngồi xuống, vừa ho vừa hỏi khẽ Dân:

- Có được không? Không hiểu thế nào, mình chẳng nhớ được cái gì. Nói lộn xộn quá. Thiên binh!

Dân cười hề hề:

- Được rồi. Tán thành. Tốt.

Một cán bộ quân sự chợt mở cửa vào, không nhìn ai, tới thẳng chỗ Khu phó ngồi, đứng nghiêm chào, rồi đưa cho người chỉ huy một phong bì nhỏ. Khu phó xem xong, mím môi lại, trao cho đồng chí Bí thư.

Đồng chí Bí thư đứng lên:

- Các đồng chí, bọn chỉ huy Pháp gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta, đòi tước khí giới tự vệ, đòi giữ quyền công an, đòi đảm bảo lấy việc trật tự trong thành phố. Chúng nó đòi Chính phủ ta phải trả lời trước hai mươi giờ rưỡi ngày hôm nay, mười chín.

Mọi người ngồi im không động như những tượng đá. Ào ào tiếng lá rụng ngoài đường.

Đồng chí Bí thư nói:

- Hồ Chủ tịch và Hội đồng Chính phủ vừa họp quyết định bác bỏ yêu cầu láo xược, và hạ lệnh cho toàn thể quân đội và nhân dân sẵn sàng. Chính phủ đã quyết định không để cho chúng đánh trước. Các đồng chí, các đồng chí đã sẵn sàng chưa?

Một tiếng thét đáp lại:

- Sẵn sàng cả rồi!

- Đã đánh được chưa, các đồng chí?

Người cầm sổ, người gập bản đồ, người đánh rơi cặp xuống sàn, người đưa cái quai súng sang bên, họ đứng cả lên:

- Đánh!

- Các đồng chí đang mong được đánh lắm phải không?

- Vâng. Chúng tôi chỉ mong có thế.

- Các đồng chí, tám giờ tối hôm nay, trước cái hạn tối hậu thư, thủ đô sẽ nổ tiếng súng đầu tiên của kháng chiến.

Một tiếng ồ dài ran ran trong gian phòng.

Nhiều bàn tay nắm lấy nhau. Những tiếng thì thào: Tám giờ! Tám giờ! Có tiếng nói to:

- Phải thế. Phải thế. Trả lời nó bằng tiếng súng!

- Chúng tôi xin hứa làm tròn nhiệm vụ.

Đồng chí Bí thư nói:

- Các đồng chí ngồi xuống. Đồng chí Khu phó có nói gì nữa không?

Khu phó, nét mặt nghiêm nghị:

- Các đồng chí sẽ chờ lệnh cụ thể. Bây giờ chỉ dặn mấy điều.

Một là tiếp tục cho trinh sát đi điều tra tình hình địch, theo dõi chặt chẽ cách chúng bố trí quân.

Hai là kiểm tra khí giới, vật dụng cần thiết để cản cơ giới, duyệt lại toàn thể lực lượng, đặc biệt các đội cảm tử, các tổ liên lạc, các đơn vị có nhiệm vụ chiếm ngay những nơi cao để làm chòi quan sát.

Ba là phát lương khô cho các chiến sĩ mang sẵn trong mình.

Hết.

Đồng chí Bí thư nói lời cuối cùng:

- Các đồng chí về chuẩn bị. Thì giờ bây giờ là vàng. Vững tin ở Hồ Chủ tịch, ở đoàn thể, ở nhân dân. Thắng lợi sau cùng sẽ về ta.

Các đồng chí, chúng ta sẽ ít có những cuộc hội họp đông đủ như thế này. Trong giờ phút chia tay, đứng trước cái nhiệm vụ nặng nề mà đoàn thể đã giao cho, chúng ta hãy thề với nhau là: sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, sống chết với quân thù, kéo dài cuộc chiến đấu ở Thủ đô.

Trời đã sáng.

Trong phòng họp, những nắm tay giơ lên, khít vào nhau, và từ từ hạ xuống.