Trước Hồ Dzếnh chừng trăm rưởi năm, ở phường Bích Câu, kinh đô Thăng Long, “có Trần công tử tên là Tú Uyên” cũng đứng chờ “em” mà mãi chẳng thấy em đâu: “Trông mong đã trót giờ lâu / Ấp cây mãi thế ra màu cũng quê / Chán chiều thơ thẩn ra về / Xem tình dở tỉnh dở mê nực cười!”. Công tử ấp cây sợ ấp nữa sẽ hóa... quê một cây, nên đành thôi, chân bước mà óc dở tin chắc có chuyện gì, dở ngờ đã bị em cho... leo cây! Ghét leo cây như Trần Tú Uyên là bình thường, còn cầu “được” leo như Hồ Dzếnh thì từ “nghìn xưa” đến năm 1942 không thấy ai mà từ dạo ấy đến “nghìn sau” chắc lúc nào cũng hiếm... (Thu Tứ)



“Ngập ngừng”

Hồ Dzếnh




Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Ðể lòng buồn tôi dạo khắp trong sân,
Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần...
Tôi nói khẽ: Gớm, làm sao nhớ thế?

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Em tôi ơi! tình có nghĩa gì đâu?
Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu?
Thuở ân ái mong manh như nắng lụa.
Hoa bướm ngập ngừng, cỏ cây lần lữa,
Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi,
Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi!

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Tôi sẽ trách - cố nhiên! - nhưng rất nhẹ.
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về,
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề,
Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở.
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,
Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa...