“Giã từ, đi nghe tim Hà Nội”




Trần Văn đến trước bàn thờ, nhìn cái ảnh cụ Tú thân sinh ra anh, nhìn nén hương vòng mà mẹ đốt sáng ngày trước khi ra đi. Nó đã tắt nửa chừng. Anh đánh diêm đốt cho nó cháy lại, cảm thấy trong nhà và người anh đỡ lạnh. Anh tần ngần chưa muốn bước đi, nhớ tưởng đến ông cha. Ông nội Trần Văn đã tham gia chống Pháp. Cụ Tú đã dự vào phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục... Trần Văn tự hào về quá khứ của gia đình, nhưng không dám hoạt động cách mạng. Anh chọn nghề giáo trường tư để khỏi phải tiếp xúc với giặc. Anh nghiên cứu sử, dạy sử, tin rằng việc học sử sẽ giúp người Việt Nam giữ được lòng yêu nước, và thường tự nhủ: “Mình không dám làm cách mạng, nhưng làm được việc này thì cũng là giúp nước. Còn hơn những kẻ nhận tổ tiên là giống Gô-loa (1) mà không biết nhục”...

Trên bàn giấy nhỏ của Trần Văn có đặt cái ảnh mẹ anh. Anh cầm lấy cho vào ví, ngẩn người, hình dung thấy mẹ nằm ở một xó nhà quê hẻo lánh trằn trọc nghĩ đến con. Anh lúi húi thu xếp những thứ trên bàn. Đây là những bài giảng đang soạn, còn đây quyển vở anh đang dùng để viết chữ nho. Chữ Hán sẽ giúp anh đọc được một số sách cổ mà ông cha anh còn để lại chứa trong hai cái tủ treo trên tường. Anh mới khởi công học được hơn hai tháng. Anh lấy cái cặp da, định cho mấy cái tài liệu quý vào. Nhưng cặp đã nhét đầy những thứ cần thiết hơn: khẩu súng lục, mấy quả lựu đạn, một nắm lương khô. Anh tắc lưỡi: “Đem đi cũng vô ích thôi. Bỏ lại hết những cái gì không cần thiết để cho người nhẹ nhõm”. Anh mở ngăn kéo cho tất cả các giấy má vào. Ngăn kéo chật, anh phải bỏ ra nhiều thứ không quan trọng, vứt xuống bàn. Chợt anh trông thấy ảnh Trinh. Trinh như đang cười với anh, với tất cả cái tươi thắm tự nhiên của một nữ học sinh. Họ đã có biết bao nhiêu những dự định tương lai. Mấy lần anh đã hỏi Trinh có thể sống một cuộc đời thanh bạch không. Trinh quả quyết nói được. Thế mà bây giờ...

Trần Văn cầm cặp, quàng quai ba-lô lên vai, bước xuống dưới nhà. Vào trong buồng của mẹ, anh đứng thẫn thờ nhìn cái sập mộc, cái hòm khóa chuông anh vẫn nghe quen, cái thạp gạo mẹ đã đong đầy, cuộn bóng thủ gói trong một tờ báo mẹ đã mua để chuẩn bị Tết sắp đến...

Gió bấc tê buốt táp vào mặt Trần Văn khi anh ra tới đầu ngõ. Trần Văn thấy hơi ngây ngất, có lẽ vì cái kích thích của phiêu lưu.

*

Trần Văn rảo bước như bị ai thúc giục, cái bóng của anh mờ mờ xóa xóa trên con đường phố tối âm âm.

Ngã tư Hàng Bạc, một ngọn đèn treo lờ mờ, u uất, vãi một khoảng ánh sáng lặng lẽ xuống con đường lượn vòng sang Hàng Bồ. Từ đầu Hàng Đào, qua Hàng Ngang, Hàng Đường đến chợ Đồng Xuân, khá nhiều bao cát dựng sù sụ trước những cửa lùa gỗ rất xưa và những cửa lùa sắt văn minh một cách lạc lõng. Rải rác hố cá nhân sau những cột đèn sắt. Trên hè hẹp, đất mới đào hắt lên, làm thành lối đi mấp mô, ướt át. Đất và sỏi quăng ra đã gần lấp kín con đường xe điện. Lẻ tẻ một vài bóng anh em công nhân đạp xe đi tuần.

Khắp bốn bề, những tiếng đục tường thông nhà nọ sang nhà kia nổi lên bí mật, như đứt hơi, như giận dữ. Nó không còn lẻ tẻ nữa, mà râm ran, vội vã.

Giữa phố xá vắng lặng một cách nặng nề, thứ âm thanh mới lạ ấy độc tôn. Tiếng nặng chen nhẹ, tiếng xa chen gần, như có liên lạc với nhau, chốc chốc trộn vào tiếng kê lại bàn ghế, tủ giường lục cục, rít rít, sệt sệt. Âm thanh của khẩn trương chuẩn bị. Khắp thế giới, sau một cuộc chiến tranh khủng khiếp, đã im tiếng súng; nhưng ở đây, bão táp của xung đột đẫm máu lại đang sắp sửa đổ tới.

Hà Nội đang tự hủy mình để chặn giặc. Nhưng những tiếng thuổng đâm vào tường vừa chất chứa giận dữ, lại như vừa có một cái gì phơi phới. Lắng kỹ, nghe rì rầm tiếng nói tiếng cười. Những bức tường ngăn cách mọi nhà đang được mở ra, đầu phố nọ đang sát lại đầu phố kia, bao nhiêu con người không biết nhau, thành kiến với nhau, khinh ghét lẫn nhau, lừa lọc lẫn nhau, đang gần lại.

Tiếng đục tường như chính tiếng đập của trái tim Hà Nội!

Những khẩu hiệu “Thanh niên sống chết với thủ đô” la liệt hai bên đường bỗng như cùng kêu lên, và khẽ rung rung trong cái sáng tối mập mờ.


Đêm lạnh như băng. Tiếng gió buốt vù vù, vo vo trên các dây điện, mơ hồ có chứa vọng về những tiếng kêu thảm thiết của Hàng Bún – Yên Ninh hờn oán.
























_________
(1) Người Gô-loa là tổ tiên người Pháp.