Nguyễn Huy Tưởng, “Muốn tao khai thì đây này!”




- Anh cán bộ còn trẻ, bị tra tấn nhiều nên xanh lắm. Bọn mật thám dẫn anh ta ra Cửa Nam để chỉ cho chúng bắt một anh cán bộ khác đã hẹn anh ta gặp nhau ở đây, tức là Quốc Vinh. Bọn mật thám trà trộn vào với mọi người. Quốc Vinh vừa đi tới. Chỉ một giây nữa... Vừa lúc ấy, xe điện ở Hàng Bông chạy xuống. Anh cán bộ bỗng kêu to: “Chúng mày muốn tao khai thì đây này!”, rồi lao ngay vào cái xe điện. Trông thương lắm. Thật lâu, dân chúng còn đứng ngẩn ngơ nhìn cái nơi mà một người cách mạng đã hi sinh. Chưa bao giờ tôi xúc động như buổi sáng hôm ấy, chính mình được chứng kiến... Biết bao nhiêu người đã hi sinh trên đất Hà Nội này mới có ngày nay.

Trần Văn mỉm cười, chua chát:

- Có điều là mình nhát sợ. Mình phục họ nhưng không dám theo. Những hi sinh của họ quá cái sức của mình.

Họ lặng lẽ bước trên con đường Tràng Thi lúc này không có xe chạy, chỉ lẻ tẻ có vài người đi vội vã. Lòng giận giặc, nỗi bực mình lẫn với ở Trần Văn cái bồi hồi của nhớ tiếc, gợi lên do những lá bàng tím đỏ đầy đường sột soạt dưới chân và mấy con chim đậu trên dây thép trong ánh bạc của khoảng cây trụi lá. Đây là một trong những con đường đẹp nhất của thủ đô. Những hàng cây hai bên cao hơn nhà gác làm cho Hà Nội đắm trong thiên nhiên, và khi lộc non chuyển sang xanh râm, hay khi hoa phượng nở, hay khi tiếng lá rụng thay cho tiếng ve sầu, người ta như trông thấy nghe thấy sự tiếp nối của bốn mùa. Trên con đường thi cử của ông cha khi xưa, một đêm hè, dưới vòm cây mát, Trần Văn và Trinh đã nói với nhau những lời tình tự ban đầu. Con đường lúc này trông đau thương quằn quại và như quấn lấy anh. Thư viện trung ương mà anh là người đến đọc sách thường xuyên, thì im lặng như ngôi đền, chỉ có lá bàng, lá đa rụng đều xuống những thảm cỏ, xuống mấy cái ghế đá lơ thơ ngoài vườn vắng. Trần Văn nói:

- Cái phần khó khăn nhất, những người cán bộ ấy đã làm. Chúng ta bây giờ không có lí do gì để từ chối cái phần của chúng ta. Không thể để mất tất cả những cái này một lần nữa...

*

Người đổ xô từ phố Tràng Tiền về Bờ Hồ. Một đám thanh niên đang đứng trước dãy hàng hoa bỏ trống, vất điếu thuốc lá hút dở, rảo bước đi về phía tháp Báo Thiên. Mấy chú khách bán phá xa ôm hòm lạc, lom khom bò, mắt sợ hãi nhìn trước nhìn sau. Những người chạy về cắt không còn hột máu. Tiếng kêu, tiếng gọi ầm ầm, hòa lẫn với tiếng chân huỳnh huỵch, tiếng giày, tiếng dép, tiếng rung chuông xe đạp không ngớt, tiếng ếp ếp của những anh xích-lô thục mạng lao cái xe không. Và bao trùm là cái gì không thành tiếng, nhưng nó phóng đại gấp trăm, gấp nghìn mọi tiếng động, nó vang trong những đầu óc căng thẳng như cái tang trống chỉ một tiếng đập nhỏ cũng rung lên rất mạnh.

Khi Trần Văn và Loan tới đầu quán hàng hoa thì người càng đông, ùn ùn như sau một trận đá bóng. Nhìn xuống phố Tràng Tiền, thoáng thấy đằng xa Nhà Hát Lớn, trên đỉnh nóc cao lá cờ đỏ vẫn bay. Nửa phố về phía nhà hát vắng tanh. Nửa phố về phía Bờ Hồ, người đông nghịt, tỏa ra hai bên phố Hàng Bài và đường Bờ Hồ. Bên kia đường, trong nhà Ta-véc Roay-an, mấy người bồi Việt Nam khom khom đứng bên các bàn lố nhố tây đầm. Loan khó chịu, sao còn có những thằng bồi phục dịch chúng nó trong lúc này. Chúng nó thản nhiên ngồi uống rượu, hút thuốc lá khói um. Nhìn những người chạy bên ngoài, một con đầm tóc khô như rơm, nhún vai. Một thằng Tây đập cái roi da vào ủng một cách an nhàn, bên chân nó là hai con chó vểnh tai nhọn hoắt.

Người ta níu lấy những người ở Tràng Tiền chạy lại. Tiếng hỏi đáp dồn dập:

- Tụi mũ đỏ giở cái trò gì nữa đấy?

- Nó phá nhà Thông tin Tràng Tiền.

- Sao nó phá?

- Ai biết được. Đang phát thanh, dân đang nghe tin tức thì nó vào đến mấy chục đứa. Bộ đội ngăn lại, nó đánh luôn. Nhân viên chạy hết. Nó xé tất cả các báo, các bản đồ, đập nát các máy. Chậu cảnh nó quăng hết. Nó phá sạch phòng triển lãm. Nó lấy giấy má đem đi.

- Thế là nó lại gây sự...

- Lúc ra, thấy ảnh Cụ, một thằng lấy lưỡi lê đâm nát. Một thằng trèo lên lấy cá cờ đi. Một thằng treo một lá cờ tam tài lên tường, rồi viết ở dưới: kẻ nào hạ lá cờ này, kẻ ấy phải đền mạng.

- Liên kiểm đâu? Sao để nó hoành hành thế?

Một xe gíp phóng như bay từ phố Tràng Tiền lại. Nó đi sát cái bục của anh công an ở giữa ngã ba. Mắt mọi người bỗng trố ra. Đằng sau thằng lái xe, một thằng mũ đỏ, vai lủng lẳng những dây thừng vàng, giữ riệt lấy một người còn trẻ, mặc toàn ka-ki, mặt mũi sưng vù. Có tiếng kêu:

- Nó bắt anh thông tin rồi!

Trần Văn kéo Loan đi, nói nhỏ, nhưng giọng bực tức đến nghẹn ngào:

- Nó đang đòi tước vũ khí của tự vệ ta. Ở Hải Phòng, trước khi đánh, nó cũng mở đầu bằng việc đòi giải tán tự vệ.

Loan hỏi:

- Mình có chịu không, thưa anh?

- Chịu thế nào được. Chính phủ hạ lệnh cho thanh niên sẵn sàng, tức là đã chủ trương không nhân nhượng nữa. Đối với chúng nó, không thể nói lẽ phải mãi được.

- Cái ông cán bộ lúc nãy chào anh là ai đấy?

- À, chính ông Quốc Vinh đấy.

- Ông Nguyễn Quốc Vinh đấy ư, anh? Bé nhỏ thế thôi à? Phó chủ tịch Ủy ban bảo vệ mà trẻ thế ư, thưa anh?

Loan trông theo Nguyễn Quốc Vinh đi trước năm sáu bước, mà anh thoáng thấy gầy và xanh. Loan ngạc nhiên trước một sự thật hoàn toàn khác với tưởng tượng của mình. Qua những câu chuyện do Trần Văn kể lại trong khi đi đường, anh đã hình dung ra một người to lớn, vạm vỡ, khỏe mạnh, và lớn tuổi hơn anh nhiều.

- Người ta nói Chính phủ ta trẻ. Các bộ trưởng còn trẻ, huống chi là những cán bộ như ông này...

Anh chưa nói hết câu, thì từ phía nhà Quốc hội tiến lại, hãi hùng như trong một cơn mộng dữ, một đám người to lớn, quần áo toàn một màu xám xịt. Chúng nói một thứ tiếng Tàu nặng trịch, cộc lốc, man rợ. Đứa thì đầu để trọc, đứa đội mũ bê-rê, có đứa đội cả cái thứ nón sơn vành rộng. Đứa thì đi giày Tây như không đánh xi bao giờ, đứa thì đi giày Tàu vải đen, đứa thì đi hải sảo. Phần lớn đứa nào cũng đeo cái bao súng gỗ, nó càng làm tăng cái vẻ thô lỗ của chúng. Chúng đi nghênh ngang, lộn xộn, sặc sụa hơi men. Hình ảnh hãi hùng của những con quỷ đã gây nên bao nhiêu vụ tàn sát đẫm máu gần đây ở Hải Phòng. Mấy hôm nay, cái tin Pháp đưa rất nhiều thổ phỉ ở Phòng lên làm cho dân chúng xôn xao, lo sợ. Khi chúng đến gần Loan có một cảm giác lành lạnh.

Trần Văn nháy Loan rẽ ra phía bờ hồ. Lá rụng trên cái thảm cỏ sạch khô, mới hôm nào còn đầy những hầm trú ẩn đào trong những ngày thế giới chiến tranh. Một buổi sáng mùa thu, cách đây mới vài tháng, người Hà Nội đã ra đây lấp các hầm hố. Trong buổi sáng ấy, Trần Văn tưởng như bóng ma chiến tranh sẽ không bao giờ còn trở lại nữa. Không ngờ, nó đang rầm rập đến sau lưng. Nhưng lần này không phải một cuộc chiến tranh mà anh là một người ngoài cuộc. Đây là cuộc chiến đấu sống chết với giặc cướp nước mà anh không thể trốn tránh. Từ lúc nãy đến giờ, sự xấu hổ tủi nhục cứ xoáy mãi vào lòng anh, làm cho anh tức thở và chốc chốc lại đau nhói. Anh muốn thoát ra, mà có cái gì cứ chập lấy anh. Anh muốn vươn lên, nó cứ đè anh xuống. Anh muốn bước nhanh, mà chân cứ nặng nề. Anh muốn thét lên một tiếng kêu to, nhưng miệng anh như ngậm sỏi, và khi anh nói ra, anh cảm thấy lời nói gượng gạo, nhạt nhẽo, rời rạc, đứt hơi. Nỗi giận càng phải kìm đi, anh càng thấy mệt mỏi và bất lực. Trong trí anh, lộn xộn những hình ảnh của bọn mũ đỏ khiêu khích, bọn tây dân sự ngạo nghễ, mấy thằng bồi hèn hạ, lá cờ bị vò nát, anh thông tin mà lúc này có lẽ chúng đang tra tấn, vợ anh ta ở nhà chắc đang rưng rức khóc... Hai hàm răng rít lại, Trần Văn run run nghĩ đến cái phút sảng khoái được cầm một con dao sắc thọc sâu vào cổ một thằng giặc không cứ là đứa nào. Nhưng anh nhắm mắt lại, cảm thấy bàn tay mình yếu ớt, không quen. Trong uất ức, anh bỗng thấy chói lên những vinh quang của người anh hùng áo vải mà sự nghiệp cứu nước dính chặt với Hồ Gươm. Nhưng sau ánh chớp, anh vẫn đứng trước cái thực tế đau khổ là mấy thằng mũ đỏ đang chửi vào mặt anh, ngay bên cái hồ lịch sử oanh liệt.

Lá rụng trên vai Trần Văn. Gió lạnh phả vào mặt, làm cho anh dịu dịu. Nước hồ phẳng như gương, lá cây và váng nước xanh vẩn. Hàng liễu trên bờ phía Cầu Gỗ buông rủ những mành thấp thoáng. Những con đường nhỏ lượn dưới bóng những cây cổ thụ quạnh hiu, cuốn bay vài tà áo màu cuối cùng. Cầu Thê Húc, khom khom, đã ngả màu hồng nhạt. Trấn Ba Đình ủ rũ thấp xuống. Tất cả đều im lìm, chờ đợi. Cả đến đàn cò, từ năm này qua năm khác, không bao giờ rời cây gạo thân cao thẳng vút cũng không xào xạc như mọi khi. Chúng đi đâu hay nằm im trong tổ. Cái hồ yêu dấu như cũng cảm thấy dân tộc đang gặp khó khăn, và lắng xuống lo âu.

Trần Văn chỉ cái tháp Rùa mốc rêu đứng giữa hồ, nói với Loan, như để tự an ủi:

- Loan có trông thấy không, lá cờ trên đỉnh tháp Rùa. Nếu không còn nó thì chẳng còn gì!

Bỗng có mấy tiếng súng nổ ở đâu gần lắm. Tiếng súng mỗi lúc một ran ran, oàng oàng, cục cục, Đã chiến tranh rồi ư? Trần Văn và Loan cắm đầu chạy. Chung quanh hồ, những bóng người lao đi. Một chiếc máy bay rè rè lượn khá thấp.