Từ điển văn học (Hà Nội, 1983) cho biết Sống mãi với thủ đô “... tập I hoàn thành năm 1958 (...) Tác giả dự định viết làm hai tập (…) miêu tả toàn bộ cuộc chiến đấu chống Pháp của quân dân Hà Nội (…) trong hai tháng mùa đông 1946. Nhưng ông mới chỉ kịp hoàn thành tập I (…) thì bệnh ác đã cướp ông đi”.



“Lỗ đạn phải lấp bằng đạn”

Nguyễn Huy Tưởng





ảnh TT


Cái toa cuối cùng của chuyến tàu Bắc đã len ra khỏi hàng rào địa phận nhà ga. Trần Văn nhìn theo cái khung vuông đen sẫm lại, nhòa đi. Chuyến tàu chở người mẹ bé nhỏ của anh về quê thế là đã rời Hà Nội.

Trong lòng người con chưa hề xa mẹ lâu bao giờ có một sự trống rỗng đau đớn. Mấy ngày sắp chia tay, bà cụ lại đau mắt, ngụt ngoạt luôn, lúc nào cũng như khóc. Trong lúc hối hả thu xếp cho mẹ tản cư, anh quên khuấy không mua cho mẹ mấy lọ thuốc nhỏ mắt. Anh bứt rứt, môi mím lại, nước mắt rưng rưng. Anh bước về phía ga, nhưng rồi lại ngoảnh lại nhìn cái khoảng trống giữa hàng rào còn mù sương. Tai anh như còn văng vẳng lời nói cuối cùng của mẹ: “Chú về nhớ. Vài hôm nữa yên hàn rồi đẻ lại ra”.

Vài hôm nữa yên hàn? Mấy hôm nay, người Hà Nội tản cư rầm rập. Từ giã nhau, ai cũng nói cái câu đầu lưỡi ấy như để tin với nhau rằng những ý nghĩ tốt có thể chuyển dữ thành lành. Nhưng bằng linh tính, Trần Văn thấy đây không phải là một cuộc chia tay trong dăm bữa nửa tháng. Giữa buổi tiễn đưa này và ngày gặp lại, có một cái gì mù mịt, xa lăng lắc, đầy những tai biến khôn lường. Anh càng thương mẹ, trong cái thương có lẫn nhiều cảm phục. Anh biết trong thâm tâm, bà cụ muốn anh cùng về quê. Chẳng có người mẹ nào muốn cho con chịu những thảm hoạ của chiến tranh. Nhưng bà cụ không ngăn anh vào tự vệ, và khi anh nói phải ở lại để chống giữ Thủ đô, mẹ chỉ dặn: “Cẩn thận đấy, chú ạ. Nhờ giời, Cụ Hồ điều đình được không phải đánh nhau thì là phúc nhất”.

Chuyến tàu Phòng đầy ăm ắp người cũng sắp chạy. Tiếng còi rú một hồi dài thất thanh.

Một cái đầu tàu đang phì phì chạy một mình dồn những toa còn đẫm sương đêm cho chuyến tàu Nam.

Lấp loáng đèn xanh đèn đỏ. Sân ga Hàng Cỏ đông một cách khác thường, hơn cả những ngày giáp Tết. Gió lạnh lùa dọc theo cái nhà cầu cao rộng. Trong buổi sáng mờ mờ, những đường ray rộng bát ngát vì không có nhiều toa che lấp như mọi khi. Phu khuân vác chạy tới tấp. Những chiếc xe sắt chở hàng lộc cộc trên nền gạch, nhấp nhô trong cái khoảng nửa tối nửa sáng. Giữa nhà cầu và ở hai bên, người đứng ngồi đen đặc. Hành lý phần lớn là những va-li, hòm xiểng, khác với ngày thường toàn là những gồng gánh, thúng mủng, bồ con bồ lớn, lồng gà rọ lợn của những người buôn xuôi bán ngược. Không có những tiếng nói ồn ào. Chỉ có nhưng tiếng to nhỏ, thiết tha, những lời căn dặn thủ thỉ, những tiếng gọi nhau lo lắng, mệt mỏi:

- Lại đây khéo lạc đấy, cháu.

- Về đến nhà, mợ viết thư ngay cho ngoài này con khỏi lo.

- Đừng có đi đâu nhé. Mũ đỏ nó cán chết người ở Hàng Bông đấy. Đừng có lên phố Tràng Tiền nữa. Gạo đấy, thức ăn đấy, cứ ở nhà con nhé.

- Nó vào cả hiệu khách ở bờ sông tống tiền.

- Nhớ đến hỏi cho bà cái món họ nhà bà phán Hàng Phèn cháu nhé.

- Lạy giời, lạy Phật sao cho tai qua nạn khỏi.

- Trăm sự trông vào Cụ Hồ.

- Tết nhất đến nơi rồi.

- Chẳng biết về quê rồi làm ăn thế nào. Tọa thực sơn băng cụ ạ.

- Thấy nói bà sắp cho cô Ngân đi ở riêng.

- Ngày mai, ngày lành tháng tốt, tôi định lo cho cháu. Tình hình này, nhà cụ đốc lại xin hoãn...

Số đông hành khách là người già, phụ nữ và trẻ con. Một tốp ba người vệ quốc quân đang đứng chỉ trỏ như nhằm nơi bố trí. Họ mặc cái áo bông trấn thủ với những đường may hình quả trám, phảng phất như bức tranh bộ đội cầm ngang cây súng dựng ở các vườn hoa trong tuần lễ vận động may quần áo mùa đông binh sĩ vừa qua. Cái kiểu ăn mặc mới gọn ghẽ này, còn lạ mắt đối với người Hà Nội, cộng với vẻ nghiêm nghị của mấy anh bộ đội, đã gợi trong trí tưởng tượng của Trần Văn cái không khí chiến sự rồi.

Trần Văn len lỏi trong đám đông để tới cái cổng ra vào. Chợt anh trông thấy bà hai Vịnh và Trinh đứng trước phòng dây nói của nhà ga. Chỗ này tương đối thưa người. Anh định lờ đi thẳng. Nhưng bà cụ đã hỏi anh:

- Cậu giáo ra ga có việc gì đấy?

Anh không niềm nở lắm:

- Thưa cụ, tôi ra ga để tiễn đẻ tôi về Bắc.

Trinh khẽ gật đầu chào Trần Văn. Từ mùa xuân năm kia, họ đã như hai người xa lạ. Đôi khi gặp Trinh ngoài phố, hoặc với chồng hoặc một mình, anh quay mặt đi.

Trần Văn còn đang lưỡng lự không biết nên đi hay đứng lại thì bà cụ nói:

- Tôi về Nam đây, cậu ạ. Hoài của, cụ nhà đi chuyến tàu Bắc vừa rồi mà tôi không biết. Chẳng biết bao giờ mới được gặp cụ. Liệu có gì không?

Anh nói:

- Tôi cũng không biết thế nào. Nhưng các cụ tản cư là phải.

Bà cụ vẫy anh lại gần, lấm lét thì thầm, như nói một việc rất quan trọng:

- Cậu có vào tự vệ không?

- Đó là nhiệm vụ của mọi người thanh niên trong lúc này.

Bỗng Trinh hỏi mẹ:

- Tự vệ phải đánh nhau, sao các anh ấy thích vào mợ nhỉ?

Trần Văn cau mặt. Anh buồn cho Trinh, rồi liên tưởng đến Bao, chồng Trinh. Một kĩ sư điện du học về, Bao chỉ biết gia đình mình, chẳng chút quan tâm đến vận mạng Tổ quốc. Ngán ngẫm và bực bội, anh chào hai mẹ con, viện cớ có việc gấp, rẽ đám đông ra khỏi ke.

Con đường ngang trước ga sao mà rộng vắng, còn đại lộ chạy dọc thì hiu quạnh như trong canh khuya. Lá cây phủ kín lề đường. Trên nền trời xám ngoét, một con diều hâu bay lừ đừ như đứng nguyên một chỗ.

Một đám thanh niên đi xích-lô từ phía phố Hàng Lọng tới. Họ vội vã, hấp tấp, hốt hoảng. Họ cuống cuồng bước lên thềm, chạy vào ga lấy vé, mặt tái nhợt, thở dốc. Chắc chắn họ cũng theo gia đình đi tản cư như mấy thanh niên anh gặp lúc nãy ở ngoài ke. Các chàng lấm lét như sợ đồng bào xúm lại xỉ vả.

*

Ngót chục học sinh vui vẻ được gặp lại nhau trong lớp. Người này nói;

- Tình hình ghê lắm rồi. Ở Hải Phòng nó lại vừa đổ bộ lên bốn trăm lính. Ở Hà Nội nó đang gây sự y như trước ngày nó đánh Hải Phòng. Chúng mình cứ loanh quanh thế này mãi ư?

Người khác nói:

- Đầu phố Khâm Thiên, mình đã đắp ụ cao, chôn những cây gỗ to như cột đình. Các cửa ô đều dựng chướng ngại vật xong cả rồi. Hôm qua, nó cho xe đến phá ụ ở Ô Cầu Rền, bê cả từng khúc gỗ. Nhưng tự vệ làm lại ngay.

Họ bàn với nhau việc chiến đấu. Quyên hỏi một anh bạn:

- Thế anh đã vào đâu rồi?

- Mình đã xin với Ủy ban bảo vệ khu phố vào tự vệ rồi. Đi gác tập trung rồi kia.

Anh ta nói cái danh từ Ủy ban bảo vệ với một vẻ quan trọng đặc biệt. Quyên đứng lặng im, trí đuổi theo cái hình ảnh ước mong của một người cách mạng nào. Người ấy đã phải bị đày ra Côn Đảo, đã phải vượt tù trốn về khu Giải phóng, và lúc này phải gánh vác những công việc lớn lao. Người chồng lí tưởng của chị có thể không còn trẻ nữa, nhưng chị sẽ yêu với tất cả lòng yêu của chị, chị sẽ hi sinh tất cả cho anh để bù lại trăm nghìn gian khổ mà anh đã phải chịu trong bao nhiêu năm.

Tiếng nói chuyện mỗi lúc một thiết tha, sôi nổi:

- Chia tay thôi. Đứa nào về phố đứa ấy.

- Các anh ấy sẽ phát lựu đạn cho mà đánh nhau.

- Sốt ruột quá. Chúng mình lờ đờ thế nay thì còn học sinh Hà Nội cái gì.

Loan tuy ở tỉnh nhỏ ra học, nhưng cũng tự hào với bốn tiếng “học sinh Hà Nội”. Cái mơ ước của anh được học ở Hà Nội, nơi nghìn năm văn vật, nơi đầy ánh sáng và những người tài giỏi, anh mới đạt được. Tuy thời gian ở đây chưa được bốn tháng, nhưng Loan cũng tự coi mình như người chính cống Thủ đô.

Một anh giơ cao bàn tay mở rộng, hô:

- Học sinh Hà Nội theo tôi. Chặn tay thằng Pháp lại.

Họ bước ra khỏi lớp, tiếng cười trong trẻo. Nhưng họ chưa đi ngay, còn la cà đi hết lớp này sang lớp khác, tiến vào phòng giáo sư, đứng ngắm cây bàng, rồi lại ra hành lang. Họ vẫn chưa muốn chia tay.

Quyên chìa một quyển sổ xin mọi người kí tên vào.

... Trần Văn tới trước cổng trường, lòng se lại. Anh biết có một số học sinh nhớ lớp thỉnh thoảng lại đến thăm. Trong đời dạy học tư, trường này anh vừa ý nhất. Ông giám đốc, một nhà trí thức cách mạng, đã đến tận nhà mời anh dạy sử. Anh đã được giảng sử nước nhà bằng tiếng Việt một cách đường hoàng, không phải dè dặt, quanh co. Cách mạng Tháng Tám đã mở cho anh một cuộc đời mới. Anh đang phấn khởi thì tình hình buộc nhà trường phải đóng cửa.

Anh bước vào.

Đám học sinh vây lấy Trần Văn vào giữa. Họ đăm đăm nhìn người giáo sư chỉ hơn họ dăm bảy tuổi.

- Chúng em nhớ trường quá. Mới được hai tháng. Đang vui, đã phải nghỉ rồi. Chúng em muốn đi học. Có đánh nhau không hả anh? Đánh nhau có lâu không? Có cách gì không đánh mà thằng Pháp rút không? Gặp anh, em mừng quá. Anh bảo chúng em làm gì bây giờ? Còn anh, anh có ở Hà Nội không?...

- Tôi ở lại Hà Nội.

Mọi người reo lên:

- Thế thì vui quá...

- Sao các anh các chị còn ở đây?

Quyên nói:

- Chúng em cứ nhớ nhớ, không đến trường không chịu được.

- Tôi có cảm tưởng rằng tình hình mỗi lúc một nghiêm trọng thêm. Tụi Pháp sắp cố sống cố chết cướp nước ta một lần nữa.

Anh không nén được tiếng thở dài. Những cặp mắt trong trẻo ngước nhìn anh như đang nghe giảng. Một lúc lâu im lặng. Người ta nghe rõ tiếng lá bàng rơi đầu nhà. Quyên bỗng nói:

- Chẳng đời nào mình chịu.

- Chúng ta không thể sống mãi trong nhục nhã được. Không biết bao giờ dân tộc ta mới hết nhục? Biết bao giờ cho sức mạnh không thuộc về những kẻ đi áp bức người khác.

- Không hiểu làm sao người mình cứ khổ mãi, anh nhỉ?

Trần Văn mỉm cười, đau đớn:

- Có lẽ đến lượt chúng ta phải chịu đựng những nỗi khổ cuối cùng để rửa hết bao nhiêu những tủi nhục mà nhân dân ta đã mang nặng từ tám mươi năm nay.

- Chúng em sẵn sàng rồi, anh ạ.

Ngần ấy người thanh niên mắt long lanh như sắp xông lên chiến đấu. Trần Văn thoáng nghĩ đến Trinh và tự hỏi sao trong lúc mọi người đang lo cho số phận của Tổ quốc thì người đàn bà ấy lại có thể bàng quan như thế được. Anh nhìn những người học trò, mà cái sôi nổi làm cho anh thêm phấn khởi.

- Ông cha ta cũng sâu sắc lắm. Chắc các anh chị đều biết cái buổi sáng ngày 20-11-1873 khi quân Pháp đánh thành Hà Nội, đạn đại bác của nó làm thủng một cái lỗ rất sâu ở mặt thành phía Cửa Bắc. Ông cụ tôi kể lại rằng ít lâu sau, một đêm có một ông nhà nho lấy đất lấp cái lỗ và đề một bài thơ, đại ý nói làm vậy để hàng ngày nhân dân khỏi phải trông thấy mà thêm nhục. Được mấy hôm thì cái chỗ lấp bị moi ra để trơ cái lỗ đại bác cũ. Đến đêm, ông nhà nho lại lấp đi và đề thơ mắng cái kẻ nào không biết nhục đã phá cái công việc chính đáng của ông. Mấy hôm sau, cái lỗ lại bị moi ra, bên cạnh có đề mấy câu thơ họa lại khuyên không nên xóa cái vết ấy đi mà phải để đấy cho mọi người luôn luôn trông thấy cái nhục mà cố tìm cách cứu nước. Và cứ như thế, người chủ trương giấu cái sự thật nhục nhã, người chủ trương phơi trần nó ra, người nào cũng thấy mình yêu nước cả, người nào cũng cho việc mình làm là đúng. Hai bên cứ âm thầm cãi nhau như vậy. Mỗi buổi sáng lại thêm một bài thơ. Thơ cứ đối chọi nhau. Cuối cùng, ông thứ hai viết: cái lỗ đạn này không thể lấp được bằng đất bằng vôi, chỉ có thể lấp được bằng gươm bằng súng. Không biết ông lấp nghĩ thế nào vì sau đó Pháp nó biết và đem rào kín chỗ ấy...

Loan nghểnh cổ nhìn Trần Văn qua đôi kính trắng:

- Em thấy ông thứ hai đúng hơn.

Quyên vẫn chống hai tay lên cằm nghe chuyện, nói:

- Còn gì nữa hả anh? Hay quá, cả hai ông cùng yêu nước chứ.

Loan đỏ mặt:

- Đúng rồi. Nhưng sự thật dù tàn nhẫn đến đâu, cũng không nên giấu.

Nhiều người nhao nhao:

- Ông thứ hai đúng.

Trần Văn gật đầu:

- Tôi nghĩ lúc này là lúc chúng ta lấp cái nhục bằng gươm bằng súng đấy.

Loan nói:

- Mấy hôm nọ, em cũng định về quê. Nhưng bây giờ thì chúng em thấy cần phải ở lại. Anh cũng ở đây, thì chúng em còn lo gì nữa.

- Tất cả hay chỉ có anh Loan?

Quyên nhanh nhảu nói như sợ người khác cướp mất lời:

- Chúng em là học sinh Hà Nội. Học sinh Hà Nội mà lại tản cư thì nhục lắm. Ở Hà Nội có làm sao đi nữa cũng vẫn hơn. Lần này, em sẽ đến nhà chị Oanh xin cho công tác đấy, anh ạ. Anh biết chị Oanh chứ? Chị Oanh phố Nhà Thờ ấy mà.

- Tôi biết. Chị ấy hay đến họp với ông Quốc Vinh.

- Ông Quốc Vinh nào ạ?

- Ông ấy là Phó chủ tịch Ủy ban bảo vệ Liên khu I.

- Thế à. Hay quá nhỉ. Chắc ông ấy ghê lắm?

- Sao lại ghê?

- Thưa anh, Ủy ban bảo vệ thì phải ghê lắm chứ ạ.

- Nhất định rồi. Nhất định rồi.

Mọi người nói xôn xao. Thấy Loan rụt rè, Trần Văn hỏi:

- Loan muốn nói gì?

Loan lại càng đỏ mặt:

- Em muốn nhờ anh giới thiệu với ông Quốc Vinh.

- Được.

Mấy người học sinh khác tranh nhau nói:

- Anh giới thiệu chúng em với.

Trần Văn gật đầu. Thấy Loan cuộn tròn một quyển vở trong tay, anh cầm lấy giở ra xem. Quyển vở còn ngót một nửa chưa chép bài. Sau cái phần đã chép, trên một trang giấy trắng, viết câu: “Học sinh Hà Nội – Sống chết không rời Hà Nội”, dưới đề ngày 17-12-1946, rồi đến một loạt chữ kí.

Học sinh sán lại sát Trần Văn. Chưa bao giờ anh thấy gần họ như lúc này. Các trái tim đều đập mạnh. Những hơi thở không đều, bay khe khẽ vào mặt, thổi nhè nhẹ bên tai anh. Ngót chục cái đầu bên nhau. Trần Văn muốn ghì chặt tất cả trong hai cánh tay.

*

Bầu trời Hà Nội đục nhờ nhờ.

Giá buốt. Tuy sáng đã lâu rồi, nhưng phố xá vẫn như mới thức. Trần Văn và Loan đứng ở vườn hoa Cửa Nam, nhìn những con đường Hàng Đẫy, Hàng Bông, Tràng Thi, Cột Cờ đổ lại.

Văn nao nao nhớ cái buổi chiều mùa thu năm ngoái, khi anh cùng bao nhiêu người Hà Nội dự cuộc mít-tinh ở vườn hoa Ba Đình về qua đây. Tai anh còn văng vẳng những lời trong bản Tuyên ngôn Độc lập, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước một bể người cuồn cuộn, một rừng cờ rực đỏ. Anh đã bàng hoàng như mê như say, mặt bừng bừng nóng. Anh cơ hồ nhảy nhót trên những con đường đầy ánh sáng của một mùa thu tuyệt đẹp. Anh ngẩng đầu ngắm lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh cột cờ, nhìn vòm trời xanh lồng lộng. Cây cối hai bên đường reo vui. Chung quanh toàn là đồng bào của anh. Không còn bóng một thằng Pháp ngạo nghễ, hống hách. Anh yêu tất cả mọi người, và anh nói rất nhiều. Anh đi suốt từ Ba Đình về Nhà Hát Lớn, rồi lại từ Nhà Hát Lớn trở về Ba Đình. Anh ngẩng đầu đến mỏi cổ, chân anh bước đến long gối. Nhưng anh cứ đi và mãi không muốn về nhà. Hình như tất cả người Hà Nội đổ ra đường. Người không quen nhau cũng gật đầu chào hỏi. Tiệc mở linh đình ở vô số nhà mà cánh cửa mở toang. Người ta như bừng tỉnh một giấc ngủ triền miên. Vui đẹp lạ lùng, là những con đường sạch bóng quân thống trị dưới bầu trời Tổ quốc trong lành.

Những ngày vui sao ngắn ngủi. Anh lại đang sống trong bầu không khí ngột ngạt, nặng nề. Đường sá không còn thênh thang nữa. Anh nhìn lên phía Cột Cờ, nơi quân Pháp đóng. Không thấy động tĩnh gì, nhưng trông rờn rợn.

Vườn hoa Cửa Nam có cái sạch sẽ của mùa khô. Bên cái bệ còn lại của tượng đầm xoè đã bị nhân dân quẳng đi hồi Nhật đảo chính, khá đông người đang xúm quanh một anh thợ nặn. Một quang cảnh tưởng như không thể còn nữa trong những ngày này. Người dân Hà Nội đứng xem như để quên những mối lo nghĩ. Mấy đứa trẻ con len dưới chân người lớn để vào gần. Tiếng cười, tiếng nói, tiếng trầm trồ khen ngợi cái tài khéo của anh thợ...

Có tiếng gọi dịu dàng. Trần Văn quay lại. Một thiếu nữ gánh hai sọt hoa cúc vàng ở phía Tràng Thi bước tới. Anh nhận ra Nhân. Nhân nghiêng đầu sát đòn gánh, không nhìn anh và hỏi khẽ:

- Anh đi đâu sớm thế?

- Tôi ra ga tiễn đẻ tôi về quê.

- Thế ạ.

Nhân dùng dằng như nửa muốn đi nửa muốn đứng lại. Ấy là một cô con gái trạc mười chín đôi mươi, mặc theo lối phụ nữ ngoại thành. Khăn vuông đen quặt đằng sau, áo dài phin nâu mỏng hở cổ để lộ cái áo cánh trắng và cái áo len đan màu xanh. Hai ống tay chét lại, tất cả y phục đều lẳn vào người. Bàn tay trái vịn hờ vào đòn gánh bật nổi cái nhẫn hình trái tim. Trần Văn hỏi:

- Cô đi đâu?

Nhân vẫn không nhìn anh, tay trỏ ra phía đầu Hàng Bông, in hình một Vệ quốc quân im lìm đứng gác. Nhân nói:

- Chúng em góp tiền ủng hộ các anh bộ đội. Chốc nữa em cũng lại gặp chị Oanh.

- Tốt lắm. Cô đi nhé.

Hè năm ngoái, anh có lên chơi Ngọc Hà mấy ngày với một người bạn cũng dạy học tư, và là anh ruột Nhân. Sau khi anh về, Nhân có một hôm xuống chơi, tặng anh hoa. Từ đó thỉnh thoảng vẫn qua lại. Trong những ngày gần đây, Nhân thường có mặt khắp nơi trong Liên khu, rất hăng hái trong những cuộc vận động “mùa đông binh sĩ”, quyên tiền, quyên gạo, quyên thịt ủng hộ bộ đội. Những người bạn tự vệ của Trần Văn thường gọi Nhân là cô Ngọc Hà, cô mắt nhung. Có người còn nói là Nhân có cảm tình đặc biệt với Văn, nhưng anh gạt ngay đi để khỏi có những chuyện hiểu lầm không lợi cho Nhân.

- Cô đi nhé. Hôm nào rỗi, tôi lên chơi anh Sửu, xem hoa đào ngày Tết.

- Anh em nhắc đến anh luôn. Anh Sửu em bây giờ cũng bận họp tự vệ lắm. Đi, chị đi.

Nhân quay lại nói với một người đàn bà dáng quê mùa đã đứng tuổi, đầu chít khăn trắng quặt ngang, tay dắt một đứa trẻ trạc lên chín lên mười ôm một cặp da cũ đựng đầy báo. Người đàn bà chào Văn.

- Đây là chị họ em. Chị em bán xôi chè ở Hàng Da. Anh em đóng giày ở phố Hà Trung. Năm ngoái, anh em vào bộ đội Nam Tiến. Tháng bảy vừa rồi thì nhận được tin anh em hi sinh ở Ban Mê Thuột.

- Thưa ông, cháu nó nhớ bố quá. Cứ thấy các anh bộ đội là sán đến. Các anh cũng mến cháu. Thế rồi cháu đòi ở lại với các anh. Tôi đến gọi, cháu nằng nặc không chịu về. Ông trung đội trưởng yêu cháu lắm, nhận cháu là em nuôi.

Thắng lườm mẹ:

- Anh Dân, u cứ gọi ông trung đội trưởng mãi.

- Anh với mày, chứ u gọi là anh thế nào được. Mày cứ cãi u thế. Nhà chỉ có một mẹ một con, nhưng cháu đòi đi quá, tôi đành phải chiều cháu. Hôm qua, đến xin các anh cho cháu về một buổi cho đỡ nhớ, hôm nay phải dẫn cháu đi ngay.

Văn móc túi lấy tiền mua cho em bé mấy tờ báo. Thắng bỗng reo to một tiếng, bỏ chạy về phía một người mặt bộ quần áo thợ đang ở đầu Tràng Thi tiến lại. Thắng ôm choàng lấy người ấy:

- Anh Dân ơi, u em dẫn em đến. U em bằng lòng rồi.

Một cái cười rộng, thật thà nở trên môi dày của người áo vải tím mà Thắng kêu là Dân. Anh bế xốc Thắng lên, và chỉ trong nháy mắt, Thắng đã ngồi trên vai Dân. Anh làm ra bộ khom khom lưng và nhăn mặt:

- Úi chà, nặng quá, nặng quá. Xuống ngay, xuống ngay.

Nhưng hai bàn tay rất to của anh vẫn nắm lấy hai chân Thắng buông thõng trước ngực. Anh công kênh Thắng tới trước người mẹ và nói, tiếng rất to:

- Chào bà. À, chào cô Nhân. Úi, hoa cúc đẹp quá.

Người mẹ bảo con:

- Xuống chứ con.

Thắng nhảy phóc từ trên lưng Dân xuống, một quả lựu đạn giả từ trong áo nó văng ra. Dân nhặt lên, cười, giậm giậm chân, dọa Thắng:

- Này nó nổ. Này nó nổ.

Anh đút vào túi Thắng đút quả lựu đạn và nói:

- Phê bình đồng chí nhá. Thôi để yên nó trong ấy không nó chạy mất.

Mọi người cùng cười. Dân trạc ngoài hai mươi tuổi, người ngoài bãi, vốn là một thợ nguội. Lúc đầu vào tự vệ chiến đấu, sau khi học ở trường quân chính Bắc Sơn ra, Dân được chuyển sang bộ đội và hiện làm trung đội trưởng Vệ quốc quân bảo vệ khu vực Cửa Nam. Mấy đêm hôm nay, Dân đi suốt dọc đường Tràng Thi, Hàng Khay để khoan các thân cây hai bên đường chuẩn bị đặt mìn khi xảy ra tác chiến.

Người mẹ nói:

- Bố cháu mất rồi, cháu ở với các ông vậy, còn hơn để cháu ở nhà, tôi không trông nom được, cháu chỉ lêu lổng. Ở với các ông thì phải ngoan con nhớ.

Bà ta nắn lại cái mũ méo cho con:

- Trăm sự nhờ các ông. Bố cháu chỉ còn có nó.

Dân nói:

- Được ạ. Được ạ. Bà cứ yên tâm cho em Thắng ở với chúng tôi.

Trần Văn đưa tiền cho Thắng. Anh thợ nặn nói:

- Bà mua cho em một cái.

Anh nhổ một Quan Công chìa cho người mẹ:

- Quan ngài thì khước lắm. Đây, giống ngài như đúc. Mua cho em lấy may. Chả nói giấu gì bà, cũng là để kiếm ít tiền cho mẹ cháu về quê.

Dân hỏi:

- Thế còn ông?

- Tôi thì về thế nào. Phải ở lại chiến đấu chứ lị.

- Thế thì cho tôi một Quan Ngài. Mặt đỏ râu dài, đẹp lắm, Thắng này.

Anh cầm cái tượng đưa cho Thắng, và lại cõng em lên vai, đi về trụ sở. Người mẹ và Nhân bước theo sau. Vóc người lực lưỡng của Dân nổi bật lên. Thấy người ta reo cười, anh lắc lư cái đầu thỉnh thoảng lại làm bộ suýt ngã. Một bà vừa cười vừa nói:

- Cái ông ấy đến hay.

Anh thợ nặn đẩy xe đi, cái vườn hoa bỗng trở nên buồn tênh như sân đình dỡ rạp. Người ta ngơ ngác nhìn theo cái hình ảnh duy nhất còn lại của thời bình trong buổi sáng hôm nay. Một bà già nói:

- Khốn nạn, mua cho anh ta một cái thì phải.

Có những tiếng ầm ầm phía đường Cột Cờ đưa lại. Một đoàn xe gíp, háp-tờ-rắc tiến rầm rộ vào phố Tràng Thi. Hết xe này đến xe khác lao đi chồm chồm, phố xá rung chuyển, bụi bốc mù. Toàn Tây mũ đỏ, có đứa giơ quả đấm dọa nạt.

Trần Văn đứng nhìn, trống ngực đánh mạnh, tay phải nắm chặt. Anh nói trong lòng: Không. Chúng mày sẽ không trở lại được đâu.


(Trích
Sống mãi với Thủ đô. Nhan đề tạm đặt. In đỏ đậm do người trích.)