Khá dần lên đấy chứ.

Tìm gặp Lượng, suýt nữa bị bắt. Tìm gặp Tuyển, không phải hú vía, chỉ phải thất vọng. Không tìm mà gặp Lập, ngẫu nhiên kiếm được “một chỗ ngủ tối nay”.

“Đêm” còn dài lắm, đầy đe dọa sống chết, nhưng Khắc sẵn sàng.

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Vỡ bờ (14)



Khắc quay trở vào thành phố, lúc sau anh đã lại lang thang đi dọc con sông Lấp.

... Phơ... ơ... tiếng rao và mùi phở thơm nhắc cho Khắc là anh đang đói mềm. Trước hết hẵng ăn cái gì đã. Và phải kiếm một chỗ ngủ tối nay đã. Còn một đầu mối mà Lê dặn cho Khắc là chị Gái, một đồng chí ở xi-măng. Mai Khắc sẽ đến nhà máy, chờ lúc tan tầm tìm chị. Còn từ bây giờ đến mai, ngủ chỗ nào?

Khắc dừng lại trước một hàng nước, gồm một cái chõng tre, bên trên bày ít bánh trái và mấy cái bát, chung quanh một ngọn đèn hoa kỳ. Anh ngồi xuống cái ghế dài khập khiễng, hỏi mua cái bánh chưng, ngồi bóc ăn ngon lành. Bên kia đường, một tiệm nhảy đang nổi điệu kèn rập rình. Dưới dòng chữ “Bar – dancing” ngoằn ngoèo bằng ống đèn nê-ông xanh đỏ, mấy chú bé đánh giày đang ngồi trên hè chí chóe cãi nhau. Từ dưới con sông Lấp nước cạn đen ngòm, đưa lên nồng nặc mùi nước cống. Ven bờ sông, dưới những bóng cây tối, lượn đi lượn lại bóng áo quần trắng của mấy cô gái làng chơi đang đi kiếm khách.

- Bà cho tôi xèng nước.

Một người thanh niên tới, ngồi lên cái ghế đẩu bên cái chõng. Anh ta uống nước ừng ực, rồi móc mãi trong túi, tìm đồng xèng “Bảo Đại”, đưa trả bà hàng. Khắc liếc nhìn nhanh. Anh thanh niên mặc cái áo sơ-mi đã vá, đầu đội cái mũ cát rúm ró. Mặt anh phờ phạc, lộ vẻ chán nản vô cùng. Thấy Khắc ăn, hai cánh mũi anh phập phồng và hai mắt cứ nhìn vào miệng Khắc. Chợt như xấu hổ, anh ta vội quay đi. Tội nghiệp anh chàng đang đói quá. Khắc lấy một cái bánh chưng đưa cho anh ta.

- Cậu ăn đi.

Anh thanh niên đỏ mặt nhưng cầm lấy cái bánh quay đi và cúi xuống ăn ngay. Khắc hỏi:

- Cậu đang tìm việc phải không?

Anh thanh niên liếc nhìn Khắc, gật đầu và lại nhồm nhoàm nhai nốt miếng bánh. Trước mặt hai người, mấy chiếc xe tay và xích-lô đang ồn ào từ đầu phố chạy đến. Trên xe năm sáu tên cai đội lê-dương say rượu nằm ưỡn người vừa giậm chân xuống sàn xe vừa hát ầm ĩ. Đến trước nhà “đăng-xinh”, cả bọn gào lên, xe chưa kịp đỗ, chúng đã loạng choạng nhảy xuống. Một thằng không trả tiền xe, sừng sộ dọa người phu lẻo khoẻo đang chìa tay và nài nó:

- Me-xừ, me-xừ.

Thằng đội trợn mắt cứ đi vào tiệm nhảy, người phu xe túm vạt áo nó, ra hiệu:

- Me-xừ giả tiền tôi đi chứ.

- Mẹc, cô-sông!(1)

Thằng đội lê-dương giang tay tát mạnh, cái nón rách của người phu bắn tung ra đất. Và cái cảnh hàng ngày thường diễn ra, lại diễn ra một lần nữa ở đây. Người phu xe kêu váng lên, tên đội càng đấm đá, người phu bỏ chạy, nó còn hùng hổ ra đá vào cái xe kéo và lật ngửa cái xe ra giữa đường. Mấy thằng bạn nó đứng ở cửa tiệm nhảy nhìn ra cười hô hố. Anh thanh niên ngồi bên Khắc bật chồm dậy, lầm bầm chửi:

- Sư chúng mày.

Khắc kéo tay anh bạn mới:

- Thôi mặc chúng nó, tức làm gì lại chết cả nút!

Anh thanh niên mắt vẫn quắc lên, nhìn Khắc ra vẻ không bằng lòng:

- Chết thế nào! Cứ như anh, làm gì mà chúng nó chẳng bóp mũi mình mãi!

Khắc kéo anh ta đi và phân bua:

- Thì anh bảo mình làm gì được. Nhịn đi cho xong còn hơn!

Anh thanh niên lầm lì không trả lời. Anh ra vẻ giận và khinh người bạn đường nhút nhát của anh, nhưng anh không dám nói ra. Họ cùng đi thong thả. Khắc nói tiếp:

- Gớm dưới này lắm đèn quá, nom hoa cả mắt.

Anh thanh niên quay sang:

- Anh mới về đây à?

- Ừ, tôi ở Sơn Tây mới về. Có lão anh họ biên thư bảo xuống dưới này hắn tìm việc cho, mình bò về tìm đến chỗ hắn, thì hắn đã đi đâu từ tám hoánh nào rồi.

- Trông anh lớ ngớ thế thì về đây dễ chết đói lắm.

Khắc cười:

- Từ bé tôi chỉ quen làm ăn ở tỉnh nhỏ, về đây cái gì cũng lạ. À tên anh là gì?

- Tôi là Lập. Còn anh?

- Tôi là Giong.

*

Đi một lúc, Khắc được biết Lập trước làm thợ sắp chữ ở nhà in tờ báo “Cu-ri-ê”, nhưng bị đuổi đã mấy tháng nay. Lập đã chạy đủ nơi vẫn không có việc, và bây giờ phải ở với gia đình người chị. Ông anh rể Lập đốt than trên tàu Nam Hải chạy Cửa Ông, thường đi vắng quanh năm suốt tháng, cứ cách bốn năm hôm, ông ta mới về nhà ngủ một tối.

Khi Khắc ngỏ ý muốn về nhà Lập ngủ nhờ tạm một vài bữa, Lập chỉ trả lời cộc lốc:

- Cũng được. Để tôi về hỏi chị tôi xem thế nào.

Lập đưa Khắc về khu Hạ Lý, qua dãy phố “nhà thổ” tồi tàn và ngập rác. Các “cô” quần trắng vẫn lê guốc lượn đi lượn lại, hoặc ngồi hóng trên hè. Lập kéo tay Khắc đi nhanh, sợ các “cô” xâu tới co kéo thì khó gỡ ra được.

Họ rẽ vào một cái ngõ tối. Ở đây, có nhiều gia đình Hoa kiều làm thợ, làm phu, hoặc bán lạc rang, bán quà rong và làm đủ các thứ nghề linh tinh mà chỉ có những người Hoa kiều biết làm. Họ chen chúc nhau trong những căn nhà chật, mỗi gia đình chỉ có một cái giường, quây màn tùm hum. Trong bóng tối lập lòe những chấm hương đỏ trên những ban thờ gắn ngay ở cạnh cửa ra vào. Cái ngõ vào sâu cứ ngóc ngách và rộng thêm, thành cả một xóm có cả một cây si trắng toát những bình vôi và một cái miếu nghi ngút đèn hương. Nhà Lập ở cuối xóm, đã tắt đèn. Lập đập vào cánh cửa gỗ:

- Chị Mạch ơi!

Tiếng người chị trong nhà trả lời:

- Cửa mở đấy.

Lập đẩy cánh cửa gỗ và bảo Khắc:

- Anh vào đây. Gớm, tối thế này!

Lập xòe bật lửa, châm đèn. Khắc vẫn đứng ở cửa. Người chị thấy có khách lạ, bèn từ trong cái màn nâu chui ra.

- Mời bác ngồi chơi.

- Vâng ạ, bác mặc tôi.

Khắc lúng túng chưa biết đứng đâu, ngồi đâu. Lập đã biến ra phía sau, sục xuống bếp, tìm xem có còn cơm nguội không. Gian nhà lá kê hai cái phản liền nhau đã gần hết cả chỗ, chỉ còn một lối đi nhỏ bên vách. Lúc này, hai cái phản đều đã mắc màn, hai cái màn nâu vá chằng vá đụp, càng làm cho nhà chật thêm. Khắc nhìn thấy cái chõng tre nhỏ còn bỏ không ở một góc, liền tới ngồi xuống đó. Bên trong hai cái màn bỗng lục đục rồi thò ra một cái đầu nhỏ, hai cái đầu nhỏ, ba cái đầu nhỏ, bốn năm cái đầu nhỏ. Những con mắt thỏ hau háu nhìn người khách lạ. Một đứa bé chui ra, tọt xuống đất, chạy vào trong sân. Trong màn kêu chí chóe:

- Cậu Lập ơi, cậu Lập!

Người mẹ quát:

- Im nào! Chúng mày là giặc chứ không phải là con nữa.

- U ơi, thằng Dĩ nó đạp con, nó lại còn cắn con.

- Thằng Dĩ sao lại cắn chị.

- Thằng này bảo mãi không được, ông lại ục cho bây giờ.

Trong màn, cu Dĩ bị ục, khóc oáng lên. Chị Mạch lại phải quát:

- Cái Sáo, sao mày được đánh nó hở? Thằng Dĩ có nín đi không, em nó lại thức bây giờ!

Trong cái màn bên cạnh, lại một tiếng trẻ khóc theo. Chị Mạch tất tưởi chui vào màn, vỗ cho đứa con nhỏ ngủ lại:

- Khổ thật, thằng bé đang nóng như rang thế này mà chúng mày cứ chòng nhau thôi.

Cu Dĩ vẫn nhè i ỉ:

- U ơi, cho con đi đái.

Khắc đến bên giường, bế đứa bé đang đòi đi đái xuống, và cho nó ra sân, rồi lại bế vào.

Lập từ dưới nhà bếp bưng lên một cái rổ con bốc hơi. Đứa cháu lon ton chạy theo sau. Lập đặt cái rổ lên chõng.

- Anh Giong ăn khoai đi.

Nghe gọi tên mình là Giong, Khắc còn chưa quen. Rổ khoai lang luộc chín còn bốc hơi mật thơm ướt. Anh chưa kịp ăn thì từ trong cái màn, cả năm sáu đứa trẻ, đứa bé, đứa lớn, đã nhảy xuống và xúm xít cả đến.

- Cậu Lập ơi, cho cháu xin củ.

- Cậu ơi, phần cháu đâu?

Chị Mạch quát:

- Hỗn nào. Chúng mày để cho cậu Lập với bác còn ăn chứ.

Lập cười hà hà:

- Đây, để cậu chia phần nào.

Anh bẻ mấy củ khoai chia cho lũ cháu:

- Thôi, mời các tướng chén xong thì lên giường. Còn đây là phần của chúng tôi, đứa nào chạm vào là tao đét cho đấy.

Khoai luộc nóng bỏng, họ vừa bóc ăn, vừa thổi sụt sịt.

Khi đàn trẻ đã chui cả vào màn và ngủ yên, chị Mạch ra bắc cái ghế đẩu ngồi nói chuyện với cậu em và người khách lạ.

- Hôm nay cậu đi ra làm sao?

Lập chán nản lắc đầu:

- Vẫn thế thôi, chị ạ.

Chị Mạch thở dài. Trong ánh đèn hoa kỳ, Khắc nom thấy đầu chị cúi xuống. Lập giới thiệu người bạn mới:

- Anh Giong đây ở Sơn Tây mới về, cũng đang tìm việc làm.

Chị Mạch ngước đôi mắt mệt mỏi:

- Dưới này bây giờ làm ăn cũng khó khăn lắm bác ạ.

Khắc vâng và kể lại câu chuyện “lão anh họ” của mình, xong anh nói:

- Tôi mới về dưới này, không có chỗ nào quen biết, may gặp cậu Lập đây, xin bác làm ơn cho tôi được ở nhờ tạm ít ngày.

Chị Mạch ngần ngừ trả lời:

- Chả nói giấu gì bác, nhà tôi chật chội lắm mà đông trẻ. Thôi bác cứ ở tạm đến hôm nào bố cháu về, tôi bàn thêm.

Khắc hỏi sang chuyện khác:

- Hai bác được mấy cháu?

- Cám ơn bác, nhờ giời tôi sinh chín đứa, mà bỏ mất hai.

- Cháu nhớn đã bao nhiêu tuổi?

- Nó mười hai. Cháu nó cũng sắp về bây giờ.

Lập đỡ lời cho chị:

- Cháu đi đánh giày, dạo này các ô-ten mở khuya lắm, cũng có hôm nó ngủ vạ ngủ vật ở đầu hè, quên cả về nhà.

Chị Mạch nom người bạn của cậu em có vẻ hiền lành, bèn thân mật hỏi lại:

- Còn bác chắc cũng đông cháu rồi?

- Cám ơn bác, tôi được một cháu gái, năm nay nó lên bảy, à... nó lên tám. Chẳng may mẹ cháu mất đi, tôi phải gửi cháu ở với bà cháu.

- Thế bác chưa có bác gái sau ạ?

- Thưa bác, cũng chưa có dịp, tôi vẫn ở vậy.

Chị Mạch lại nhìn “bác Giong” một lần nữa. Lần này chị như động lòng thương cái bác hiền lành và góa vợ, gà sống nuôi con kia. Bây giờ lại phải bỏ con mà xuống đất Hải Phòng này, chắc là bác ta đang nhớ con lắm! Chị Mạch đoán không sai. Khắc đang nhớ cái Thu, nhớ mẹ và em muốn thần cả người ra.

Lập đứng lên rủ Khắc:

- Thôi, ta xuống dưới nhà ngủ đi.

“Dưới nhà” đây là dưới gian bếp đen bồ hóng. Có một cái chõng tre rải bao cói làm giường ngủ. Lập cắp xuống một cái chăn khâu bằng những mảnh vải bao bột Hồng Kông còn in các nhãn hiệu hình con chim, con ngựa, với những dòng chữ Ăng-lê xanh đỏ.

Khắc đưa mắt, thấy ngõ sau bếp thông ra bãi đất hoang, anh tính thầm phương hướng. Nếu có động thì cứ vượt ra ngoài ấy chạy men ra bờ sông được. Nhưng ở khu Hạ Lý, ba bề bốn bên là sông cả, nếu gặp khi nó bổ vây chỉ chẹn cái cầu quay và cái cầu xi-măng ở hai đầu, là mình bị vít kín trong lưới. Được cái là sông cũng nhỏ, bí quá thì có thể bơi qua được, nhất là lúc đêm tối này.

Lập còn chưa đi ngủ ngay. Anh ta lấy đâu ra một ống sáo trúc và ra ngồi ngoài sân, thổi véo von. Lúc đầu, Khắc cũng chỉ mỉm cười thầm cho anh chàng thanh niên mê sáo ấy, nhưng dần dần anh phải lắng tai nghe. Cây sáo trúc có lúc tiếng bay lên cao, có lúc như một dòng nước chảy róc rách, có lúc líu ríu nhảy nhót như tiếng chim kêu. Lập thổi những điệu mà Khắc không biết, có điệu ta, có điệu nghe như của Trung Hoa. Bỗng dưng, tiếng sáo chầm chậm lại, khoan thai, một tiếng ngân dài rập rờn, như cánh chim lượn, đấy là điệu cò lả... Con cò... bay lả... bay la... Tiếng sáo gợi lên cảnh bầu trời xa rộng, cánh đồng gợn lúa mênh mông, hồn hậu, thân yêu.

Khắc nằm trên chiếc chõng tre, lắng nghe tiếng sáo. Anh thiếp đi, vẫn nghe chập chờn tiếng sáo.

Đêm đã khuya lắm, Khắc bỗng giật mình tỉnh dậy. Chó cắn râm ran trong xóm. Tiếng người đi lại ồn ào. Lập đã nằm ngáy khò bên cạnh. Khắc muốn lay anh ta dậy để hỏi, nhưng lại thôi. Tiếng chó vẫn sủa ngõ này qua ngõ khác. Lập trở mình. Lần này Khắc động mạnh vào người ann ta. Lập ú ớ.

- Gì thế?

- Chó cắn gì mà lắm thế, hả anh?

- À, sòng tan, sòng xóc đĩa trong kia nó tan đấy mà.

Lập lại quay đi ngáy to, Khắc vẫn nằm nghe ngóng. Một lúc, tiếng chó sủa im dần, cái xóm thợ chỉ còn sột soạt tiếng gió động những tàu lá chuối trong những ngõ sâu tối om.


(Lược trích
Vỡ bờ, quyển I)





_______
(1) “Mẹc” là tiếng chửi, “cô-sông” là con lợn.