“Vì một mục đích cao cả, ai cũng coi cái chết nhẹ tựa lông hồng”...

“Ngàn năm một hội tao phùng” là cuộc trường kỳ kháng chiến hết sức oanh liệt của dân tộc Việt Nam.

“Hà Nội 60 ngày đêm” là màn chính thức khai hội.


Hãy “phấn đấu nhiều hơn nữa” cho “xứng đáng với sự cống hiến hết mình cho Tổ quốc của cha ông”, tất cả mọi người bây giờ ơi!
(Thu Tứ)



“HN60NĐ - Coi cái chết nhẹ tựa lông hồng”




Chiều 18-12, trong tiết đông, nhưng đi giữa Hà Nội lại thấy lòng ấm áp… Trước tiền sảnh Nhà Hát Lớn tề tựu hàng trăm cựu chiến binh, ngực kín huân, huy chương, nét mặt rạng ngời, tay bắt, mặt mừng, xúc động bên nhau nhớ lại những ngày tháng hào hùng của 60 năm về trước. Mùa đông năm 1946, họ là những người đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Hồ Chủ tịch trao: “Các em cảm tử để Tổ quốc quyết sinh...”.

Các cụ bà cụ ông chứng nhân của Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa đứng lặng, nghe lại lời kêu gọi Toàn quốc Kháng chiến: “… Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ...”.

Ngồi ngay hàng ghế đầu là hai cụ già dáng quắc thước, râu tóc bạc phơ, đó là Thiếu tướng Hoàng Dũng và Thiếu tướng Đặng Văn Duy, cả hai đều là những chiến sĩ quyết tử ở Hà Nội những ngày mùa đông năm 1946. Thiếu tướng Hoàng Dũng (tên thật là Nguyễn Đình Sơn) kể: “Tôi bây giờ đang định cư cùng các con tại Thành phố Hồ Chí Minh (...) Cũng đã lâu lắm rồi chúng tôi mới lại có dịp gặp nhau đông đủ như thế này (...) Nhà tôi có ba chị em cùng tham gia chiến đấu ở Hà Nội. Chị lớn là Nguyễn Minh Thanh, chị thứ hai là Nguyễn Thị Kim và tôi. Hai chị ấy đều ở trong Hội phụ nữ cứu quốc Liên khu III, còn tôi là tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu. Sau khi nổ súng được ít ngày, chúng tôi được nhập vào tiểu đoàn Vệ quốc đoàn có phiên hiệu là An Giao bảo vệ Liên khu III”.

Theo tay ông Dũng chỉ, chúng tôi đến gặp người phụ nữ có khuôn mặt thanh nhã. Bà Thanh bảo: “Ngày ấy chính chúng tôi đã vận động các chị cô đầu ở phố Khâm Thiên vào đội tự vệ, đội hồng thập tự. Trước đó, các chị ấy có vẻ tự ti lắm, nhưng khi hòa nhập vào tập thể, thấy chẳng có ai phân biệt đối xử gì, nên các chị ấy vui vẻ hẳn. Vả lại ngày ấy kháng chiến, đi dưới bom rơi đạn nổ, ai cũng coi cái chết nhẹ tựa lông hồng vì một mục đích cao cả, nên dễ xích lại gần nhau, dễ làm bạn với nhau. Các tự vệ cô đầu ngày ấy cũng làm được rất nhiều việc, nhưng có lẽ còn ít người biết đến…”.

Trong một góc khán phòng, nhà giáo Giang Ngọc Diệp năm nay đã 70 tuổi bồi hồi nhớ lại: “… Tôi không bao giờ nghĩ mình lại được đứng trong hàng ngũ của những người quyết tử sống chết với Thủ đô. Thủa ấy tôi mới có mười tuổi đầu. Cuộc sống của tôi gắn liền với chiếc hòm đánh giày. Tối 19-12-1946, chúng tôi vẫn đang lang thang để chờ đánh giày thì được một anh Vệ quốc đoàn kéo vào và giao cho một bức thư nói là phải chuyển ngay xuống cho các anh bộ đội ở Đồng Xuân. Tôi và anh Nguyễn Trường Sơn cùng một anh nữa, đều là bạn đánh giày với nhau, bàn bạc và cho bức thư xuống đáy hộp xi đánh giày, rồi xách đi, miệng vẫn cứ rao như thường. Sau này tôi mới biết đấy là hiệu lệnh về giờ nổ súng. Những ngày sau nữa, tôi vẫn được anh Vệ quốc đoàn ấy nhờ đưa thư. Mãi sau này tôi mới biết, nguời ấy chính là anh Nguyễn Trọng Hàm, trưởng ban liên lạc Trung đoàn Thủ Đô. Chính nhờ những ngày Toàn quốc kháng chiến mà tôi được đổi đời…” (...)

Giáo sư Nguyễn Tài Thu, Viện trưởng Viện châm cứu Việt Nam, cũng là một trong những chiến sĩ quyết tử giữ Liên khu I. Ông hồ hởi kể: “... Ngày ấy tớ cùng bác Vũ Lễ đây và một số anh em khác đã tham gia đánh trận Trường Ke và trận Đồng Xuân. Khi lính Pháp đến, chúng mình cũng giật chốt, cũng ném lựu đạn tới tấp, mặc dù trước đó ít ngày còn chưa biết lựu đạn là gì, cách bắn súng ra sao. Chỉ sau vài ngày nhập vào tự vệ thành, anh nào cũng chiến đấu giỏi cả...” (...)

Chúng tôi được gặp chị Hoàng Thị Hường, con gái của đồng chí Hoàng Siêu Hải - Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn Thủ Đô. Chị Hường hiện công tác ở Công ty Môi trường và Đô thị Hà Nội. Chị nói: “... chúng tôi thấy còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa mới xứng đáng với sự cống hiến hết mình cho Tổ quốc của cha ông...” (...)

Em Trần Thanh Huyền Phương, học sinh trường THPT Phan Đình Phùng nói:

- Em đi học hàng ngày qua tượng đài các chiến sĩ Quyết tử (ở vườn hoa Vạn Xuân), hôm nay được tận mắt các cụ “nguyên mẫu”. Em thật sự xúc động... (...)

Chiều dần buông, mọi người dùng dằng mãi mà vẫn chưa rời khỏi quảng trường. Ngay cả các bạn trẻ cũng níu các ông các bà “Quyết tử” lại để hỏi chuyện. Nhìn hình ảnh ấy chúng tôi bỗng thấy niềm vui dâng trào trong lòng. Dòng nhiệt huyết ái quốc của cha anh ngày nào đang động viên thế hệ trẻ, chắc chắn họ cũng sẽ lại là những chiến sĩ “Quyết tử” khi đất nước đứng trước họa xâm lăng…


(Trần Anh Tuấn và Ngô Anh Thu, trang
quansuvn.net)