Tại sao nước Nhật chế được máy bay và tàu sân bay, nói chung có công nghệ quốc phòng không hề thua sút các cường quốc Tây phương, mà quân đội lại dùng thứ vũ khí chống tăng thô sơ như bom ba càng?

Hẳn vì chỉ huy quân sự Nhật đã không sớm thấy có nhu cầu chống tăng. Tàu đâu có xe tăng! Mỹ có vô số nhưng ai ngờ (!) sẽ xẩy ra bộ chiến với Mỹ.

Chiến cuộc rồi xoay chiều. Mỹ bắt đầu đổ bộ tấn công chiếm hết đảo này đến đảo khác. “Đổ” theo lính là bao nhiêu xe tăng. Khi ấy các cơ sở vật chất của công nghệ quốc phòng Nhật đã bị bom tan tành gần hết, còn chế tạo được thứ gì phức tạp nữa, do đó mà...

Hình như rút cuộc quân Nhật chỉ dùng bom ba càng để đánh tăng ở chiến trường Phi-líp-pin, và hình như đã không thành công chút nào! Có phải vì tất cả những lần sử dụng ấy đều xẩy ra nơi địa hình trống trải, cảm tử quân không có đủ yếu tố bất ngờ?

Định mệnh là bom ba càng sẽ làm nên tên tuổi ở 36 phố phường Hà Nội, Việt Nam.

(Thu Tứ)



“Bom ba càng”






Bom ba càng là một loại vũ khí chống tăng do xưởng quân giới Việt Nam sản xuất năm 1946, dựa theo một số mẫu thu được từ quân Nhật.

Đại khái, vỏ bom gồm hai cái “phễu” kim loại một lớn một nhỏ lồng vào nhau, chất nổ được đổ vào khoảng giữa thành một khối hình nón “lõm”. Do hình dạng đặc biệt này, khi nổ sức ép hướng tập trung về phía trước, có thể xuyên thủng một lớp thép dày. Đây chính là thiết kế điển hình của các loại đạn chống tăng. Chẳng qua đạn ba-dzô-ca, B-40, B-41 v.v. được bắn đi, còn “bom” thì người chiến sĩ cảm tử phải tự mình cầm chạy đến, lao vào xe tăng địch!

Bom ba càng chứa hạt nổ, kim hỏa và chốt hãm an toàn ở phần đuôi. Chấn động kích nổ xảy ra khi càng bom va mạnh vào mục tiêu.

Tài liệu phổ thông ghi bom ba càng chứa 7-10 ký chất nổ. E rằng đó là tổng trọng lượng chứ không phải chỉ chất nổ.

Mỗi quả bom ba càng được gắn vào một cái gậy dài khoảng 1m20. Khi đánh bom, người chiến sĩ cảm tử một tay nắm (nâng) nơi tiếp giáp đuôi bom và gậy, tay còn lại nắm ở vị trí 2/3 chiều dài gậy, dựng chếch mặt bom 45 độ, chạy thật nhanh về phía mục tiêu. Còn cách khoảng 2-3m thì hạ bom ngang tầm vai, hai tay lao bom vào vị trí đã chọn. Vị trí tối ưu là một mặt phẳng: ở xe tăng, xe bọc thép nơi hông xe, dưới tháp pháo, ở xe háp-tơ-rắc chỗ gần cửa lên xuống, sát buồng lái.

Để có hy vọng thành công, bất ngờ là then chốt. Cảm tử quân phải nấp kín, đợi xe tăng địch đến gần mới xuất kích. Dĩ nhiên nếu có yểm trợ hỏa lực mạnh phân tán được phản ứng của địch, thì càng dễ thành công.

Rất điển hình người chiến sĩ sẽ hy sinh khi bom nổ, nhưng cũng có những trường hợp còn sống. Đồng đội phải sẵn sàng xông ra tiếp cứu.


(Tham khảo: các trang
baotanglichsu.vn, vndefence.info, quansuvn.net, en.wikipedia.orglonesentry.com)