Cách nay độ tám chục năm, người làm thơ Việt Nam đua nhau học tập những thể cách đặc biệt của thơ Pháp.

Học túi bụi được vài năm, nhìn lại, thấy thời gian ngắn ngủi thế mà đã lọc sạch “những bắt chước nô lệ”.

Nhìn lại kỹ hơn, thấy những bắt chước không nô lệ thực ra không phải là bắt chước mà chính là những cái vốn người Việt đã có!

Vì người Việt đã có (và có lẽ đã tạm quên) những thể cách ấy, nên khi gặp chúng ở thơ Pháp mới dễ dàng “kết”.

Ta hóa tôi (1), nhưng “thơ tôi” cơ bản vẫn cùng thể cách với “thơ ta”!

(Thu Tứ)

(1) Xem Hoài Thanh.



Phạm Thế Ngũ, “Mới không ở thể cách”




Thế nào là thơ mới? (...)

Thơ mới không phải chỉ có một thể mà trước sau cũng không ai đặt quy tắc cho nó (...) Thơ mới là thơ xuất hiện sau năm 1932 (...)

Trong buổi đầu các nhà làm thơ náo nức đem vào thơ tất cả những gì họ (thấy) đặc biệt có ở thể cách thơ Pháp mà thơ ta trước (họ tưởng) không có (...)

Tuy nhiên (...) chỉ một hai năm sau người ta kịp nhận ra những gì quá lố. Ngay trong làng thơ mới một phản động lực nổi lên chống lại những bắt chước nô lệ (...)

Căn cứ vào đa số tác phẩm của các nhà thơ hữu danh (...) ta có thể mô tả nó như sau:

- Về số câu trong bài thì không hạn định nhưng bài thơ thường chia ra làm từng khổ, nhất là lối khổ bốn câu thông dụng cho thơ bảy chữ, năm chữ.

- Về số chữ trong câu cũng không hạn định (...) Ða số là các bài năm, bảy và tám chữ. Cùng trong một bài câu thơ có thể thay đổi ngắn dài (...) Tuy nhiên lối phá thể này rất ít bài có giá trị (...) Về sau (...) nhà thơ thường đi vào mấy điệu có số chữ nhất định, điệu năm chữ tương tự thơ ngũ ngôn xưa, điệu bẩy chữ tương tự thơ thất ngôn xưa và điệu tám chữ.

- Về cách hiệp vần (...) người quen thuộc thơ Pháp có thể nhận ra các kiểu: vần liền (...) là vần về cước và cứ hai câu đổi một vần (...) vần chéo (...) là vần về cước theo lối vắt chéo, câu một với câu ba, câu hai với câu bốn (...) vần ôm (...) là vần về cước và đặt vần câu một và câu bốn ôm lấy vần câu hai và câu ba (...)

Để nhận rõ thực chất của sự đổi mới ta (...) cần đi từ văn học chữ nôm lại (...)

Lối vần chéo (...) thật ra chỉ là lối cước vận gián cách của thơ Tàu. Thí dụ thơ Lưu Trọng Lư:

“Em ngồi trong song cửa
Anh đứng tựa tường hoa
Nhìn nhau và lệ ứa
Một ngày một cách xa.”

Ta thấy chính là kiểu bốn câu hai vần của thơ cũ. Vần cửa-ứa không cần thiết. Chỉ cần đó là hai thanh trắc. Có thể thay ở câu ba “lệ ứa” bằng “lệ chảy”, “lệ rớt”, âm vận vẫn ổn.

Lối vần liền với từng cặp bằng trắc đắp đổi theo nhau chính là lối vần liền của thơ ta trong vè, nói lối, hát nói. Ta hãy thử đọc:

“Ve kêu ve ve
Suốt cả mùa hè
Kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn bối rối
Một miếng chẳng còn
Ruồi bọ một con...”

“Hờn trong cũi sắt
Ngày tháng dần qua
Ngạo mạn ngẩn ngơ
Oai linh rừng thẳm
Nhục nhằn tù hãm
Làm thứ đồ chơi...”

“Cùng em chốc nữa
Sáng quá khách ơi
Yến tiệc trên trời
Em cô độc quá
Cùng em gối lả
Khách ngả đầu say...”

(Những bài “Con ve và con kiến” của Nguyễn Văn Vĩnh, “Nhớ rừng” của Thế Lữ, “Lời kỹ nữ” của Xuân Diệu rút gọn vào bộ phận vần và thanh).

Ta thấy (...) nhà thơ mới (...) từ ông viễn tổ Nguyễn Văn Vĩnh khi tưởng du nhập một lối vần Pháp (thực ra) chỉ đã gieo vần như người bình dân Việt Nam xa xưa nói lối:

“Súc sắc súc sẻ
Nhà nào còn đèn còn lửa
Mở cửa cho anh em tôi vào
Bước lên từng cao
Thấy nhà ngói lợp
Bước xuống từng thấp
Thấy con rồng chầu
Bước ra đằng sau...”.

Lối vần ôm thường cũng chỉ là lối vần liền cố hữu của ta ở trên pha với lối vần cách của thơ Tàu. Thí dụ bài “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư:

“Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Ðạp trên lá vàng khô.” (...)

Trong địa hạt thể cách, thẩm thức có những thói quen, ngôn ngữ có những đặc tính mà nhà thơ không thể nhất đán bỏ qua đặng.

Một đặc tính của ngôn ngữ Việt Nam (...) là sự phân chia mỗi âm ra nhiều thanh độ. Nhà thơ mới lúc đầu thường chế giễu cái tính nô lệ bằng bằng trắc trắc của thơ cũ. Song vô tình họ vẫn áp dụng luật bằng trắc vì nhạc thơ bị gắn liền vào đó. Luật điều hoán âm thanh mà ta đã nêu lên như một luật lệ căn bản của câu văn câu thơ nôm lại thấy xuất hiện, ngay trong một thể thơ mới có vẻ phóng khoáng hơn cả là thơ tám chữ vần liền, tương tự bài hát nói xưa. Thí dụ bài “Giục giã” của Xuân Diệu:

“Hái một mùa hoa lá thuở măng tơ
Ðốt muôn nến sánh mặt trời chói lọi
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.
Em vui đi hoa nở ánh trăng rằm...”

Ta thấy qua thí dụ trên, không những áp dụng luật hoán thanh mà nhà thơ còn khai thác cả luật biền ngẫu cũng là một luật thẩm mỹ cố hữu khác trong văn thơ ta.

Tóm lại như vậy, có thể nói, riêng ở thể cách, thơ 1932 không đem lại gì mới mẻ lắm. Sự bắt chước thơ Pháp chỉ thực hiện được trong phạm vi những gì tương tự với cái mình đã có, mình từng chấp nhận, mà sự đổi mới chỉ có nghĩa là một sự biến hóa đi chút ít hay nới rộng ra thôi (...) nới rộng ra hoặc biến đổi một ít (...) để chiều theo một khuynh hướng tâm lý mới (...) ưa phóng khoáng, chân thành, ham cảm xúc mãnh liệt (...) Nói chung họ (tức các nhà thơ mới) có khuynh hướng về vần bằng hơn là vần trắc, vần cước hơn là vần yêu. Họ ưa những bài năm chữ thả dài để gửi một tâm tư súc tích ẩn kín và tìm ra câu thơ tám chữ để trang trải nỗi xúc động mênh mông tràn ngập tâm hồn.


(Phạm Thế Ngũ,
Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, nxb. Quốc Học Tùng Thư, Sài Gòn, 1961-1965, tập II. Nhan đề phần trích tạm đặt.)