Bình An, “Canh dưa hồng”





ảnh khuyết danh

Dưa hồng là một loại dưa giống như dưa hấu, nhưng trái nhỏ hơn, ăn khi còn xanh. Hạt cũng nhỏ hơn hạt dưa hấu, màu trắng, mỏng vỏ hơn. Từ tháng Giêng người ta bắt đầu trồng dưa hồng: đất cày được rải phân bò, kéo hàng, trỉa hạt. Khoảng 20 ngày có bông nách, 23 ngày bông nụ rồi thành trái, giáp tháng là thu hoạch, hai tháng dọn dẹp phá dây để trỉa đợt tiếp. Dưa hồng trồng từ tháng Giêng kéo dài đến tháng Tám (...) “Trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa”, đến mùa mưa người ta không trồng dưa hồng nữa, nếu có thì trồng băng qua các giồng kiệu (dưa trồng trên kiệu), vì dưa hồng không chịu được nước.

Dưa hồng thường được xắt bằm để nấu canh. Thường chọn trái non, hạt còn non hay chưa có hạt, nếu trái già thì phải bỏ ruột vì hạt cứng. Bọn trẻ con thích ăn ruột dưa già. Ngày xưa mỗi lần mẹ tôi chuẩn bị nấu canh dưa hồng, lũ chúng tôi xúm xít chung quanh. Vị chua chua, ngọt ngọt, lạt lạt và đặc biệt là mát miệng của miếng ruột dưa hồng vừa ăn vừa thè hột là một thứ hương vị của tuổi thơ không thể nào quên.



ảnh khuyết danh

Canh dưa hồng chỉ nấu với cá hay với tôm. Cá thì như cá nhồng, cá sơn, cá hồng v.v. Người nhà quê ít tiền thường nấu với cá rế (một loại cá nhỏ như cá cơm). Người thành phố thường dùng tôm tươi hay tôm khô giã. Đặc biệt dưa hồng không nấu được với thịt vì nồi canh sẽ bị chua.

Nấu canh dưa hồng, chỉ cho sôi trên bếp độ một, hai dạo. Phải bắc nồi canh xuống khi miếng dưa vẫn còn màu đục, đậy nắp lại đến khi ăn múc ra tô, miếng dưa trong là vừa, chứ để sôi trên bếp lâu quá, miếng dưa chuyển màu trong, thì đến khi ăn sẽ bị nhão nhoét. Canh dưa hồng ăn rất mát (...)



ảnh khuyết danh

Dưa hồng non còn để muối chua. Dưa muối ăn sống cũng được, kho chung với thịt càng ngon. Trong món kho này, miếng dưa thấm vị ngọt và béo của thịt, ngược lại miếng thịt thấm vị chua của dưa, ăn không bị ngán.


(Nguồn: báo
Người Đẹp Việt Nam, số ra ngày 15-10-2005)























001