Quên mình vì nước, ai dễ ai khó nhỉ?

Khó dễ tùy “mình” nặng nhẹ.

“Mình” chình chịch vợ con, nhà cửa, nghề nghiệp, khó quên. “Mình” độc thân, vô sản, không có nghề thu nhập cao, dễ quên.

Khi đem “cân” “mình”, nhớ cân cả tiềm năng chứ không chỉ cái đã có. Phan Bội Châu khi đậu Giải nguyên chưa “có” gì cả nhưng nếu không tìm cách cứu nước mà ra làm quan thì sẽ “có” nhiều như bao nhiêu quan “không phải cha mẹ dân” thời ấy. Không riêng cụ Phan, tất cả các nhà trí thức tìm cách cứu nước, bất kể đảng phái, đều là những người nếu chịu hợp tác với Pháp thì sẽ “lên cân” ào ào.

“Mình” đã nặng hay chắc chắn sẽ nặng mà vẫn quên được, được thế thật quý.

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Vỡ bờ (13)



Cái ngõ mà Lê đã dặn Khắc ở khúc khuỷu cuối một dãy phố tối và tĩnh mịch. Đây là một phố kiểu “cố đạo” đặc biệt của Hải Phòng, một trong những dãy phố mà nhà Chung đã làm để cho thuê ở khắp các khu người ta và người khách ở. Những dãy nhà này ngăn ra thành từng căn như từng ô một, căn nào cũng giống căn nào, nhạt tẻ và xấu một cách kỳ cục. Mỗi căn có một cái gác, cầu thang lên gác chìa ngay ra mặt hè, còn nhà dưới thì mặt nhà không có tường, chỉ che bằng những mảnh ván lùa ghép lại, ban ngày có thể tháo rời, mở ra thành cửa hàng, nhưng hễ đóng lại thì kín mít, và tối ngạt như một cái hầm. Phố chỉ có vài hàng thợ cạo, thợ may, thợ giặt, còn lại đóng im ỉm: ở đây phần nhiều là các gia đình viên chức nhỏ và người làm thuê ở sở nhà buôn. Dọc phố, có những ngõ nhỏ lách vào đằng sau các dãy nhà, thành những lối đi để đổi thùng, chạy thông với nhau thành một thứ mạng nhện, đằng sau các đường phố chính. Bên trong những ngõ ấy chen chúc những căn nhà lụp sụp, làm bằng mảnh ván, mảnh tôn, thùng ét-xăng, đủ thứ táp nham ghép lại, miễn sao có được chỗ che mưa nắng. Những gia đình thợ thuyền, phu phen, gái đĩ và lưu manh chui rúc trong những cái hang chuột ấy. Khi mưa cũng như khi nắng, mùi “thùng”, mùi bùn, mùi nước cống nồng nặc đưa lên...

Khắc bước đi trong cái ngõ bùn tanh thối, mỗi lúc tưởng sắp đến chỗ cụt đường, cái ngõ lại ngóc ngách rẽ quặt sang một hướng khác. Vào sâu bên trong, thấy rộng hơn. Sau những căn nhà lá là những bãi đất hoang dùng làm nơi đổ rác, một vài căn nhà có cả hàng rào và giàn mướp như ở nông thôn. Theo lời Lê dặn thì đúng là quãng này rồi, nhưng đích xác là nhà nào thì Khắc chịu không nhận ra được. Dưới chân một cột đèn điện, sáu bảy đứa trẻ đang đánh đáo và nô đùa rầm rĩ. Phải tìm nhà nào hỏi thăm thôi! Vả lại cũng nên hỏi thăm khéo xem tình hình ở đây thế nào đã. Khắc để ý dòm hai bên ngõ. Trong một căn nhà lá nọ, anh thấy một cậu bé trạc mười ba, mười bốn đang ngồi học bài. Trên cái phản cạnh bàn, một người đàn bà trẻ tuổi đang ngồi khâu, chị ta như ngập vào giữa đống quần áo ka-ki vàng chất kín phản. Chắc là khâu thuê cho một sở nào. Căn nhà nhỏ hẹp nhưng gọn sạch, vẻ mặt người đàn bà hiền lành, chị ta vừa giục đứa bé:

- Học đi Sơn, em cứ nghĩ đi đâu ấy thôi!

Chú bé lại ê a đọc to bài học thuộc lòng. Khắc bước vào. Người đàn bà ngẩng lên, ngạc nhiên ngừng tay kim. Lúc ấy Khắc mới nhìn thấy rõ chị ta còn trẻ lắm, mới trạc ngoài hai mươi, lông mi dài và nặng, đôi mắt đen.

- Bác hỏi gì đấy?

Khắc lễ phép:

- Cô làm ơn cho tôi hỏi thăm nhà bác Lượng ở chỗ nào?

Đứa em ngoái cổ ra, tò mò. Cô chị băn khoăn nhìn Khắc như chưa biết nên trả lời thế nào. Cô bỗng quay lại bảo em:

- Sơn lấy ghế cho bác ấy ngồi.

Khắc ngờ ngợ cảm thấy có cái gì không bình thường. Đôi mắt đen nhìn lại một lần nữa vẻ mặt Khắc, bộ quần áo tàng của anh, cái túi mà anh cầm tay. Người con gái lại cúi xuống khâu và khẽ nói:

- Nhà bác Lượng ở cuối xóm đây. Bác ấy không biết làm gì mà người Nhà nước đến bắt đi tối hôm kia rồi.

Khắc giật mình thầm. Đôi mắt đen lại nhìn anh như đã cảm thấy cái giật mình ấy.

- Bác quen bác Lượng à?

- Vâng, tôi là anh em họ xa ở trên Sơn Tây.

- Thế ạ. Chúng tôi cũng không hiểu sao cả, sợ quá. Còn có người Nhà nước vẫn ở lại bên ấy đấy, bác có cần hỏi gì thì sang.

Đôi mắt đen đã lại cúi xuống. Chỉ còn nhìn thấy mái tóc vấn trần lúi húi trên cái áo vải ka-ki. Không hiểu cô ta nói vô tình hay là đã muốn mách khéo cho Khắc biết. Người con gái vẫn im lặng thùa mấy cái khuyết áo, nét mặt bình thản. Chắc không phải là vô tình, chắc chính là cô ta đã xử sự rất thông minh. Nếu Khắc là kẻ xấu thì khó sinh nghi, còn nếu là người tốt thì cô đã bảo: “Đừng vào, mật thám nó còn đang rình chộp anh đấy!”.

Khắc đứng dậy:

- Cám ơn cô, tôi xin phép...

*

Hú vía. Chỉ một chút xíu nữa thì rơi đúng vào cái bẫy của nó. Cám ơn “đôi mắt đen” không quen biết. Khắc vừa đi nhanh ra khỏi cái ngõ nguy hiểm vừa tự hỏi: bây giờ mình đi đâu? Thôi đến Tuyển xem thế nào. Tuyển là một nhà “trí thức”, làm tham tá sở đạc điền, có cảm tình với cách mạng và đã được Đảng vận động ra làm việc truyền bá quốc ngữ vào hồi Mặt trận Dân chủ đang mạnh. Lê có cho Khắc biết Tuyển tuy không ở trong tổ chức nhưng là người tốt, và cũng là một đầu mối nên nắm, có thể qua Tuyển mà vận động được một số trí thức và viên chức. Lê không ngờ rằng Tuyển là bạn học cũ của Khắc và có lúc đã cùng với Khắc tham gia một trong những nhóm “Thanh niên cách mạng đồng chí hội” đầu tiên.

Khắc tìm đến đường Trại Cau. Nhà Tuyển ở cuối đường, đã gần ra đầu ô. Phố vắng lặng. Nhà có vườn nhỏ chung quanh, cổng đóng, nhưng trong nhà còn đèn. Khắc giật chuông, đợi dăm phút thì một em gái ra. Khắc hỏi:

- Ông Tuyển có nhà không em?

- Thưa ông, bố cháu có nhà đấy ạ.

Em gái đưa Khắc vào một gian buồng khách, tuy đồ đạc giản dị nhưng so với những nơi Khắc ở bấy lâu, thì đã là một nơi quá sang trọng. Khắc ngồi vào trong chiếc ghế “phô-tơi”, mắt anh nhìn chiếc lọ hoa trên bàn, những ấm tách trắng muốt và mấy bức tranh lồng kính treo tường như thấy một cảnh lạ. Trong nhà xì xào, qua rèm, Khắc thấy thấp thoáng những con mắt tò mò nhìn ra, một bóng người đàn bà thoáng qua, chắc là vợ Tuyển. Đứa con gái Tuyển lại ra rót nước, nó độ mười ba, mười bốn, cắt tóc ngắn ngang vai, má hồng tươi, đôi mắt ngoan và nhanh nhẹn. Cửa mở, Tuyển đã bước ra, béo hơn xưa, lại đeo đôi kính trắng làm cho Khắc ngợ hẳn. Tuyển cũng bỡ ngỡ hỏi:

- Ông có việc gì đấy ạ?

Khắc cười:

- Anh Tuyển quên tôi rồi à?

Mặt Tuyển sững ra một lúc rồi tái hẳn đi. Tuyển nhấc tách nước lên, tay run lật bật lại đặt cái tách xuống. Thấy đứa con gái còn đứng cạnh, Tuyển quay qua bảo:

- Con vào trong nhà cho bố nói chuyện.

Tuyển liếc nhìn Khắc lần nữa và nói khẽ:

- Chết! Sao anh liều thế, ảnh anh nó dán ở khắp phố thế mà anh về đây à...

Ngừng lại vài giây, Tuyển nói thêm:

- Nom anh khác đi nhiều quá, tôi không nhận ra ngay được.

Khắc nghĩ: anh chàng không đuổi mình đi lập tức, hẵng biết thế là may! Nó cũng khác đi nhiều quá, xem ra cái hăng hái hồi trước đã mất hết rồi.

Tuyển chìa hộp thuốc lá mời, Khắc cám ơn và hỏi:

- Tình hình hồi này thế nào nhỉ? Anh có biết tin mấy anh bị bắt ra sao không?

Tuyển lại tái mặt đi, nhưng cố giữ vẻ bình tĩnh và nói khẽ hơn nữa:

- Anh Biểu bị nó đánh chết rồi!

Khắc giật mình. Biểu là đồng chí bí thư thành ủy. Tuyển vẫn thì thào nói tiếp:

- Còn mấy anh kia thì hình như nó vẫn đang tra thêm. Nó vẫn bắt ghê lắm. Tôi cũng bị nó gọi lên một hôm, nhưng tôi chỉ có hoạt động truyền bá quốc ngữ, thành ra nó cũng chỉ dọa xong cho về.

Mấy giây im lặng, Tuyển cúi đầu xuống rồi lại ngẩng lên nói nhanh hơn:

- Tôi nghe bọn gác nói chuyện các anh ấy gan lắm, anh nào cũng bị đòn chết đi sống lại mà vẫn không khai. Thế nhưng chúng nó vẫn bắt thêm, mà hình như bắt trúng, vỡ hết rồi anh ạ.

Khắc nghĩ thầm: hẳn đúng như Lê đoán, có thằng làm phản, nên chúng nó mới chụp được cả cơ quan lãnh đạo như vậy. Bây giờ chúng nó đang cố tra các đồng chí để tìm xuống các cơ sở và tìm lên cơ quan xứ ủy. Trong lúc mình còn lần mò chậm rì rì thế này thì các đồng chí ấy hàng giờ hàng phút đang đương đầu với cái chết để cố bảo vệ cho tổ chức của Đảng.

Nhìn Tuyển, Khắc hỏi ôn tồn:

- Bây giờ... anh nghĩ thế nào?

Mặt Tuyển như rúm lại vì đau khổ:

- ... Anh cũng hiểu... lòng tôi vẫn trước sau như một... nhưng cảnh nhà tôi, anh thấy đấy, năm đứa con nhỏ, tôi không thể như các anh được...

Khắc vẫn ôn tồn:

- Tôi chỉ lo chúng nó còn kiếm chuyện, không để cho anh yên.

- Không, chúng nó biết tôi không làm gì. Vả lại tôi cũng nói thật với anh, chuyến vừa rồi nhà tôi đã phải chạy mất năm trăm đồng cho thằng Phô-gie nó mới thả cho tôi về.

Khắc nhớ ra vợ Tuyển là con nhà hàng tơ sợi giàu có tiếng ở phố Chợ. Tuyển giơ đồng hồ xem giờ, và tỏ vẻ gắng gượng nói chuyện thêm:

- Tôi sẽ tiếp tục hoạt động truyền bá quốc ngữ, anh Khắc ạ. Cái mộng của tôi là mở một nhà xuất bản, cố nhiên không phải để kinh doanh, mà là để có một tiếng nói trong sạch của người trí thức trong lúc này.

- Ý định của anh thì tốt, nhưng hoàn cảnh ra sách báo bây giờ đã khác nhiều, anh nên cẩn thận.

Khắc vẫn chậm rãi nói chuyện ở đây nhưng óc anh chật ý nghĩ về những nơi khác. Thôi đã đến lúc mình phải đi thôi. Khắc đứng dậy,

- Chắc tôi không phải dặn, xin anh giữ kín đừng cho ai biết là tôi về qua đây.

- Cái ấy thì anh đừng lo.

Lúc này, Khắc sắp đi, Tuyển có vẻ niềm nở hẳn. Tiễn Khắc ra vườn, Tuyển bỗng dúi vào túi Khắc mấy tờ giấy bạc:

- Tôi xin gửi anh ít tiền ủng hộ đoàn thể. Đáng lẽ tôi phải giữ anh lại, nhưng ngay ở nhà tôi bây giờ, tôi cũng sợ cả từ con sen, thằng nhỏ, chúng nó đi báo một cái thì chết cả.

Khắc hơi nóng tai, muốn trả ngay mấy tờ giấy bạc cho Tuyển, nhưng nghĩ mấy đồng bạc bây giờ đối với mình cũng là to, nên nhận để dùng cho cách mạng, nghĩ thế lại thôi. Ra đến cổng, Tuyển hấp tấp mở then. Khắc ra đường, cái cánh cổng có chấn song sắt đóng lại đánh ùng một tiếng.


(Lược trích
Vỡ bờ, quyển I)