Trong “ổ bạch tuộc” không chỉ có “bạch tuộc” mà còn có rất nhiều người Việt Nam.

Những người khổ sẽ theo kháng chiến.

Những người sướng cũng có một số sẽ hy sinh cái sướng riêng mà theo kháng chiến (đáng ca ngợi thay!). Nhưng một số không ít sẽ bám chắc lấy sướng, “nhường” hẳn việc đánh đuổi giặc ngoại xâm cho ai ai khác.

Ở Hà Nội ăn “miếng ngon”, chẳng hơn lên núi rừng trường kỳ cơm độn sao?

Ờ. Có hơn và hơn. Tùy đấy.

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Vỡ bờ (12)



Chuyến ô-tô hàng Quảng Yên về đến ngã ba Thủy Nguyên lúc gần tối.

- Ông tài cho tôi xuống đây với!

Khắc nhoai người chen về cuối cái xe lèn chặt như nêm cối. Nhảy được xuống đất, cái mũ dạ cũ trên đầu anh đã bẹp rúm. Đợi cho cái ô-tô chạy xa, hết bụi, anh lẽo đẽo đi trên con đường rải đá. Đây về Hải Phòng chỉ còn mấy cây số nữa. Xuống giữa đường thế này yên trí hơn. Ở các ga xe lửa, bến ô-tô, đều có dán tờ yết thị mà Khắc đã thấy ở cái điếm canh trên đê hôm trước: Giấy sức truy nã những tên ở Đảng cộng sản...”...

Bữa nay lại sắp trở về thành phố, Khắc có vẻ một anh ký khổ, hay đúng hơn là một người thất nghiệp với cái áo tây đã tàng, cái quần vá cộm đầu gối, đôi giày vải ba-ta mòn đế, cái mũ phở đã ngả màu nước dưa. Cái túi nhỏ mà Khắc xách ở tay lúc này chỉ đựng có mấy cái quần đùi, áo may-ô, bàn chải răng. Trong cái ví lép kẹp ở túi ngực chỉ có cái thẻ giả và năm đồng bạc mà Lê giao cho anh. Năm đồng bạc ấy tiêu từng trinh một cũng phải tính toán kỹ và nhớ kỹ. Đó là tiền mồ hôi nước mắt của bao nhiêu người, từng xu, từng đồng xèng một đã góp cho Đảng. Đó là vốn liếng để gây dựng lại mọi cơ quan của khu ủy “Bê” và thành ủy Hải Phòng.

Chung quanh trời đang tối nhanh. Phía đằng trước đã thấy một vùng ánh sáng hắt lên đỏ tím một góc trời. Rồi khỏi một quãng ngoặt, Khắc bỗng thấy hiện ra trước mắt những vệt đèn điện long lanh như sao sa. Hải Phòng đã kia rồi. Khắc vẫn bước lệt sệt trên con đường đá trắng mờ. Trời càng tối, những chấm sáng càng bật lên nhiều hơn, sáng hơn, có chỗ chi chít lại từng chùm, có chỗ rải dài ra ngoằn ngoèo như con rắn lượn. Ở nhà quê liền hàng năm, Khắc nhìn đèn điện bây giờ thấy lạ hẳn đi. Gió đưa phào lại từng đợt những âm thanh của thành phố...

Thành phố là cái ổ của đế quốc, là nơi con bạch tuộc thò hàng trăm vòi đi hút máu tươi của khắp đất nước. Nơi đó màng lưới mật thám giăng bủa kín dày, ngày đêm làm việc bảo vệ cái đầu não của bộ máy cai trị thực dân.

Trên con đường vắng, Khắc vẫn đi miết về phía ánh đèn đang rừng rực đầy những đe dọa. Toe toe, một chiếc ô-tô bật đèn pha sáng quắc từ đằng sau chạy vụt lên. Xe đi khỏi, con đường tối sầm lại. Khắc bịt miệng nhìn lên. Hải Phòng đã trước mặt, những vệt đèn điện in rung rinh xuống lòng sông Cửa Cấm.

*

Cái bến phà hấp háy những ngọn đèn dầu của mấy cái quán bán nước chè tươi và thuốc lá ở bên đường. Phà còn ở bên kia sông. Chiếc ô-tô con ban nãy vượt Khắc bây giờ tắt đèn nằm đợi, bên cạnh xe lập lòe mấy chấm lửa thuốc lá. Gió đưa thoảng mùi nước hoa thơm. Mấy người Pháp vừa đàn ông vừa đàn bà đang xí xố nói chuyện. Tiếng một bà cụ ăn mày, vờn quanh:

- Me-xừ... bà đầm... bà đầm...

Một cây nhị kéo ò e... Đường vắng tanh í i sông nước chảy lờ... đờ... Chứ một thương hai nhớ í i... Anh sẩm ngồi trong cái khoảng sáng ở trước cái quán nước đang gân cổ hát bài Tiễn Chân Anh Khóa. Chung quanh anh ta, đám người đợi phà đứng quây vòng, nghe cho đỡ sốt ruột.

Khắc tới cái chòi, mua vé phà rồi lảng vào bóng tối, đi đi lại lại. Bên kia sông, Hải Phòng sáng trưng, đang soi bóng xuống nước. Đằng xa, dọc theo mấy cây số bến Sáu Kho, những chiếc tàu biển như những con cá kình xám khổng lồ đậu chen nhau, lố nhố những cột ăng-ten mắc bóng đèn trắng đỏ lên tận trên cao tít. Cảng lúc này vẫn tấp nập, người đen như kiến chạy đi chạy lại trong ánh đèn, những chiếc cần trục rầm rầm giơ lên hạ xuống. Tiếng máy chạy, tiếng còi ô-tô, tiếng người gọi nhau vang động cả một góc trời. Thỉnh thoảng từ xa vẳng lại một tiếng còi xe lửa huýt dài. Cảng Hải Phòng bây giờ ngày đêm làm việc, để đổ bộ hàng vạn xe cam-nhông, hàng chục vạn phuy xăng dầu, và không biết bao nhiêu hòm, kiện chứa súng đạn và các hàng hóa chiến tranh gửi sang Vân Nam, Long Châu, cho quân đội Tưởng Giới Thạch.

Đối lại với cái quang cảnh rối rít ấy, phía bên này, trước mặt Khắc, nơi con sông Tam Bạc đổ vào sông Cửa Cấm, sừng sững nổi lên những khoảng tường, mái, nặng nề, chồng chất lên nhau tầng tầng lớp lớp như những bức thành cao ngất đến lưng trời. Quả thật đây là một cái thành trì to lớn của tư bản Pháp ở Việt Nam: khu nhà máy xi-măng Hải Phòng. Trên nền trời bầm tím, hai cái tháp lò đồ sộ phun lên hai cột khói trắng toát. Hai cột khói im lìm như hai cái cây kỳ lạ mọc thẳng lên đến những khoảng mây mù mịt trên trời sâu thẳm. Khắc nhìn như mắt bị hút vào hai cột khói ấy, có lúc nom nó lại như hai cái chân của một người khổng lồ nào đứng, từ bụng trở lên đã biến mất vào bầu trời đầy mây.

- Bu-du, va-tăng! (Đồ bú dù, cút đi!)

Tiếng quát làm Khắc ngoái đầu lại. Người Pháp đang đuổi bà cụ ăn mày. Tiếng bà cụ vẫn nằn nèo:

- Lạy me-xừ làm phúc... lạy bà đầm...

Khắc nghe người đàn bà Pháp nói:

- Mình cho nó mấy xu cho nó đi đi. Tởm quá.

Tiếng hai ba đồng xu vứt xuống đường. Bà cụ già cúi nhặt rồi chống gậy đi về phía đám hát sẩm. Đám này cũng đang ồn ào tan. Phà đã sình sịch sang tới nơi.

*

Chuyến phà thưa thớt người. Anh hát sẩm cuộn cái chiếu và bưng cây nhị lò rò xuống ngồi ngay bên Khắc. Anh ngồi im, như mệt vì vừa hát hàng giờ liền. Hai con mắt mở ra chỉ còn lòng trắng, nghe thấy tiếng xì xồ, anh hỏi:

- Có Tây đầm đấy à?

- Ừ.

- Có đông không?

Chung quanh anh sẩm không ai trả lời. Người ta im lặng vì đám người Pháp đang đi qua, để ra phía đầu phà. Người đàn bà nhìn Khắc và nhìn anh hát sẩm rồi quay vội đi như sợ họ rách và hôi quá. Anh hát sẩm cũng ngồi im, mũi anh phập phồng ngửi. Khi mùi lạ đã xa rồi, anh sẩm cười:

- Gớm, lắm nước hoa mà vẫn hôi nách như chuột chù.

Người chung quanh cười ồ. Gần tới bến, Khắc phóng mắt nhìn lên bờ, dò xét. Một cột đèn điện soi sáng lối cổng ra ngoài bến phà, ở cái cổng ấy có hai người đang đứng đợi. Người soát vé, hay là mật thám? Khắc kéo cái mũ phở hơi sụp xuống, bảo người hát sẩm:

- Bác đưa tay đây tôi dắt cho. Đưa chiếu với nhị tôi mang hộ nào.

- Vâng vâng, quý hóa quá.

Anh sẩm đứng dậy, theo người bạn đò tốt bụng lần xuống cầu. Khắc một tay dắt anh, tay kia vừa cầm cái nhị vừa ôm cuộn chiếu lên khéo che mặt, đi lẫn vào đám hành khách. Anh để ý nhìn thấy đúng ở cổng ấy có một thằng mật thám thật. Nó đứng bên người soát vé, cứ chằm chằm nhìn vào mặt từng người. Khắc thản nhiên dắt anh sẩm đi qua cổng. Qua trước mặt thằng mật thám, anh ngoái đầu về đằng sau giục anh bạn sẩm đi nhanh, nhưng thực ra là để giấu mặt đi. Ra ngoài cổng rồi, Khắc vẫn dắt anh sẩm đi thêm một quãng nữa, tới một bóng cây, Khắc mới đưa chiếu và nhị trả người bạn cùng đi phà. Anh sẩm cám ơn mãi người bạn không biết mặt.

Thế là Khắc đã ở giữa Hải Phòng. Anh đi nhanh, lủi vào bóng tối những hàng cây. Khu phố này vắng. Đi hết nhà thương Tây, nhà dây thép, Khắc ra đến những con đường đông người. Cũng như những thành phố lớn khác ở Việt Nam, Hải Phòng có một khu phố Tây riêng, và ở đây, cái phố chính lấy tên là đường “Pôn Be”. Nó chạy thẳng tắp từ tòa nhà đồ sộ của hãng tàu bể Năm Sao đến đầu cầu Hạ Lý, hai bên là những trại lính và những cửa hàng của các hãng buôn, hãng vận tải lớn của người Pháp, những nhà ô-ten, quán ăn, tiệm rượu dành riêng cho người da trắng, cùng những rạp xi-nê, hiệu bào chế, hiệu ảnh, hiệu may Tây v.v.

Giờ này, một số cửa hàng lớn đã đóng cửa, nhưng những nơi ăn uống, may mặc, giải trí thì đang đông nghịt, nhất là các ô-ten và tiệm rượu. Ô-tô nối đuôi nhau đậu suốt dọc phố. Trong các quán rượu, toàn những Tây đầm ngồi nói chuyện ồn ào trong khói thuốc lá. Người Việt Nam ở đây có lẽ chỉ có mấy người bồi mặc áo cánh trắng cổ cao, đội khăn xếp đen, chạy ra chạy vào bưng các thức ăn và rượu, và vài người nhạc công nét mặt lạnh lùng đang gõ đàn pi-a-nô hoặc kéo vi-ô-lông một vài điệu nhảy mà không ai để ý nghe. Ngoài phố, người Việt Nam cũng thưa thớt, cả những đám ăn mày nhan nhản mọi nơi, ở đây cũng bị đuổi xa. Mươi phút lại một viên đội xếp Tây mặt đỏ như gà chọi dắt xe đạp đi qua, sau lưng kèm một hoặc hai người đội xếp ta lẻo khoẻo, xun xoe và hách dịch.

Khắc vượt nhanh qua cái phố sáng đèn và sang trọng ấy. Ở đây anh thấy như không phải là một mảnh đất Việt Nam nữa. Trong các hàng quán kia đang bày ra một sự phè phỡn láo xược như chọc vào mắt người dân mất nước; mỗi tiếng cười ha hả mà Khắc nghe thấy làm cho trong gan ruột anh sôi lên, mỗi ánh đèn, mỗi cốc rượu, mỗi cái cổ cồn trắng, mỗi tà váy là lượt mà anh nhìn thấy đều như chửi rủa vào sự rách rưới, cùng khốn của đồng bào anh. Những câu tiếng Pháp từ những cái miệng kia thốt ra, Khắc nghe cũng đáng ghét.

Đi khỏi khu phố Tây, Khắc lẫn vào những dòng người đông nghịt ở những phố buôn bán của người khách và người ta. Hải Phòng hồi này đang là nơi tập trung sự ăn chơi, có lẽ xa hoa náo nhiệt hơn bất cứ nơi nào khác. Những tay chạy “áp-phe” đã đổ cả về đây, họ bâu lấy những món hàng hóa chiến tranh của chính phủ Tưởng Giới Thạch nhập cảng qua để kiếm chác. Và những món tiền kiếm được “như chơi”, cứ mỗi đêm lại tung ra ở các nơi ăn uống cờ bạc. Ở các ngã ba, ngã tư mọc lên những hàng cao lâu và ô-ten, dập dìu bóng váy hở đùi của những cô gái “Thượng Hải” thật và “Thượng Hải” giả. Mỗi phố lớn đều có vài tiệm “đăng-xinh” trong đó thủy thủ ngoại quốc chen chúc với những tay thầu khoán. Khắc đi trên những vỉa hè loang lổ ánh đèn điện “nê-ông” xanh, tím, vàng, đỏ, như lạc giữa cái thành phố đang phát sốt.


(Lược trích
Vỡ bờ, quyển I)