Nó đánh, vì thấy đã đủ lực lượng để đánh thắng. Ta tuy hết sức gấp rút chuẩn bị nhưng chưa muốn nổ súng, vì chưa nhận được một viên đạn viện trợ nào từ bất cứ đâu! Cái trò câu giờ phải đôi bên cùng chơi. Mày đã “nghỉ”, tao cũng đành “nghỉ” theo. Giặc vốn từ biển vào và giặc đã gây bao nhiêu thù ở ngay chỗ chúng đổ bộ. Thành Phố Cảng “khai” mùa chinh chiến, hợp quá. Máu đổ không uổng đâu, Hải Phòng anh dũng ơi. (Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Hải Phòng khói lửa đầu mùa”




Kể từ ngày Hiệp định Sơ bộ mồng 6 tháng 3 (năm 1946) được ký kết, hơn bảy tháng đã qua. Tiếng súng xâm lăng trên đất nước ta chưa lúc nào ngừng nổ (...)

Trên miền Bắc, sau khi Tưởng rút quân, Đác-giăng-li-ơ bắt đầu thực hiện chính sách “tằm ăn lá”, lấn chiếm từng bước lãnh thổ của ta. Y ra sức củng cố và mở rộng những địa bàn đứng chân, đồng thời ráo riết tìm kiếm bọn phản động tay chân cũ ở các địa phương, mưu toan lập nên những khu vực tự trị để hình thành thế vây ép lực lượng cách mạng (...)

Ở miền Nam, Đác-giăng-li-ơ tiếp tục mở rộng chiến tranh xâm lược. Y công khai phủ nhận các điều khoản nói về Nam bộ trong bản Hiệp định, trắng trợn tuyên bố Nam bộ vẫn là một thuộc địa của Pháp (...)

Trong Nam, lực lượng vũ trang của ta phát triển rất nhanh. Trong tháng 5, tháng 6 và tháng 7, ta đã xây dựng thêm nhiều chi đội mới. Cũng như ngoài Bắc, bộ đội Nam bộ phần lớn là nông dân. Riêng tại miền đông, nơi có nhiều xí nghiệp và đồn điền cao-su, anh em công nhân tham gia bộ đội rất đông. Có chi đội như chi đội 13, toàn thể cán bộ, chiến sĩ đều là công nhân. Cán bộ các chi đội phần lớn do các đảng bộ cử ra để nắm lực lượng vũ trang. Một số đồng chí đã hoạt động từ hồi Nam kỳ khởi nghĩa năm 1940. Nam bộ ít rừng núi, không có nhiều địa thế hiểm trở (...) nhưng điều căn bản là lòng người. Vì được nhân dân ủng hộ, biết dựa chắc vào dân nên các lực lượng vũ trang của ta có thể đứng vững trên mọi địa bàn hoạt động và ngày càng lớn mạnh về tổ chức, trang bị. Với phương châm đoạt súng giặc giết giặc, nhiều đơn vị đã thay đổi hầu hết các vũ khí lúc ban đầu. Kháng chiến đã có những căn cứ lớn như Chiến khu Đ, Đồng Tháp Mười, rừng U Minh (...) Các chiến khu, các trung đoàn đều xây dựng xưởng quân giới.

Tại các tỉnh cực nam Trung bộ, với những đơn vị tăng cường thêm từ vùng tự do Khu Năm, Khu Sáu vào hồi tháng 7, chúng ta đã thành lập một số trung đoàn. Ở Tây Nguyên, trung đoàn chủ lực đầu tiên hoạt động ở đây đã có một tiểu đoàn gồm toàn anh em các dân tộc ít người: tiểu đoàn M”Tranglơn. Nhiều căn cứ du kích nhỏ mọc lên ở vùng nông thôn đồng bằng và vùng rừng núi các tỉnh cực nam Trung bộ. Các lực lượng vũ trang của ta đẩy mạnh chiến tranh du kích (...) buộc địch đối phó ở khắp các nơi (...) Lực lượng quân cơ động của địch không nhiều, phải chuyển từ vùng này qua vùng khác trong những cuộc càn quét liên miên để làm công việc “bình định” một cách vô hiệu quả. Cách đánh địch của các lực lượng vũ trang ta cũng dần dần phát triển (...) Chúng ta tiến lên đánh bại những trận càn quét lớn và chận đứng nhiều cuộc tấn công của quân địch ra vùng tự do (...)

Có thể nói là cuộc kháng chiến ở phía nam đất nước đã bắt đầu chuyển sang một thời kỳ mới (...)

*

Trong Tạm ước 14 tháng 9, chính phủ Pháp đã nhận thi hành (...) đình chiến ở Nam bộ (...)

Ngày 29 tháng 10 (năm 1946), Quân ủy hội của ta gửi thư cho tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp đề nghị quân đội Việt Nam và quân đội Pháp sẽ cùng ngừng bắn vào lúc 0 giờ ngày 30 tháng 10. Vài ngày sau, Van-luy trả lời đã hạ lệnh cho quân đội Pháp ở miền Nam ngừng bắn vào đúng thời gian ta đã đề ra (...)

Ngày 4 tháng 11 (...) có tin quân Pháp lại nổ súng ở nhiều nơi tại Nam bộ và nam Trung bộ. Các lực lượng vũ trang của ta buộc phải có những hành động tự vệ (...)

*

Ngày 21 tháng 11 (...) (theo lệnh của cao ủy Đác-giăng-li-ơ) Van-luy (...) viên tổng chỉ huy mới của quân đội viễn chinh Pháp (...) trực tiếp ra lệnh cho Đép-bờ phải dùng mọi phương tiện có trong tay để làm chủ hoàn toàn thành phố Hải Phòng (...)

Cuộc tấn công (...) ở Hải Phòng mang một tính chất tàn bạo. Quân Pháp được lệnh thiêu trụi những ngôi nhà mà chúng gặp phải sức kháng cự (...) Đép-bờ (vận dụng) đến cả sự chi viện của hải quân bằng trọng pháo (...)

Cuộc xung đột vũ trang diễn ra quyết liệt trên từng đường phố, từng ngõ ngách, từng ngôi nhà. Các đội tự vệ, đặc biệt là tự vệ Khu Bảy, đã chiến đấu rất dũng cảm.

Ngày 25 tháng 11, ta mở một trận tấn công lớn vào trường bay Cát Bi (...) phá kho đạn, đốt kho xăng (...)

Ngày 28 tháng 11, bộ đội và các lực lượng tự vệ của ta rút về tuyến chiến đấu mới bên ngoài thành phố (...)

(Với địch) Trận Hải Phòng là trận đánh mở đầu cho một quy mô mới của cuộc chiến tranh cướp nước (...)

(Với ta) Trận chiến đấu anh dũng tại Hải Phòng đã có tác dụng của một cuộc tổng diễn tập thực sự chuẩn bị cho trận đánh kéo dài nhiều ngày ở Thủ đô Hà Nội xảy ra sau đó một tháng.


(Trong hồi ký
Những năm tháng không thể nào quên, bắt đầu viết từ mùa xuân năm 1970, viết xong vào mùa xuân 1972, in lần đầu năm 1974, in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006)