Ký Tạm ước và đồng ý sẽ tiếp tục đàm phán là để chúng khỏi trở mặt mà không cho về nước hoặc cho về trên “máy bay Duy Tân”.

Đi 31-5, về 20-10, gần năm tháng. Một dịp “để có thêm nhiều người hiểu cách mạng Việt Nam (...) có lợi cho cuộc đấu tranh lâu dài của ta về sau này” (xem lần trước).

Ở “nhà”, trong năm tháng đó ta tiếp tục tích cực kháng chiến địa phương và ráo riết chuẩn bị toàn quốc kháng chiến, còn giặc thì lấy bản đồ nước ta ra cắt thành “nước Nam Kỳ”, “nước Tây Kỳ”, “nước Nùng Thái”...

Mày cứ tha hồ nghịch giấy. Nước tao mãi mãi là từ Hà Giang xuống tận Cà Mau.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Hội nghị Phông-ten-blô” (2)



Cuộc đàm phán chính thức giữa hai phái đoàn Việt Nam và phái đoàn Pháp bắt đầu vào ngày 6 tháng 7 (năm 1946) tại lâu đài Phông-ten-blô, cách Pa-ri 60 ki-lô-mét (...)

Mắc Ăng-đơ-rê đọc diễn văn khai mạc (...) Chiến thuật của đoàn Pháp là dùng những lời lẽ chung chung, không đề cập đến một điều gì cụ thể.

Trong lời đáp, anh Phạm Văn Đồng (...) tố cáo Pháp tiếp tục chiến tranh ở Nam bộ, đưa quân lấn chiếm vùng Tây Nguyên, có nhiều hành động bạo lực ở Bắc bộ (...) phản kháng kịch liệt âm mưu chia cắt nước Việt Nam, (cụ thể là) việc nhà chức trách Pháp ở Sài Gòn vừa cho ra đời một “nước Nam kỳ tự trị” (...)

Qua các cuộc thảo luận, phái đoàn Pháp đã để lộ rõ chính sách của Pháp (...) Tuy về tên gọi hoặc về hình thức tổ chức có ít nhiều thay đổi, chính sách đó về thực chất (...) duy trì chế độ thuộc địa cũ (...)

Cuộc đàm phán (...) không tiến triển (...)

Hội nghị đã thật sự bế tắc (...)

Ngày 1 tháng 8, đoàn ta (...) rời lâu đài Phông-ten-blô và không bao giờ quay trở lại đây nữa (...)

*

(Trong nước ta) Đác-giăng-li-ơ đã để lộ ý muốn lập ngay tại miền Bắc một “nước cộng hòa Nùng Thái”, cùng một kiểu với “nước cộng hòa Tây Kỳ” ở Tây Nguyên (...)

*

Cuối tháng 8 (...) Trường hợp mà chúng tôi vẫn thường lo ngại đã tới. Nếu đôi bên không đi đến thỏa thuận, bọn phản động Pháp (...) chắc sẽ gây khó khăn cho Bác và phái đoàn ta khi trở về. Nhưng chúng tôi vẫn nghĩ là Bác sẽ tìm ra một cách giải quyết (...)

Cũng như lần ký Hiệp định Sơ bộ nửa năm trước đây, Bác đã đi tới quyết định vào những giây phút cuối cùng (...)

Bác (...) ký bản Tạm ước 14 tháng 9 (...) Các điều khoản của nó không đề ra những quyết định có tính nguyên tắc. Những quyết định này đôi bên đồng ý sẽ tiếp tục bàn vào đầu năm 1947 (...)

Sáng ngày 18 tháng 9, chiếc chiến hạm Pháp chở Bác về nước nhổ neo (...) Nó chạy khá chậm. Dường như người Pháp muốn kéo dài thời gian đi đường của Bác (...)

Chiều 20 tháng 10 (...) tàu cập bến ở Hải Phòng (...)

Mười giờ sáng hôm sau, chuyến xe lửa đặc biệt đưa Bác về Hà Nội bắt đầu chuyển bánh (...)

Ngày 23 tháng 10, Hồ Chủ tịch ra lời tuyên bố với quốc dân:

“(...) Trung Nam Bắc nhất định thống nhất (...) Không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta (...) Nam bộ yêu quý nhất định sẽ trở lại trong lòng Tổ quốc...”.


(Trong hồi ký
Những năm tháng không thể nào quên, bắt đầu viết từ mùa xuân năm 1970, viết xong vào mùa xuân 1972, in lần đầu năm 1974, in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006. Lược trích tr. 300-325, nhan đề tạm đặt.)