“Rồi sẽ ra sao...”




Năm 1971, sốt ruột trước hiện tượng quanh mình người Việt Nam đua nhau chạy theo văn hóa Tây phương, Nguyễn Hiến Lê kêu gọi: “Chúng ta (...) mặc cảm tự ti (...) mù quáng bắt chước người, chỉ mong theo gót được người, không dám có một ý muốn riêng của mình, một quan điểm của mình, một đường lối của mình (...) Ðã đến lúc chúng ta phải tư tưởng lại”.(1) Năm nay 2022, ông mà còn sống…

Bệnh bắt chước, gốc nó ở cái bản năng hướng về vật chất. Cứ hễ thua người về vật chất, là mất tinh thần (khiếp), bỏ tinh thần của mình đi, rước tinh thần của người về. Còn thua, còn mất, còn bỏ, còn rước!

Do thấy Tây giàu, đông đảo người Việt Nam đang “khát” văn hóa Tây cháy cổ! Tây thì lợi dụng thế thượng phong kinh tế mà ép nhà nước Việt Nam phải để cho Tây tha hồ “rót” văn hóa Tây cho dân ta “uống”! Thông qua các phương tiện truyền thông cực kỳ tối tân, “rượu Tây” nguyên chất đang chảy ào ào tới khắp nơi trên quê hương ta, chảy ro ro vào tận lòng dạ của mọi tầng lớp nhân dân ta.

Chưa bao giờ văn hóa ngoại lai có cơ hội xâm nhập xã hội Việt Nam cách sâu rộng như bây giờ. Chưa bao giờ sự độc lập văn hóa của dân tộc Việt Nam bị đe dọa mạnh mẽ như bây giờ. (Ta đang “bỏ, rước” đến tận “hình hài”: tóc trên đầu một số đồng bào, chủ yếu phụ nữ, từ màu đen trời sinh đang bỗng hóa nâu, đỏ như râu ngô, thậm chí vàng như rơm!)

*

Diễn biến Tây hóa đang xảy ra khẩn trương và triệt để. Thế chẳng tốt cho dân tộc Việt Nam sao? Chẳng phải người Tây phương đã chứng tỏ có một nền văn hóa ưu việt đáng cho cả nhân loại bắt chước đấy sao? Họ đã lên cung trăng, đã chế ra đủ thứ máy móc giúp con người hiện đại có khả năng của “thần tiên”. Việc gì mà phải băn khoăn?

Năm 1930, Trần Trọng Kim viết: “Xét ra cho kỹ, sự tiến hóa thái quá về đường vật chất vị tất đã hay cho sự sinh hoạt của loài người (...) Văn hóa phương Tây (...) làm (...) sự cần dùng càng ngày càng thêm ra, sự cạnh tranh rất kịch liệt, sự sinh hoạt có lắm điều phiền phức, nhân sinh hình như lúc nào cũng chật vật vất vả, không mấy khi trong bụng được nhàn hạ thư thái (...) Biết đâu là khi ta quá thiên về khoa học lại không có điều hại? (...) Ta nay thấy người cường thịnh, thì ai ai cũng háo hức theo người, biết đâu rằng cái cường thịnh ấy lại không có cái nguy cơ đã nằm sẵn đó rồi”.(2)

Năm 1938, Ðào Duy Anh: “Ở Tây phương, từ trong gia tộc ra ngoài xã hội việc gì cũng lấy pháp trị làm chủ, là thói khắc bạc phi nhân tình (...) Cái văn hóa phú cường chỉ đem cho người ta đến những cuộc xung đột ghê gớm, ở trong thì giai cấp tranh đấu, ở ngoài thì quốc tế chiến tranh, văn hóa phú cường càng tiến bộ chừng nào thì nó lại cung cho những cuộc xung đột ấy những lợi khí tàn ác khốc liệt chừng ấy”.(3)

Thập kỷ 1950, Cao Xuân Huy: “Con người phương Tây càng ngày càng bị giam hãm trong ý thức của mình”.(4)

Năm 1971, Nguyễn Hiến Lê: “Phương Tây khác chúng ta nhất ở điểm họ có bản tính cực đoan, cuồng tín, không bao dung (...) Lịch sử phương Tây trong thời hiện đại vẫn là lịch sử của sự bất bao dung, sự kỳ thị (...) Không còn kì thị tôn giáo (...) thì người ta kỳ thị chủng tộc (...) kỳ thị cả ý thức hệ (...) Cái xã hội Âu Mỹ sản xuất để tiêu thụ, tiêu thụ để sản xuất, có đáng làm mẫu cho ta không?”.(5)

Những học giả uyên bác này không hề chủ trương bài ngoại, thậm chí còn ra sức truyền bá cái hay của văn hóa Tây. Nhưng vừa truyền cái hay, các cụ vừa hết sức băn khoăn về cái dở.

*

Ðầu thế kỷ 21, những linh cảm không lành của tiền nhân đang chứng nghiệm.(6)

Năm xưa Ðào Duy Anh nhận xét văn hóa Tây phương dẫn đến xung đột giai cấp và xung đột quốc tế. Ấy là trước Thế chiến thứ Hai. Sau đó, bên Tây cá nhân luận quá độ thành cá nhân chủ nghĩa, vùn vụt phát triển làm xảy ra thêm một thứ xung đột nữa. Xung đột giữa cá nhân với cá nhân khiến một quan hệ cơ bản bậc nhất trở nên rất dễ tan rã. Do cái tôi cứ mỗi ngày mỗi to, bây giờ ngay chỉ hai cái - tức cái tôi chồng và cái tôi vợ - nhiều khi cũng không sao có thể chung sống hòa bình dưới một mái nhà.

Ít gây chú ý hơn là sự kiện nghệ thuật cao phá sản. Ở Tây phương hiện nay những “sáng tạo nghệ thuật” nổi trội thực chất chỉ là những món hàng sản xuất nhằm bán cho số đông. Trình độ thưởng thức của quần chúng bao giờ cũng thấp. Xem “khách” ấy như Thượng Đế, thì “hàng” làm sao có chiều cao nghệ thuật nào được.

Bên Tây bây giờ, “tôi” thật to cao mà nghệ phẩm thì thật bé thấp!

Nhưng nói chi quan hệ lủng củng với nghệ thuật tầm cỏ nữa. Ðã thấy rồi, những dấu hiệu con người bắt đầu thôi làm… người! Cuộc Cách mạng Tình dục “vĩ đại” ở Âu Mỹ bắt đầu sau Thế chiến thứ Hai dẫn tới kết quả bất ngờ là ngày càng nhiều người bên ấy mắc những chứng tâm bệnh gọi chung là “LGBT” (đồng tính, lưỡng tính, chuyển tính). Nhiều đến nỗi hầu hết các nước trong Liên hiệp châu Âu và nước Mỹ đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Chúa Ki-tô mà có gặp những bệnh nhân này, làm sao Người nhận ra tác phẩm của mình!

Xã hội Tây ngập vấn đề chí tử, nhưng do còn rất giàu và rất mạnh, Tây phương vẫn tiếp tục cuồng tín vào các “giá trị” của mình và hung hăng tìm mọi cách giải thể cho bằng được tất cả cách tổ chức xã hội khác trên thế giới. Coi chừng có ngày Việt Nam bị Tây đem quân đánh vì không chịu để cho “bóng” được chính thức kết hôn! Hình dung phải đối đầu với lực lượng gồm rất nhiều chiến sĩ lại cái do những tướng tá lại cái chỉ huy!

Tưởng tiền nhân tuy sáng suốt cũng không ngờ sự tình sẽ tệ đến bực này.

*

Dân tộc đang hết sức tích cực cải thiện điều kiện vật chất. Nỗ lực “lên đời” thay đổi sâu xa nơi ta sống. Từ một nước Quê, Việt Nam đang vùn vụt biến thành một nước Tỉnh.(7) Không đừng được, toàn bộ văn hóa tinh thần Việt Nam cũng đang vùn vụt “diễn biến”. Sau khi nước hóa Tỉnh hẳn, cái văn hiến “bốn nghìn năm” của nước Quê xưa sẽ chỉ còn trong sách vở…

Mất văn hóa cũ thì có sao đâu? Giàu lên bằng Tây xong, dân tộc Việt Nam sẽ thôi tôn thờ văn hóa Tây mà bắt đầu xây một văn hóa mới riêng chứ lo gì.

E không đơn giản vậy. E trước khi bằng giàu, ta đã bằng Tây về đủ thứ “vấn đề”. Toàn những thứ không thấy được cách giải quyết. Từ tình trạng xã hội cực kỳ “khó khăn” đó, có thể xây nên cái gì mới mẻ, tốt đẹp, độc đáo sao?

Hay bây giờ ta cách ly Tây để khỏi bị lây? “Cách” thế nào, khi ta rất cần giao thương với họ, thậm chí có thể còn phải liên minh với họ nữa để chống xâm lược từ phương Bắc…



Thu Tứ
Viết năm 2014
Sửa mới nhất 10-2022

















_________
(1) NHL,
Ðể tôi đọc lại, nxb. Văn Học, 2001.
(2) TTK,
Nho giáo, 1930.
(3) ÐDA,
Việt Nam văn hóa sử cương, 1938.
(4) CXH,
Tư tưởng phương Ðông - gợi những điểm nhìn tham chiếu, nxb. Văn Học, 1995.
(5) NHL, sđd.
(6) Xin đọc hai bài “Xin chớ ai làm Trời” và “Ảo tưởng và thách thức” của TT.
(7) Xin đọc bài “Thôi một nước quê” của TT.