Thế đấy. Tưởng tượng tổ tiên ta đã chiếm nước Pháp, các “quan ta” sức cho dân Pháp phá lâu đài này lâu đài nọ để quan lấy đá xây đồn xây lũy! “Trần triều công chúa”... “Hai bãi bia”, một đền một bia thôi, chứ sao lại đến hai bãi?! Chẳng biết có còn tấm nào không, ai báo ông Nguyễn Quang Hà để ông ấy về bắt đá kể cho nghe sự tích công chúa. (TT)



Đỗ Đình Tuân, “Phá đền xây bốt”




Quãng đê thuộc địa phận làng tôi chỉ dài chừng trăm mét kéo dài từ cống Kỳ Đặc, nối sông Đào với sông Kinh Thày, đến ngã ba đê Gốm. Ở phía ngoài đê, giáp cống Kỳ trước đây là chỗ họp “Chợ Cống” và cũng có một bến đò ngang qua sông Kinh Thày gọi là Đò Cống. Nhưng cả Đò Cống và Chợ Cống đến thời chúng tôi đều không còn nữa. Nó chỉ còn là một đoạn đê và một khoảng bãi bồi ngoài đê để chúng tôi thả trâu.

Trong đê có đền thờ bà Trần triều công chúa. Ngôi đền này khá đẹp. Nó nhìn hướng chính đông và ngay trước cửa là đáy con sông Đào. Nghe nói trước đây còn có ao đền rồi mới đến sông nhưng bấy giờ thì ao và sông đã thông luôn làm một, tạo cho đoạn đáy con sông Đào phình ra trông như một cái hồ rộng ngay trước cửa đền. Từ sông vào, qua một con đường cái là đến sân đền. Sân đền cũng khá rộng. Đối xứng hai bên trước cửa đền là hai cây đa. Phía áp đê là một cây đa lông xanh thẫm và rườm rà cành lá. Phía bên kia là một cây đa trơn gầy guộc và cũng vàng vọt hơn. Hai cây đa này đều do ông Trương Tự trồng nên người làng tôi vẫn gọi là “cây đa ông Trương Tự”. Hai bên tả hữu đền là hai bãi bia có rất nhiều bia đá, nhưng toàn viết bằng chữ nho nên chẳng ai hiểu những tấm bia đó viết về cái gì (...)

Tôi chỉ được xem duy nhất có một lần hội đền ở đây. Lần ấy tôi còn rất bé, bố mẹ tôi bế tôi ra hội đền cho xem hát tuồng. Đám hát diễn ngay ở trong đền. Bố mẹ tôi đứng cuối đám đông nên cứ phải cố nâng tôi lên để cho tôi nhìn thấy diễn viên. Tôi nhìn thấy có hai người trên sân khấu. Một người thâm thấp, đầu đội thứ mũ gì cứ lóng la lóng lánh. Còn người kia cao hơn, đầu đội một thứ mũ nhọn hoắt như đâm lên trời. Người ấy râu xồm, áo thụng, đi hia và mặt thì bôi trát đen trắng trông rất gớm ghiếc. Trông thấy điệu bộ ông ta tôi đã hoảng hồn. Nhất là khi tôi thấy ông ta chỉ tay về phía tôi mà hét tướng lên thì tôi khiếp đặc. Tôi sợ quá chợt khóc thét lên. Bố mẹ tôi đành vội bế tôi về. Từ đó tôi không thấy bố mẹ tôi cho đi xem hội đền nữa (...)

Tôi được chứng kiến cảnh phá ngôi đền làng. Đó là vào năm 1949, quan Tây ở đồn Ninh Xá sức cho hương chủ các làng Linh Giàng và Cổ Châu Hạ phải cử dân phu dỡ đền để lấy gỗ về cho quan Tây xây dựng mở rộng khu đồn bốt. Làng tôi phải cử người ra dỡ đền. Trong số những người ra dỡ đền có cả bố tôi. Bọn trẻ con chúng tôi thì thả trâu ở bờ đê và bãi cỏ xung quanh đền để xúm lại xem người lớn dỡ đền. Mọi người bắc thang leo lên mái dỡ ngói ra. Họ dỡ mái phía trước sân trước. Ngói dỡ ra thì vứt xuống cho vỡ vụn. Ngổn ngang cả ở trước sân và xung quanh đền (...) Khi phần mái ngôi đền được tháo dỡ xong thì quan Tây bên đồn Ninh Xá cho xe lội nước sang kéo đổ rồi chở gỗ về xây dựng đồn trại. Đền làng tôi chỉ còn lại là một đống gạch ngói vỡ vụn và trơ ra những tảng đá chân cột, những cột trụ đá và những bia đá.


(Lược trích “Lan man chuyện làng tôi” của Đỗ Đình Tuân đăng trên trang
chimviet.free.fr)