Ca dao:

“Côn Lôn đi dễ khó về,
Già đi bỏ xác, trai về nắm xương”.

Những “nắm xương” đang rủ nhau lên đường, đi để biến “Côn Lôn” thành di tích lịch sử.

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Vỡ bờ (11)



Cái phố nhỏ dưới chân đê chỉ có mấy em bé gái tóc xõa ngang vai, đang lê la chơi rải gianh giữa đường đi. Cạnh hàng nước, mấy con gà mái đang mải bới những đám lá bánh. Một con chó nằm dim mắt trước ngưỡng cửa nhà, thỉnh thoảng chạy xồ ra, đuổi lũ gà chạy quang quác. Phía cuối phố từ trong một gian nhà lá, vẳng ra tiếng huýt sáo bổng trầm rất cao hứng. Đây là một cửa hàng nhỏ, một bên kê chiếc chõng tre trên bày một ô hàng xén, bên kia chỉ có hai ba cái dây xích xe đạp lủng lẳng đeo lên rui nhà, dưới đất lỏng chỏng một cái bơm xe, một chậu nước, mấy cái kìm và lắc-lê, trên vách treo vài cái xăm lốp cũ. Anh chủ hàng đầu cắt tóc bờm đang ngồi dưới đất nheo một con mắt, ngửa đầu ngắm cái vành bánh xe đạp mà anh đang nắn dở, xem đã thẳng chưa. Anh vừa làm vừa huýt sáo, hết vọng cổ lại đến sa mạc, nhiều lúc đùi anh rung tít như không còn gì ở đời thú vị hơn.

- Chị tôi có nhà không đấy, ông anh?

Anh chủ hàng quay ra đường. Một người đàn bà trẻ tuổi, chít khăn vuông, mặc cái áo cánh bông đen gánh đôi bồ hàng xén, đang đứng hỏi. Hai con mắt thông minh của chị ta cười cười, chị đã bước vào trong nhà. Anh chủ nhà hai con mắt cũng sáng lên, trả lời:

- Ở trong kia kìa.

Chị hàng xén đi vào trong sân rồi qua một cái vườn chuối nhỏ, cuối vườn có một gian nhà ở.

Lát sau, bóng chị lại quảy đôi bồ ra lối cổng vườn, rồi leo lên đê, nhanh nhẹn đi xa dần. Chị đi khỏi chừng nửa giờ, thì cũng lối cổng vườn bước ra một người đàn ông, mặc cái áo lương dài, chít khăn xếp, tay cắp cái ô. Người đàn ông cũng leo lên đê, đi theo cùng một hướng với chị hàng xén.

Anh ta đi cắm cúi trên con đường đê vắng. Qua một cái điếm canh lúc này bỏ trống, anh thấy trên tường điếm có dán một tờ yết thị in năm sáu tấm ảnh. Nhìn trước nhìn sau, không thấy bóng người nào chung quanh, anh bước tới xem: “Giấy sức truy nã những tên ở đảng cộng sản”. Hai con mắt anh lướt nhanh trên ảnh mấy người bị truy nã và bỗng dừng lại một giây trước cái khung in lờ mờ ảnh một người thanh niên mặc áo sơ-mi cổ bẻ. Giá có ai tinh mắt đứng đó thì có thể nhận thấy là người xem ảnh nom giống người trong ảnh. Nay sức cho các làng dò bắt những tên nói trên này. Ai mách chỗ chúng nó trốn, được 200 đồng, ai bắt đem nộp được 500 đồng một tên, chính phủ lại còn tưởng lệ phẩm hàm ân thưởng thêm. Ai dong ẩn là có tội”.

Đằng xa, một chiếc xe tay bánh gỗ đang lọc cọc chạy tới. Người đàn ông lảng khỏi cái điếm, và bước nhanh bên vệ đê. Đi một quãng xa nữa, tới một con đường đất rẽ xuống bãi, thì thấy chị hàng xén đang ngồi chờ dưới gốc cây bàng bên đường. Hai người nhìn lại một lần, không thấy ai theo, họ yên trí đi theo con đường nỏ, mất hút giữa những đám mía cao xanh om.

*

Chị giao thông đưa Khắc qua sông rồi đi mãi, len lỏi theo những con đường tắt đồng, tránh tất cả các làng xóm, phố xá. Trời chiều âm u mây xám, hai người đi mải miết. Đôi bồ nhỏ vẫn cứ băng băng đằng trước, Khắc phải cố rảo bước cho kịp, nhiều lúc đã thấy thở hơi ra đằng tai. Gió về chiều lạnh dần. Chị giao thông ngoảnh lại, chừng nhận thấy người bạn đường có vẻ mệt, chị nhắc và khuyến khích:

- Sắp qua đường nhựa đấy. Ta vượt nốt quãng này, sang bên kia có chỗ nghỉ tốt, anh ạ.

Đằng xa đã thấy những hàng cột dây thép chạy dài, bóng mấy chiếc ô-tô con bon bon chạy. Ra gần đường nhựa, hai người sụp nón hạ ô cho kín mặt hơn và đi cách xa nhau ra. Đặt chân lên con đường rộng, thẳng tắp, Khắc như thấy chống chếnh, cảm tưởng không yên ổn, vững vàng như khi bước trên những con đường đất nhỏ mấp mô...

Chị giao thông đi vượt lên, thoăn thoắt, rồi bỗng rẽ xuống một con đường bờ ruộng. Khắc lại theo hút đôi bồ nhảy nhót đằng trước. Đi khuất mấy lũy tre, họ men theo bờ một con sông máng nhỏ, giữa đồng không mông quạnh. Tới một bụi cây găng tròn xoe, chị giao thông đặt gánh xuống:

- Ta nghỉ thôi.

Mặt Khắc vừa đỏ vừa tái. Anh húng hắng ho, và lau mồ hôi xâm xấp trên trán. Chị giao thông ái ngại hỏi:

- Đồng chí mệt lắm phải không?

Hai tiếng đồng chí sao ấm áp, thân yêu lạ lùng. Khắc nhìn người nữ đồng chí không quen, anh cười thú thật:

- Vâng, ba tháng nay tôi nằm một chỗ, chân đi hơi kém. Đường còn xa không chị?

- Còn độ non nửa đường nửa. Nhưng đoạn này đi chậm một tí cũng được. Ban nãy qua mấy làng giáp đường, bọn tổng lý tuần phu ở đấy hay sục sạo khám hỏi thành ra tôi phải đưa anh đi nhanh. Đây thì yên hơn. Anh có đói ăn tạm cái bánh chưng.

Khắc bóc ngay cái bánh mà chị giao thông lấy trong bồ ra đưa cho. Anh đã đói lắm. Mấy tháng nay anh suốt ngày chui trong cái cơ quan in bí mật và luôn luôn ăn đói. Chị giao thông nhìn dáng mặt thiếu máu của Khắc và như cũng đoán hiểu được phần nào. Nhưng đã quen không bao giờ hỏi gì về những việc không liên hệ trực tiếp đến công tác của mình, chị chỉ lẳng lặng đợi. Thấy người bạn đường đã ăn xong, chị đứng lên:

- Ta đi kẻo tối đồng chí ạ - Chị cười và tiếp – Bây giờ thì đi chậm hơn nhé.

Nói vậy nhưng chỉ được một lúc, hai cái chân đã quen bước thoăn thoắt lại băng lên đằng trước. Vả lại chiều đã muộn. Khắc cắm cúi đi theo. Nhập nhoạng tối, họ lại tới một bến đò ngang. Qua con sông con, nước chảy êm đềm, chị giao thông đưa Khắc đi vào một vùng đồi sỏi khô khan. Hết đồi này đến đồi khác, trời đã tối mịt từ lâu, họ vẫn đi mãi, đi mãi. Khắc đã quên cả giờ giấc thì bỗng chị giao thông quay lại bảo khẽ: “Tới rồi đấy”. Khắc theo chị leo lên một quả đồi có bóng cây lù lù và thấy bóng mái cong của một ngôi chùa. Chị giao thông tới trước cái cổng gỗ, gõ mấy tiếng theo một hiệu riêng. Cổng mở, Khắc đi vào chùa, qua một cái sân, một cái hành lang, chị giao thông dẫn anh đến một gian buồng cuối dãy nhà tổ, bên trong vàng nhòe ánh đèn dầu. Một người nhỏ nhắn, mặc cái áo len dài tay đứng dậy bước ra đón.

Khắc nhìn chăm chú rồi bỗng reo lên ôm lấy người ấy. Họ chưa kịp nói, cứ ôm chặt lấy nhau.

Không ngờ đồng chí thay mặt xứ ủy mà Khắc được gặp hôm nay lại chính là Lê, người bạn tù ở Côn Lôn trước. Lê khéo Khắc vào hẳn trong phòng và vặn to cây đèn trên bàn, cười nói:

- Nào, nhìn nhau cho rõ xem thế nào.

Hai con mắt một mí hơi hùm hụp của Lê lộ ra vẻ lo ngại.

- Mày còn ho nhiều không?

- Cũng còn, nhưng tao khá nhiều lắm.

Họ hỏi thăm tin tức gia đình của nhau rồi nói chuyện về các bạn tù cũ. Đôi lông mày của Lê hơi thoáng nhíu lại, hai con mắt một mí nhìn xuống hai bàn tay đang nắm lại trên bàn bẻ đi bẻ lại cái đóm. Góc môi hơi cong lên, Lê nói sẽ sàng như một người con gái:

- Anh em mình bị bắt nhiều. Thằng Sơ, thằng Đàm bây giờ ở Hỏa Lò. Liêu, Chấn, Hà bị đưa đi căng Bắc Mê, Giản đi căng Ba Vân, à thằng Lâm bị đem đi Ma-đa-gát-ca thì phải...

... Lê vẫn sẽ sàng kể tiếp những tên nhà tù, trại giam, có nơi là đất chết đã nổi tiếng từ lâu, có nơi thì mới lập một hai tháng nay, Khắc mới nghe tên lần đầu. Khắc vừa nghe, vừa nhớ lại từng người bạn mà Lê kể tên. Ừ, thằng Sơ suốt năm ở hầm xay lúa như trâu, thằng Đàm lẻo khoẻo mỗi lần đấu tranh cứ xông ra chịu đòn cho anh em khi cai ngục, mã tà vào banh nện dùi cui như mưa rào, thằng Chấn bị bệnh lở tuột cả da từ thắt lưng trở xuống... Những con người ấy đã bị cùm chân, xích tay, bị đánh đập, tra tấn đến tàn phế, bị đối đãi như con vật, lúc nào cũng có thể đem đập chết vô tội vạ, nay đế quốc lại bắt đem đi nhốt ở những nơi thật kiên cố hay sơn cùng thủy tận nữa, vì vẫn nơm nớp sợ họ.

- Vừa qua, nhiều anh em mắc bệnh công khai, nặng nhất là ở mấy thành phố lớn thành ra để nó chụp cho một vố đau. Tê ư (Trung ương Đảng) đã đoán trước và có chủ trương cho toàn Đảng rút lui vào bí mật, nhưng nhiều cậu cứ chần chừ, do dự, lúc phải đi thì ngại, có cậu lại còn muốn ở lại công khai để đứng mũi chịu sào mới ngốc chứ!

Giọng nói của Lê vẫn nhỏ nhẻ không thay đổi, chỉ có hai con mắt thỉnh thoảng lại nhìn lên, xem Khắc có tỏ vẻ đồng ý không. Khắc bàn:

- Có lẽ phần đông anh em chưa kịp nhận ra là tình hình đã thay đổi, còn ngại khó hoặc sợ thì cũng không nhiều đâu.

Góc môi của Lê lại hơi cong lên, hé ra một nụ cười:

- Cũng có cả hai đấy.

Một người sư nữ lặng lẽ bưng mâm cơm vào, rồi lại lặng lẽ đi ra. Lê bảo:

- Thôi mày hẵng ăn cơm đi đã. Chắc mày đói lắm rồi. Ở đây ăn cơm chay, làm con nhà Phật.

Cơm rau muối, nhưng Khắc ăn ngon miệng hết sức. Lê đã giở ra một gói báo ở Hà Nội, đem tới bên đèn, đọc lẩm bẩm.

- ... À, tin này đáng chú ý: “Trong tháng chín vừa qua, ở Bắc kỳ đã có tất cả 1051 vụ khám xét bắt bớ”...

Khắc đã ăn xong. Người sư nữ vừa bưng mâm ra khỏi phòng, Lê bảo:

- Thôi bây giờ chúng mình làm việc. Trung ương mới họp, có nghị quyết mới.

Khắc ghé lại bên cây đèn dầu, giỏng tai đón nghe.

*

Họ rì rầm với nhau bên ngọn đèn. Trên chùa, tiếng mõ cốc cốc điểm nhịp cho tiếng tụng kinh đều đều. Từ ngoài vườn tối, gió phả vào những làn hơi rét buốt. Lê đọc khẽ bản nghị quyết của hội nghị trung ương Đảng lần thứ sáu (họp tháng 11 năm 1939). Khắc nghe hết sức chú ý, vừa cố hiểu vừa như trải trí nhớ ra ghi lấy những câu, những ý chính: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả mọi ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng, để giành lấy giải phóng dân tộc.... Đúng... đúng... “Đảng phải thay đổi chính sách. Mặt trận dân chủ thích hợp với hoàn cảnh trước kia, ngày nay không còn thích hợp nữa. Ngày nay phải thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế.... Khắc nghĩ nhanh: đúng. Đã đến thời kỳ cách mạng, phải sửa soạn cầm súng mà khởi nghĩa, phải chiến đấu quyết liệt rồi!... Tiếng Lê đọc vẫn lầm rầm: “... đánh đổ đế quốc Pháp và bọn phong kiến thối nát, giải phóng cho các dân tộc Đông Dương, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập...”. Khắc nhỏm hẳn người lên, mắt cháy sáng.

Khi Lê đọc xong, họ cùng im lặng mấy phút. Những lời trong bản nghị quyết như còn bỏng lửa trong đầu óc họ. Khắc hỏi mấy câu, Lê trả lời, vẫn rì rầm bên cây đèn, họ tranh luận với nhau từng hồi dài.

Thảo luận xong mấy điểm chính trong bản nghị quyết, đã khuya. Lê ngẩng lên nhìn Khắc:

- Bây giờ sang vấn đề khác. Xứ ủy quyết nghị mày xuống Hải Phòng.

Lê nói cho Khắc biết tình hình dưới ấy.

Trong tổ chức của xứ, Hải Phòng cùng với Kiến An, Quảng Yên thuộc một khu chung, gọi là khu Bê. Những ngày mới nổ ra chiến tranh (tức Thế chiến thứ Hai, bắt đầu ngày 1 tháng 9 năm 1939), các cơ sở công khai ở Hải Phòng đều bị khủng bố cũng như ở mọi thành phố khác, nhưng nhờ thành ủy đã có chủ trương rút vào bí mật từ trước nên không thiệt hại lắm. Song vừa qua, một đêm không hiểu do có đứa nào khai báo, các đồng chí khu ủy Bê và thành ủy đều bị bắt trong khi họp ở một cơ quan tại xóm xi-măng. Các đồng chí bị bắt đều giữ vững tinh thần nên sau đó không thấy bắt bớ thêm, nhưng hiện nay các cơ sở bị đứt liên lạc và cơ quan chỉ đạo ở thành hầu như tan rã. Khắc được cử xuống tìm lại mối, chắp liên lạc và tổ chức lại cơ quan của thành, để nay mai đón một đồng chí mà xứ ủy sẽ cử xuống phụ trách khu ủy Bê và thành ủy. Lê dặn Khắc phải chú ý đặc biệt chi bộ xi-măng, máy tơ, phốt-phát, chú ý vận động lính thợ hiện còn đang tập trung đợi tàu bể đi Tây, và hàng nghìn phu đang làm sân bay. Hai cái đầu chụm vào nhau, Khắc im lặng nghe, Lê vẫn thì thầm, dặn Khắc một vài đầu mối cơ sở, hiện nay chưa biết tình hình thế nào, và nhấn mạnh: “Tao sợ trong tổ chức Hải Phòng có chó, mày phải hết sức cẩn thận và để ý tìm manh mối xem sao”. Khi Lê nhìn đồng hồ tay, đã hai giờ. Họ đều mệt nhoài. Lê vươn vai ngáp:

- Thôi đi ngủ chứ. À, còn một việc nữa. Mày có nhắn gì về nhà không? Sắp có người về qua cầu Lương, có thể tạt vào thăm bà cụ được.

Khắc lộ vẻ cảm động.

- Thôi để ít bữa, tao xuống dưới ấy sẽ viết thư mày cho chuyển hộ. Làng tao, có mấy người tốt lắm, tổ chức được đấy. Hồi ở nhà tao đã tuyên truyền, cả chánh hội cũng có cảm tình. Em tao cũng đã giác ngộ khá.

- Cô ấy tên là gì tao quên mất rồi.

- Quyên. Nó tốt nết và thông minh lắm.

Họ lại lầm rầm bàn nhau thêm một lát nữa. Khi tắt đèn đi ngủ, Khắc thiếp đi ngay.

Trời chưa sáng, Lê đã đánh thức anh dậy. Họ chia tay nhau. Chị giao thông hôm qua đứng đợi Khắc. Lê đưa bạn ra cổng chùa và bảo:

- Mày đi mạnh khỏe nhé. Nhất là phải giữ cái đầu cho cẩn thận. Nhớ ngày và chỗ hẹn nhé.

Bốn con mắt lóng lánh, họ nhìn nhau, trong lòng dồn dập nhiều ý nghĩ. Từ nay đến ngày hẹn sau, bao nhiêu công việc gay go đang đợi, và cũng chưa biết ngày ấy họ có còn về đủ cả hai mà họp với nhau hay không.


(Lược trích
Vỡ bờ, quyển I)