Người ở nhà lo vậy, chứ tai nạn máy bay kiểu Duy Tân không xẩy ra trong chuyến đi đâu.

Vì ngoài cái chuyện câu giờ đã nói, nó chịu đàm phán với ta còn một phần bởi nuôi hy vọng có thể thuyết phục lãnh đạo ta nhượng bộ những điều quan trọng.

Trong chuyến về, mới có thể...

Máy bay có “trục trặc máy móc” hay không, sẽ tùy vào tài ứng biến của người “mang trọng trách”. Người ấy phải làm thế nào cho giặc nghĩ rằng tuy lần này thất bại nhưng có thể lần sau sẽ dụ được. Bằng mọi cách, người ấy phải đưa được chính mình về nước an toàn, để tiếp tục lãnh đạo cách mạng “làm tròn nhiệm vụ đối với Tổ quốc”.

Thời kỳ này, khó khăn lớn nhất của cách mạng là phải vừa làm cho giặc ảo tưởng rút cuộc ta sẽ đầu hàng mà không cần phải đánh (để giặc khỏi bạo động qui mô khi ta chưa sẵn sàng), vừa làm cho quốc dân tin tưởng ta sẽ không bao giờ đầu hàng (để quốc dân khỏi mất tinh thần và tiếp tục tích cực chuẩn bị kháng chiến).

Tự nó, khó khăn đã rất lớn. Lại còn thêm những hoạt động gây hoang mang của đảng phái đối lập.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Hội nghị Phông-ten-blô” (1)



Thường vụ nhận thấy cần đòi Pháp phải mở đàm phán chính thức ở Pa-ri (...) (vì) không đạt kết quả mong muốn thì cũng là một dịp để có thêm nhiều người hiểu cách mạng Việt Nam. Điều đó sẽ có lợi cho cuộc đấu tranh lâu dài của ta về sau này.

Tuy nhiên, chọn Pa-ri làm nơi mở đàm phán, ta cũng có những khó khăn. Nhiều đồng chí lãnh đạo phải đi xa trong cùng một thời gian. Cuộc đàm phán chắc sẽ kéo dài trong khi tình hình ở nhà có thể xảy ra những đột biến (...) Bác đã có lần bị bọn phản động Pháp kết án tử hình. Trong trường hợp (...) Pháp trở mặt, thì không phải không đáng ngại. Sau khi cân nhắc, Bác và các anh nhất trí, Bác sẽ cùng đi với phái đoàn.

Đoàn đại biểu của ta do anh Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn, gồm các anh: Hoàng Minh Giám, Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Văn Bính... Nguyễn Tường Tam có tên trong phái đoàn nhưng cuối cùng cáo bệnh không đi (...) Bác không ở trong phái đoàn. Bác tới nước Pháp với tư cách là thượng khách do Chính phủ Pháp mời (...)

Sáng 31 tháng 5 (năm 1946), Bác dậy rất sớm (...) viết một bức thư gửi đồng bào Nam bộ:

“... Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi! (...)” (...)

Sân bay Gia Lâm đông nghịt người. Hồ Chủ tịch đi một vòng chào các đại biểu và đồng bào (...)

Sắp đến giờ lên máy bay, Bác tới nắm tay cụ Huỳnh (Thúc Kháng) nói:

- Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở cụ cùng với anh em giải quyết cho. Mong cụ “dĩ bất biến ứng vạn biến” (lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn sự thay đổi).

Cụ Huỳnh rất cảm động, cầm tay Bác hồi lâu. Bác đã ủy nhiệm cụ Huỳnh làm quyền Chủ tịch nước trong thời gian Bác đi vắng.

Bỗng Bác gọi các đại biểu trong phái đoàn lại. Các anh tới đứng vây quanh. Một phút im lặng trang nghiêm. Bác nói:

- Anh em chúng ta mang trọng trách ra đi, đứng trước mặt quốc dân đồng bào đây, chúng ta phải hứa dù gặp gian nan thế nào, chúng ta cũng phải nhất trí đoàn kết để làm tròn nhiệm vụ đối với Tổ quốc.

Các anh cùng giơ tay hô to: Xin thề! (...)

Hai chiếc máy bay quân sự chở phái đoàn nối nhau rời sân bay, khuất dần vào nền trời đầy mây.

Riêng chúng tôi hôm ấy còn có thêm một nỗi lo lắng mà không ai dám nói ra (...) Duy Tân khi được Pháp đưa về nước (...) bị tai nạn máy bay ở dọc đường.

Dường như Bác hiểu rõ nỗi lo âu canh cánh của đồng bào và chúng tôi nên qua mỗi chặng đường Bác lại gửi điện về (...)


(Trong hồi ký
Những năm tháng không thể nào quên, bắt đầu viết từ mùa xuân năm 1970, viết xong vào mùa xuân 1972, in lần đầu năm 1974, in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006. Lược trích tr. 282-287, nhan đề tạm đặt.)