Võ Phiến, “Thương hoài ngàn năm” (2)




Trời đã mưa một đêm, đêm sau lại mưa. Cứ thế luôn một tuần.

Ban ngày, trong khi làm lụng với mọi người Bạch vẫn lặng lẽ, chịu đựng, gần thản nhiên như chẳng có việc gì xảy ra. Ánh sáng ban ngày và sự có mặt của kẻ khác làm tiêu tan những mộng tưởng hão huyền. Trước mọi người, Bạch thấy sự mơ ước của mình là lố bịch, nó không có gan tiếp tục nghĩ đến Ðang trước kẻ khác.

Nhưng đêm đến, những đêm mưa mùa hè làm cho trời đất mát mẻ và vây kín Bạch trong những giờ lẻ loi cô tịch, Bạch lại triền miên sống với các ao ước viễn vông. Những trận mưa đối với nó gần như bao giờ cũng đem lại cảm tưởng sung sướng: những khi nó chặt cây giữa núi, gặp mưa, nước rơi lộp bộp trên nón lá, xối xuống hai vai, nó co rúm lại nhìn ra núi rừng mịt mù, vừa lo hãi vừa cảm thấy một sự thích thú kỳ lạ được biệt tịch giữa cảnh rầm rộ dữ dội. Nước thấm vào quần áo, chảy từng dòng len lách trên da thịt, hòa với mồ hôi và hơi nóng trong người, bốc ra cái mùi thân mật của thân thể mình. Nó thu người lại trong bụi, nghe tiếng mưa đổ, ngửi mùi nước lạnh, mùi hơi mình kín đáo phảng phất, nhìn nước bắn trên đất trên lá, nhìn vớ vẩn, cảm thấy mình lẻ loi hơn bao giờ hết. Nó mong cho những phút ấy kéo dài mãi.

Và chỉ trong yên lặng cô độc như thế người con gái mới tự thấy mình nở ra như hoa lan nở trong đêm khuya.

Trong các đêm mưa nó dám bạo dạn nghĩ đến chuyện bỏ nhà theo Ðang. Cha mẹ cửa nhà thì đối với nó có là gì đâu? Nó có quyến luyến cái gì đâu? Sao nó lại không bỏ ra đi được? Nó trông đợi một dịp, trông được quyến rũ, được gọi là sẵn sàng đi ngay. Ðêm này qua đêm kia Bạch nằm mơ ước đón nhận một dấu hiệu, một lời nhắn để chạy theo. Ðang là cô gái thực thà lạnh lạt, nó vụt biến đổi, hóa ra thiết tha sôi nổi, ăm ắp một thứ tình cảm nồng nàn mãnh liệt.

Nhưng bảy đêm đã qua, những cảnh mơ ước tưởng tượng vẽ ra trong trí thành những cảnh quen thuộc. Dấu hiệu đợi chờ không bao giờ đến. Bạch thất vọng. Bỗng nhiên nó nghe mẹ nó nói đến chuyện đổi lúa giống ở nhà học Thạch. Khi chiều, trong lúc ngồi rửa chén ở ngoài giếng, nó nghe mẹ nói chuyện với người bạn về chuyện ấy.

Nếu thực ngày mai đi đổi lúa giống, thế nào nó cũng gặp Ðang. Nó sẽ nói gì? làm thế nào? bày tỏ những gì với anh ta? Nó không dự tính gì hết, nhưng nó cảm thấy chắc chắn nếu nó gặp được người con trai lần này thì thế nào anh ta cũng hiểu được ý nó. Cử chỉ, dáng bộ của một kẻ muốn hiến dâng tự nó sẽ nói ra. Sẽ tìm ra cách thức bộc lộ riêng.




Tuy ở cùng một làng nhưng đã lâu lắm Bạch chưa đến nhà học Thạch. Hồi còn nhỏ nó đã theo Ðang và lũ trẻ nhỏ kéo nhau vào nhà ông học chơi. Nhưng từ khi lớn lên, và nhất là từ hồi bà học mất đi, cô con gái ông học đi lấy chồng, nhà ông chỉ còn một người đàn ông với cậu con trai thì Bạch không có dịp lui tới. Ngày nay Bạch vẫn thường gặp ông học Thạch chăn bò trên gò hay treo chim cườm trên núi, nhưng khi bước chân vào cổng nhà ông học Bạch vẫn ngại ngùng, có cảm tưởng tiếp xúc với một gia đình hoàn toàn khác gia đình mình, ở một tầng lớp cao hơn.

Thực vậy, tất cả những gì còn lại thuộc về tiếng tăm dòng dõi của ông học Thạch đều ở trong ngôi nhà. Bước ra khỏi nhà, ông học không mang theo trên dáng dấp phong thái mình vẻ gì nho nhã sang trọng cả. Ông chỉ thường mang theo một cây sào dài, một cái lồng chim và rất nhiều ghét với mồ hôi. Ít khi bắt gặp một ông học Thạch sạch sẽ. Cơ hội ấy chỉ gặp hoặc một năm, hoặc hai năm, hoặc ba năm một lần. Ðịnh kỳ ấy dù dài dù ngắn cũng không đáng quan tâm, điều quan trọng cần chọn lựa là phải tắm vào ngày tý và tránh ngày mẹo, để được nhiều người thương yêu và tóc khỏi bạc trắng. Thuật giữ gìn sắc đẹp và đắc nhân tâm của ông học căn cứ theo sách vở:

“Tý nhật dục linh đa ái
Mẹo nhật dục linh bạch phát.”

Dầu ba năm tắm một lần thân thể cũng không hư hỏng. Nhưng quần áo lại khác. Bởi vậy có nhiều khi ông mặc một bộ quần áo mới may, lúc ông sực nhớ, thay ra cho giặt cơm lần đầu thì quần áo đã nát rã.

Sự nhớp nhúa ngoại hình chưa đủ làm mất hết cốt cách của môt người nho học. Nhưng về tinh thần thì ông học Thạch lại cũng thích xem vật lộn hơn là thơ phú. Xưa ông ta có đi thi, nhưng không đậu nổi tú tài. “Học sanh” không phải là một bằng cấp, một học vị, nhưng cũng là một vinh dự ở thôn quê. Thế mà nhắc đến hồi còn trẻ ông không màng nhắc tới chuyện học hành. Ông thích nhất là được nhắc lại cái thành tích quăng nổi hòn đá lên cao bằng ngọn dừa cao nhất trong làng. Tất cả sáu mươi lăm người trong đám bạn học của ông hồi đó không có một ai tranh nổi ông về sức mạnh của hai cánh tay. Mỗi lần nhắc đền chuyện ấy, học Thạch chúm chím cười. Ông giải thích: cánh tay ông có nhiều gân và gân tốt thượng hạng.

Do chỗ sùng thượng gân, ông học Thạch có nhiều cảm tình với môn chơi vật. Theo ông, vật lộn là cách hay nhất để thử thách sức mạnh gân cốt, tức sức mạnh nói chung của con người. Hồi còn trai, học Thạch là vô địch trong vùng về môn vật tay. Mãi tới già ông học vẫn còn thích xem và cổ võ người khác vật nhau. Trẻ chăn bò thường mời ông làm trọng tài các đám vật.

Cũng vì cái cảm tình với thứ gân tốt thượng hạng mà học Thạch nuôi bò để chọi nhau. Ðó là một lối chơi kỳ quặc, tốn kém, tai hại. Những cuộc chơi chọi bò do ông tổ chức đã làm cho nhiều đứa trẻ chăn bò bị chủ đánh đuổi: một con bò chọi nhau bị gãy sừng, tét đầu, bị trật bả vai, có khi chạy chữa tốn bạc nghìn.

Chọi bò là say mê lớn nhất, ngoài ra còn độ năm bảy thú vui nhỏ: nuôi chim mồi, rập đa đa, xem hát bộ, câu cá, câu ếch, đánh ủ v.v. Thỏa mãn bấy nhiêu sở thích mất đi rất nhiều thì giờ, nhưng trọn đời học Thạch có cái may là không có sự bận rộn nào ngoài sự bận rộn giải trí. Hồi sinh thời bà học coi hết việc nhà, từ việc cấy hái cày bừa cho đến việc cơm nước vá may. Ông học hiểu nỗi khó nhọc của vợ lắm, và khi nào có cơ hội ông liền tỏ thái độ biết ơn. Ðang thơ thẩn ngoài vườn rình tìm một con sóc để bắn, ông học bước vào gọi vợ:

- Bà!

Bà học đang xay lúa ngừng lại nhìn lên:

- Gì vậy?

- Tôi lo quá!

Bà sắp sửa tiếp tục xay, hỏi thêm:

- Ông mà lo cái gì, trời ơi!

Ông học điềm nhiên trả lời:

- “Một lo con bò trắng răng,
Hai lo kẻ thấp không bằng người cao.”

Bà học quặt một tay ra sau, đánh bạch bạch vào chân ông mấy cái, kêu lên:

- Quỷ! Quỷ! Trời ơi, có đi chỗ khác mà chơi không? Ðể cho người ta làm việc.

Ông học cười chúm chím, bước đi. Gia đình học Thạch cứ như thế sống trong hạnh phúc đầm ấm. Một người đàn ông tinh quái mà lêu lổng như thế tại sao lại là cha của Ðang, một gã con trai thực thà, ngơ ngác, vụng về và ham học? Nhiều lần chính ông học Thạch cũng ngắm nghía vẻ mặt thật thà, nhìn vành tai mỏng và nổi lên những đường gân máu đỏ của Ðang, và ông ta cười chúm chím như thấy trong đó một cái gì ngộ nghĩnh. Ðến khi vợ chết và đứa con gái đi lấy chồng thì tuy bề ngoài ông học vẫn điềm nhiên, nhưng bên trong lắm lúc có những lo khổ chơi vơi. Cho tới năm mươi tuổi ông mới cảm thấy lần đầu tiên cái cảm giác bơ vơ giữa cuộc đời, miếng cơm manh áo không người săn sóc. Ðiếu thuốc ông hút khi lớn khi nhỏ, khi đậm khi lạt thất thường, khi nhồi vào ống điếu đất, khi quấn bằng nửa lá thuốc áo, khi được rút từ trong bao giấy có dán tem nhà đoan. Hũ mắm nhà ông khi đầy khi vơi, có khi hết sạch. Lu muối nhiều lúc không còn một hột. Ông rập được con chim cườm đem về mổ ruột, Ðang phải chạy sang nhà bên cạnh xin một nhúm muối sống đem về giã với ớt, hai cha con ướp nướng, và ngồi xổm bên bếp xé đôi con chim chia nhau mỗi người một nửa.

Sau này, tuy Ðang được cấp học bổng, học hành, đậu đạt, ông học Thạch vẫn cứ xuềnh xoàng, nhớp nhúa, tin chắc là sự hôi hám nhớp nhúa của ông với tiếng thơm của gia đình chẳng can hệ gì tới nhau. Ông học không có cái dáng điệu oai phong khiến cho ai đến phải ngần ngại rụt rè. Nhưng vẻ nhà của ông ta khiến Bạch bỡ ngỡ.

Ngôi nhà chữ môn thật lớn lại đứng giữa đám ruộng, lúa tràn sát đến chân hè sau. Nhà bên tả xiêu chồm tới đến nỗi mái tranh trước sa thấp xuống, người vào phải cúi đầu. Nhà giữa có một hàng cổng chận ở trước, mỗi cây cổng vuông độ một tấc rưỡi mỗi bề. Nhìn vào nhà tối om om, sâu rộng mênh mông.

Hè nhà và bờ lề sân trước dựng toàn đá ong, những tảng đá ong cũ kỹ đen thui. Lúa non mọc lơ thơ ở mép sân và mọc cả trên mái nhà. Ðầu sân có ba cây mì kỳ quặc, trồng đã mấy mươi năm, gốc cây to bằng bắp vế. Và sát hè nhà có một cây thuốc rất xanh tốt, cao gần đến ngang mái.

Cái gì uy hiếp tinh thần của Bạch, làm nó xúc động? Sự suy đổ của một cảnh nhà bề thế trông bi thảm và lố bịch như con đại bàng gãy cánh? Cảnh tịch mịch, cảnh sân hè to rộng mà vắng vẻ?

Tự nhiên Bạch chơi vơi. Hình ảnh của Ðang mất đi vẻ thực thà, mà lại thấp thoáng một khía cạnh bí mật xa xôi đối với nó. Mỗi bước tiến đến gần chỗ ở của người con trai đột nhiên mỗi thêm hồi hộp khó khăn.

Ông học Thạch đang ngồi lúi húi trước hiên với cái lồng chim. Nghe bước chân người lạ, ông quay mặt ra rồi lại quay vào. Nhưng Bạch vừa bước lên hè, đặt gánh lúa xuống, thì ông học liền lên tiếng nói, không nhìn nó:

- Con Năm đó hả? Chạy ra bếp múc cho bác gáo nước đi. Lẹ đi con.

Bất giác Bạch liếc mắt ngó vào phía trong hàng cổng, nhìn tận vào trong nhà; nhưng cửa đóng, nó không thấy được gì. Nó bước vào bếp, ngó quanh quất: không có ai cả. Trên một chiếc chõng tre có cái mũ trắng đã cũ vất ngửa. Bạch hồi hộp, đi quanh về phía cửa hông, nhìn lên nhà trên: trong khoảng tối om, một lỗ trống trên vách đất bằng miệng chén để lọt ánh sáng vào làm nó hoa mắt. Nền nhà dưới của ông học lại sạch sẽ khác thường và rất mát chân. Vò nước để ở sân sau, nhưng Bạch tìm mãi không trông thấy cái gáo. Chợt ông học lên tiếng kêu:

- Năm! Không tìm được vò nước à?

- Cái gáo bác để ở đâu?

- Hả?

- Cháu không tìm ra cái gáo.

- Gáo thì ở vò nước, chứ còn ở đâu?

- Không có trong vò.

- Thế thì đừng tìm trong vò! Hì hì... Mau lên cô!

Học Thạch cười hì hì trước hiên. Bạch vừa bắt gặp cái gáo trong bát nước, bên cạnh bếp lửa. Lúc nó cầm gáo nước ra thì học Thạch đã bỏ chiếc lồng chim, ngồi khoanh tay gác trên đầu gối, chờ nó.

Ông ta vừa cầm gáo nước đổ vào cái chén sứ buộc trong lồng chim vừa hỏi Bạch:

- Ðổi lúa giống phải không?

- Dạ.

- Ai bảo đi đổi?

- Mẹ cháu.

Ông trao gáo nước lại cho Bạch, mắt không rời lồng chim, miệng cười ranh mãnh nhẹ nhàng. Có thể như là cười vu vơ không cớ, lại có thể như là cười về cái nghĩa riêng mà ông ta thấy trong hai tiếng “mẹ cháu”.

Ông học Thạch treo lồng chim xong, quay lại nhìn Bạch. Lần này Bạch có cảm tưởng ông mới vừa thực sự trông thấy mình. Và nó bối rối vì hình như ông ta ngừng mắt hơi lâu, để ý đến cách ăn mặc của nó với một vẻ ngờ vực và giễu cợt. Cái nhìn của ông ta nửa như muốn nói: “Sửa soạn một tí thế này, con bé coi ngộ đấy chứ”, nửa như tự bảo: “Hừ! Phải có cái gì đây cô mới làm đỏm. Rồi ta cũng biết, không giấu nổi đâu.” Bạch mặc cái áo cụt trắng vải tám mới giặt và quần săn đầm đen. Ánh mắt giễu cợt của học Thạch chiếu vào nó gay gắt như lục soát. Mặt nó lần lần đỏ nhừ lên. Nó thấy lâu quá cái nhìn của ông học. Hình như ông ta muốn kéo dài những phút ấy, theo dõi sự thẹn thùng cuả nó; nhưng không phải nó thẹn nữa, nó sắp phát khùng. Nó quay ngoắt lại, đi xuống bếp, thả mạnh cái gáo vào trong vò, vùng vằng, vừa giận sự thô lỗ của ông già, vừa giận bộ đồ mình đang mặc. Ðồng thời nó hoàn toàn thất vọng: Ðang đi đâu? Anh ta đi đâu? Vô ích hết những sự chuẩn bị, ăn mặc, suy tính của nó rồi! Qua khuôn cửa sau bếp, nó trông thấy một khoảng ruộng lúa xanh mơn mởn dưới nắng sáng, trông thấy lúa xanh gợn xao động dưới gió. Nó đứng lại, mím môi, nhìn ra ngoài đồng trống, nhè nhẹ thở ra một hơi dài.

Ông học Thạch lại kêu lên:

- Năm!

Bạch giật mình, mừng rỡ, hy vọng một sự bất ngờ may mắn. Nó trở ra hè thì học Thạch đang bốc trong gánh của nó một nắm lúa, bỏ vài hột vào miệng ăn trắc và hỏi:

- Ba trăng hồng, phải không?

- Dạ phải.

Ông học vãi nắm lúa vào gánh, đứng lên, vừa đi vào nhà vừa nói:

- Rồi mày về nói lại với mẹ đem lúa trắng qua đây tao mới đổi. Tao không ăn gạo đỏ đâu, nghe chưa?

Ông học đi chậm chạp, mỗi bước chân cất lên thì ở chỗ mắt cá phát ra một tiếng “cắc” nho nhỏ. Bạch nghe tiếng chân ông học bước vào phía nhà lẫm, rồi dừng lại. Nó phân vân, không biết có nên bước theo để nài ông học đổi lúa cho không. Nhưng ông ta lại kêu:

- Năm!

- Dạ!

- A! Cái con nhỏ! Vô đây!

Ông học Thạch cười hì hì trong nhà lẫm. Bạch bước vào. Ông ta chỉ cái cà tăng lúa:

- Trèo lên xúc lúa ra. Cô chờ tôi xúc cho cô à! Hà hà!

Cà tăng cao quá. Bạch nhắc một cái ghế đẩu đem tới đặt một bên để làm bực thang trèo lên. Lúc nó gác được một chân lên miệng cà tăng còn một chân lơ lửng, hai tay bấu vào lúa cố trườn lên thì học Thạch đưa tay đỡ mông Bạch xô lên. Khi thả tay ra, ông ta úp bàn tay vỗ vào mông nó một cái, cười hì hì. Bạch vùng vằng quay lại thì ông học đã cúi xuống lượm cái thúng vứt lên, không hề chú ý đến nó.

Bạch xúc lúa đưa xuống, ông học đứng dưới, bợ thúng đổ lúa ra nong. Hai người vừa làm vừa trò chuyện:

- Ðổi mấy vuông lúa?

- Ba vuông.

- Ba vuông! Mẹ mày thích lúa ba trăng lắm à! Gieo ở đâu nhiều vậy?

- Gieo... không biết đâu!

- Bên mày sắp mua con bò Pháo của Hai Thông phải không?

- Phải.

- Bao nhiêu?

- Bốn nghìn ba.

- Hì hì... Ba nghìn rưởi tao không thèm. Bò Phú Yên, cổ chân to tổ mẹ, chậm như rùa. Lông to nữa. Mẹ mày thì biết gì... Nầy! hôm nay rằm, mẹ mày có đi chùa không?

- Có.

- Mẹ mày khéo tu lắm, rồi sau thế nào cũng được lên nát bàn... Nhưng mà Năm! Tao hỏi cái này!

Bạch ngẩng lên nhìn ông học, nhưng ông ta đang cúi xuống đất lượm cái thúng. Lúc đưa thúng lên, chợt thấy vẻ mặt chờ đợi của nó, ông học nhoẻn cười hỏi:

- Xã Bá nó làm nhiều chuyện ác đức, tao chắc kiếp sau nó sẽ bị đầu thai làm con trâu đen, không theo lên nát bàn được đâu.

Xã Bá tức là lão lý trưởng làng An Quý. Bạch đã hiểu ông học định đi tới đâu, nó vừa cúi xuống xúc lúa vừa mỉm cười như xí xóa câu chuyện. Nhưng ông học tiếp tục:

- Ðố mày đoán ra rồi mẹ mày sẽ làm cách nào?

- Thôi đi ông!

- Rồi chỉ có ông Phật là khổ, ngày nào cũng bị mẹ mày níu áo đòi cho xuống trần trở lại. Hề hề.

- Thôi ông!

- Hừ! mà mẹ mày đã đòi thì phải được. Nếu không mẹ mày dám xỉa vào trán ông Phật ấy chứ lại. Hề hề...

- Ủa, cái ông này!

- Chứ không à? Nửa tháng không gặp xã Bá thì dù Phật có trụt xuống nhường tòa sen cho, mẹ mày cũng không thèm ngồi nữa là. Hề hề! Về hỏi lại mẹ mày coi... Này! (ông ta vứt lên thêm một cái thúng nữa) Xúc luôn hai thúng rồi đưa xuống luôn một thể.

Lúc Bạch bưng hai thúng lúa đầy chồng lên nhau, khom xuống đưa cho ông học thì ông ta đưa tay ra mà không chịu đỡ lấy. Ông ta vừa cười vừa nhìn lên mặt Bạch để xem mặt nó đỏ dần lên như gấc.

- Mày mạnh lắm. Thử chịu coi được bao lâu.

Bạch run run hai tay, cố gắng gượng người lên, thu hai thúng lúa trở lại. Nó bật cười nói:

- Bác đừng giỡn.

Rồi nó bưng trao cho ông học từng thúng một.

Ông học bảo:

- Thôi. Ðủ rồi. Ra đi, cô.

Bạch quay lưng lại, tay níu vào miệng cà tăng, đưa chân xuống tìm cái ghế. Ông học một tay cầm lấy chân nó đặt lên ghế, một tay lại phát vào mông nó, rồi mạnh dạn đưa tay vào xa hơn. Nó rùng mình, thả tay rớt mạnh xuống. Miệng cà tăng bị đè gãy răng rắc. Ông học cười hì hì đưa tay đỡ Bạch đang loạng choạng muốn ngã.

Lúc Bạch đứng vững ông vẫn cười vui vẻ, và toan quay lưng bước đi. Bạch nhìn thẳng vào mặt ông ta, vẻ sừng sộ.

Ông học chợt thấy nộ khí trên vẻ mặt nó, dừng lại một chút, ngạc nhiên, rồi tiếp tục cuời hì hì, vẻ nhẫn nại khoan thứ. Trông như muốn bảo: “Ơ! Giận đấy à! Con bé mới dở người, khờ khạo chứ!”.

Vừa bước tới chỗ nong lúa ông ta vừa gọi Bạch:

- Thôi thôi, mau lên một chút cô Năm. Khiêng ra, khiêng ra, nóng nực lắm.

Hai người khiêng nong lúa ra ngoài, vào bao vào gánh. Xong xuôi, ông học mau mắn hỏi Bạch:

- Mày biết làm thịt ếch không?

- Chịu thôi. Chặt đứt đầu nó còn chấp tay lạy, cháu không dám đâu.

- Mẹ kiếp mày. Thôi thì đi nấu cơm. Lo đổi lúa cho mẹ mày từ sáng tới giờ tao còn nhịn đói, thấy không? Thạp gạo ở nhà lẫm, mày vào lấy hai lon đem vo, bắc lên bếp đi.

Bạch lại giật mình. Lòng nó rộn lên, khấp khởi. Tại sao lại hai lon gạo, hai phần ăn? Ðang đi đâu sắp về chăng? Ði câu hay đi núi? Nó tưởng như ông học đã nhìn suốt ruột gan nó, trông thấy sự mừng rỡ của nó, nên nó vội đi ngay vào bếp không dám dò hỏi thêm một câu nào.

Ông học làm thịt ếch xong, đem vào bếp nấu. Có một lúc ông ta bảo Bạch đi lên nhà trên, bới đống cát vun dưới bàn thờ thổ công, lượm lấy vài củ hành. Một mình đứng giữa gian nhà tối mờ mờ, mát lạnh, rộng mênh mông, giữa những cây cột to tướng và đen bóng, những tấm liễn cẩn xà cừ cũ kỹ, những tấm liễn đã rách mướp, giữa mùi tàn hương và ẩm mốc lạnh lẽo, Bạch lo sợ chơi vơi, thấy mình bé nhỏ hèn mọn, đối với Ðang thật xa cách vô cùng! Lòng nó thắt lại. Nó nhìn quanh quất. Ánh nắng dọi qua cái lỗ trống bằng miệng chén trên vách đất chiếu thẳng xuống một tấm phản gõ, trên đó bỏ bừa bãi vài ba quyển vở, một chiếc mền màu đỏ đã cũ không được xếp. Bạch đứng lặng lẽ nhìn những thứ đó, lòng nôn nao cảm động.

Nó đứng sững sờ, chợt nghe tiếng ho của học Thạch, vội vã chạy lại bàn thờ lấy củ hành. Trước khi rời căn phòng tối, nó còn quay lại tấm phản, nhìn một lần chót như từ biệt một người đang nằm ngủ.

Bữa cơm nấu xong, Bạch phập phồng chờ đợi, để ý thái độ của ông học Thạch. Ông học ngồi vào mâm và gọi ngay Bạch lại. Nó thất vọng và hoảng hốt. Té ra người ăn thứ hai được dự định là nó chứ không phải Ðang. Nó vội vã từ chối, vì sự thực nó đã ăn sáng rồi. Lần này nó buột miệng nói:

- Cháu tưởng nấu hai chén gạo là để bác với anh Ðang...

Học Thạch cười hì hì:

- Thằng Ðang hả? Nó đi rồi, Tết mới về. À. Hôm nọ mày ngã trên khe Ðá Mài phải không? Hì hì... Năm, ngồi đây ăn cơm thêm với bác.

Giọng ông bỗng thân mật như giọng nói với con cháu. Rồi vừa ăn ông vừa nói chuyện về Ðang, khoe anh ta học giỏi thế nào, một ông tham tá công chánh thương anh ta ra sao, hứa nuôi anh ta học thành tài ra sao... Vì câu chuyện đó Bạch không cáo từ ra về được, phải ngồi ăn với ông học. Bạch nghe ông nói, vừa xôn xao, vừa lo ngại, không hiểu ông nói vậy là dụng ý thế nào.

Sau nửa bữa ăn, hết những chuyện về Ðang, ông học lại bắt đầu có những câu nói và cái nhìn giễu cợt, tinh quái, khiến Bạch vội và nhanh hết chén cơm rồi xin đứng dậy trước.

Thôi, thế là hết. Nửa năm nữa người con trai mới về làng mấy ngày. Nửa năm nữa, sau mấy phút gần gũi ngẫu nhiên! Lòng nó thoang thoảng một thứ buồn rất nhẹ nhàng. Không ngờ khi sự thực đã phơi bày rõ ràng nó lại ít đau khổ như thế! Hình như là không có sự gì quan trọng vừa xảy ra cả. Nó đứng dựa cửa, nhìn ra đồng, chờ ông học ăn xong.




Trong khi ông học ngồi uống nước, xỉa răng trong nhà, Bạch bưng chén dĩa ra giếng ngồi rửa. Trước mặt nó, mấy con gà chạy tới chạy lui, tranh nhau những hột cơm đổ trôi theo nước; một con gà mái vàng mổ lên lưng một con gà choai, hai con rượt nhau chạy la oác oác giữa đám môn bạc hà. Bạch vừa rửa chén vừa lơ đãng nhìn theo đàn gà, có cảm tưởng mọi sự vẫn yên lành, và sự có mặt của nó ở nhà học Thạch lúc này chẳng có gì quan trọng, cả những ước mơ lo lắng bồn chồn ngày hôm trước như cũng chẳng hề có bao giờ. Lòng nó dịu hết mọi xôn xao. Nó làm việc, gần thản nhiên như mình có thể là một phần tử trong gia đình, từ trước đến nay vẫn sống như dâu con trong nhà ông học.

Gió đồng thổi mát. Làm những động tác dễ dàng quen thuộc, tai nghe tiếng chén dĩa va lách cách - những tiếng cũng quen thuộc - Bạch thấy người thư thái. Nó cất tiếng hát nho nhỏ những câu hát hò, hát hết câu này đến câu kia. Bỗng tai nó chú ý đến giọng mình hát:

“... Tóc mai sợi vắn sợi dài
Kết duyên chẳng đặng thương hoài ngàn năm...”

Giọng nó trầm trầm, bùi ngùi, đầy tình cảm, khiến tự nhiên nó mủi lòng. Nó hát lại lần nữa, chú ý lắng nghe giọng mình và thấy ngực bỗng nóng lên, hồi hộp. Cái gì gợi nên xúc động ấy? Nhịp hát buồn bã? Hai chữ “thương hoài”? Cái gì? Có lẽ tại cái giọng, chỉ tại cái giọng. Nó thương giọng hát của mình và cảm động tới muốn khóc. Giọng hát bùi ngùi ấy khiến người nghe hình dung một cái cổ tròn đầy đặn, một nét mặt bình tĩnh và xa xôi. Nó hát lại lần nữa: “Tóc mai sợi vắn sợi dài...”. Giọng hát càng thấm thía tình cảm.

Và nước mắt nó tuôn ra. Càng hát nước mắt càng tuôn rơi từng giọt từng giọt, khiến nó tối tăm mặt mũi. Nó thương cảm tiếng hát của mình. Nó tự nhiên bắt gặp mối cảm xúc ngay trong giọng hát như một sự tình cờ. Nó ngạc nhiên đối diện cảm xúc của chính mình và cảm động theo, như thể một người đàn bà dự đám tang thấy tang quyến khóc thảm thiết quá không cầm lòng được. Ðàng này tất cả tâm hồn nó là người dưng thản nhiên dự đám rồi bị lôi cuốn theo, chỉ có giọng hát của nó cất tiếng than khóc mà thôi.

Ban đầu trong ngực nó cuồn cuộn nóng, dồn tức, khó thở. Nó thổn thức. Rồi dần dần sự khó chịu dịu xuống và tiếng hát đem lại một xúc động êm đềm...

Một lát sau, chén rửa xong, nó giật mình, ngắt tiếng hát, chùi nước mắt, nhìn lên khoảng đồng ruộng xanh trước mặt. Nó đứng dậy, bưng mâm chén vào nhà. Học Thạch ngồi trước hiên, nhìn theo với cái nhìn cợt nhả, nhưng tự do, tò mò, sỗ sàng như của người lớn không cần e dè trước trẻ con. Miệng không hé mở, nhưng trong hai mắt ông học ánh lên một nụ cười ranh mãnh, chọc ghẹo, như muốn bảo: “Con bé trông ngộ đấy chứ. Ngực nó thế, hình vóc nó, tay chân và đùi nó như thế, nó khỏe là phải. Gân cốt nó là thứ gân cốt hảo hạng! Ừ, trông con bé xinh quá.” Cái nhìn ấy đuổi theo nó, chiếu thẳng vào nó suốt từ ngoài giếng vào đến trong nhà. Nó thấy hơi nóng bốc lên mặt. Nó vừa tức giận vừa bối rối.

Trên đường về, Bạch ngạc nhiên nhớ lại ba giờ vừa qua ở nhà ông Thạch. Sinh hoạt ở đấy như thực như giỡn, không khí cợt nhả và cảm động, nước mắt, nụ cười, giận, ghét và cảm thương xen lẫn nhau, khiến cho cuối cùng nó hoang mang.

Nó đã yêu sao? Nó đã có một mối tình sao? Nó vừa đến nhà ấy để tìm người thương, để liều mình lao đầu dấn thân vào “đường tình” đó sao? Chuyện đó như thực như hư. Sau buổi sáng nó ở nhà ông học ra về, chuyện đó như không hề có được, như có nghĩa mỉa mai, như lạ hẳn đi. Bạch có cảm tưởng trong một giấc mơ nó thấy mua bán, thu được tiền rất nhiều, về sau ngửa tay coi lại thì hoàn toàn là tiền giấy cả.

Ba người chị của nó từng thực sự có yêu đương, chứ như nó mà cũng gọi là yêu đương sao? Nó buồn thoang thoảng: như nó thì chỉ có thể bắt được tiền giấy để đốt ra tro, không tiêu được ở dương gian.


1959