Thử nghĩ về đạo học và khoa học.

Cùng lấy vũ trụ làm đối tượng, nhưng hai đằng quan tâm hoàn toàn khác nhau.

Đạo học nhằm “ngộ” bản chất của vũ trụ. Khoa học nhằm hiểu hết các hiện tượng trong vũ trụ.

Tưởng tượng vũ trụ như một cái gì đó. Bản chất của nó tức là nó là cái gì. Ta đang ở bên trong nó, làm sao biết được nó là cái gì. Nếu ta nhảy được ra ngoài mà ngắm, có thể sẽ thấy nó là, chẳng hạn, một cái đồng hồ! “Ngộ” tức là cái nhảy đó. Vấn đề là, thực ra, có ai nhảy được không?

Cái gì đó chứa vô số hiện tượng. Khoa học nghiên cứu hết hiện tượng này đến hiện tượng khác, khám phá ra hết luật tự nhiên này đến luật tự nhiên khác, thấy luật sau bao trùm luật trước, hy vọng rồi sẽ khám phá được cái luật cuối cùng. Vấn đề là có thể có nhiều đến vô số “tầng lớp” luật, nên không bao giờ “lên” được tới cái “lớp” cuối cùng.

“Đi đến”…

Nếu có người nhảy được ra ngoài “đồng hồ”, biết nó là “đồng hồ”, người ấy không phải vì thế mà biết luôn cách vận hành của cỗ máy bên trong. Không phải là “ngộ” được “đạo” rồi thì sẽ tự nhiên biết luật nọ luật kia trong vũ trụ.

Nếu có người khám phá được luật tự nhiên cuối cùng, hiểu trọn vẹn cách vận hành của vũ trụ, người ấy không phải vì thế mà biết luôn vũ trụ thực ra là cái gì. Thạo hết máy móc của nó rồi mà cứ ở bên trong thì không thể nào biết được nó là cái “đồng hồ”.

Nhưng thiền giả không đi tìm luật tự nhiên và nhà khoa học không đi tìm chân như.
(Thu Tứ)



“Chủ toàn và chủ biệt”

Cao Xuân Huy




Chủ toàn

Với phương thức chủ toàn, tư tưởng xuất phát từ toàn thể để đi đến bộ phận, trên cái nguyên lý: “toàn thể quyết định bộ phận; toàn thể không phải chỉ là tổng số của bộ phận, nghĩa là các bộ phận cộng lại không nói hết được cái nội dung của toàn thể - đặc tính của một bộ phận bị quyết định bởi quan hệ của nó đối với toàn thể và đối với các bộ phận khác” (...) Phương thức chủ toàn của tư tưởng có tính hữu cơ, năng động, liên tục... (tr. 83)

Chủ biệt

Phương thức chủ biệt của tư tưởng xuất phát từ bộ phận để đi đến toàn thể, trên nguyên lý: “bộ phận quyết định toàn thể, toàn thể là do các bộ phận ghép lại mà thành, toàn thể chỉ là tổng số của các bộ phận” (...) Phương thức chủ biệt của tư tưởng có tính cơ giới, cố định, gián đoạn... (tr. 84)

Những phạm trù như số lượng và chất lượng, nguyên nhân và kết quả, thực chất và thuộc tính, ngẫu nhiên và tất nhiên, thời gian và không gian v.v. là những phạm trù của tư tưởng chủ biệt (tr. 100)

Tư tưởng chủ biệt vẫn mường tượng rằng khí quan có trước chức năng (...) có biết đâu rằng chức năng có trước khí quan (tr. 170)

So sánh

Trong hai phương thức tư tưởng trên đây đều có nhu cầu dị biệt hóa và đồng nhất hóa.

Phương thức chủ toàn dị biệt hóa toàn thể vũ trụ thành những cái toàn thể cục bộ, những cái hệ thống hữu cơ lớn và nhỏ, có quan hệ tương hỗ với nhau. Nó đặt lên trên toàn thể vũ trụ một tính đồng nhất tuyệt đối và lên trên mỗi hệ thống cá biệt một tính đồng nhất tương đối.

Phương thức chủ biệt của tư tưởng cũng có nhu cầu dị biệt hóa và đồng nhất hóa, nhưng trái lại với phương thức chủ toàn, nó đem cái nguyên lý “đồng nhất” tuyệt đối đặt lên trên mỗi sự vật cá biệt. Cái bi kịch của sự đồng nhất hóa đã nói ở thiên I là bắt nguồn từ sự đảo điên cái vị trí vốn có của nguyên lý "đồng nhất" từ trên cái Ðại toàn thể của vũ trụ chuyển sang đặt lên trên những sự vật cá biệt - mà sở dĩ như vậy là vì nó xuất phát từ bộ phận để đi đến toàn thể (tr. 84)


(Cao Xuân Huy,
Tư tưởng phương Ðông – Gợi những điểm nhìn tham chiếu, nxb. Văn Học, 1995)