Ác như thế mà chỉ đem ra bắn, xử nhẹ quá.

Nhưng nhiều kẻ đại ác đã kịp thời nhảy về vùng giặc tạm chiếm, rút cuộc nhảy luôn qua nước giặc mà tiếp tục sướng đến đủ... trăm năm, chứ có ở lại để bị xử bất cứ loại án nào đâu.

Tất nhiên nó không sướng một mình mà sướng cả nhà. Cái của được nhờ ác hưởng không chỉ một đời mà không biết mấy đời! Con nó cháu nó – những Tây vàng – có kẻ rồi qua Việt Nam du lịch, làm ăn...

Vì quyền lợi nước, phải “đại đoàn kết”. Vừa làm việc “phải”, vừa lắm lúc muốn chửi ông Trời.

(Trời đáng chửi vì như vừa nói, cũng vì đã để cho một số người vô tội bị xử oan hay tội nhẹ bị xử nặng. Chửi làm dở, rồi nhớ cám ơn Trời về những việc làm hay!)

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Vỡ bờ (10)



Làng xóm đã gặt xong. Ngoài đồng chỉ còn những gốc rạ. Thóc phơi khô, quạt sạch rồi, đến ngày người ta phải đem nộp thuế, nộp nợ cho chủ. Buổi sáng ấy mặt trời lên cao bằng con sào, nhà nghị Khanh bắt đầu hé mở cái cổng xép. Người khắp vùng gồng gánh kĩu kịt đến. Những người ở làng xa phải nắm cơm đem theo, đi đường họ không dám vào hàng quán, chỉ đứng ngoài xin nước uống, nhưng mỗi người đều phải đem cau gà kèm theo mới được nộp thóc. Chung quanh cái sân gạch ở trước nhà kho, họ đến đông dần. Đàn ông đàn bà đều ngồi trên đòn gánh, đợi đến lượt được gọi. Bảy tám con chó sù chạy đi chạy lại, người nào ngồi đâu là im đấy không dám nhúc nhích, sợ chó cắn. Người ta hãi nhất là con chó béc-giê, béo căng, to bằng con bê. Nó nằm lười ở góc sân như buồn chán nhìn đám người rách rưới nọ.

Long Sùi đứng dưới sân trước thềm nhà kho, cùng với năm sáu đứa đàn em. Trên thềm, mụ nghị Khanh ngồi bên cái bàn của ký Chương. Cánh cửa nhà kho đã mở, bên trong sâu hút và rộng thênh thang, đứng ngoài sân thấy loáng thoáng những cót thóc lớn quây trên sàn gỗ.

Mấy người dân dưới làng Chuông vừa được đổ thóc xong, lùi lũi đem quanh gánh bước ra ngoài cổng. Mặt họ lộ rõ vẻ buồn tiếc nặng nề. Họ gặt xong, đổ vào kho nhà chủ đến bảy phần, ở nhà chỉ còn ba. Nhà chủ lấy rẽ đứt một nửa, lại còn thuế trâu, còn nợ thóc giống, thóc ăn vay non... Từ đây đến vụ chiêm sang năm còn sáu bảy tháng nữa, nào tiền thuế Nhà nước, nào giống má cho mùa sau, nào ăn uống, áo quần, thuốc thang, giỗ chạp, tất cả trông vào chỗ thóc còn lại. Ngày mùa vừa xong, nhà nào nhà nấy vợ chồng con cái lại sắp bấm bụng ăn ngày một bữa cơm độn, một bữa cháo để cố thừa ra vài ba nồi thóc đem bán lấy tiền chi tiêu, cố kéo cho qua cái tết. Rồi ra giêng, họ sẽ lại lần hồi sống bằng củ khoai củ sắn, bữa có bữa không. Bọt mép trắng dã vì đói, họ sẽ lại đi làm mướn, đi vay của nhà chủ để cầm hơi cho đến khi được gặt về. Lúc bấy giờ lại đem nộp thóc cho chủ, lại trả nợ, cứ thế họ nai lưng mãi suốt đời...

Long Sùi nhìn xuống hàng người vẫn lặng lẽ ngồi đợi và gọi tiếp một người đàn ông:

- Tên kia!

Người đàn ông tới trước thềm, anh ta áo vá vai, mặt hốc hác, tóc dài chấm gáy, lừ đừ như đang ốm. Mụ nghị Khanh nhìn buồng cau và con vịt chéo cánh anh mang lên, có vẻ ưng ý. Mụ bảo người nhà đem cất đi và hỏi:

- Tên anh là gì?

- Bẩm bà lớn con là Bào, Nguyễn Văn Bào.

- Xem thóc nào.

Anh Bào vốc hai nắm đem lên cho mụ nghị xem. Trên hai bàn tay méo mó và đầy chai, những hạt thóc vừa đều vừa chắc, màu vàng óng như bên trong còn ấp ủ hơi lửa ấm của mặt trời. Mụ nghị bĩu môi:

- Thóc này phải lấy trừ hao.

- Bẩm lạy bà lớn, thóc con tốt lắm.

- Tốt thế nào? Tôi không đôi co với nhà anh. Quản lý đâu, gạt cho tên Bào. Cậu ký biên vào sổ, thu trừ hao thêm một thùng, nếu nó thiếu thì biên vào sổ nợ.

“Cậu ký” dạ dạ, khúm núm viết. Dưới sân, đám đàn em Long Sùi bắt đầu đổ những gánh thóc vào thùng gạt. Xong mỗi thùng, Long Sùi ném một cái thẻ xuống sân gạch đánh tách, và đếm: “... Bốn... Năm...”. Mấy tên người nhà khác thay nhau chuyển những thùng thóc vào đổ trong nhà kho. Anh Bào đứng cạnh, nhìn bọn họ gạt thóc của mình, xuýt xoa, nằn nì:

- Ông anh gạt phồng giữa thế, thiệt em.

Tên người nhà trừng mắt:

- Anh muốn lôi thôi cái gì?

Long Sùi đếm nốt thùng thóc cuối cùng, nói lên thềm:

- Bẩm hai mươi ba thùng rưỡi.

Anh Bào cố cãi:

- Hai mươi bốn thùng của tôi đấy, ông quản lý ạ.

Mụ Khanh tra tìm trong sổ cái rồi ngẩng lên:

- Sao lại có hai mươi ba thùng. Vụ này anh cấy của tôi mẫu rưỡi, ba mươi thùng chứ. Chưa kể một thùng trừ hao.

Anh Bào cố nén uất ức:

- Bẩm bà lớn nhà con cấy có mẫu hai thôi ạ.

Mụ nghị như chồm lên trên cái bàn giấy:

- Tiên nhân bố mày, bà thèm ăn không của mày mấy thùng thóc à.

Anh Bào mặt trắng mét, vừa sợ vừa tức run cả chân tay.

- Bẩm bà, chỗ ruộng ấy của bác Tì cháu trước đúng có mẫu hai, ngày bác cháu bán cho bà văn tự cũng còn biên mẫu hai kia ạ.

- Mẫu hai cái mả tổ nhà mày! Ruộng của bác mày thì mày đến đây ăn máu bà à? Cho mày ruộng nương làm có cái nhét vào mồm vợ con mày, trơn lông đỏ cánh rồi, mày dám đến đây giở mặt sinh sự phải không?

Anh Bào tức đầy ruột đâm liều:

- Bà lớn ức tôi quá. Tôi cày ruộng nộp đủ thuế thì thôi.

Nghị Khanh vừa ở nhà trên đi xuống. Cặp môi mỏng và đỏ tía của lão mím lại dưới hàng ria đen. Lão cầm ba-toong bằng song quất thẳng vào mặt anh Bào.

- Đồ khốn nạn! Ai cho mày đến đây làm loạn. Anh Long đứng đấy làm gì, sao để cho nó láo với bà lớn? Giần xác nó ra!

Anh Bào giơ tay che mặt, lùi vội mấy bước, vấp phải một gánh thóc, làm đổ tung ra sân. Đuôi mắt anh rách toạc, máu tóe, anh nhìn mặt vợ chồng nghị Khanh thấy nhòa ra đỏ lòm. Hai vai anh rung lên, cổ nghẹn lại, trong ngực như có một cái gì đưa lên muốn vỡ, nước mắt anh chảy trào lẫn với máu. Nghĩ đến công trình vợ chồng anh làm ăn bao nhiêu mà ruộng nương vẫn mất hết vào tay nhà lão nghị, rồi đến bây giờ nên nông nỗi này, anh Bào ngồi thụp xuống kêu mấy tiếng: “Ối cha mẹ ơi!”.

Thằng Long Sùi chửi:

- Mày muốn về với ông vải hả!

Nó túm ngực lôi anh dậy. Anh Bào giằng ra. Thế là cả mấy đứa du côn nhà nghị Khanh xúm đến, đứa gậy, đứa đòn gánh, hè nhau vụt túi bụi. Anh Bào mới đầu còn cố chống đỡ, nhưng máu ở mắt, ở đầu, ở miệng anh chảy nhiều quá, hai mắt anh tối đen lại. Anh ngã lăn xuống sân, gục mặt vào đống thóc vung vãi. Bọn Long Sùi kéo lê anh ra cổng, đạp xuống bờ ruộng. Đống thóc dây máu tươi loang lổ. Trên sân gạch, máu còn vũng từng đám. Mụ nghị Khanh thét Xoan ra dọn. Xoan cắp một thúng gio rắc lên những chỗ máu, tay cầm chổi quét cứ run bần bật.

Người làng dìu anh Bào về nhà. Tối hôm ấy, Xoan ngồi đun mấy thùng cám, nước mắt cứ trào ra, không sao giữ được. Xoan vùng chạy ra ngoài vườn sau ngồi khóc nức nở. “Thầy ơi!”. Xoan nhớ lại cái hôm bố bị Tây đoan về bắt, tuần làng đánh ưng ức và trói giải đi. “Thầy ơi!”. Xoan khóc nấc lên, nhưng không dám khóc to. Nước mắt đã ướt đẫm hai cánh tay và vạt áo của cô gái ngồi khóc một mình trong bóng tối.


(Lược trích
Vỡ bờ, quyển I)