“Có rất nhiều những cánh cò trong các bài hát ru”... Cò “có” đây có khi không phải chỉ trong lời hát, mà chập chờn lên xuống lả la cả trong nhạc! (Thu Tứ)



Đỗ Đình Tuân, “Vịt, chuối, cáy, cò, quéo…”




Tôi về đã thấy có hơn chục con vịt đều “móng trâu” cả rồi. Ngày ấy nuôi vịt chẳng tốn kém gì. Chỉ chịu khó trong thời gian gột vịt tạo cho nó thói quen tối biết về chuồng là sau đó nó sẽ tự kiếm ăn. Cánh đồng dưới làng tôi mênh mông bể sở, trắng lạng nước thiếu gì cua ốc cho chúng kiếm. Buổi sáng chỉ cần mở cửa chuống ra là chúng vội chạy ùa đi ngay. Chúng bì bũm ở cái rãnh đằng sau nhà chú Đặng một lúc rồi mới ra đồng. Chắc chúng nghĩ đến những bờ ruộng săm sắp nước đầy những chú cua con, những chân ruộng rong rêu đầy ốc đá, ốc vặn... đang đợi chúng. Buổi chiều về, diều con nào con ấy cũng no căng. Nhưng để củng cố “thói quen về chuồng” tôi vẫn xúc một ít thóc cho vào một cái chậu sành rồi đổ nước vào để trong chuồng cho chúng mò, chúng sốc. Lúc ấy tôi mới đóng cửa chuồng lại. Đàn vịt ấy của nhà tôi rất khôn. Chúng đi ăn rất xa, cách nhà đến hơn cây số nhưng tối nào cũng tự biết về chuồng. Không phải đi lừa bao giờ cả.Vì sẵn mồi nên chúng mau lớn lắm. Chẳng mấy lúc đã từ “lông măng” sang “lông ống” rồi “chéo cánh”. Những con đầu đen, tiếng kêu khàn khàn như người viêm họng, là những con vịt đực thì bố tôi dùng “cải thiện” dần. Đến lúc vịt đẻ còn lại được sáu con. Chúng đẻ rất đều. Sáng sớm nào, cứ vừa mới bảnh mắt, bật đầu dậy là tôi nghĩ ngay đến việc đi lấy trứng. Tôi lấy cái rổ dứng sang ngăn chuồng vịt, mở cửa chuồng cho chúng ra, rồi nhặt trứng xếp vào rổ. Hôm nào cũng đủ sáu quả trứng. Thỉnh thoảng lại có hôm được những bảy quả. Rõ ràng là trong đàn có một con đẻ hai lần trong đêm. Cái quả đẻ thêm ấy nhỏ hơn một chút, vỏ mỏng hơn và hơi ram ráp (...)

Vườn nhà tôi bấy giờ thấy trồng toàn chuối (...) Cái giống chuối trồng trên nền nhà đất cháy và vườn đổ bùn ao sao tốt lạ. Cây nào cây ấy lá cũng xanh đen xanh thẫm. Tàu lá và mặt dưới lá còn có một lớp phấn trắng mịn láng ngoài. Những cây đã ra buồng, cây nào cũng to nầm nẫm và buồng nào cũng như cái chuông treo. Trông chúng cũng nặng nề, ộ ệ như đàn bà chửa gần đến tháng đẻ. Vì thế nên buồng nào bố tôi cũng phải lấy hai cái cọc tre bắt chéo chống đỡ cổ buồng trợ lực thêm cho chúng. Với những buồng to như thế khi hạ xuống bố tôi phải dùng mẹo. Bố tôi chặt ngậm một nhát dao ở gốc, tháo cọc ra rồi vít buồng xuống cho chúng chấm đất. Lúc ấy mới cắt buồng ra được. Dựng ngược buồng chuối lên để cho nó chảy nhựa (...)

Những người mới đẻ thường được bầu bạn và họ hàng đến thăm và cho quà. Quà thường thấy là một vài chục quả trứng gà, trứng vịt; mấy ống gạo ngon; cặp gà giò hoặc cặp chân giò lợn; vài chục bánh đa kèm thêm với mấy chục bánh trứng cáy. Ở vùng tôi chỉ có cua mà không có cáy. Nhưng ở vùng Đậy, Đọ phía cuối huyện, sang Đông Triều, Kinh Môn, Thủy Nguyên... thì cáy nhiều vô kể. Chúng thường sống trong các ruộng cói hay bãi cỏ hoang. Giống cáy rất nhát. “Nhát như cáy ngày” mà. Hơi thấy động là chúng chen chúc nhau chạy cho xa. Người đi bắt cáy biết vậy nên chỉ cần đào một cái hố to bằng cái thúng nhưng sâu sâu xuống để đón lõng. Người ta ra phía đầu kia đánh động để lừa cáy. Cáy sẽ từng đàn xô nhau chạy và sa xuống hố. Thấy đầy hố thì ra xúc đổ vào sọt đựng cáy gánh về. Mùa cáy trứng thì con cái nào cũng đầy một bụng trứng. Người ta bóc yếm đem chỏa vào những chậu nước sạch để tách trứng ra khỏi yếm. Rồi người ta lấy vải lọc lấy trứng. Úp bát xuống, lấy chôn bát làm khuôn, gạt trứng cáy vào. Khi trứng cáy đã đông cứng thì bóc ra đem phơi nắng cho khô kiệt. Rồi lấy dây cói buộc thành từng chục đem ra chợ bán. Mắm cáy, trứng cáy là món ăn đầu vị của gái đẻ. Trứng cáy thường dùng để nấu canh bánh đa cho gái đẻ ăn. Còn mắm cáy thường được trưng lên cùng với hạt tiêu cho thành một thứ bột mằn mặn, cay cay, thơm thơm làm thức “ăn khem” cho gái đẻ vài ba tháng đầu. Gái đẻ làng tôi hầu như người nào trước khi “nằm ổ” cũng chuẩn bị sẵn cho mình một hũ mắm cáy. Một số nhà có điều kiện hơn còn chuẩn bị thêm một hũ rượu cẳm cho thật ngấu.

Công cống là một loại sâu đào hang sống dưới đất. Con công cống chỉ to bằng cái đầu tăm. Thân công cống có mầu trắng đục chia nhiều đốt, có nhiều chân như chân rết. Đầu công cống có mầu nâu nhạt. Chắc đây là cái đầu sừng để dũi đất và cái hàm sừng để nhai nghiền thức ăn. Hang công cống chỉ là một cái lỗ tròn thẳng đứng vuông góc với mặt đất. Chắc là ban đêm công cống mới trèo ra khỏi hang đi kiếm ăn. Còn ban ngày thì chúng lại tụt xuống hang nằm ngủ. Ở những cái sân đất, hễ có hang công cống là biết ngay. Muốn câu công cống chỉ việc ra bụi tre tuốt lấy những cái lá tre non, vẫn còn đang cuộn tròn như những cái tăm và cũng được gọi tên là “cái công cống”. Tuốt những “cái công cống” về, cắm đầu non “cái công cống” xuống hang “con công cống”. Rồi ngồi yên quan sát.Hoặc khi cao hứng thì thì vừa vỗ tay xuống đất vừa hát: “Công cống mày lên ăn mạ kẻo quạ ăn hết / Công cống mày lên ăn mạ kẻo quạ ăn hết”. Chỉ có một câu ấy thôi nhưng cứ hát đi hát lại mãi. Hễ thấy ngọn “cái công cống” động đậy, thế nghĩa là “con công cống” đã “cắn câu”. Lúc bấy giờ chỉ cần cầm “cái công cống” từ từ rút lên là “con công cống” sẽ lên theo. Chỉ có vậy thôi mà được con nào bọn trẻ cũng hò reo ầm ĩ (...)

Những đứa bé thường hay khóc khi chúng đói hoặc khi chúng buồn ngủ (...) Nếu đứa trẻ khóc vì buồn ngủ, tức là chúng “gắt ngủ”, thì phải hoặc ôm ẵm rung rung, hoặc nằm võng đưa tít lên và hát ru cho chúng ngủ (...) Có rất nhiều những “cánh cò” trong các bài hát ru. Trong trí tưởng tượng của tôi thì những cánh cò ấy thường gắn liền với những không gian rất cụ thể của làng tôi. Chẳng hạn khi hát câu “Cái cò mà đi ăn đêm / Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao” thì cái cành mềm ấy nhất định là cái cành tre ở bờ tre nhà chú Đặng và cái ao mà con cò lộn cổ xuống cũng đích thị là cái Ao Rồng. Khi hát câu “Con cò lặn lội bờ sông / Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non” thì cái bờ sông mà con cò đang lặn lội ấy lại chính là bờ con Sông Đào làng tôi. Tương tự khi hát câu “Con cò đậu cọc cầu ao / Ăn sung sung chát, ăn đào đào chua / Ngày ngày ra đứng cổng chùa / Trông về Hà Nội thấy vua đúc tiền” thì cái cọc cầu ao con cò đậu cũng là một cái cọc rất cụ thể ở cầu ao nhà ông Hội Thỉnh. Cái quả sung mà con cò ăn là quả sung của nhà chú Thụ. Ở cầu ao nhà chú Thụ tôi có cây sung thích lắm. Nó có dáng đứng thẳng. Thân to vừa đẫy ôm bọn trẻ con chúng tôi và sần sùi cổ thụ. Nó không rườm rà cành lá như nhiều cây sung khác mà chỉ có mấy cành gầy guộc trông như mấy cánh tay giơ lên trời. Nhưng quả của nó thì sai ơi là sai. Nó ra đầy thân, đầy cành. Có lẽ vì sai quá nên quả không to. Chỉ tầm ngón tay cái, ngón chân cái một thôi. Nhưng bỏ vào mồm mà nhai thì cứ ròn gau gáu và bùi nình nịch. Rồi cả đến cái cổng chùa mà con cò ra đứng cũng chính là cái cổng chùa làng tôi (...) thoáng đãng và mát mẻ lắm. Những ngày nắng gió tây nóng bức chúng tôi thường vẫn ra đây ngồi dưới bờ tre hóng mát. Có lẽ vì thế mà con cò cũng “bắt chước” chúng tôi cứ đứng ở đây mà ngóng về phía làng Dâu, phía Hà Nội chăng?

Nhà thím Đặng tôi có bốn cây quéo và một cây thị. Cây thị là nó tự mọc từ lâu đời rồi. Bây giờ nó đã thành một cây to. Nó đứng trên bờ rãnh phía tay trái điện thờ thổ thần và cách điện thờ chừng ba mét. Còn bốn cây quéo là do bác Trương Hương trồng từ ngày mới ra khu đống Xộp này ở cách đây đã vài chục năm. Bây giờ nó đã thành bốn cây quéo rất to đứng thành hàng chữ nhất vắt ngang qua đống Xộp. Giống quéo năm được năm mất. Chỉ thỉnh thoảng mới thấy nó có một năm sai quả. Những năm ấy tôi thường trèo cây vin cành hái hàng gánh quả để thím Đặng đem đi chợ bán. Giống quéo thường rất hay rụng quả mỗi khi có mưa dầm gió bắc tràn về. Vì thế cứ thấy có gió bắc to là chúng tôi lại chạy ra vườn và lần nào cũng mót được vài ba quả rụng. Nhưng quéo xanh ăn chua lắm. Nó chua gay, chua gắt. Chỉ cần một miếng to bằng ngón tay, đưa vào miệng nhai, cái chất chua lan ra là lập tức mặt mày nhăn nhó, run rẩy chân tay và ê ẩm cả người. Lúc ấy mà lại nhìn mặt nhau nữa thì càng buồn cười thêm. Mà cười trong lúc ăn chua cơ mặt rất hay bị chuột rút. Ở chỗ núm đồng tiền sẽ đau nhói và cứng đờ khó cân mặt lại được.Trông càng ngố đẫy. Bố tôi thì lại ăn quéo xanh một kiểu khác. Ông thái nhỏ quéo ra như người ta băm bầu băm bí rồi cho vào bát trộn đường vào, để khoảng nửa ngày rồi mới ăn. Ăn kiểu này thì dễ ăn hơn hẳn. Tôi cũng có thể đánh được hàng bát. Nhưng quéo chín cây thì ăn mới ngon lạ. Nó có mùi thơm riêng, vị ngọt riêng mê hoặc và hấp dẫn hơn hẳn các loại hoa quả khác. Có điều quéo chín thường hay có bọ. Nhưng không sao, cứ bổ ra, gạt bọ đi rồi cắt bỏ những phần bọ đào bọ ăn nham nhở trước. Phần còn lại ta ăn. Vẫn rất tuyệt. Duy nhất có một lần, đã sau tết mồng năm tháng năm rồi. Đã hết vụ quéo rồi. Thế mà tình cờ một hôm tôi nhìn lên ngọn cây quéo đầu đàn lại thấy lấp ló hình như là một quả quéo chín. Tôi trèo thoắt lên ngay. Đúng rồi. Một quả quéo nhỏ thôi, nhưng chín đỏ. Tôi bỏ túi mang về, bổ ra, không hề thấy một con bọ nào. Đó là một quả quéo chót vụ, trinh nguyên mà tôi cũng được thưởng thức trọn vẹn sự thơm ngon của nó.


(Lược trích “Lan man chuyện làng tôi” của Đỗ Đình Tuân đăng trên trang
chimviet.free.fr)