Nó muốn lại được ngồi trên cổ ta mà khỏi phải đấm đá vất vả ấy mà.

Về đúc “chiêng” cho thật to đã, bận sau cho nó điếc tai!

Thực ra, chiêng to trước tiên sẽ phải vác đập vào nó, cho nó bầm mình dập mẩy, rồi sau mới gõ cho nó nghe nhạc!

Không biết có phải lần đầu “tôi” đi máy bay không nhỉ? Nhìn xuống thấy “gấm vóc”, và tới một nơi “chỉ muốn đi (dạo) mãi”... Đất nước có xấu xí vẫn cứ yêu, nhưng đẹp thì yêu vui!
(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Hội nghị Đà Lạt”




Lực lượng tự vệ đã phát triển thành rất đông, giăng thành một mạng lưới dày khắp các nơi, nhất là ở các thành phố, thị xã có quân Pháp đóng (...) Binh lính Pháp bắt đầu e ngại những “Việt Minh đeo phù hiệu vuông” (...)

Tháng 3 năm 1946 (...) mở Trường Quân chính Bắc Sơn (...)

Bác và các anh bàn việc tổ chức các phái đoàn đi Pháp và đi Đà Lạt (...) Tôi được chỉ định (…) trong phái đoàn Chính phủ tới Đà Lạt để dự cuộc đàm phán trù bị (…)

Ngày 16 tháng 4 (...) Từ trên cao nhìn xuống, dưới các tầng mây, lúc là màu xanh ngọc lấp lánh của biển với những gợn sóng trắng, lúc là màu xanh lá cây rậm rì của núi rừng Trường Sơn trùng điệp. Có lúc là một dòng sông vàng rực ánh mặt trời, quanh co lượn khúc. Người xưa nói: Non sông gấm vóc. Đó chính là hình ảnh đất nước của ta hiện ra dưới cánh bay (...)

Ngày 18 tháng 4 (...) Tôi gặp Đác-giăng-li-ơ lần đầu (…) Y là một chính khách nham hiểm (…)

Ngày 20 tháng 4 (...) Buổi chiều, tôi đi dạo một lát trên bờ suối Cam Ly. Đã có thể thấy rõ thái độ của người Pháp. Không thể trông đợi gì nhiều ở cuộc đàm phán này (...) Đường đi ngập lá thông. Bên bờ suối, nhiều hoa sim dại. Thành phố yên tĩnh, không khí trong lành, phong cảnh lại đẹp (...) Chỉ muốn đi mãi trên con đường có gió mát và tiếng thông reo (...)

Ngày 10 tháng 5 (...) Chúng ta đã nói thẳng với họ là một số người Pháp có âm mưu tách Nam bộ ra khỏi Việt Nam, âm mưu đó nhất định sẽ thất bại. Sau một cuộc tranh luận gay go, cả đoàn ta đứng dậy bỏ phòng họp (...)

Đêm hôm đó, sau buổi hội ý trong đoàn, tôi thức khuya. Nhìn ra cửa sổ, trời tối đen (…) Những quả đồi thông xinh đẹp, những cánh rừng hoang vu của cao nguyên Lang Biang chìm trong bóng đêm. Cuộc chiến đấu của đồng bào ta, của các chiến sĩ du kích trên những mỏm núi cao, những khu rừng rậm nơi xa kia đang diễn ra và sẽ còn phải tiếp tục (...) Trong phiên họp sáng nay, tôi đã nói với phái đoàn Pháp: “Các chiến sĩ Việt Nam đã trải qua nhiều khó khăn trong cuộc chiến đấu giành tự do cho Tổ quốc, chỉ có thể chấp nhận hòa bình trong công bằng và danh dự (…) Tôi khẳng định với các ông rằng: Ngày nào Nam bộ còn bị tách khỏi Việt Nam thì ngày ấy mỗi người dân Việt Nam còn không ngừng dốc hết nghị lực của mình vào cuộc đấu tranh để đưa Nam bộ trở về trong lòng Tổ quốc” (...) Qua cuộc đàm phán này, càng thấm thía một điều: ta phải mạnh (...) Lại nhớ lời Bác nói hôm nào: “Thực lực như cái chiêng, ngoại giao như cái tiếng; chiêng có to tiếng mới lớn”.

Phiên họp sáng nay đã trở thành phiên họp cuối cùng của Hội nghị Đà Lạt.

Ngày 22 tháng 5 năm 1946, Bác lên Sơn Tây dự lễ khai giảng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (...) Bác nói: “Trung với nước, hiếu với dân là một bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là vinh dự của người chiến sĩ (...)”.


(Hồi ký
Những năm tháng không thể nào quên, bắt đầu viết từ mùa xuân năm 1970, viết xong vào mùa xuân 1972, in lần đầu năm 1974, in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006)