“Đi (...) nước non Lèo”, dọc đường đã thấy cái lạ:

“Kèng Chóc, Kèng Sả (...) thác lớn. Ở xa đã nghe tiếng nước chảy rào rào, như báo tin sợ. Đến nơi (...) trắng xóa (...) ầm ầm (...) hãi hùng quá, nước sóng vào trong thuyền. Người Lào lấy nắm xôi, để trên mũi thuyền, cúng ông thần Thác. Cứ quãng nào khó đi, ông Thác lại được ăn xôi”!

“Thủy thủ Lào (...) ở lưng với hai bên đùi vẽ chàm”. Thế thì như bên ta xưa kia!

Đến nơi, thấy thêm cái lạ:

“(...) hằng trăm ông bụt nhỏ để quây chung quanh bệ. Nguyên ngày xưa người Lào có tục hỏa táng những người chết, lấy gio đúc tượng. Nhà giàu đúc bằng vàng bằng bạc, nhà nghèo đúc bằng đồng hay bằng đất, rồi đem tượng ấy dâng lên chùa để hồn phách người chết được lên cõi Cực Lạc”.

Cái cảnh “bun” cũng ngộ: bên trong thì sư ngồi, mà ngay bên ngoài rạp thì “đàn bà con gái các nơi đến, trang điểm lịch sự (...) ngồi một hàng (cho) đàn ông con trai (...) múa hát chòng ghẹo (...) lắm sự nực cười”!

Một chuyến “tòng sự” đáng “ký” (và thơ) quá. Và dĩ nhiên đáng “đông đủ cha mẹ, anh em, bè bạn, ra đưa chúng tôi lên tầu”.

(Thu Tứ)



Trần Quang Huyến, “Ai Lao hành trình”



Ngại ngùng chân bước lên tầu,
Kẻ đi người ở thành sầu ai xây?
Trường đình tiễn biệt là đây,
Kìa trăng sông Nhị, nọ mây núi Nùng.
Chia tay trong lúc hàn đông,
Ngàn mai vẻ tuyết, non tùng hơi sương.
Mấy lời dinh chúc tỏ tường,
Ngọc vàng há dám coi thường tấc gang.
Tình thân thích, nghĩa chi lan,
Dầu lòng xa cách quan san nghìn trùng.


Sau mặt nhà ga, trước đường thiết lộ, hồi một giờ ngày mười tháng Chạp năm Canh Thân (1920), đông đủ cha mẹ, anh em, bè bạn, ra đưa chúng tôi lên tầu, để sang tòng sự bên xứ Ai Lao (...)

*

Dòng Mê Kông nước cuồn cuộn chảy,
Bước chân đi đã mấy dặm xa.
Đường mây thăm thẳm quê nhà,
Ngẩn ngơ cảnh lại nay đà quê ai?


Đầu canh năm sáng ngày mồng hai, chúng tôi xuống thuyền, để sắp lên qua thác. Chín giờ tới thác, nước chảy reo ầm ầm, ở trên xô xuống, bọt trắng như nước sôi. Bao nhiêu hành khách phải lên bờ, trèo qua những tảng đá lớn, cao bằng nóc nhà. Thủy thủ Lào dòng dây kéo thuyền (...)

Đang mùa nước cạn, hai bên bờ trơ đá với cát. Quãng nào lắm đá trồi ở đáy sông lên, nước chảy xoáy qua, lại thành ra thác.

Mê Kông một dải nước trong veo,
Khuất khúc dòng sông thẳng lại queo.
Tầu chạy ngang rừng khi dưới núi,
Thuyền đi lên thác lúc qua đèo.
Áo xiêm sặc sỡ người coi lạ,
Thôn dã tiêu điều cảnh vắng teo.
Dầu dãi ba tuần sương, nắng, gió,
Thử đi cho biết nước non Lèo.


Đến mười giờ ngày mồng ba (...) lên qua hai thác dữ: “Kèng Chóc”, “Kèng Sả”, là hai thác lớn. Ở xa đã nghe tiếng nước chảy rào rào, như báo tin sợ. Đến nơi trông bọt nước xô chảy trắng xóa, reo lên ầm ầm. Nhiều quãng hãi hùng quá, nước sóng vào trong thuyền. Người Lào lấy nắm xôi, để trên mũi thuyền, cúng ông thần Thác. Cứ quãng nào khó đi, ông Thác lại được ăn xôi. Đoạn rồi, lại qua một lạch sông nước chảy mạnh hơn thác (...)

Đêm hôm ấy, chúng tôi ngủ trên thuyền. Tất cả độ mươi người hành khách, đi bốn chiếc thuyền. Mỗi chiếc có bẩy người Lào cầm chèo. Lúc bấy giờ, họ lên kiếm củi bắc bếp, để đồ cơm nếp. Ăn xong rồi, reo hát chuyện trò. Rồi cứ thế mà nằm ngủ ngổn ngang ở bãi cát. Người nào cũng đen trùi trụi, đầu trọc lông lốc, ở lưng với hai bên đùi vẽ chàm (...)

*

(...) hằng trăm ông bụt nhỏ để quây chung quanh bệ. Nguyên ngày xưa người Lào có tục hỏa táng những người chết, lấy gio đúc tượng. Nhà giàu đúc bằng vàng bằng bạc, nhà nghèo đúc bằng đồng hay bằng đất, rồi đem tượng ấy dâng lên chùa để hồn phách người chết được lên cõi Cực Lạc (...)

Lúc cúng Phật, bầy nhiều hoa, hoa mào gà, hoa dâm bụt v.v., không cứ gì hoa thơm. Lễ vật thì xôi nếp với các thức hoa quả (...) Các nhà sư mặc áo vàng (...) sáng sớm hằng ngày (...) đi từng lũ độ mươi người, đeo một cái cơi đồng, để xin của thập phương. Nào có gì đâu! Các nhà dân Lào có lòng công đức, đem giỏ xôi đứng đầu ngã ba, thấy các sư đi qua, thì rón rén bốc bỏ vào cơi cho mỗi vị một nắm.

Trong một năm, mỗi chùa mở hội một lần (tiếng Lào gọi là “bun”). Ở trong chùa, các sư tụng kinh cầu Phật; chung quanh chùa làm những nhà rạp, để sư thập phương đến ngồi trong, còn đàn bà con gái các nơi đến, trang điểm lịch sự, ngồi một hàng ở ngoài. Rồi đàn ông con trai, mỗi bọn độ mươi người, vẽ mặt hề làm trò, vác một cái kèn ghép ống sậy, múa hát chòng ghẹo những bọn con gái, trò vè chỉ có thế, mà lắm sự nực cười (...)

*

Nhà làm tuyền một lối nhà sàn (...) Ăn ở đun nấu cả ở trên; gà lợn trâu bò nuôi ở dưới (...) cũng như (các dân tộc ít người) trên mạn thượng du bên ta.

Đàn ông quấn khố, đàn bà vận xiêm (...) Đàn bà nhiều người cũng cạo đầu, thường hay cởi trần, quấn cái khăn mùi ở trước ngực hay vắt lên bên vai. Ăn uống không có đũa bát, chỉ thò tay bốc. Cơm thì cơm nếp, nước thì nước lã. Đồ ăn lắm thứ lạ: cóc gác bếp, chuột phơi khô, xé ra nướng ăn; mắm cá “pa đẹt” (cá ướp ngấu đen xì, hình như pha lẫn cám) là đồ ăn thường nhật của họ.

Lưa thưa mươi chiếc nóc nhà sàn,
Thóc lúa trâu bò để ngổn ngang.
Lố nhố những cô đầu trọc lốc,
Nhởn nhơ các chú khố hoa quàng.
Nhà suông, vài giỏ cơm xôi trắng,
Chùa rỗng, dăm ông sãi áo vàng.
Phong cảnh tiêu điều coi lạ mắt,
Dân lười đất bỏ mọc rừng hoang.


(Trích từ bài đăng trên tạp chí
Nam Phong, in lại trong Du ký Việt Nam do Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, nxb. Trẻ, VN, 2007, tập III. Nhan đề phần trích tạm đặt.)