Tráng sĩ, thương ôi!

Giọt lệ không dám nhỏ của người “quân quan”...

Tấm lòng hiếu khách kỳ lạ của người ấy và các bạn...

Tên phản bạn: hễ “cách đảng”, phải luôn coi chừng chó!

(Thu Tứ)



Nguyễn Bá Trác, “Gặp gỡ ở Kim Lăng”



Bấy giờ đang thời Mãn Thanh, phong trào Cách mệnh âm thầm trong nước. Chính phủ do thám bọn cách đảng rất ngặt (...)

Lúc vào nhà trọ, cơm tối rồi, người bạn tôi đi ra ngoài một lúc. Vừa về, thì có năm, sáu người cảnh binh theo vào ngay. Xét đồ hành lý thấy có hai khẩu súng tay. Cảnh binh giải cả hai người chúng tôi vào nhà cảnh sát, giữ mỗi người một nơi.

Sáng hôm sau, hồi bảy giờ, có người quân quan đeo gươm đến mà hỏi căn cước tôi. Tôi mượn giấy bút cứ thực mà khai. Người quan nói: “Phải, tối hôm qua tên kia cũng khai thế. Trưởng quan đã truyền tha cho anh là kẻ vô tội. Song đi Bắc Kinh thì nguy hiểm cho anh lắm, anh nghe tôi, lui về Thượng Hải thì hơn”. Tôi hỏi: “Vì cớ gì?” - Người quân quan nói: “Anh đã biết việc cảnh sát bây giờ phòng giữ cách đảng ngặt lắm, anh lạ lùng đến đấy, tiếng nói không rõ, đủ làm cho người ta nghi, còn ai biện bạch hư thực cho anh nữa, người ta phải hạ độc thủ. Này, đêm hôm qua, nếu không có người bạn anh biện oan cho anh, thì hôm nay tôi cũng không còn thừa thì giờ mà hỏi chuyện anh”. Tôi nghe nói kinh hãi; nhân hỏi người bạn tôi ra thế nào? - Người quân quan nói: “Người bạn anh lúc phải bắt đã tự nhận mình là cách đảng (...) về Kim Lăng thăm người bạn cũ. Không ngờ chính người bạn lại đi báo mình. Thế là tự mình lại chui vào lưới. Người này mắc tội nặng, song con người can đảm khí khái đáng khen”. Lúc nói nghe có ý ân hận. Tôi nhân nói: “Ngài đã tiếc là một người tráng sĩ, vậy ngài có thể giải cứu được chăng?” - Người quân quan thở dài mà nói rằng: “Tôi cung chức đã năm năm nay, chính tay tôi bắt cách đảng cũng nhiều; có khi giọt lệ cảm tình của tôi cũng không dám tự do mà nhỏ xuống. Còn nói cứu gì được ai”. Nói rồi lại hỏi tôi: “Từ trước anh đã đến Kim Lăng lần nào chưa? Nếu chưa, tôi sẽ giới thiệu với một người bạn để đưa đi chơi các chỗ. Chơi rồi, phải đi nơi khác, vì đất Trung Quốc ngày nay không phải là nơi Lạc Thổ”. Khi ấy người quân quan bèn dẫn tôi đến chỗ công sảnh để chào người cảnh trưởng và giao đồ hành lý trả tôi, bảo tôi lui ra.

Tôi về nhà trọ đã quá 11 giờ, vừa ăn cơm xong, thấy có bốn, năm người học sinh đưa danh thiếp đến, thì là Lăng quân và mấy người đồng học nữa. Lăng quân là học sinh trường Cao đẳng Sư phạm ở Nam Kinh (...) bảo tôi rằng: “Vừa đây thấy Mỗ quân nói chuyện, biết quý hữu ở phương xa đến, gặp chút hư kinh, chúng tôi lấy làm ái ngại; nay được bồi tiếp, thực vui lòng lắm. Quý hữu có muốn đi chơi Kim Lăng, tôi xin dẫn đạo” (...) Lăng quân xin nghỉ học năm ngày, để đưa tôi đi xem phong cảnh Nam Kinh.


(Trích Nguyễn Bá Trác,
Hạn mạn du ký (1921), trong Du ký Việt Nam (bài đăng trên tạp chí Nam Phong 1917-1934, nhiều tác giả, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm), nxb. Trẻ, VN, 2007, tập I. Nhan đề phần trích tạm đặt.)