Quân Tưởng rút thì nguy cho Việt Quốc và Việt Cách. Chính phủ ta sẽ hết bị lủng củng nội bộ.

Nhưng giặc Pháp đang sắp sửa giở đủ thứ trò thâm độc để chia rẽ dân tộc ta đây.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Trút một gánh nặng”



Đác-giăng-li-ơ trở về Pháp từ trung tuần tháng 2 (năm 1946). Trong giới cầm quyền Pháp đã có những thay đổi trái với mong muốn của y. Tướng Đờ Gôn quan thầy của Đác-giăng-li-ơ người trao cho y chức cao ủy ở Đông Dương, đã từ chức (...)

(Nhưng hành động của họ) cho thấy ta không nên trông chờ gì nhiều ở những người mệnh danh là đảng viên đảng Xã hội đang nắm giữ quyền hành trong chính phủ Pháp (...)

Tại Nam bộ, Pháp cho máy bay rải truyền đơn đòi các lực lượng vũ trang của ta phải mang vũ khí tới nộp. Ngày mồng 9 tháng 3, Pháp tập trung quân ở Cà Mau, Rạch Giá (...) đánh úp nhiều vị trí (...) (Sau Hiệp định Sơ bộ) súng vẫn tiếp tục nổ (...) Ở miền Bắc, bọn Pháp vừa được đổ bộ xuống Hải Phòng đã có những lần tự ý di chuyển không xin phép ta

(...)

Tình hình diễn ra không ngoài những điều Thường vụ đã dự kiến trong chỉ thị Hòa để tiến (...)

Hai ngày sau khi ký Hiệp định Sơ bộ, Hồ Chủ tịch gặp các khu trưởng và đại đội trưởng tự vệ thành Hà Nội tại tòa thị chính (...) “... hơn bao giờ hết, ta phải luôn luôn chuẩn bị (...) sự chuẩn bị chu đáo phải là thường trực, tiếp tục không một giây, một phút nào ngừng...”

(...)

Trong tháng 3 quân Tưởng vẫn chưa chịu rút. Một số lớn quân Nhật chưa được hồi hương. Lại có thêm mấy ngàn quân Pháp (...)

Một lần gặp tôi, Lơ-cléc ngỏ ý muốn biết thái độ của dân chúng Việt Nam đối với người Pháp ra sao. Tôi hỏi lại:

- Chúng ta đều là những quân nhân, ông có muốn nghe nói thẳng không?

- Có chứ! - Lơ-cléc đáp.

- Các ông miệng nói hòa bình nhưng hành động của các ông thì lại giống hành động của những kẻ đi xâm lược. Đó là dư luận của dân chúng Việt Nam về các ông.

(...)

31 tháng 3, thời hạn rút quân cuối cùng của quân đội Tưởng đã đến (...) Tình hình giữa quân Tưởng và quân Pháp trở nên căng thẳng (...)

Quân Tưởng (...) cố tìm (...) cớ để dây dưa ở lại (...) Nhưng tình hình bên Trung Hoa lại có rất nhiều biến chuyển mới không lợi cho Tưởng Giới Thạch (...) Đã đến lúc bộ tổng tham mưu quân đội Tưởng dù tiếc rẻ đến mấy, cũng không thể cứ chùng chình để mãi hai chục vạn quân ở bên này (...) Trung tuần tháng 5, Lư Hán cho quân rút khỏi Thanh Hóa (...) một tháng sau đó (...) quân đội Tưởng bắt đầu rời Hà Nội (...)

Cuộc rút quân của chúng kéo dài và chỉ hoàn toàn kết thúc vào ngày 18 tháng 9 năm 1946 (...) Ngày này mùa thu năm trước, chúng ào ạt kéo vào nước ta (...) Trận gió mùa thu năm đó đã xua hết chúng khỏi đất nước ta như xua đi những xác lá khô (...)

Cách mạng đã gạt đi một kẻ thù hết sức nguy hiểm, đã trút đi một gánh nặng về cả vật chất lẫn tinh thần.


(Trong hồi ký
Những năm tháng không thể nào quên, bắt đầu viết từ mùa xuân năm 1970, viết xong vào mùa xuân 1972, in lần đầu năm 1974, in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006. Lược trích tr. 249-266, nhan đề tạm đặt.)