“Lúa chín, vàng rực đến chân trời (...)

Làng mạc như sống hẳn lại. Những bộ mặt hốc hác, mắt lờ đờ, mắt trắng dã vì đã ăn cháo, ăn khoai, có khi chỉ có củ chuối, rau sam cầm hơi từ hàng tháng nay, bây giờ hồi lại vì được ngày hai bữa cơm mới (...)”.

Đám thợ gặt tới tấp bó nốt những bó lúa cuối cùng, và gánh về nhà chủ (...) Bên kia ven đường, tản trên các bờ ruộng, các đám mả, vẫn ngồi thu hình những bầy trẻ con, đầu trọc hay tóc xõa, những người đàn bà gầy gò. Người lớn và trẻ con cùng mở to những con mắt thèm thuồng len lét nhìn từng đống lúa vàng, người ta cứ gánh đi dần (...)

(Chủ ruộng) vừa đi khỏi, đám đàn bà con trẻ ở các xó ùa cả ra như một đàn vịt. Và như một đàn vịt, họ chạy xuống những thửa ruộng mới gặt, sục sạo tìm nhặt những nhành lúa, những hạt thóc còn vãi lại. Trời đã tối mịt, đám người đi mót vẫn lò mò dưới ruộng.”

Chỉ vài năm nữa thôi, trời và người sẽ hiệp đồng làm cho một trận, khiến không có mùa lúa chín, khiến đông đảo dân quê không được vừa tắm bằng mồ hôi mình vừa “hát véo von”. Dĩ nhiên sẽ không có một chút gì cho những “đàn vịt” đi mót. Vô số “mắt lờ đờ, mắt trắng dã” sẽ vĩnh viễn nhắm lại...

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Vỡ bờ (8)



Ngoài đồng, lúa đã chín. Ngày ngày, bầu trời trong biếc dội nắng xuống. Những cây lúa mập mạp vàng khô đi, như cố trút hết nhựa sống lên cho những bông thóc; ngày càng trĩu hạt, la đà. Con sông Lương cạn nước, phơi ra hai bờ cát nóng bỏng. Dòng nước vàng loang lổ lúc này chảy lờ đờ như mệt nhọc giữa hai bờ lúa chín, vàng rực đến chân trời.

Người gặt ngoài đồng mỗi ngày một đông. Rồi đến những ngày gặt rộ. Các thôn xóm có bao nhiêu người như túa cả ra khắp mặt cánh đồng. Trong lúa chín lấp ló những chiếc nón trắng. Các con đường tới tấp những người gánh lúa chạy lắc lư, mặt chín rừ say nắng. Mùi thóc, mùi rơm bay quyện trong khí trời. Làng mạc như sống hẳn lại. Những bộ mặt hốc hác, mắt lờ đờ, mắt trắng dã vì đã ăn cháo, ăn khoai, có khi chỉ có củ chuối, rau sam cầm hơi từ hàng tháng nay, bây giờ hồi lại vì được ngày hai bữa cơm mới. Ai cũng có vẻ vội vã, bận rộn, tươi tỉnh hơn. Đồng áng rộn lên những tiếng cười nói, tiếng gọi nhau, tiếng hát véo von.

Nhà bác Mùi có hai sào ruộng bãi. Mầm sang gặt đập giúp một ngày là xong. Rồi cũng như mọi năm, hai người lại đi gặt thuê. Họ đi biền biệt suốt ngày. Đến cả cái Huệ cũng tha thằng cu đi mót, cứ đến tối mịt mới về. Bác Mùi phải đi làm mười lăm ngày cho nhà trưởng bạ Xước để trả nợ vay công non từ những ngày trước giáp hạt. Còn Mầm thì lại đi tìm phường của anh. Cái phường gặt ấy ngày dưng chỉ có bốn năm anh, đánh dậm chung với nhau, được tôm cá họ đem bán chung rồi chia đều tiền. Đến ngày mùa, họ họp thêm với sáu bảy anh nữa, toàn đám thợ cày trai trẻ, để cùng đi gặt thuê chung cả bọn. Trưởng phường là bác Tèo, bác người chín chắn, đi làm thuê đã quen khắp mấy huyện. Đi gặt phường như vậy, họ đỡ bị dìm công. Hơn nữa, vì họ làm khỏe nên có thể nhận gặt khoán, lợi hơn, và các chủ ruộng, dù là đám kỳ hào, lý dịch, cũng phải nể họ và đối đãi tử tế hơn. Hết mùa, cái phường lại tan. Năm nay, phường gặt của Mầm vắng mất ba anh vừa bị bắt lính đi Tây. Nhưng may thằng Côi, bạn thân của Mầm thì còn chưa thấy họ rờ đến.

*

Nhà bà Soạn hôm ấy gặt hơn năm mẫu ngoài bãi sông. Chỗ ruộng này thấp và ở xa các xóm. Đoàn thợ gặt đi từ chưa sáng. Ra đến nơi, Mầm cứ đứng trên bờ đường ngấp nghé nhìn sang phía một cái gò nhỏ đằng xa, trên gò có một cây si lưa thưa lá. Ngay dưới chân cái gò ấy là thửa ruộng cũ của thầy mẹ anh, bây giờ là đất của nghị Khanh rồi, lão nghị cho vợ chồng bác Hóa cấy rẽ. Hôm nay nhà ấy cũng đang gặt. Nhìn bóng cây si, Mầm thẫn thờ cả người, và bỗng vụt nhớ lại tất cả những chuyện đã qua. Những ngày Mầm còn bé, mỗi khi ra đồng làm, mẹ Mầm thường bế Mầm ra đặt ngồi dưới gốc cây si kia, tha thẩn suốt ngày, suốt buổi, lắm hôm rét tím ngắt cả người lại. Bây giờ dưới gốc si ấy ai đã làm một túp lều vịt, và quây kín cả cái gò, giam hàng bao nhiêu con vịt lục sục bên trong. Tưởng là Mầm mải nhìn đàn vịt, bác Tèo trưởng phường nói đùa:

- Chú nghênh gì thế? Muốn đi chăn vịt à?

Mầm lúng túng chưa trả lời được thì Côi đã chọc thêm một câu:

- Thôi đi anh, ruộng về tay người ra rồi còn ngắm mãi.

Mầm bỗng phát khùng, mặt đỏ lên:

- Tao ngắm thì bận gì đến mày!

Côi biết thằng bạn hiền lành đã nổi cục lên rồi, bèn cười xòa, ngồi xuống bờ ruộng thổi nùi rơm, và rít cái điếu cày lọc xọc. Bác Tèo buộc cái lạt ra ngoài cái áo cộc nâu làm dây lưng rồi cũng lây cơn nghiện, bác đón cái điếu cày, hút tiếp và thở khói say sưa. Mầm xách cái liềm, lầm lì rẽ lúa, bước xuống ruộng. Sáng sớm, còn sương, nắng chưa lên nhưng bầu trời đã xanh ngắt. Bác Tèo hút xong điếu thuốc ngửa cổ nhìn trời và bảo: “Hôm nay lại nắng vỡ đầu”, bác nói to lên: “Nào thôi, ba quân ta xuống đi!”.

Non ba mươi người đàn ông và đàn bà đã tỏa xuống những thửa ruộng lúa còn ướt đẫm sương. Họ mất hút trong đám lúa tốt bời bời dày chặt, cao hơn ngực người. Những bông thóc vàng sẫm, hạt mẩy và chắc bắt đầu động rào rào và rắc sương xuống như mưa. Tiếng liềm cắt lúa soàn soạt.

Mầm gặt ở ngoài đầu bờ ruộng, cách hơn chục bước đến Côi, mỗi lần nhìn sang Mầm chỉ thấy nhấp nhỏm cái lưng áo nâu vá của nó. Bác Tèo ở đám ruộng bên, tiếng bác nói chuyện nghe oang oang.

Gió sớm thổi hiu hiu từ phía dưới sông lên. Mấy con chim sẻ nhảy nhảy trên vệ cỏ bên đường, có con đã sán xuống ruộng mổ những hạt thóc rơi. Đám thợ gặt quay lưng về con đường đất từ trong làng ra, và tiến dần xuống bãi sông. Trời còn mát, họ vừa làm, vừa chuyện trò vui vẻ. Mầm vẫn lủi thủi gặt không nói năng gì.

Phía bên bác Tèo bỗng tiếng cười râm ran nổi lên. Bác Tèo đang hát chòng cô Thơm, cháu bác.

Trên trời băm sáu vì sao
Vì thấp là vợ vì cao là chồng
Cô kia gái lớn ngỗng ngồng
Cô chửa lấy chồng còn đợi chờ ai?


Côi nghểnh đầu lên, nói sang:

- Đúng đấy, hay quá! Cô Thơm ơi, tôi hát cho cô nghe câu này nữa nhé.

Tròng trành như nón không quai
Như thuyền không lái như ai không chồng
Nón đứt quai em còn chữa được
Gái không chồng chạy ngược chạy xuôi
Không chồng khốn lắm chị em ơi!


Còi hát xong, cười rúc rích. Nhưng từ trong đám lúa vàng, đã bay lên tiếng hát trả lời của cô Thơm:

Người ta con trước con sau
Thân anh không vợ như cau không buồng
Cau không buồng như tuồng cau đực
Trai không vợ cực lắm anh ơi!
Đêm nằm anh vuốt bụng thở dài
Trời ơi đất hỡi lấy ai đỡ buồn.


Tiếng cười chạy dài suốt từ đầu đến cuối đoàn người.

Nắng đã lên, hoe vàng. Đoàn thợ gặt, sương ướt đẫm cả mặt mũi, vai áo, chân tay, vẫn lom khom trong lúa cao ngợp đầu, ngợp cổ. Tiếng chân bước lép nhép, lúa rẽ rào rào, họ tiến tới đâu quang dần tới đó, sau chân họ những lượm lúa ngả xuống xếp từng hàng dài trên mặt đất còn nhếnh nháng bùn. Một con chó con không biết của ai chồm chồm chạy theo, vẫy đuôi ngửi hết gốc rạ này đến gốc rạ khác trên khoảng đất mới gặt.

Mầm vẫn cặm cụi làm, hầu như không ngẩng đầu lên. Tay anh đưa liềm thoăn thoắt, những ý nghĩ oán giận bực bội lúc nãy như nguôi dần theo tiếng liềm cắt lúa đều đều. Lòng Mầm trở lại bình thản, vui vui. Nghe những câu chuyện chung quanh, Mầm cười khẽ một mình.

Đoàn thợ gặt làm miết từ sáng sớm đã bắt đầu thấm mệt. Mặt trời lên cao, lưng áo họ nóng dần. Mồ hôi đã nhỏ giọt trên mặt, tiếng hát đã im, tiếng nói chuyện cũng thưa thớt. Họ cố làm quàng lên lúc nữa, để buổi trưa và buổi chiều có thể thư thả hơn một chút mà nghỉ nắng. Đến một lúc, không ai nói gì với nhau, chỉ còn nghe tiếng liềm cắt lúa roạt roạt rộ hẳn lên cùng tiếng hơi thở phì phò. Những ôm lúa tới tấp ngã xuống. Bỗng nghe phào, bác Tèo đứng khòng khòng, tay cầm thõng cái liềm, cánh tay kia quệt mồ hôi ròng ròng trên mặt.

- Gớm, lão sụn lưng rồi!

Côi cũng đứng lên, bỏ nón, vuốt mồ hôi.

- Chả cứ ông lão, trai trẻ như tôi cũng phờ cả ra đây!

Họ cùng cười và đi lên bờ ruộng ngồi nghỉ. Mầm cũng ngừng tay, nhìn lại phía sau. Đám ruộng đã quang hẳn đi, những lượm lúa vàng xếp san sát. Trên bờ đường, mấy người đang bó lúa gánh về. Côi gọi:

- Mầm có uống nước lại đây tao cho.

Mầm tiến đến, lúc này đã quên hẳn cơn khùng buổi sớm, và ngồi xuống tu ừng ực cái ống tre đựng nước vối mà Côi đưa cho.

*

Nắng chói chang. Mặt đất bốc hơi lên hầm hập. Lưng áo Mầm nóng rẫy, khắp người anh ướt như tắm. Hai mắt Mầm xót và đỏ ngầu, miệng anh khô bỏng, mồ hôi vẫn túa ra đầm đìa trên mặt và nhỏ xuống đất như mưa. Mầm vừa mỏi lưng, mỏi vai, vừa mệt vì nắng, nhiều lúc như mụ hết người, tay đưa liềm mà mắt hoa cả lên. Nhưng anh vẫn không ngừng tay một phút nào. Roạt... roạt... những lưỡi liềm đưa thoăn thoắt, đám thợ gặt cúi gập người, mắt nhìn xuống những gốc lúa, roạt... roạt... từng lượm lúa đứt gốc, những bông thóc vàng rung lên. Đoàn người tiếp tục cúi lom khom, chốc lại một người đứng nhô lên, tay ôm đầy lúa, cái nón lóe một cái, ôm lúa vàng được đưa vung lên cao một nửa vòng, người thợ gặt đã xoay mình, xếp ôm lúa ra phía sau rồi lại lúi húi cắt tiếp. Trời vẫn nắng ghê gớm, thỉnh thoảng được một cơn gió thì lại như quạt thêm lửa. Mầm khát nước quá, ra bờ ruộng vớ cái ống tre. Nuốt nốt mấy giọt nước hâm hấp nồng mùi tre tươi, anh thấy ngon lạ lùng. Uống xong, Mầm lại trở vào gặt mê man dưới nắng thiêu đốt.

*

Họ gánh lúa về làng, và ăn cơm uống nước qua quýt xong lại trở ra gặt tiếp suốt buổi chiều. Trên cánh đồng, càng về chiều, người gánh lúa càng tấp nập hơn, những đám gặt cũng thêm vội vã. Nắng dịu lại, người ta đã rì rầm nói chuyện, đôi chỗ có tiếng cười khúc khích. Lúc này, Côi đã sang gặt bên cạnh cô Thơm, họ đang nhí nhảnh nói gì chế giễu nhau. Mầm nghe tiếng hai đứa cười nói, lại nhớ đến Xoan. Từ hôm Xoan về đã gần hai tháng. Mầm thầm yêu Xoan, nhưng khi trông thấy Xoan thì tự nhiên không nói gì được nữa. Xoan về hôm nay, Mầm muốn sang chuyện trò, nhưng chỉ nhìn thoáng thấy Xoan buổi tối, rồi hôm sau, sáng sớm Xoan đã phải về nhà chủ, Mầm nhớ và ngẩn ngơ tiếc mãi. Mầm thương Xoan mới ít tuổi, mà không mấy lúc được vui, trong con mắt nhìn như chất chứa nhiều điều chỉ một mình Xoan biết. Con mắt của Xoan, nó như biết nói. Mầm chẳng ước ao gì hơn, chỉ mong giá Xoan được như Thơm bây giờ thôi. Tuy cũng cảnh nghèo nhưng cảnh Thơm so với Xoan đã là sung sướng bao nhiêu rồi! Phải làm thế nào cho Xoan ra khỏi nhà nghị Khanh mới được. Gần đây, nhiều đêm Mầm nằm nghĩ đến chuyện bỏ đi xa làm ăn, sao cho kiếm được vài chục, trăm bạc vốn về chuộc nợ cho Xoan ra... Nhưng biết đi đâu bây giờ?

- Chết thật! Anh nào bó lúa mà đánh rơi nhiều thóc của tôi thế này!

Tiếng kêu tru tréo trên bờ đường làm Mầm quay lại. Mụ bá Soạn vừa ra đến nơi, đi đi lại lại dòm dòm ngó ngó, tiếng mụ lát sát như bát vỡ. Mặt trời đã xuống gần đến những ngọn tre đằng xa. Trên bờ đường, men mấy mẫu ruộng gặt gần xong, lô nhô những người. Một đằng là người nhà bá Soạn kéo ra để trông thóc, đằng kia là từng đám trẻ con rách rưới, thập thò đợi xuống đồng mót lúa. Giọng mụ bá Soạn vẫn léo xéo, nanh nọc.

- Chúng mày ra đây làm gì hở? Ngồi đấy chực sẵn để ăn cắp của nhà người ta phải không?

Bỗng phía cuối đám ruộng, có tiếng kêu ôi ối, tiếng chân chạy huỳnh huỵch. Mụ bá Soạn ré lên:

- Cha tiên nhân con ăn cướp! Chúng mày cứ đánh chết nó đi, tội vạ đâu tao chịu.

Một người đàn bà vừa liều lăn vào mót mấy bông lúa rơi trên đường đang bị đám người nhà bá Soạn lôi ra đấm đá.

Mặt trời vẫn xuống nhanh. Chân trời phương tây loang ra một đám mây cháy hừng hực. Mầm vẫn lúi húi gặt nốt đám lúa cuối cùng. Khi anh ngẩng lên nhìn thì thấy con sông Lương đã lấp loáng đỏ au phía trước. Đám ruộng đã gặt xong, từ bãi sông lên đến tận con đường về làng đằng xa xa sáng nay tất cả còn ngập kín lúa, bây giờ nom quang rộng khác hẳn đi. Những gốc rạ vàng lúc này nhuốm nắng đỏ ửng trên đất ruộng nhoáng bùn. Gió mát thổi mạnh từ dưới sông lên. Những cánh buồm nâu phồng gió lướt lừ đừ trên mặt biển lúa vàng.

Đám thợ gặt tới tấp bó nốt những bó lúa cuối cùng, và gánh về nhà chủ. Mụ bá Soạn cùng con gái và mấy người nhà vẫn chạy đi chạy lại ráo riết. Bên kia ven đường, tản trên các bờ ruộng, các đám mả, vẫn ngồi thu hình những đám trẻ con, đầu trọc hay tóc xõa, những người đàn bà gầy gò. Người lớn và trẻ con cùng mở to những con mắt thèm thuồng len lét nhìn từng đống lúa vàng, người ta cứ gánh đi dần. Mụ bá Soạn còn hét mấy kẻ đầy tớ quét chỗ thóc rơi trên đường, mụ đi hết bờ ruộng nọ đến bờ ruộng kia xem có sót lúa lại không. Trời đã sẫm tối, người thợ gặt cuối cùng đã gánh lúa đi một quãng, mụ mới về theo. Bóng mụ vừa đi khỏi, đám đàn bà con trẻ ở các xó ùa cả ra như một đàn vịt. Và như một đàn vịt, họ chạy xuống những thửa ruộng mới gặt, sục sạo tìm nhặt những nhành lúa, những hạt thóc còn vãi lại. Trời đã tối mịt, đám người đi mót vẫn lò mò dưới ruộng.


(Lược trích
Vỡ bờ, quyển I)