Giặc bắt mình đi giúp giặc đánh giặc. Thì nó đã cưỡi lên cổ mình rồi, nó muốn mình đi đâu mà mình chả phải đi.

Đi không biết bao giờ về, không biết có về không, mà đến bắt đi ngay! Cứ làm cho “tức nước” thêm nữa đi, cho chóng đến ngày “vỡ bờ”, đồ chó ạ!

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Vỡ bờ (7)



Những bông lúa ngoài đồng đã nặng nặng, cong xuống. Trời xanh trong rực rỡ, ngày này tiếp ngày khác. Một đôi buổi trưa, gió bỗng thổi tới những làn hơi nước ướt sũng, làm cho người và vật đều thở gấp lên, nặng nhọc. Mây đen đùn lên từ mé biển xa phía chân trời, rồi xô nhau cuộn đến, trong khoảnh khắc đã che tối âm u cả trời đất. Gió vẫn thổi tới mỗi lúc một mạnh, quạt cánh đồng ào ào, sôi sục. Những lũy tre cựa mạnh cót két, những vườn chuối đập lá rối loạn, cây cỏ đều run rẩy. Mặt sông Lương nổi sóng cồn bạc đầu, một con thuyền nào còn ngoi ngóp giữa dòng, chới với cố rẽ vào bờ. Rồi chớp chạy nhoang nhoáng trên vòm trời đen kịt. Và nước trên trời đổ xuống mù mịt trắng xóa, trong khi những tiếng sét quằn quại lồng lên. Mắt người lo lắng nhìn lên trên cao, người ta nơm nớp tự hỏi đã sắp được hạt thóc rồi mà không biết ông trời có để cho ăn không? Tháng tám, tháng chín, những tháng giáp hạt đói kém, gió bão luôn luôn đe dọa.

Nhưng mỗi cơn gió mưa sấm chớp ào ào qua đi, nắng lại đổ xuống. Mặt đất bốc hơi nghi ngút, từ cột nhà, chân tường, mặt liếp, cho đến áo quần, đồ vật cất trong rương cũng đều mọc mốc trắng. Và lúa vẫn vồng lên ngả vàng, những mảng lúa bị gió thổi dạt xuống bùn cũng hút lấy hơi nắng và hơi nước mà chín dần. Đây đó đã vàng hoe một vài thửa ruộng cấy lúa sớm.

Lúa phải mau mau chín lên thôi. Hầu hết mọi nhà đã phải bữa cơm bữa cháo, ngô khoai ăn độn cũng đã cạn rồi. Hàng ngày vào các xóm, đi ngoài đường, đâu cũng thấy những bộ mặt đói cơm, mất máu của dân cày nghèo vác hái đi tìm việc.

Hôm ấy nhà ông đồ Giao đã được gặt hơn sào dé hoa cấy ở vườn sau. Thảo gặt với chị Đơn từ tinh sương. Suốt buổi sáng, hai cái nón của hai người lúi húi giữa đám lúa chín cao ngang ngực người. Đến trưa, lúa đã gánh vào trải vàng cả cái sân gạch nhỏ. Hai người đàn bà ăn cơm, uống nước xong, chỉ ngồi nghỉ một thoáng rồi lại hì hục kẻ kéo người đẩy cái trục đá.

Nắng dội xuống nóng bỏng, cái sân ngập lúa vàng chói lòa, như nhức nhối vì ánh sáng. Chị Đơn, dây thừng quàng vai, đầu chúi về đằng trước, chẳng khác con trâu đang gân cổ mà kéo. Dưới vành nón, mặt chị đỏ bừng, lưng áo chị ướt đầm đìa. Thảo đi sau, hai tay thu trước ngực nắm cái chạc tre, nhoài người đẩy mạnh cho cái trục đá lục cục lăn đi. Những giọt mồ hôi bò trên mặt Thảo và long tong nhỏ xuống không ngừng. Hai người đàn bà cùng thở hổn hển, quên cả nói chuyện, bấm chân bước trên những lượm lúa rám nóng rẫy. Cái trục đá vẫn lục cục lăn đi chung quanh cái sân gạch nhỏ, hết vòng nọ đến vòng kia, cứ vòng quanh mãi. Nhiều lúc họ mệt, mắt muốn hoa lên, không thấy rõ gì hết, chỉ còn nghe tiếng cái trục đá lục cục, tiếng rơm bị nghiến rạo rạo, lưng như cháy nắng và trí óc họ cũng như bốc thành hơi nóng hầm hập.

Thảo bỗng thở mạnh và kêu lên:

- Nắng khiếp quá!

Chị Đơn ở đằng trước ngoái đầu lại:

- Vâng, nắng quá.

Thảo dừng lại:

- Ta nghỉ tí đã, bác ạ.

Hai người đến ngồi dưới bóng cây sung ở bờ ao và bỏ nón cầm tay quạt lấy quạt để. Những chấm nắng lốm đốm trên mặt đất, chung quanh họ, bỗng nhảy nhót. Một cơn gió thoảng qua, mát rượi. Thảo ngừng tay quạt, thấy ngực mình đã cương lên, đau tức, hai vú chảy sữa thấm ướt cả yếm. Thảo gọi lên nhà trên:

- Hiền ơi, bế em xuống đây.

Cái Hiền đang lê la chơi với cái tí Vân trên thềm nhà vội xốc nách em nó lên, vẹo sườn bế em tong tả chạy đến chỗ mẹ. Thảo vừa cười vừa mắng:

- Mày làm gì mà chạy thế, ngã em thì làm thế nào. Con vào bếp rót siêu nước vối mang ra đây nhé.

Thảo đón lấy cái tí Vân và vừa vạch áo cho con bú vừa nựng:

- Ôi chao, mẹ tệ quá, để cho con đói từ trưa đến giờ rồi.

Chị Đơn ghé tới, hai bàn tay đen đủi của chị đùa đùa với hai gót chân mũm mĩm của đứa bé, mắt chị sáng lên một vẻ thèm khát. Chị dẩu miệng gọi:

- Gư... gư... à gư...

Đứa bé ngoảnh ra toét miệng cười rồi lại quay vào bập lấy vú mẹ, hai chân nó đạp rối rít.

Cái Hiền đã đem siêu nước vối và hai cái bát ra. Nó ngồi xuống bên cạnh mẹ, ngước mắt lên hóng nghe chuyện. Thảo vừa uống nước vừa nói chuyện chòng chị Đơn:

- Cái nhà bà này gan thế, chẳng chịu lấy chồng kiếm lấy thằng con mà bế.

Khuôn mặt đen bánh mật của người đàn bà góa đỏ lên, chị cười và cố nói liều:

- Thì có ai, chị làm mối cho đi.

- Ừ thật nhé.

Họ cùng cười. Chị Đơn rút gói trầu trong bọc, lấy một miếng ra nhai, và nói sang chuyện khác:

- Chỗ sào dé hoa này của mợ dễ được đến tám, chín thúng thóc. Vụ này lúa tốt quá mợ ạ. Mấy năm nay, cháu mới lại thấy lúa tốt thế.

Thảo cũng hớn hở nhìn đám lúa vàng rực trong sân.

- Nom vậy, chiều nay mới biết chắc được bao nhiêu thóc. À, hôm nào nhà tôi gặt quãng ruộng đồng Phèn thì thế nào bác cũng sang làm giúp đấy.

Chị Đơn vẫn bỏm bẻm nhai trầu:

- Vâng, thế nào cháu chả sang giúp mơ. Để còn ăn cá rô kho khế của mợ chứ. Gớm, cháu nhớ mãi cái món cá năm ngoái.

Thảo được khen cười sung sướng:

- Năm nay, cá ao nhà tôi còn béo nữa kia, bác ạ.

Cái tí Vân lúc này đã bú no và ngả đầu trên lòng mẹ, thiu thiu ngủ. Thảo đang lựa tay chuyền nó sang cho cái Hiền bỗng giật mình nghe bên nhà bà Điều hàng xóm có tiếng người nhốn nháo. Chị Đơn cũng đứng dậy:

- Không biết chuyện gì thế?

Hai người tất tả tới bên cái giậu dâm bụt, nhìn sang nhà láng giềng.

Giữa sân bên ấy, anh Tân con trai bà Điều đang co kéo với mấy người tuần.

- Thì các ông cũng phải để cho thư thả một tí chứ.

- Không thư thả gì cả, anh có đi không thì bảo!

Mấy đứa con nhỏ của bà Điều khóc om lên trong nhà. Bà Điều mặt tái mét bước ra lật đật.

- Xin các ông cho tôi dặn cháu mấy câu, cháu nó có dám nói gì đâu.

- Dặn gì ra đình mà dặn. Người ta còn phải đi nhiều nhà chứ có phải chỉ có nhà bà đâu.

Anh Tân vẫn bị túm áo lôi đi. Bà mẹ, nước mắt nước mũi nhếch nhác chạy theo sau, mấy đứa em anh Tân cũng bu theo, chúng nó vẫn kêu khóc inh ỏi. Ra đến cổng ngõ, một người trong đám tuần trợn mắt quát:

- Ô hay, mấy đứa bé làm cái gì thế này? Ông cho mấy gậy bây giờ. Có cút vào không?

Anh Tân ngoái cổ lại:

- Thôi, các em đừng theo anh nữa!

Bà Điều theo con ra đến cổng, thì như bủn rủn chân tay và không thể cố gắng được nữa. Bà ngồi thụp xuống, và gào to:

- Ối giời ơi, con ơi!

Tiếng khóc nấc lên.

Anh Tân cố ngoái lại lần nữa nhưng lại bị xô chúi đi ra con đường làng.

Thảo ôm chặt cái tí Vân đứng cạnh chị Đơn ở bên này giậu nhìn sang. Mặt Thảo tái lại, trống ngực đánh thình thình. Không hiểu có chuyện gì mà họ làm dữ thế. Chị Đơn bỗng thốt lên:

- À thôi, bắt lính rồi!

Thảo quay lại, vẻ mặt hốt hoảng, vẫn chưa hiểu đầu cuối ra sao. Chị Đơn giảng nghĩa:

- Bắt lính đi Tây rồi, mợ ạ. Hôm qua dưới làng Chuông cũng bắt thế này. Để cháu ra xem thế nào.

Chị Đơn xăm xăm đội cái nón đi ra.

Tiếng bà Điều kêu khóc ngoài đầu ngõ vẫn không dứt. Phía cuối xóm lại có tiếng quát tháo. Cái xóm nhỏ trong phút chốc náo động, ồn ào cả ba bốn phía như đang có giặc.

Cái Hiền đã tót đâu mất từ lúc nào. Thảo vẫn ôm cái tí Vân trước ngực, vừa toan chạy sang với bà Điều thì ông đồ Giao ở trong nhà bước ra gọi giật lại:

- Chị giáo, chị giáo!

Giọng ông đồ có vẻ không bằng lòng.

- Đi đâu thế con, việc quan nha mình biết đâu!

Thảo bực ngầm với cái tính dát và ích kỷ của ông bố chồng, nhưng lại e nể, nên chỉ lùi lũi bế con đi trở lên trên nhà.

Bên bà Điều không thấy có tiếng khóc nữa, có lẽ bà ta đã dắt cả mấy đứa con, đứa lớn bồng đứa bé, ra ngoài đình rồi. Thảo khẽ đặt cái tí Vân lên giường, nó vẫn ngủ say. Bỏ màn cho con xong, Thảo bồn chồn, đứng lên lại ngồi xuống. Không biết anh Hội ở Hà Nội có làm sao không? Thảo mường tượng như có một cái gì ghê gớm sẽ cuốn Hội đi mất, dù Thảo có cố ôm chặt ấp ủ lấy người chồng yêu quý cũng không thể che chở cho Hội được! Sốt ruột sốt gan, Thảo không ngồi yên được nữa, bon ra ngoài đình làng.

*

Cái sân đình ồn ào chật ních người. Hai hai chục trai tráng vừa bị bắt ra đứng túm một đám trước thềm đình. Họ còn ngơ ngác, chưa biết thân phận sắp ra sao. Phần lớn họ chưa kịp mang gì theo, chỉ có cái nón trên đầu, và bộ quần áo nâu trên người. Một hai anh dáng học trò con nhà khá giả đôi chút, đầu đội cái mũ cát, mặc quần trắng, áo lương, đi đôi guốc, chung quanh họ, bố mẹ, vợ con, anh em, chị em, kẻ khóc người mếu dặn dò, túm tụm cuống quýt. Dân làng mỗi lúc kéo ra một đông đứng vòng trong vòng ngoài, làm cho cái sân đình càng ồn và chật. Trên thềm cao, lý trưởng, chánh hội, trương tuần cùng mấy người lính khố xanh và cai lệ trên huyện về đang giơ chân giơ tay, nói to như quát lên nhưng cũng không át được tiếng ồn chung quanh.

- Những đứa kia vào làm gì hả? Tuần đâu, đuổi cổ chúng nó ra tất cả ngoài kia!

Mấy anh tuần vung gậy và tay thước lên quật bừa vào đám đông. Người lớn trẻ con chạy dạt tán loạn về bốn góc sân và bị lùa ra cổng đình. Nhưng đám người nhà những kẻ bị bắt đi thì vẫn cứ quấn chặt lấy họ.

Lý Tốn nạt to:

- Làm cái gì mà chúng mày quạc mồm lên! Im đi không ông lại đuổi về hết bây giờ!

Thảo đứng lẫn trong đám người thập thò ngoài cổng đình nhìn vào. Bên trong, đang gọi điểm danh “Nguyễn Văn Ất... Dạ... Lê Đình Tạo... Lê Đình Tạo đâu? Sư mày sao không thưa hả? Bùi Xuân Bỉnh... Tên Bỉnh đâu?...”.

Chung quanh Thảo, người ta vẫn xôn xao bàn tán.

- Đây là bắt lính thợ đi Tây đây, không phải khố đỏ khố xanh đâu.

- Khiếp thật, sao mà họ làm như giặc không bằng.

- Chuyện, không thế thì người ta cứ trốn tuốt chứ ai chịu đi.

- Này, bây giờ lại cả người có chữ cũng phải đi. Đấy nhà cậu Quảng kia kìa.

- À, bao nhiêu người có bằng phi-ca là phải đi cả làm đội thông ngôn.

- Sao ông biết?

- Thì ông chánh Xước mới ngồi nói chuyện ngoài hàng bà Sếnh ban nãy.

Bên trong, tiếng gọi điểm danh vẫn tiếp tục: “Đặng Văn Minh... Trần Văn Tân...” à anh Tân con bà Điều đây. Thảo nghển lên, cố nhìn vào tìm xem anh ta đứng đâu.

Đám tuần lại vác gậy gộc xô ra cổng đình dẹp đường. Người ta lại chạy tán loạn. Viên lý trưởng vác ô ra trước. Đoàn người bị bắt đi theo sau. Mấy người lính khố xanh kèm hai bên họ. Đám người phải rời bỏ gia đình, quê hương bước đi thất thểu. Tiếng khóc thút thít của vợ con cha mẹ lại quấn theo từng bước chân họ, lẫn với những tiếng quát lác, chửi bới.

Thảo vẫn cố tìm xem anh Tân đâu. Anh ta đi gần cuối hàng, tay cắp một gói quần áo, chắc là bà Điều mới đem ra. Tay kia anh giữ cái nón đã cũ nát, buộc quai lạt, cái nón bị chen càng rúm ró trên đầu anh. Mặt anh Tân dại hẳn đi như người mất hồn. Bà mẹ vẫn lếch thếch bên rìa đường đi theo. Anh Tân chốc lại quay nhìn mẹ.

- Thôi mẹ ạ, mẹ về đi.

Ra khỏi đầu làng, người xem đã thưa dần. Trên con đường đất trắng bụi chạy qua cánh đồng lúa mênh mông, đám trai tráng bị lính bắt đi xa dần, theo sau họ chỉ còn mấy người vợ, người mẹ khóc đã mệt và khản tiếng, lúc này còn cố lẽo đẽo đưa họ một quãng nữa.

Thảo đứng ngây người nhìn theo.

- Ta về thôi, mợ ạ. Còn phải trục nốt chỗ lúa kẻo muộn rồi.

Thảo nghe tiếng chị Đơn, quay lại đi theo chị. Hai người đàn bà tự nhiên cùng rơm rớm nước mắt. Cái vui ngày gặt lúa mới đã bị xua tan một cách phũ phàng.


(Lược trích
Vỡ bờ, quyển I)