Trần Văn, “Bông điên điển, bông súng, rau dừa”





ảnh khuyết danh

Bông điên điển làm bất cứ món ăn nào cũng ngon, ăn sống hay muối dưa, hoặc xào, nấu canh. Bánh xèo ở miệt Châu Đốc và nhiều tỉnh miền Tây, khi vào mùa bông điên điển không thế nào thiếu được trong việc làm "nhưn” cùng với các món khác. Cây điên điển ở miền Tây, những vùng có nước ngập đâu đâu cũng có, ở miền Bắc gọi là cây điền thanh hoặc điền thanh ngô. Thân cao, nhỏ khẳng khiu, dùng làm chất đốt, lá có nhiều đạm bón lúa, bón cây xanh rất tốt. Còn bông điên điển khỏi phải nói, ăn rất ngọt ngon, màu bông điên điển vàng óng ả đẹp mắt.



ảnh khuyết danh

Điên điển trổ bông vào mùa nước nổi, ở nhà quê ít được trồng, chỉ mọc hoang. Sau này vì nhu cầu cần củi làm chất đốt, người ta để dành hột, đợi đến mùa mưa rải xuống vùng đất trũng trồng vừa hái bông đi bán và cũng lấy thân điên điển khi mùa nước giựt xuống làm chất đốt. Trong thời gian có nhiều bông điên điển cũng là lúc có nhiều bông súng mọc hoang ở trong đồng. Người ta thường nấu canh chua chung bông súng với bông điên điển hoặc nấu riêng rẽ từng loại một. Bông súng cũng làm dưa, ăn sống như bông điên điển. Gọi là bông súng, không phải ăn cái bông của bông súng mà chỉ ăn cái thân của nó mọc sâu dưới nước. Có khi đến hàng năm ba thước nước.



ảnh khuyết danh

Bông điên điển ăn vừa ngọt vừa thơm, bùi. Bông điên điển, bông súng, người dân quê khoái nhứt trong món mắm kho. Ăn mắm kho lại có thêm rau dừa. Ba loại rau thường được người dân quê dùng trong các bữa ăn mắm kho là rau dừa, mọc hoang trong đồng, bông súng, bông điên điển cũng vậy, đâu đâu cũng có, dễ tìm, không mất tiền mua mà lại ăn với mắm kho hết sẩy.


(Trang
thatsonchaudoc.com)