“Khách chí”

của Đỗ Phủ




Đọc “Khách chí”, nhớ “Bạn đến chơi nhà”:

“Chẳng mấy khi nay bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
Ao sâu nước cả, khôn mò cá
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà
Cải đã tàn cây, cà chửa nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
Ðầu trò tiếp khách, trầu không có
Bác đến chơi đây, ta với ta!”.


Nguyễn Khuyến Việt hóa thơ Đường đến nơi đến chốn. Bài thơ này lại chứa cả cái nét hóm hỉnh “Yên Đổ” quen thuộc, trong khi thơ Đường không có giọng đùa.

Trong “Khách chí” có chữ “gia bần”. Nếu tác giả khác, rất dễ nghĩ chẳng qua nói khiêm theo lệ thường, nhưng trường hợp Đỗ Phủ thì đó là sự thực trăm phần trăm. Một bữa rượu sơ sài đôi ba người ở một nơi thôn ổ mênh mông nước lụt mười mấy thế kỷ xưa bên Tàu, qua mấy vần thơ hiện lên trước mắt ta...

Nguyên văn

Xá nam xá bắc giai xuân thủy
Ðãn kiến quần âu nhật nhật lai
Hoa kính bất tằng duyên khách tảo
Bồng môn kim thỉ vị quân khai
Bàn sôn thị viễn vô kiêm vị
Tôn tửu gia bần chỉ cựu phôi
Khẳng dữ lân ông tương đối ẩm
Cách li hô thủ tận dư bôi.


Dịch nghĩa

Quanh nhà đâu cũng thấy nước (lụt) mùa xuân
Ngày nào cũng thấy hàng bầy chim nước
Lối vào có trồng hoa chưa từng quét đón khách
Cổng cỏ bồng nay vì bác tới mới mở lần đầu
Mâm cơm sơ sài ít món vì chợ xa
Rượu ngon, nhà nghèo chỉ có rượu đục cũ
Bác cho được mời ông hàng xóm cùng uống
(Chỉ) cách rào, gọi to là ông ấy qua ngay.

Dịch thơ

Bốn bề nước trắng lụt to
Trông ra thường chỉ thấy cò về chơi
Ngõ vào khách vắng quét lười
Cổng tre nay mới mở mời bác qua
Bữa xoàng ngặt nỗi chợ xa
Rượu ngon gọi chút men nhà nấu thôi
Có ông hàng xóm bạn chơi
Bác cho em gọi thêm vui tiệc này.


Bản dịch thơ khác

Quanh nhà nam bắc lụt to
Hôm hôm chỉ thấy đàn cò lại chơi
Lối hoa chẳng quét vì ai
Cửa bồng nay mới đón ngài mở ra
Xuềnh xoàng mâm chén, chợ xa
Có vò rượu cũ của nhà nấu thôi
Nếu cho tiếp rượu cùng vui
Gọi ông hàng xóm sang ngồi chén luôn.
(Trần Trọng Kim)



Thu Tứ















________
Tên bài nghĩa là “Khách đến”.