Tiên sư anh!

Tôn trọng danh dự nước anh có nghĩa là chúng tôi phải để cho nước anh tiếp tục làm mẹ nước chúng tôi à!!!

Tôi ước gì có thể túm cổ anh quăng xuống sông Cửa Cấm ngay lập tức!

Nhưng thôi, vì nể bao nhiêu tàu thủy tàu bay tàu bò đại bác liên thanh kia, tôi bằng lòng nói chuyện với anh vậy.
(Thu Tứ)



“Đối đầu với ngạo mạn”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp




Tối mồng 6 (tháng 3-1946) tôi xuống Hải Phòng (...)

Tại đây cũng giống như ở Hà Nội, từ hồi tháng Chín năm trước, để tránh va chạm với quân Tưởng, các đơn vị Vệ quốc đoàn đã tạm giãn ra vùng chung quanh. Trong thành phố chỉ có những đồng chí cảnh vệ và các đội tự vệ. Lực lượng tự vệ phần lớn gồm anh em công nhân và dân nghèo, được tổ chức theo từng khu phố. Nơi nhiều, có một đại đội. Nơi ít, có một trung đội. Vũ khí do anh em tự xoay xở, mua của Nhật, của Tưởng hoặc tìm cách lấy của chúng (...) Toàn thành có một đại đội tự vệ chiến đấu gồm hai trăm người, ở tập trung (...)

Sáng mồng 7, phía Pháp chưa tổ chức kịp cuộc tiếp xúc giữa đại diện Chính phủ ta với tướng Lơ-cléc, đề nghị chuyển đến chiều. Nhưng tôi mắc dự mít-tinh với đồng bào Hải Phòng và sau đó phải trở về ngay Hà Nội theo lời dặn của Bác, nên hẹn hôm sau. Anh Phan Mỹ ở lại làm công việc chuẩn bị (...)

Chiều hôm đó, anh Phan Mỹ gặp Lơ-cléc. Viên tướng này đã nói một cách ngạo mạn: “Chúng tôi đã ra đi và chúng tôi vẫn cứ đến bất chấp có sự ưng thuận của các ông hay không” (...)

Ngày mồng 8, tôi trở lại Hải Phòng (...)

Lơ-cléc đứng đợi trên boong con tàu Xê-nê-gan thả neo ở sông Cửa Cấm (...)

Sau cái bắt tay và mấy câu nghi lễ xã giao, với một giọng không lấy gì làm nhã nhặn, Lơ-cléc nói:

- Tôi yêu nước Pháp. Tôi muốn bất kỳ ở đâu danh dự của nước Pháp cũng được tôn trọng.

Tôi thấy khó chịu, tự kiềm chế, đáp:

- Tôi chiến đấu cho độc lập của đất nước chúng tôi. Tôi nghĩ rằng những người yêu nước chân chính thì bao giờ cũng biết tôn trọng lòng yêu nước của những người khác.

Không khí cuộc nói chuyện dịu dần (...)

Chúng ta bàn với Lơ-cléc việc thi hành Hiệp định Sơ bộ về mặt quân sự (...) cần phải xác định những địa điểm, ấn định số quân Pháp được tới ở từng nơi (...)


(Hồi ký
Những năm tháng không thể nào quên, in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006. Nhan đề phần trích tạm đặt.)