Hỡi ơi, nay đến hẹn “bóng trăng (vẫn) hé mắt”, nhưng nào thấy Tó hữu tình đâu, chỉ thấy mênh mông... rác! (Thu Tứ)



Mai Khê, “Hát ghẹo trên sông Tó”




Như sông Tô Giang (...) hẹp và nông quá, nên không có những sự tiện lợi đó, và cũng không có hứng thú gì (...) cho thi nhân tao khách khi trăng trong gió mát (...)

Sông Nhuệ (...) đoạn từ cầu Tó cho đến Khúc Thủy dài ước bốn, năm nghìn thước tây, hai bên làng ở áp tận bờ sông, hết làng nọ đến làng kia (...) giàn lũy khóm tre, lơ phơ lá héo lá vàng, rơi trên mặt sóng; vệ sông cổ thụ san sát thành hàng thành dẫy, ngâm bóng đáy sông; bên kia đình bên đây chùa, bên nọ cầu bên này bến, tiếng gà gáy giục nhà đối ngạn, giọng ru con đưa thoảng qua sông; đò đưa ai hát não nùng, mấy chị lái vặn tay chèo lõm tõm, vó cá thuyền nào lủi thủi (...)

Xuân đi thu vẫn còn chờ,
Sông ngây ngất sóng trăng ngơ ngẩn tình.
Tiêu Tương thông với Đỗng Tình,
Giang hồ khắp đất một mình ngư ông
(…)

Xứ Hữu Thanh Oai này (...) dân gian thường có câu rằng: “Tháng giêng trồng khoai, tháng hai trồng cà, tháng ba gơ củ từ, tháng tư đi trẩy đậu, tháng năm tháng sáu đoạn chiêm sang mùa, tháng bảy cào cỏ bỏ tro, tháng chín tháng mười xúc thóc đổ bồ, tháng một tháng chạp mưa rét như cắt, bọc gói giầu thuốc, buộc khăn mỏ quạ, lại mò cấy chiêm.” Quanh năm (...) chỉ có tháng tám là thong thả (...)

Một năm được mấy tháng tám em ôi!
Chẳng ăn cũng thiệt chẳng chơi cũng hoài.


Cho nên từ xưa đến nay quãng sông Tó vẫn có tục giăng ca (gọi là hát ghẹo). Bóng trăng hé mắt ngọn sơn đông, tiếng ai như tiếng chuông đồng, thuyền ai lơ lửng bên sông, có lòng hẹn khách hay không hỡi thuyền? Nam nữ đôi bên, mỗi bên ít ra cũng hai ba người hát xướng họa cùng nhau, nữ cất trước nam họa theo sau, các giọng hát ước hơn 36 thứ (...) lời hát thì đại khái như:

Mặt trời mọc thì gánh mạ ra
Mặt trời lặn thì tha trâu về
Có cày có cấy thì được no nê
Uống vốc nước giếng chẳng hề nhớ ai...
(…)

Tôi đã có chép riêng một tập nhan là “Nhuệ Giang thu khúc” – nam nữ hai bên hễ bên nào hát lỗi, hoặc kém giọng, hoặc hết câu hát thì là thua, phải nhượng cho cánh khác thay vào hát, thậm chí có lúc tức khí nhau, đến cả ông già bà lão cũng ra hát hộ, hoặc dạy thầm câu hát. Phú Nhuệ Giang đã có câu rằng:

Cất cánh thuyền bồng, tai nghe mắt trông
Bên trai bên gái, kẻ tây người đông
Tiếng như tiếng sáo, véo von não nùng
Ả đào quan viên, trống hát bung bung
Ông già trẻ con, trên bờ dưới sông.


Câu đó thật là tả vào cảnh chơi trăng sông Nhuệ mà thường những bậc hào hứng nhiều khi vẫn hay treo giải thưởng.


(Trích từ bài ký “Cuộc chơi trăng sông Nhuệ” của Mai Khê, đăng trên tạp chí
Nam Phong số 101, tháng 10-1925, in lại trong Du ký Việt Nam, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, nxb. Trẻ, 2007, tập II. Nhan đề phần trích tạm đặt.)