Dùng đúng chỗ một số từ Hán Việt đã Việt hóa là một chuyện, dùng văn điển Tàu là một chuyện khác. Dùng quá nhiều văn điển nước khác là thói quen cần bỏ đi, chứ không phải cần hô hào phục hồi!

Sở dĩ văn quốc ngữ ở Nam kỳ chưa được hay vào thời điểm Phạm Quỳnh phát biểu ý kiến, thiết tưởng ấy thứ nhất bởi hoàn cảnh sinh hoạt tương đối rời rạc nơi những vùng đất mới không có lợi cho việc trau giồi khả năng sử dụng tiếng Việt. Thứ hai, đã thế, ở Nam kỳ bấy giờ lại chưa phát triển một trung tâm văn hóa lớn nào cả: “Hòn ngọc Viễn Đông” mới chỉ là một chỗ buôn bán tấp nập.

Nói chi mới như miền Nam, ngay ở miền Trung “cũ” hơn đáng kể, hai lý do vừa nêu cũng tồn tại khiến cho đến tận giữa thế kỷ 20 mà văn Phan Du, Nguyễn Văn Xuân, Võ Phiến v.v. vẫn còn kém văn miền Bắc xa.(1)

Sau 1954 văn Trung văn Nam cải tiến nhanh chóng, nhờ người Bắc di cư biến Sài Gòn thành một thứ “Hà Nội mới” tập trung và phát huy những tinh hoa từ nhiều địa phương Trung Nam đổ về.

Người Việt xem thường tiếng Việt? Thì cũng như xưa kia ta quý hóa tiếng Tàu và bây giờ đang quý hóa tiếng Anh!

Dĩ nhiên nào chỉ cái tiếng nói. Hễ cứ thua vật chất là mất tinh thần (khiếp), sẵn sàng bỏ hết văn hóa tinh thần của mình đi để hăm hở rước trọn gói văn hóa tinh thần của người về!

Thời quý Tàu và thời quý Pháp chỉ một thiểu số người Việt Nam rước được văn hóa Tàu văn hóa Pháp. Bây giờ, đông đảo nhân dân Việt Nam dễ dàng rước được văn hóa Mỹ. Mất gốc tới nơi rồi, ta ơi!

(“Diễn biến hòa bình” này dĩ nhiên chẳng hề phân biệt Bắc, Trung, Nam.)

(Thu Tứ)

(1) Huế, “đất Thần kinh”, chỉ là trung tâm hành chính.



Phạm Quỳnh, “Văn quốc ngữ ở Nam kỳ”




Cái tình trạng văn quốc ngữ ở Nam kỳ (...) Chữ quốc ngữ thì đã thông dụng lắm rồi (...) nhưng đến văn quốc ngữ thì xem ra chưa được phát đạt lắm (...) trình độ quốc văn đại để hãy còn kém. Sự kém đó là bởi (...) Thứ nhất là Nam kỳ bỏ Nho học đã lâu, bao nhiêu cái văn điển cũ đã hầu mất hết không còn (...) Còn một cái nhược điểm to hơn nữa, là hiện nay phàm những bậc thượng lưu, những người có học thức, thông giỏi chữ Pháp, phần nhiều khinh rẻ tiếng An Nam (...)


(Trích từ bài ký “Một tháng ở Nam kỳ”, viết năm 1918-1919, đăng trên tạp chí
Nam Phong, in lại trong Du ký Việt Nam, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, nxb. Trẻ, VN, 2007, tập II. Nhan đề phần trích tạm đặt.)