“Làm sao anh lên thiên đường được nếu anh không trở nên trẻ thơ”!

Trẻ thơ khác người lớn ở chỗ chưa có khái niệm. Hễ có khái niệm rồi, thì ta không còn thấy được thực tại như nó là nữa.

Vất khái niệm đi, hóa trẻ thơ đi, là thành ngay Phật!

(Có lẽ ai cũng hóa được, thỉnh thoảng, trong một vài sát-na. Hóa được lâu mới là vấn đề.)
(Thu Tứ)



Nhất Hạnh, “Tu cho hóa trẻ thơ”




Nguyên Hưng chắc còn nhớ những cơn mưa lớn ở miền Nam đất nước ta. Có một lần tôi ngồi ở nhà một người bạn trông thấy một cảnh tượng mà nhìn ngắm mãi không biết chán. Trời mưa lớn. Bên kia đường, đối diện với chỗ tôi đang ngồi là một tiệm bán chạp phô lụp xụp. Trong tiệm treo đầy những guốc, dây thừng, dây kẽm, soong chảo, và bày biện một ngàn thứ lặt vặt khác như nước mắm, đèn cầy, tương, kẹo đậu phụng v.v., vì vậy tiệm tối om. Lại thêm trời mưa to nữa. Tôi thấy một đứa bé chừng sáu tuổi đang ngồi ăn cơm một mình trước cửa tiệm ngay chỗ bậc cửa ra vào, gần sát giọt nước trên mái chảy xuống. Ðứa bé ngồi trên một chiếc đòn thấp. Nó ở trần và chỉ mặc một chiếc quần cụt. Thân hình đứa bé đen nám, có lẽ tại nó hay chạy chơi ngoài nắng quá. Tay trái nâng một bát cơm, tay phải thì cầm đũa. Nó ăn rất chậm, mắt hết ngước nhìn những giọt nước rơi từ mái tôn lại theo dõi những chiếc bong bóng nước trước sân. Tôi ngồi cách nó chừng mười thước, nhưng tôi có thể biết được đứa bé đang ăn cơm với trứng vịt chan nước mắm. Những miếng trứng vịt nhỏ xíu chôn dưới đáy bát. Nó lấy đũa moi lên và ăn từng miếng với cơm một cách dè xẻn. Vừa ăn nó vừa ngắm mưa một cách thích thú vô cùng và cũng bình tĩnh vô cùng. Tôi ngắm nhìn nó và theo dõi nó trong từng cử chỉ từng cái nhìn. Nó có vẻ mạnh khỏe, thân hình trông rắn chắc. Ngắm nó tôi thấy sự an lạc (…) Tôi thấy tim nó đập điều hòa. Phổi nó, dạ dày nó, ruột nó, gan nó, các hạch tiết tuyến của nó làm việc điều hòa. Cái gì cũng thông suốt, cái gì cũng không bị trục trặc. Giả dụ nó bị nhức răng thì mặt mũi nó sẽ nhăn nhó, sẽ khó chịu, nó không thể nào an nhiên hạnh phúc như thế kia được. Tôi ngắm nó như ngắm một sự toàn bích, như ngắm một bông hoa, như ngắm một cảnh bình minh. Và tôi chợt thấy chân như và niết-bàn hiển hiện. Tôi bị thâu hút vào hình bóng đó và an nhiên trầm tĩnh ngắm nhìn đứa bé như biểu hiệu của pháp thân, của niết-bàn, của sự an lạc. Tôi đọc thấy sự an lạc ấy nơi mỗi cái nhìn, mỗi cái và cơm, mỗi cái ngước mắt. Tôi biết chắc rằng lúc đó nó không có ý thức phân biệt rằng nó thuộc về giai cấp nghèo, nó không thấy cái quần cụt đen đúa của nó là xấu xí so với quần áo sang trọng của những đứa trẻ khác (…) Nó không phân biệt, nó không tủi thân, nó không ham muốn. Mà nó sung sướng hoàn toàn, an lạc hoàn toàn. Chỉ nhìn nó, tôi cũng thấy an lạc tràn ngập (…) Lúc đó có mấy cái bóng đi qua đường, mầu tím mầu đỏ. Tôi thấy nó ngước nhìn lên một chút - tôi theo dõi nó rất tỷ mỷ, - rồi lại đưa mắt trở về đám bọt nước trước sân, miệng vẫn nhai và cái đầu gục gặc có vẻ thích chí lắm. Tôi biết nó không mảy may chú ý đến những người vừa đi qua đường mà tôi biết chắc là hai người thiếu nữ mang dù (…) (chỉ) vì những cái màu đó, những cái màu chói lọi đó, mà nó ngước lên mà thôi. Mặt nó không lộ một tí thay đổi nào khi nhìn lên. Bỗng tôi thấy nó đưa mắt về phía đầu đường và miệng nó nở một nụ cười rạng rỡ. Nó hoàn toàn bị thu hút bởi cái cảnh tượng đầu đường. Thấy rõ sự sung sướng cực độ biểu lộ trên mặt nó, tôi cũng nhìn về phía đầu đường. Tôi thấy hai đứa trẻ đẩy một chiếc xe mây có bốn cái bánh gỗ đi lại, trên xe có em bé ngồi. Tất cả đều ở truồng. Và cả ba đều nô đùa thích thú trong mưa. Những chiếc bánh xe gỗ lăn mau, thỉnh thoảng gặp những vũng nước trên đường bắn tung toé ra hai bên. Tôi nhìn trở lại đứa bé đang ăn cơm. Nó ngừng ăn hẳn để theo dõi trò chơi của ba đứa trẻ ngoài đường. Hai mắt sáng như sao. Tôi không biết hai mắt tôi lúc đó có phản chiếu đôi mắt nó không, nhưng có một điều tôi biết rõ là lúc đó tôi cũng sung sướng cực kỳ. Có thể là không sung sướng bằng nó, cũng có thể là tôi sung sướng hơn nó, hơn ở chỗ tôi biết sung sướng.

Bỗng tôi nghe nó dạ một tiếng và ôm bát đũa vào nhà. Có lẽ cha mẹ nó gọi vào để bảo nó xới thơm một bát cơm nữa. Hồi lâu tôi không thấy nó trở ra. Có thể nó trở vào ngồi ăn chung với bố mẹ nó. Cũng có thể nó bị mắng là ăn một chén cơm lâu quá không xong chỉ lo ngồi chơi ở ngoài ngưỡng cửa. Nhưng mà bị mắng như thế thì tội nghiệp quá. Người ta không biết được rằng nó vừa sống ở thiên đường, ở niết-bàn, ở chân như. Người ta không biết được rằng những phân biệt, những mừng tủi, những toan tính giết chết thiên đường. Xin đừng la mắng ánh sáng, đừng la mắng suối trong, đừng la mắng những con chim mùa xuân bé nhỏ.

Làm sao anh lên thiên đường được nếu anh không trở nên trẻ thơ. Làm sao anh thấy được chân như bằng con mắt phân tích và nhận thức khái niệm đầy dẫy phân biệt (…)


(Trích
Nẻo về của ý. Nhan đề phần trích tạm đặt.)