Nghèo mà chị em, anh em quấn quít nhau, chị nhường em, anh nhường em từng miếng ăn kiếm vất vả, nghèo thế tuy khổ vẫn ấm áp lòng.

Nhưng lòng ấm nhờ tình cảm cao quý không thể giữ người khỏi chết đói. Cho nên mới xảy ra chuyện người phải đi làm “mọi” cho người. Nhớ
Tắt đèn của Ngô Tất Tố...

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Vỡ bờ (6)



Ra khỏi hai cánh cổng lim dày nẹp sắt, Xoan như con chim sổ lồng. Ði xa thêm được mỗi bước, lòng nó lại vợi thêm được một ít. Mặt Xoan đã tươi dần, mắt sáng long lanh, đôi má hồng lên, và cái sức hy vọng của tuổi trẻ lại làm cho trong lòng nó dần dần có cái gì ca hát, nhảy nhót.

Hai bên đường, gió thu thổi nghiêng ngả những đợt lúa lao xao đang bắt đầu rỗ. Những bông lúa non chen nhau nghển lên, lắc lư và rì rào bảo nhau: kìa cô Xoan, cô Xoan đang về thăm nhà. Trên trời xanh, những đám mây trắng bông đang bay nhanh cũng gọi nhau cúi xuống: cô Xoan hôm nay được về nhà! Xoan cắp nón đi như không thấy hai chân bước trên mặt đất. Quanh năm suốt tháng, đời nó chỉ quanh quẩn trong cái sân gạch, cái nhà bếp, không mấy khi được nhìn thấy gì ở bên ngoài bốn bức tường, và từ đi đứng, cười nói, cũng không được theo ý muốn của mình. Bây giờ nó muốn đi lối nào cũng được, muốn cười, nhảy, hát cũng không ai cấm đoán được nữa! Sau lưng nó mỗi lúc một lùi xa những người lúc nào cũng chỉ sai bảo, mắng chửi, đánh đập nó, coi nó không bằng con chó béc-giê. Nó lại sắp trở lại là cái Xoan được mẹ nó thương yêu, được các em nó quấn quít không muốn rời. Ðôi bàn chân vẫn như bay trên con đường mấp mô, đẩy nhanh về đằng sau những nỗi ghê sợ và tủi nhục.

Qua chợ Gành, Xoan đong mấy lon gạo đổ vào cái bị và mua xu kẹo vừng cho cái Huệ và thằng cu Bầu. Khỏi cây đa chùa Gành, rẽ xuống con đường đất đỏ về làng Táo, đã thấy con sông Lương chảy ngoài xa, thấp thoáng sau những rặng nhãn. Dưới bóng cây, đằng trước Xoan, hai đứa bé gái cặp tóc, mặc quần đùi, tay cắp vở, tay cầm lọ mực, vừa đi nhẩn nha vừa nói chuyện với nhau. Chúng nó xuống trường tiểu học dưới làng Táo.

Xoan đi nhanh lên đến cạnh hai đứa bé và cười hỏi:

- Các em đi chậm thế, không sợ thầy giáo đánh à?

Thấy người hỏi, hai đứa bé cùng nghếch nhìn lên, rồi chúng nó nhìn nhau tủm tỉm. Xoan làm ra vẻ nghiêm nghị nói:

- Em này hai cái má lúm đồng tiền thế này là hay cười lắm có đúng không? Còn em này thì hai cái chân sáo hay nhảy lắm này.

Hai đứa bé khúc khích với nhau, như cố nhịn để khỏi buột ra cười to. Xoan hỏi “hai cái má lúm đồng tiền”:

- Tên em là gì?

Ðứa bé gái quay mặt đi cười.

- Không biết.

- Sao lại không biết. Em nói dối chị rồi nhé. Thế còn em này tên là gì?

“Hai cái chân sáo” bạo hơn trả lời:

- Tên là Thêu.

Hai đứa bé bỗng cùng cười to lên, rồi như hai con chim bay vù, chúng nó cùng ùa chạy mất. Ðược mấy chục bước, “hai cái chân sáo” quay lại gào to:

- Tên nó là cái Hiền đấy!

Hai cái bóng nhỏ chạy khuất trong những rặng nhãn um tùm.

*

Về đến nhà chỉ thấy con Vàng xổ ra cắn, Xoan vừa lấy nón xua con chó vừa gọi to:

- Huệ ơi! Cái Huệ đâu rồi!

Con chó vẫn nhe nanh vừa sùa vừa nhảy chồm chung quanh. Xoan thét:

- Vàng! Con Vàng hay nhỉ!

Nghe thét tên nó, con chó ngừng sủa nhưng vẫn gầm gừ. Xoan lại gọi ra mé bờ sông.

- Ơ Huệ... Huệ... ơ... ơ...i.

Xoan bê cái liếp che cửa sang một bên và bước vào trong túp lều. Trên kiềng bếp, siêu nước vối nguội tanh. Cái chõng tre ở sát vách vẫn trải mảnh chiếu rách. Rơm vãi đầy nhà. Xoan lẩm bẩm:

- Cái Huệ hư quá, để nhà cửa bẩn thỉu thế này bao giờ.

Xoan tìm cái chổi quét dọn. Ðang lúi húi thì nghe tiếng hai đứa líu lo về, Xoan ngừng tay. Tiếng cái Huệ gọi mừng quýnh từ ngoài ngõ:

- Chị Xoan đấy phải không?

Con chó Vàng đã vẫy đuôi chạy biến ra đón chủ. Cái Huệ lôi thằng Bầu sềnh sệch ở đằng sau, chạy vào cuống quít:

- Chị về bao giờ đấy?

Thằng cu loi choi kéo vạt áo Xoan và bập bẹ:

- Chị, chị Xoang về...

Xoan cúi xuống bế em lên và phì cười:

- Ối giời, em tôi sao lại có râu thế này? Cái Huệ hư lắm nhá. Mày chỉ mải chơi để em lấm thế đấy.

Xoan bế em ra vại nước, rửa mặt rửa chân tay cho nó, rồi xốc nó vao nhà, đặt ngồi lên cái chõng:

- Bầu ngồi ngoan, ăn kẹo nào.

Cái Huệ thèm kẹo, nhưng vẫn sợ chị mắng, đứng phụng phịu bên cạnh cửa. Xoan thương hại gọi:

- Huệ vào đây, chị cho kẹo. U đâu hả em?

Cái Huệ thấy chị không giận nữa thì tươi lên, sà vào lòng chị.

- U đi bán cua ngoài đầu cầu rồi.

- Thế anh Ca đâu?

- Anh Ca đi kéo tôm với anh Mầm.

- Chết thật u còn ốm kia mà!

Cái Huệ ngẩng lên:

- U cứ bảo u khỏi rồi, đi được.

- Thôi, để chị đi thổi cơm, Huệ ở nhà dóm bếp đặt nồi nước, chị ra sông vo gạo, rửa rau nhé.

Xoan ra sau nhà hái mấy mớ rau muống, rồi đổ mấy bát gạo trong cái bị ra cái rá, cắp ra bờ sông. Qua bãi cỏ lau, xuống một bờ cát phẳng và kín đáo, Xoan lội xuống nước, cúi lom khom vo gạo. Mấy con cá đuôi cờ óng ánh lượn quanh, đớp những hạt tấm nhỏ. Ðàn cá con dạn quá, chúng nó vẫy đuôi tranh nhau ăn, có con rỉa cả vào tay Xoan. Lòng Xoan vẫn có cái gì rộn rực, vui vui. Khi về, đi qua ngõ vào nhà Mầm, Xoan bỗng đứng lại, rồi rẽ vào cái lối đi nhỏ giữa hai bờ dâu. Túp nhà gianh của Mầm khép hờ một tấm liếp. Nhà vắng tanh. Xoan hồi hộp mở tấm liếp vào gian lều trống trải. Mé trạn bếp ở góc nhà, gác những vó, lờ và những đồ làm tôm cá, khói hun đã đen lại. Một niêu cơm nguội còn bỏ cạnh bếp. Bên chõng, gác một cái điếu cày, trên chõng còn một bát nước vối uống dở. Tội nghiệp anh Mầm ở đây quanh năm thui thủi không cha mẹ anh em. Nghĩ thế lòng Xoan lại nôn nao. Xoan trở ra, khép lại liếp rồi ù té về nhà.

*

Bữa cơm tối hôm ấy, gian nhà bác Mùi rộn hẳn lên. Lũ trẻ mắt mở to hau háu, mũi phập phồng ngửi mùi cơm. Chúng nó đã quen chỉ được mỗi ngày một lưng cơm nguội và húp cháo từ hơn tháng nay rồi. Cho nên bữa ấy thức ăn chỉ có mớ rau muống chấm nước cáy và mấy con tôm riu kho muối mặn chát nhưng cả nhà ăn xì xụp như bữa tiệc. Bên bếp lửa, hai má Xoan đỏ ửng. Ăn hết có hơn lưng bát, nhìn nồi cơm đã gần thấy đáy, thằng Ca nhoài ra với rổ khoai luộc còn nghi ngút bốc hơi. Nó vỗ bụng đen đét:

- Ái chà, còn lép kẹp chưa nước non gì, phải thêm vài chú lợn con này mới được.

Cái Huệ cũng nhỏm lên, khua đũa:

- Anh Ca phải để phần em củ to kia kìa, không được ăn của em đấy.

Xoan bảo:

- Ca ăn cơm nữa đi.

Chú bé lắc đầu:

- Thôi để cho cái Huệ nó ăn nốt, em no rồi.

Ngoài sân có bó đuốc lập lòe. Mầm cắp cái vó, bước tới ngưỡng cửa. Anh mặc mỗi cái quần đùi và một cái áo cánh rách. Nom thấy Xoan, Mầm vui vẻ:

- Cô Xoan về bao giờ thế?

Những tàn đuốc rơi đỏ lập lòe dưới chân. Mầm hỏi tiếp:

- Tối nay chú Ca có đi cất vó đêm với anh không?

- Ði chứ, anh đợi em một tí.

Ca đã ăn xong, buộc cái giỏ vào sau đít, vớ cái vó ở góc nhà, đi ra sân. Bác Mùi gái nói với Mầm.

- Anh hẵng vào uống bát nước đã.

Xoan đẩy một cây củi vào bếp cho cháy to lên và nhìn nhanh ra, gặp mắt Mầm, hai người cùng vội quay đi. Mầm trả lời bác Mùi:

- Thôi ạ, con vừa uống nước bên nhà.

Ca đã đốt một bó đuốc và giục:

- Ta đi thôi anh đi.

Mầm cười nói nốt với bác Mùi:

- Chú Ca xem nước còn tinh hơn con đấy, bác ạ. Chú ấy cất nhanh tay lắm. Chỉ phải cái còn sợ ma một tí thôi.

Hai anh em ra ngoài ngõ. Tiếng Ca nói gì lanh lảnh vẳng lại. Xoan nhìn theo ánh đuốc đã xa lên mé đê. Tội nghiệp, đêm hôm thế mà hai anh em còn đi!

Tới khuya, hai mẹ con còn ngồi bên bếp. Thằng cu Bầu đã ngáy trong lòng Xoan. Cái Huệ ngoan ngoãn lên chõng nằm một mình ngủ trước. Hơi bếp ấm tỏa lên, Xoan lim dim mắt ngồi bên mẹ, tưởng chừng không còn mong ước gì khác nữa, chỉ cần nó cứ được ở nhà, bên mẹ nó và các em nó như thế này. Bác Mùi hỏi con:

- Mày ở đằng ấy, hồi này thế nào con?

Xoan muốn kể cho mẹ câu chuyện thằng Tường giở trò khốn nạn tối hôm nọ. Nhưng nó xấu hổ quá, lại sợ mẹ nó thêm lo mà cũng chẳng được ích gì. Nó nén đi.

- Cũng vẫn thế thôi, u ạ.

Bác Mùi cũng đoán hiểu thế thôi nghĩa là con bé vẫn bị hành hạ thế. Trước kia, mỗi lần được về nhà cái Xoan lại khóc lóc chìa cho bác xem những vết sẹo, những chỗ da thịt thâm tím vì bị đòn. Nhưng từ khi lớn lên, nó không kể những chuyện ấy nữa, và lần nào mẹ hỏi, nó cũng chỉ đáp: vẫn thế thôi. Bác Mùi gái thở dài nói:

- Xoan ạ, u định cho em Ca nó ra ở với bà Bát ở cầu Lương đấy, con nghĩ thế nào?

- Con mụ điếc ấy à?

- Mẹ mày, sao lại gọi người ta là con mụ. Bà ấy bảo cho Ca nó ra làm thì mỗi tháng bà ấy giả công cho hai hào rưỡi.

Con mụ điếc chủ hàng cơm ở phố cầu Lương, hay chửi người ở và lẳng lơ có tiếng. Xoan chả muốn cho thằng Ca ở đấy tí nào!

Như đoán được ý nghĩ của Xoan, bác Mùi nói khẽ:

- Họ đối tốt thì ở, không thì u lại cho em nó về. Nó làm đấy cũng gần nhà con ạ. Mà cũng thêm được tí đỉnh, đỡ cho u. Nhờ giời cho bình an, u chịu khó dành dụm một hai năm thì cũng giả được món nợ chuộc mày về.

Xoan bây giờ mới hiểu vì sao u tính toán cho thằng Ca đi làm. Nhưng u nó chỉ tính quẩn thôi, Xoan biết nhà lão Nghị không muốn buông tha nó ra. Biết bao giờ u nó dành dụm nổi hai chục đồng bạc như đã viết trong văn tự nợ. Nó còn phải ở trong chốn hang hùm nọc rắn ấy đến suốt đời! Nỗi uất ức lại cuộn lên, bao nhiêu nỗi khổ của Xoan lại dồn dập đến làm cho nó nghẹn ngào muốn khóc. Nó không muốn nhịn nữa, nó muốn kêu ầm lên, khóc to lên, lăn lóc. Nhưng nó vẫn ngồi đó, miệng mím chặt, một vẻ gan góc hiện lên ở khắp nét mặt.

Hai mẹ con đi ngủ. Gió bên ngoài thổi trên những bụi lau ào ào. Trời đã hơi lạnh. Xoan đắp chiếu nằm bên cạnh mẹ, tưởng chừng như nó đã bé lại bao nhiêu năm. Tội nghiệp hai anh em lúc này còn đang lặn lội đi cất vó đêm. Nghĩ đến anh Mầm, Xoan tiếc sao không giữ anh ấy lại chơi buổi tối nói chuyện. Mai nó lại phải về nhà chủ, hàng mấy tháng có muốn gặp Mầm cũng không được. Giá lúc tối, nó cứ nèo anh Mầm ở chơi, thì thế nào anh cũng ngồi lại ngay. Xoan biết thế. Nhưng nói thế thì xấu hổ chết. Xoan lại cảm thấy mình đỏ mặt lên.

Gió vẫn thổi mỗi lúc như một mạnh hơn trong đêm tối. Cái Huệ và thằng cu Bầu vẫn ngủ say. Trong óc Xoan lại nảy ra những mơ ước miên man. Mấy năm nữa, nó sẽ thoát khỏi cái nhà ghê gớm ấy. Nó sẽ về ở nhà, đỡ đần cho u nó, trông nom các em nó. Còn anh Mầm, với nó sẽ thế nào? Nghĩ đến đấy, Xoan xấu hổ với mình và cười rúc rích, ôm choàng lấy lưng mẹ. Bác Mùi mắng yêu:

- Cái con bé này! Cái chân mày gác lên u nặng quá rồi đấy!


(Lược trích
Vỡ bờ, quyển I)