Hòa ước nào cũng phản ánh tương quan lực lượng giữa các bên vào lúc ký.

Dĩ nhiên ta không thể vĩnh viễn chấp nhận cái gọi là Hiệp định Sơ bộ. Pháp chắc chắn cũng không hài lòng về một số điều khoản. Lực lượng đôi bên so sánh thế nào mà xẩy ra nhân nhượng qua lại như thế?

Về hỏa lực, Pháp mạnh hơn Việt không biết bao nhiêu: ta chỉ có một ít súng nhỏ với rất ít đạn, khi bắn hết không biết lấy đâu ra nữa mà bắn! Nhưng ta có đông đảo nhân dân được động viên tinh thần tối đa và tổ chức thành những đội ngũ sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc.

Việc quân Tưởng dùng dằng, nấn ná ở lại mặc dầu Tưởng đã thỏa thuận rút, cũng góp phần khiến Pháp phải mềm. Lãnh đạo chính phủ ta đã khéo léo lợi dụng mâu thuẫn quyền lợi giữa hai thằng giặc để đạt được “nhiều nhất có thể” cho đất nước trong tình thế cực kỳ khó khăn.

Giặc Pháp phen này gặp một đối thủ vừa hoàn toàn kiên quyết trong mục đích vừa linh động lợi hại lạ thường về phương tiện.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946”



Ngày mồng 6 tháng 3 năm 1946.

Sáng sớm, hạm đội Pháp từ vịnh Bắc bộ bắt đầu tiến vào cảng Hải Phòng. Tám giờ 30, chiếc tàu đổ bộ đầu tiên của chúng xuất hiện trên sông Cửa Cấm (...)

Trước mắt, vẫn là bế tắc lớn: Ta kiên quyết gạt bỏ chữ “tự trị” do Pháp đưa ra; nhưng độc lập còn là một điều mà chính phủ Pháp chưa chịu chấp nhận.

Hồ Chủ tịch thấy đã đến lúc cần đi đến một quyết định. Sau khi hội ý với Thường vụ, Người đưa ra cách giải quyết: “Nước Pháp công nhận nước Việt Nam là một quốc gia tự do...”.

Phái bộ Pháp ưng thuận.

Thế là trong tình hình hết sức rối ren, phức tạp lúc bấy giờ, cuộc đàm phán giữa ta và Pháp đã đạt được một Hiệp định Sơ bộ. Đây là bản hiệp định quốc tế đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký với một nước ngoài.

Lễ ký kết được cử hành vào lúc 4 giờ chiều tại ngôi nhà số 38 phố Lý Thái Tổ.

Những người thay mặt cho nước Pháp, những người đứng đầu bộ tư lệnh quân đội Tưởng ở bắc Đông Dương, đại diện phái bộ Mỹ, lãnh sự Anh lục tục kéo đến ngôi biệt thự ở cách Bắc bộ phủ một khu vườn hoa (...)

Chủ khách đều đứng chung quanh một chiếc bàn lớn.

Có đủ mặt tại đây, những người thuộc tất cả những cường quốc của thế giới tư bản sau Đại chiến thứ Hai. Hình dáng một cụ già mảnh khảnh, mặc bộ ka-ki đã phai màu, đi đôi giày vải chàm, nổi bật lên giữa đám người to béo, sang trọng, số đông là quân nhân. Một hình ảnh thu gọn: nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giữa vòng vây trùng điệp của chủ nghĩa đế quốc.

Anh Hoàng Minh Giám lần lượt đọc to bản Hiệp định Sơ bộ và bản phụ khoản:

Nội dung tóm tắt như sau:

- Nước Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một nước tự do, có chính phủ, có nghị viện, có quân đội, tài chính của mình, ở trong Liên bang Đông Dương và khối Liên hiệp Pháp.

- Chính phủ Pháp cam đoan sẽ thừa nhận những kết quả của cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề thống nhất ba kỳ.

- Nước Việt Nam thuận để 15.000 quân Pháp vào miền Bắc làm nhiệm vụ thay thế quân đội Trung Hoa. Số quân Pháp này sẽ phải rút hết sau một thời gian được quy định.

- Hai bên đình chiến để mở một cuộc đàm phán chính thức. Trong khi đàm phán, quân hai bên ở đâu vẫn cứ đóng đấy.

(...)

Lễ ký kết đã xong.

Đại diện nước Pháp nâng cốc chúc mừng Hồ Chủ tịch, ngỏ ý vui mừng vì đã đẩy lùi được bóng ma của một cuộc xung đột vũ trang. Bằng một giọng điềm đạm mà kiên quyết, Người nói: “Chúng tôi không thỏa mãn vì chưa giành được độc lập hoàn toàn, nhưng rồi chúng tôi sẽ giành được” (...) Người đã nói cho đối phương biết là cuộc chiến đấu của chúng ta sẽ tiếp tục cho đến thắng lợi cuối cùng.


(Trong hồi ký
Những năm tháng không thể nào quên, bắt đầu viết từ mùa xuân năm 1970, viết xong vào mùa xuân 1972, in lần đầu năm 1974, in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006. Lược trích tr. 236-238, nhan đề tạm đặt.)