Đỗ Đình Tuân, “Hương vị làng quê” (4)



Làm hàng quà làng tôi còn có gia đình ông Vi (...) Nhà ông Vi chuyên gói các loại bánh tẻ, bánh mật, bánh khoai. Các loại bánh này trong ruột thì khác nhau nhưng bên ngoài thì cứ ngỡ như cùng một loại bánh. Bởi ông bà ấy toàn lấy lòng bàn tay trái làm khuôn, lót lá, đổ bột vào, gấp hai bên tả hữu lại, gấp hai đầu rồi lấy lạt buộc. Bánh gói xong mới đem luộc chín rồi đem đi chợ bán. Làng tôi thường gọi các loại bánh ấy bằng một cái tên chung là “bánh gù”. Vì trông nó có cái lưng gù gù, dấu tích của cái lòng bàn tay vũm lại làm khuôn.Thỉnh thoảng chúng tôi cũng mua bánh gù nhà ông Vi. Bánh tẻ ăn chẳng khác gì ăn bột đặc. Khác chăng là có thêm mấy cái mộc nhĩ giòn giòn và một tí vị mỡ lợn ngầy ngậy. Bánh khoai ăn sậm sật hơn nhưng cũng chẳng khác mấy với ăn khoai sọ luộc. Bánh mật ăn cũng giống như ăn chè bột đường. Nhưng tôi ưa của ngọt nên tôi thích ăn bánh mật hơn cả (...)

Bắt đầu gặt mùa thì vụ rươi cũng đến. Thỉnh thoảng lại thấy người gánh rươi đi qua làng “Ai mua rươi không?”. Rươi ngày đó nhiều và cũng rẻ. Làng tôi hầu như nhà nào cũng mua dăm ba bát. Rươi thường được người làng tôi chế biến làm ba món chính: rươi kho, canh rươi và chả rươi. Rươi kho thì bỏ rươi trực tiếp vào nồi tra thêm mắm muối mỡ lợn vào rồi đem nấu chín. Đây là món đoảng vị nhất. Đã không ngon mà ăn vào bụng dạ còn rất hay sậm soẹt.



ảnh khuyết danh

Món canh rươi hấp dẫn hơn. Canh rươi nhất thiết phải có măng, có khế. Gia vị thêm là vỏ quýt, lá lốt và ớt tươi. Nhưng trời đất hình như cũng tính trước cả rồi. Cứ đến vụ rươi là tre làng cũng đâm một lớp măng. Lớp măng ấy làng tôi cũng gọi là “măng rươi”. Những cây khế chua ở trong làng cũng đung đưa một lớp quả. Quả khế hãy còn xanh, chưa đẫy nên trông còn dúm dó. Có lẽ vì thế chăng mà người làng tôi gọi nó bằng một cái tên rất tục “quả l. treo”. Cứ có rươi là y như chúng tôi phải ra bờ tre nhòm nhòm ngó ngó để bẻ măng. Măng về đem bóc vỏ, thái mỏng luộc trần đi một lượt cho bớt đắng. Rồi lại phải đi xin “quả l. treo” về, gọt sơ mép múi, thái ngang thành những lát trông giống như những con sao biển, dày độ vài li... Tất cả cho vào nồi nước đem nấu chín. Bát canh rươi trông thứ nào ra thứ ấy: măng ra măng, rươi ra rươi, mà khế cũng ra khế. Chả thứ nào lẫn lộn và gắn bó với thứ nào. Nước canh rươi lờ lờ khói đục nhưng là thứ đục rất trong, rất thuần khiết bởi không có vẩn. Có lẽ, cái vị chua của khế đã làm nó lắng cặn cả đi chăng? Cái vị ngon của canh rươi được tạo ra bởi tổng hợp cái mềm ngọt của rươi, cái ngăm ngăm giòn giòn của măng, cái dai dai chua chua của khế và cái cay, cái thơm của các gia vị.



ảnh khuyết danh

Nhưng điếc mũi nhất là món chả rươi. Rươi, trứng gà, thịt ba chỉ, vỏ quýt, lá lốt, nước mắm ngon... tất cả đều thái nhỏ đánh tơi và trộn đều vào nhau thành một thứ keo đặc. Đổ thứ keo đặc này vào chảo mỡ lợn đang đun nóng ở trên bếp, chỉ vài giây sau là mùi thơm sẽ bốc lên ngay. Mùi thơm chả rươi của nhà này bay sang nhà kia để khoe. Mùi thơm chả rươi của nhà kia lại bay sang nhà này khoe đáp lễ. Cứ thế chúng đi khắp hang cùng ngõ hẻm để làm thơm váng mũi người. Nhưng rồi rươi cứ hiếm dần. Đầu tiên món rươi kho bị loại. Đến lượt canh rươi cũng ra khỏi thực đơn của người làng tôi. Hàng năm vụ rươi đến người ta chỉ cố mua lấy một vài lạng rán đĩa chả rươi ăn cho đỡ nhớ. Bây giờ thì ở xứ rươi người ta đã phải đi nhặt từng con một. Giá một cân rươi đã lên đến ba bốn trăm nghìn đồng. Chả rươi chỉ còn là một món ăn nếm của các bậc đại gia!


(Lược trích “Lan man chuyện làng tôi” của Đỗ Đình Tuân đăng trên trang
chimviet.free.fr)