Người Thổ bây giờ gọi người Tày. Còn người Mán tức là người Dao. Người Tày coi như thôi tục ở rể rồi, người Dao hình như cũng sắp thôi. Nguyễn Văn Bân cho vì “ăn rêu đá dưới đáy sông” nên cá trên ấy “vị thanh đạm”. Thực ra vì sao nhỉ? (TT)



Nguyễn Văn Bân, “Phong thổ tỉnh Tuyên Quang”




Sông Lô từ tỉnh Vân Nam chảy vào Hà Giang (...) Sông Gâm từ trên Bảo Lạc chảy về châu Chiêm Hóa đến hạt Yên Sơn, hợp vào sông Lô. Sông Chảy từ tỉnh Yên Bái về phủ Yên Bình đến phủ Đoan Hùng, hợp vào sông Lô. Sông Đáy từ tỉnh Thái Nguyên sang châu Sơn Dương hợp vào sông Lô (...) Bốn con sông này hai bên bờ toàn những núi cả (...)

Ngòi Quẳng thuộc châu Chiêm Hóa, chảy ra sông Gâm, dưới đáy ngòi toàn những đá; cuối thu sang đông trở đi, nước ngòi xanh ngắt, dân ở đấy lấy phên nứa chắn ngang ngòi ngăn nước lại, mở một chỗ cạnh bờ ngòi cho nước chảy, rồi đan đó vuông bằng gian nhà, đơm vào cửa ấy, cá theo nước chạy vào đó cả, mỗi ngày được vài gánh cá (...)



Sông Gâm - ảnh khuyết danh

Khí hậu thì mùa hạ, mùa thu, gió bể bị rừng núi ngăn trở, nhiệt độ nóng hơn trung châu; mùa đông mùa xuân, sáng dậy sương móc mù mịt, đến trưa mới tan, khí lạnh quá hơn trung châu; mùa hạ mùa thu mưa lớn, các ngòi suối chảy cả xuống sông Lô, sông Chảy, sông Gâm, sông Đáy, sông nhỏ chảy không kịp, thường ngập mất cả lúa má, nhưng chỉ hai ba ngày nước lại xuống ngay; mùa đông mùa xuân, nước xuống lòng sông, không lấy nước cày cấy được; cũng có chỗ lấy nước ngòi cấy chiêm, nhưng không được mấy.

Phong tục thì dân Thổ thực thà, không hay kiện tụng, hễ quan không sinh sự thì dân cả năm không đến cửa quan; tính lười cày cuốc, chỉ làm một buổi sáng, buổi chiều nghỉ ngơi hoặc đem súng nỏ đi săn bắn; thóc gạo không đủ ăn, thì vào rừng lấy lâm sản đem bán mua ăn, hễ kiếm được no thì thôi, không lo tích trữ làm gì, vì thế dân nghèo, nhưng cũng không đói; có cái lợi mục súc, động có việc gì, đem con trâu bán là có tiền (...) Cai trị dân này phải nên khoan dung, ngộ có công việc, cần đến dân lực, phải lấy lời ngọt dỗ bảo, thì họ vui lòng làm được việc; nếu lấy oai quát mắng, thì ỳ ra đấy, không được việc, vì dân Thổ ưa tô mà ghét sẵng.



Người Tày - ảnh khuyết danh

Việc giá thú thì lúc nào cho mối đi giạm, nhà gái thường hẹn cho ở rể năm năm, hoặc mười năm, hai mươi năm, có y ước mới gả; hoặc nhà gái không có con trai, thường hẹn cho rể ở mãi, gọi là rể đời, rồi cho làm thừa tự; gián hoặc rể nghèo, đồ sính nghi không đủ, lại không muốn ở rể, thì nhà gái cũng cho cưới, nhưng bắt rể phải ở lại ba năm làm lụng rồi mới cho vợ chồng cùng về (...) Việc giá thú phần nhiều là nhà gái cưới rể, còn nhà trai đón dâu thì có ít (...) Tế lễ thời các xã thôn đều có đình làm bằng tre gỗ, lợp bằng cỏ gianh, qui mô nhỏ hẹp, nghi tiết giản lược (...)

Phục sức thì thường mặc áo vải xanh (chàm), đàn bà con gái hay lấy vòng bạc đeo cổ, đeo tai và hai cổ tay; con trai tráng hạng cũng thường lấy vòng bạc, vòng đồng đeo cổ tay. Ngôn ngữ thì nói tiếng Thổ cả (...) Nhà ở thì hay làm cạnh núi, lấy tre gỗ làm gác, lấy lá cọ lợp; người ở trên gác, dưới nuôi trâu lợn (...) Gánh nước thì lấy hai ống hoặc bốn ống tre lớn làm thùng để quẩy. Đi đường thì đem gạo đi, đến bữa lấy vài ống nứa tre cho gạo vào nấu cơm, và luộc rau, ăn xong lấy tay vốc nước suối uống (...) Răng để trắng (...)



Người Dao - ảnh khuyết danh

Dân Mán cũng thực thà (...) Đàn bà con gái hoặc lấy mảnh gỗ vuông bọc vải bên ngoài làm mũ đội, hoặc búi tóc đằng trán, hoặc lấy sơn sơn tóc; thường đeo vòng bạc, khuy áo bạc làm từng mảnh như bán nguyệt, cửa vát áo khâu liền đến hơn 10 mảnh khuy bạc, vòng và khuy mỗi người sắm đến ước vài hốt bạc; ấy là áo cưới đấy thôi, còn áo thường họ dùng vải xanh cả. Hôn lễ thời rể phải ở nhà gái năm năm hoặc bốn năm (...) Tế lễ thời mỗi động có một cái miếu, làm chỉ một gian, bằng tre, lợp bằng gianh, để thờ sơn thần và thành hoàng, cứ xuân thu hai kỳ cúng tế (...) Dân Mán không ở luôn một chỗ (...)



Cá anh vũ - ảnh khuyết danh

Sản vật (...) Loài cá (...) vị thanh đạm không được ngon như cá trung châu; duy cá anh vũ ở sông Gâm thì quý lắm; tôm, trai, sò, ốc, không thấy có (...)

Danh lam thắng tích, thì tả ngạn sông Lô có đền núi Giùm, thờ vị Đệ Nhị thần mẫu, bên hữu ngạn có đền Tam Cờ, thờ vị Hiệp Thuận thần mẫu; cư dân thường gọi là đền Thượng, đền Hạ (...) Tôi từng rủ quan huyện sở tại, ngày Trùng cửu lên chơi núi Giùm, có vài bài thơ phụ lục (...)

(...) Nước trắng một dòng sông quấn núi,
Non xanh bốn mặt đá chen cây (...)


Chùa Hang ở hữu ngạn sông Lô thuộc xã Thúc Thủy, huyện Yên Sơn, núi đá chót vót, động ở trong núi, thăm thẳm cao đến mười trượng, trên có một chỗ thông thiên, bên tả lại có cửa hang, do cửa hang ấy ra vin cây và đá thì trèo lên ngọn núi được. Dân sở tại lấy động làm chùa, đẽo đá tô tượng (...) không có sư mô trụ trì (...) nhưng coi đỉnh chùa núi biếc trước mặt sông trong, thắng cảnh như vẽ (...)

Động Thiện Kế ở xã Thiện Kế, châu Sơn Dương (...) ở giữa núi, hai cửa hang thực to, mỗi cửa rộng độ vài mươi trượng, cư dân nhân đó một bên làm đình, một bên làm chùa, không phải xây đắp gì (...) Năm 1917 (...) tôi đi tuần hành hạt ấy (...) có lên núi xem động. Động sâu và tối, không biết đến đâu là cùng; người sở tại nói lấy đuốc soi thì đi được, ước chừng bốn năm mươi bước thì có suối nóng mà trong, lại có chỗ thông thiên, ánh trời sáng chiếu vào, xem thấy những kỳ hình quái trạng trong ấy; biết vậy, nhưng ngày đã chiều hôm, không dám đi (...)

Suối Ôn Tuyền ở xã Nhân Giả huyện Yên Sơn, ở cạnh con đường đi phủ Yên Bình, chỗ cột ki-lô-mét thứ 15. Suối như hình con cá, đầu hơi tròn như cái giếng, đuôi dài và hẹp, bùn suối như tro ướt, nước suối như nước hâm, miệng suối có khói trắng bay ra, khí nóng trong suối xông ra, như mùi than khét; giáp suối lại có cái suối chảy ngành qua trước cửa, nước trong và lạnh, cho hai suối hợp khâm, thử vén áo quần đứng xem, thấy một bên nóng, một bên lạnh, thực là kỳ dị (...) Nước suối đã nóng, mà bùn suối thì nhiệt độ lại hơn nhiều (...)


(Trích từ “Bài ký phong thổ tỉnh Tuyên Quang” của Nguyễn Văn Bân (án sát sứ tỉnh TQ), đăng trên tạp chí
Nam Phong số 32, tháng 2-1920, in lại trong Du ký Việt Nam, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, nxb. Trẻ, 2007, tập III)