Tưởng thỏa thuận cho Pháp kéo ra. Đánh Pháp sẽ phải đánh cả với quân Tưởng. Lực lượng ta còn yếu lắm, việc chuẩn bị trường kỳ kháng chiến chưa xong, đánh làm sao!

Đành nghị hòa với Pháp để hoãn binh, chờ quân Tưởng rút, chờ ta thêm sẵn sàng.

Đã thương lượng tất phải nhân nhượng. Ta nhất định giữ quyền dân tộc tự quyết và sự toàn vẹn lãnh thổ, tức chỉ có thể tạm nhượng quyền đối ngoại.

Tại sao Pháp có thể chịu hòa với ta?

Vì nó muốn làm dân ta hoang mang, nhụt chí chiến đấu. Vì nó nghĩ có thể lợi dụng lủng củng nội bộ phía ta mà làm cho chính phủ thực sự sụp đổ, thay vào đó một chính phủ bù nhìn. Vì nó không muốn tạo cơ hội cho quân Tưởng nấn ná ở lại. Vì nó muốn đợi đưa thêm nhiều quân nữa sang. Giặc muốn tốt nhất chiếm lại được đất chiếm mà không phải đánh đấm gì cả (mới “Đại chiến” xong, mệt lắm!), còn nếu phải đánh thì có sẵn quân đông để cho mau thắng.

Đằng sau nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình là hai quyết tâm:

Phần nó, quyết bằng mọi cách tiếp tục làm “mẹ” (mẫu quốc) ta. Phần ta, quyết bằng mọi cách đá cho “mẹ” văng ra!

Vì “ước hòa” cùng giả dối, nên dĩ nhiên hòa ước nếu đạt chắc chắn sẽ không bền.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Đánh ngay hay tạm hòa”



Sáu tháng trước, Trùng Khánh đưa quân ào ạt vào miền Bắc (...) Hòa hoãn được với Tưởng (...) ta đã biến quân đội của chúng thành một bức rào để tạm thời ngăn quân Pháp trở lại miền Bắc (...)

Tình hình bắt đầu đổi khác.

Trước kia, ta tìm mọi cách lợi dụng mâu thuẫn giữa Pháp và Tưởng để tập trung mũi nhọn chĩa vào Pháp. Nay, hai kẻ thù đã tạm dàn xếp. Chúng đã bắt tay với nhau trong một âm mưu mới chống lại ta.

Cách mạng đang đứng trước một tình thế khó khăn và cấp bách.

Ngay sau khi hiệp ước Hoa – Pháp được công bố, Thường vụ đã nhận định, đây không phải là chuyện mua bán riêng giữa Tưởng và Pháp. Đây chính là sự nhân nhượng giữa Mỹ, Anh, Tưởng với Pháp về vấn đề Đông Dương. Chúng tạm dẹp mâu thuẫn bộ phận để cứu vãn quyền lợi chung, đang bị những cao trào cách mạng mới đe dọa.

Tưởng (...) trước khi rút quân đi (...) sẽ cố thay đổi thành phần trong Chính phủ ta (...)

Việt Nam quốc dân đảng và Việt Nam cách mệnh đồng minh hội (...) muốn phá cuộc đàm phán giữa ta và Pháp (...) cố đẩy ta chống lại hiệp ước Hoa – Pháp. Đó sẽ là cái cớ cho Tưởng và Pháp cấu kết với nhau để diệt cách mạng. Chúng sẽ vu cho ta là chống Đồng minh, chống hòa bình. Trong lúc ta ngăn quân Pháp tiến vào miền Bắc, (Việt Quốc và Việt Cách) sẽ nhanh chóng lập một chính phủ (...) chống ta (...) Quân Tưởng cũng sẽ nhân đó, nán ở lại Đông Dương.(1)

Tình hình đổi thay mau lẹ.

Nhưng (...) ta (...) đã thấy trước sự biến chuyển này. Từ hạ tuần tháng 11 năm 1945, trong bản chỉ thị Kháng chiến kiến quốc, Trung ương đã nhận định là bọn đế quốc sẽ nhân nhượng với nhau, cho Pháp trở lại. Và sớm hơn nữa, điều này đã được nêu ra từ Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào, trước ngày Cách mạng tháng Tám (...)

Trong thời gian ngắn ngủi vừa qua (...) ta đã tích cực chuẩn bị để đối phó với tình thế đó (...) Đế quốc Pháp (...) nhìn thấy một thực tế mới: Cả dân tộc Việt Nam đã (...) đứng dậy (...) Nước Việt Nam (...) đã có một chính phủ có thể động viên, tổ chức toàn dân kháng chiến (...) Kẻ xâm lược (...) không thể nhắm mắt làm ngơ (...) ngay cả khi cuộc dàn xếp của chúng với Tưởng đã xong. Một dấu hiệu rõ rệt là phái bộ Pháp ở Hà Nội đã phải nhiều lần xin gặp chính quyền ta.

Vấn đề lúc này là đánh hay hòa với Pháp.

Câu trả lời đã được Bác và Thường vụ nêu ra:

Có thể nói phứt ngay rằng; nếu Pháp giữ chủ trương (...) theo bản tuyên ngôn ngày 24 tháng 3 năm 1945 (2), thì nhất định đánh (...) theo lối du kích (...) nhưng nếu Pháp công nhận Đông Dương tự chủ thì có thể hòa, hòa để phá tan âm mưu (...) hãm ta vào tình thế cô độc, buộc ta phải đánh với mấy kẻ thù một lúc...

Lập trường của ta trong cuộc đàm phán là (...) Pháp phải thừa nhận quyền dân tộc tự quyết của ta và sự thống nhất quốc gia của ta (...)

Hòa (...) ta sẽ (có thời giờ) để sửa soạn cuộc chiến đấu mới (...) tiến tới giành được độc lập hoàn toàn.

Một điều quan trọng được Thường vụ nhấn mạnh:

“Điều cốt tử là trong khi mở cuộc đàm phán với Pháp, không những không ngừng một phút công việc sửa soạn (...) kháng chiến (...) mà còn hết sức xúc tiến việc sửa soạn ấy, và nhất định không để cho việc đàm phán làm nhụt tinh thần quyết chiến của dân tộc ta”.(3)


(Trong hồi ký
Những năm tháng không thể nào quên, bắt đầu viết từ mùa xuân năm 1970, viết xong vào mùa xuân 1972, in lần đầu năm 1974, in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006. Lược trích tr. 224-227, nhan đề tạm đặt.)